Monday, September 28, 2009
CHỮ LỄ TRONG XÃ HỘI CỘNG SẢN VIỆT NAM HÔM NAY
CHỮ LỄ TRONG XÃ HỘI CỘNG SẢN VIỆT NAM HÔM NAY
Hà Thuỷ
19/09/09
http://www.ddcvn.info/
90% lễ hội nhiễm tính đảng, phục vụ cho tuyên truyền của đảng.
Từ trong hệ thống chính trị hiện nay, ban chỉ đạo những ngày lễ lớn các cấp đều xây dựng kế hoạch các lễ hội, lập dự trù kinh phí để hợp thức hoá việc tiêu tiền của dân. Đó là những ngày kỷ niệm 3/2, 30/4, 19/5, 27/7, 2/9, 22/12..., ngày truyền thống, lễ phát động các cuộc thi, các cuộc vận động, lễ ra quân, lễ ra mắt, khai mạc, khánh thành, sơ kết - tổng kết, đại hội các cấp các ngành, gặp mặt, tuyên dương… Cứ có dịp là đảng tập trung, phát tài liệu, biểu diễn ca muá nhạc hay kịch bản sân khấu hoá truyền thống, phát biểu hay đọc các diễn văn, tham luận. Sau lễ là ăn uống. Nếu “chưa đủ đô”, ban tổ chức lễ hẹn nhau đi “ca hai, ca ba” bằng tiền “tiết kiệm” được từ lễ (thực ra là tính toán xà xẻo đủ kiểu từ ngân sách). Có những dịp lễ tốn kém mệt mỏi mấy ngày. Tất cả lễ đều chẵng mang ý nghiã nào thiết thực vì dân sinh hay phúc lợi xã hội (mà có cũng chỉ là nói), ngoài mục đích hàng đầu là tuyên truyền và củng cố vai trò độc trị của đảng…
Đến các lễ hội dân gian, đại diện của đảng cũng có mặt trong ban hành lễ, nắm mục đích tổ chức, xem xét kinh phí tài trợ, đồng thời lồng ghép nội dung và hình thức tuyên truyền cho đảng. Có cả PA.25 mặc thường phục, theo dõi an ninh tư tưởng. Phần lễ thường được sân khấu hóa bởi những đạo diễn của đảng, mà không phải là các nghệ nhân hoặc những bậc cao niên ngay tại địa phương đóng vai trò một chủ lễ thật sự. Tất cả tràn ngập màu sắc, âm thanh hiện đại, đủ các diễn viên chính quy cùng các phương tiện đạo cụ và phục trang, rầm rộ quảng cáo và tài trợ, còn có cả các “sao xẹt” chạy sô... Mới xem, ai cũng nghĩ lễ hội hoành tráng, thể hiện một đời sống sung túc...Nhưng kỳ thực, đó chỉ là hình thức. Giá trị nguyên sơ và mộc mạc dân gian không còn, tâm linh lễ bị biến dạng đáng sợ. Đa phần lễ hội bị tính đảng xâm thực, phần còn lại bị một số người lợi dụng buôn thần bán thánh hay phục hồi các hủ tục nặng nề tính lệ làng.
Một lễ hội đón giao thừa: Mở đầu bằng chương trình ca múa nhạc “mừng đảng mừng xuân”. Đến các quan cách mạng xuất hiện, đọc thư chúc tết và những phát biểu được viết sẵn rất dài dòng. Lại ca nhạc múa hát, chờ đến 24h bắn pháo hoa là xong. Sáng ra, ở nơi công cộng đẹp nhất tổ chức lễ tối qua là rác do ăn uống vặt, một số trẻ em nghèo đi tìm nhặt tiền rơi! Người dự lễ hội chỉ thấy cái rộn ràng nơi đông người, mà chẵng thấy ý nghĩa trang trọng gì của thời khắc giao thừa. Lớp trẻ kéo nhau đi lễ, bỏ cả đạo lý cùng gia đình cúng đón ông bà hay thắp nhang lên bàn thờ. Buổi sáng đầu năm, chúng còn mệt mỏi ngủ vùi. Lễ tiết đầy thiêng liêng trong gia đình bị đánh tráo, đem dùng cho hoạt động chính trị xã hội của đảng. Cùng với những hiện tượng tương tự, đây cũng là một trong những hướng lý giải vì sao nề nếp và các quan hệ gia đình Việt Nam ngày nay bị đảo lộn, lỏng lẻo.
Dịp rằm tháng Tư ÂL năm trước, một cấp chính quyền “dụ” nhà chùa tổ chức lễ nơi công cộng với lý do “tiện cho đoàn xe hoa diễu hành”. Vài nhà sư và phật tử cũng cũng tôn trọng đến dự, nhưng họ đã sẵn phương án khác. Ngay sau lễ do đảng chỉ định diễn ra trong vài giờ, tất cả lại kéo về chùa tổ chức những chuỗi hoạt động thật sự mang ý nghiã Phật giáo. Xưa nay, ai cũng biết dù cho chùa đổ nhưng Phật vẫn thiêng. Đằng này, đảng đưa Phật ra khỏi chùa; “khoe” chủ trương tự do tôn giáo, mà chính là làm bại hoại và ô nhiễm tôn giáo. Chuyện đàn áp các giáo xứ gần đây càng đáng báo động. Theo đảng, tất cả các trường hợp nhà thờ đòi đất đều bị xúi giục, giật dây. Đúng ra, đảng phải thừa nhận nguyên nhân chính: tự do thông tin đã giúp cho các giáo xứ can đảm đòi lại tài sản bị trưng dụng bằng cái thứ pháp luật rách bươm chắp vá nhiều thời kỳ chỉ nhằm bảo vệ đảng. Vậy mà đảng chỉ đạo đàn áp giáo dân thay vì đàm phán công khai tìm giải pháp; liên tục dấn những bước sai lầm có hệ thống từ quá khứ đến hiện tại. Gần đây, trở nên vô lý không còn chống chế được nữa, đảng buộc phải cho khôi phục chính thức hoạt động và sẽ phải trả lại ruộng đất, nhà thờ cho Đạo Cao Đài (nhưng cũng không nêu rõ lý do vì sao từ 1975 đến nay đảng cấm đạo, tịch thu tài sản, và vì sao một đảng chính trị lại có quyền hạn vô biên đó).
Tổ chức lễ hội trong hệ thống chính trị nhiều đến thế còn chưa đủ, chữ lễ của dân gian và đạo giáo cũng bị ý chí độc trị của đảng cưỡng chiếm nốt.
Đảng đề ra chữ lễ một đường, nhưng làm một nẻo.
Tại Côn Đảo, có mộ liệt sĩ Võ Thị Sáu, ngôi mộ gắn với nhiều chuyện linh thiêng. Nghe nói “chúa đảo thời Pháp” từng bị quả báo khi nhổ bỏ tấm bia mộ. Đó là chuyện xưa, còn mới gần đây, một xe tải lớn của Bộ Nội vụ chở đầy những hàng mã, chuyển xuống tàu, đưa ra đảo, cúng và đốt ở mộ chị Sáu, cùng một số mộ liệt sĩ. Sợ dân biết, việc này diễn ra giữa khuya, sáng ra còn tàn tro còn rải khắp vùng. Một vị tướng trong Bộ Quốc phòng cũng cúng đốt đồ mã tại mộ ấy. Hàng mã bây giờ còn mô phỏng cả xe 4 chỗ, biệt thự hay bất cứ những thứ sang trọng đắt tiền nào mà khách hàng muốn đặt. Có mặt hàng lên đến hơn 2 triệu VN đồng. Cứ về khu vực người Hoa làm hàng mã ở Quận 5 (Sài Gòn), sẽ tận mắt nhìn thấy thế giới “hàng mã cao cấp”. Quay lại vấn đề, vì sao một số đảng viên cao cấp lại làm chuyện “duy tâm” ấy? Chắc chắn là: đích thân các vị này phạm phải một tội ác chưa bị lộ, chuẩn bị vào một “phi vụ” làm ăn lớn, nhẹ nữa là bị “dính” lời phán của một thầy bói nào đó... nên lén đi cúng đốt đồ mã tận chân trời góc biển, cho trước mắt có thể “tai qua nạn khỏi”, còn lâu dài có thể tiếp tục chức quyền và hưởng thụ. Nếu không thì họ đã đi viếng nghĩa trang vào dịp 27/7 ở nơi cư trú, giữa thanh thiên bạch nhật. Người chết nếu linh thiêng, cũng chẵng bao giờ chứng giám “tấm lòng thành” của hạng đảng viên hành lễ kiểu này!
Đảng nghĩ gì khi mấy năm trước đây rầm rộ các xe biển số xanh cộng sản của các quan đi lễ hội và viếng chùa, bị người dân chỉ trích, phải “quán triệt cấm”. Im được thời gian, nay giàu có hơn, các đảng viên quan chức sắm xe riêng, nhưng vẫn đổ xăng từ ngân sách và sử dụng tài xế cơ quan, tha hồ đến những nơi kể trên, còn mang theo lễ cúng rình rang; dân chúng hết đường chỉ trích mà đảng cũng lặng im! Đảng nghĩ gì khi cử người đi tặng quà cho mẹ liệt sĩ ở một xóm ấp nọ, trong khi khi đối diện bên kia đường một bà mẹ khác có con là lính Việt Nam cộng hoà cũng chết vì chiến tranh, nay chưa tìm được xác, một mình bà tự sống suốt mấy chục năm nay? Làm việc ấy phải chăng đảng nhằm tiếp tục gây chia rẽ và hận thù? Đảng nghĩ gì về ngày rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm, nhân dân nay còn giữ tục cúng cho mọi vong hồn “thập loại chúng sinh”, có cả những người không may chết vì mũi tên hòn đạn trên đất nước nghìn năm trận mạc này. Trong khi đó, các chiến sĩ quân đội vì sự nghiệp của đảng đã hy sinh trên biên giới phiá Bắc, không nhang khói, nghiã trang thì hoang tàn như nhà báo Huy Đức đã nêu ra trên trên blog Osin? Chiến tranh 1979 nổ ra, Nhà xuất bản Sự thật của đảng lên án “bọn bành trướng Trung Quốc phản thầy hại bạn, cõng rắn cắn gà nhà”. Nay cũng sự thật còn sờ sờ đó, mà đảng lại im bặt và rất lễ nghiã với kẻ thù? Đúng là thứ lễ nghiã mãi quốc cầu vinh!
Trước cách làm một nẻo của đảng, người dân lại theo một nẻo khác.
Ngành văn hóa hiện có yêu cầu treo cờ tổ quốc cao hơn cờ hội ở các lễ hội, nhưng hầu như không thấy ai thực hiện. Sau 20 ngày, ngành quy định báo cáo việc tổ chức lễ, cũng không ai làm. Quy chế đề ra nhiều năm nay, không có tác dụng, nay lại chuẩn bị bãi bỏ để ra quy chế mới! Không chỉ với lễ hội dân gian, hai ngày 30/4 và 2/9 hàng năm, mặc dù ban thôn ấp và khu phố, rồi loa công cộng nhắc nhở liên tục trước lễ, vẫn nhiều nhà không treo cờ tổ quốc. Họ quên tổ quốc rồi chăng? Không phải. Cứ nhìn vào các phong trào phản đối Trung Quốc khai thác bôxit và chiếm lấn biên giới biển đảo trong thời gian qua, đủ biết tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam tuy tiềm ẩn, nhưng khi bùng phát thì mạnh mẽ biết bao.
Vấn đề ở chỗ: lá cờ đỏ sao vàng của “Đoàn quân Việt Nam đi” nhưng hầu hết không thấy đoàn quân trở về, cờ từng “in máu chiến thắng mang hồn nước” bao thế hệ - lá cờ ấy ngày nay không còn là hình ảnh thiêng liêng của tổ quốc trong một bộ phận người dân. Gìn giữ, bảo vệ tổ quốc là việc hiện người dân tự bàn, mà không còn trông chờ vào đảng - nghiã là họ không cần đến đảng. Kết cục đất nước tụt hậu mấy chục năm do “tài lãnh đạo” của đảng, hiện trạng nợ ngập đầu đến hạn nay phải moi tài nguyên quốc gia bán cho nước ngoài để trả, kể cả thái độ của đảng trước nguy cơ quốc gia bị xâm hại... đã làm cho nhiều người chẵng còn tiếp tục gửi vào đó một niềm tin.
Nhân đây, xin nói thêm về lễ chào cờ ở hầu hết các trường phổ thông. Những em chăm ngoan, thực hiện tốt công tác đoàn đội và những em vi phạm kỷ luật nhà trường đều xuất hiện dưới cờ, ngay sau khi chào cờ: một bên được tuyên dương và một bên bị kể tội và nhận hình phạt. Từ đó, lễ chào cờ trở thành phiên tòa, như “đấu tố” ngày xưa. Những em vi phạm do hiếu động tuổi mới lớn, còn do ảnh hưởng từ gia đình, xã hội hoặc đôi khi chính hình ảnh các thầy cô... Nhiều em trong số đó rất năng động thông minh, cá tính hơn hẳn những em chỉ biết hiền lành nghe theo đoàn đội để sau này trở thành lớp kế tục sự nghiệp cách mạng của đảng, lớp người rất dễ chịu chấp nhận đảng trị mà không có một phản biện nào. Và với việc áp dụng kể tội dưới cờ như thế, dần dần những em vi phạm trốn tiết chào cờ, nhìn cờ đỏ sao vàng như một dấu hiệu cảnh báo. Với cách nghĩ của các em, tổ quốc đã trở thành cách hiểu thu hẹp méo mó, lễ chào cờ trở thành dịp kết tội một cách đáng sợ. Là do cách giáo dục của đảng mà ra cả.
Vừa qua, trên một tờ báo trong nước có bài phỏng vấn đại tá - tiến sĩ Hồ Sơn Đài , trưởng phòng khoa học Công nghệ môi trường Quân khu VII, từng là giảng viên môn bảo tàng. Phóng viên hỏi vì sao nhiều bảo tàng cách mạng hiện nay tại Sài Gòn đìu hiu, ông Hồ Sơn Đài cho biết do các bảo tàng “không tôn trọng nguyên tắc sống còn về hiện vật gốc, cho sao chép và trưng bày giống nhau ở nhiều bảo tàng dẫn đến đi đâu cũng xem một thứ, nhàm chán. Thứ hai: cách trưng bày không tôn vinh hiện vật hình ảnh quan trọng, để nhiều thứ khác che lấp, phân tán thiếu khoa học, chủ đề dàn trải...”. Phóng viên hỏi vì sao vẫn sao chép trưng bày tràn lan nhiều nơi mà không tôn trọng tính độc đáo quý hiếm của hiện vật, được trả lời: “Do quan niệm sai: bảo tàng là một cuốn lịch sử viết bằng hiện vật, người ta dựng lại lịch sử rồi đem hiện vật ra để chứng minh. Đúng ra phải ngược lại: hiện vật tự thân nó làm hiện lên lịch sử, đưa người ta về với LS. Còn người xem muốn biết rộng hơn thì lúc đó mới cần thuyết minh. Còn hiện nay, thuyết minh thuộc bài, trả bài tất”. Đáng tiếc, đây là cuộc phỏng vấn và trả lời nửa vời. Chúng ta cũng hiểu và thông cảm với ông Hồ Sơn Đài, bởi vì nếu “chạm đáy” vấn đề thì chắc chắn ông sẽ mất lương, bị cách chức, bị quy vào thành phần “tự diễn biến”, rất dễ vào tù. Việc sao chép hiện vật trưng bày khắp nơi cũng chính là việc đảng tiếp tục tuyên truyền một chiều, gây hận thù dai dẳng trong người dân ở các thời kỳ và chế độ khác nhau. Tình cảnh chợ chiều của các bảo tàng là dấu hiệu cho thấy người dân đã hiểu ra cái lịch sử sai sự thật ấy, thật không đáng quan tâm. Truớc đây, trong những ngày lễ lớn, nhiều đoàn thuộc các cơ quan đoàn thể, nhất là đoàn viên đội viên “cháu ngoan Bác Hồ”... được đảng “bao tour tham quan chính trị” đến những địa điểm này, để đảng tuyên truyền. Lễ nghiã ở đây thêm một lần nữa bị áp chế bởi tư tưởng CS. Nhưng nay thì tình thế đã đảo chiều.
Tất cả các lễ hội đều bị thương mại hoá, tràn ngập kinh doanh.
Ở Trà Vinh, trong lễ nghinh ông (thờ cúng cá ông), đến phần hội vui chơi, có vị bày ra trò đánh bóng chuyền nữ trên bãi biển! Tại Lễ hội Bà Chúa Xứ ở Núi Sam Châu Đốc, có hệ thống bói toán hoàn chỉnh, chính quy, công khai thu tiền mà không ai dẹp loạn. Tại một lễ hội dân gian ở Tây Ninh, có cả bán vé vào cổng chính. Những lễ hội trên đều có người của đảng tham gia ban tổ chức. Còn tại lễ giỗ tổ vua Hùng ngày mồng 10/3 ÂL vừa qua, khi nghệ nhân (chủ nhân của chiếc bánh dày dâng tiến vua Hùng, tham gia cuộc thi) vừa nghe công bố đạt giải nhất, còn mặc nguyên bộ lễ phục, chuyển sang đóng vai bán lẻ: 5.000 đồng/ bánh. Người mua: 3000 đồng. Người bán: Lộc đấy, đừng có mà trả giá! Trên Đồi Sim mới khánh thành đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân, trước sân đã đồng thời kèm bảng danh sách ghi tên các đơn vị, cá nhân cung tiến, trong đó có ghi nhiều người hiến đôi nhẫn vàng. Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh thì các liền anh mang veston cà vạt, hát nhạc nhẹ. Phim chiếu lưu động thì trưng quảng cáo: “2 trong 1” và “Dòng máu anh hùng”. Một lễ trọng thiêng liêng cả nước do trung ương tổ chức mà bát nháo chợ búa đến thế, đừng trách lễ hội do quan chức cấp tỉnh huyện hay người dân tổ chức!
Hiện nay, các bước khởi động cho Lễ hội “Nghìn năm Thăng Long” cũng gắn chặt với việc tìm kiếm tài trợ. Các bộ ngành tận Hà Nội liên tục điện thoại, gửi mail trên cả nước, cử người đến gặp các giám đốc danh nghiệp và công ty, nhằm thuyết phục tài trợ. Các nhà báo “lề phải” cũng được dịp, tìm đến o bế viết bài. Việc mời gọi tài trợ đánh vào nhu cầu: doanh nghiệp tin rằng đến lễ mang lộc về sẽ làm ăn phát đạt, được tôn vinh tại lễ lại tạo uy tín cho thương hiệu. Không ít người đã chấp nhận cuộc chơi “được anh được ả - được cả hai bên” này. Rồi đến các đạo diễn và dàn dựng chương trình đủ trình độ, các khâu dịch vụ kèm theo cũng tìm cách chen chân chiếm lấy cơ hội từ ban tổ chức, với mục đích và niềm tự hào hàng đầu là kiếm được nhiều tiền. Lý do họ gặp nhau và các quan hệ ràng buộc cho lễ hội trước hết đều bị chi phối và dẫn dắt bởi đồng tiền.
Đối với các dịp lễ mang tính riêng tư gia đình, các nghi lễ vòng đời người... do đảng viên là quan chức lớn tổ chức tại gia, chữ lễ đi liền với chữ lộc. Phú quý sinh lễ nghĩa, các “cận thần” và những quan nhỏ đã từng mang ơn hay đang có ý định lọt vào mắt xanh của sếp để thăng tiến, lãnh dự án, cả những người đang giữ các mối quan hệ “làm ăn”... Tất cả họ lấy kinh nghiệm “đồng tiền đi trước là đồng tiên khôn”, mang “phong bì dày cộp” và quà cáp đắt tiền đến nhằm tỏ rõ “tình cảm với sếp”. Có cả đám tang, nhiều gia đình quan chức còn kéo dài thời gian chôn cất với lý do chờ đến ngày tốt theo quẻ phán của thầy bói. Qua đó, các quan cũng nhằm “tận thu” lợi lộc từ các quan hệ thân cận gần xa. Chữ lễ ở đây được đặt trong điều kiện trao đổi các giá trị, mà trong đó giá trị vật chất luôn là yếu tố đứng đầu.
Những thực tế trên cho thấy chữ lễ theo lý luận Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh, thứ mà đảng kiên trì bảo vệ đến cùng, chỉ thêm một lần nữa lừa dối toàn xã hội. So với lễ nghiã tốt đẹp muôn đời của dân tộc, đảng rất nhỏ bé, bảo thủ, lợi dụng và giả tạo. Chưa bao giờ trong xã hội của đảng, chữ lễ bị ứng xử và chà đạp như hôm nay. Tiền nhân có câu: "Dân sính lễ là điềm suy xã tắc...". Nhưng vì sao trong dân chúng có hiện tượng “sính lễ”? Nguyên nhân đều từ đảng cầm quyền mà ra. Một thời đảng cấm tất cả các lễ hội, nay thì khôi phục tràn lan miễn là nhằm chính trị hoá, mặc cho các đối tượng lợi dụng kinh doanh. Đảng cầm quyền mà không là tấm gương trong sáng, còn trở thành thực thể lập dị trong trong đời sống tâm linh dân tộc, thì người dân cũng bất chấp. Cho nên cần truy tận căn nguyên vấn đề, và chỉ thẳng: đảng sính lễ là điềm suy xã tắc!
No comments:
Post a Comment