Sunday, September 27, 2009

CHIẾC BÓNG CỦA CUỘC TÀN SÁT THIÊN AN MÔN


Chiếc bóng của cuộc tàn sát Thiên An Môn
Jean-Philippe Béja
Nguyễn Ước dịch

26/09/2009 10:41 chiều
http://www.talawas.org/?p=10770
Jean-Philippe Béja là nhà nghiên cứu kỳ cựu của Centre Nationale de la Recherche Scientifique (Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia) và Center for International Studies and Research (Sicences-Po) (Trung tâm Nghiên cứu và Ðiều nghiên Quốc tế (Khoa học-Chính trị)) tại Paris, hiện có cơ sở tại The French Center for the Study of Contemporary China (Trung tâm Pháp Nghiên cứu Trung Quốc đương đại). Trong số các sách đã xuất bản của ông có A la recherche d’une ombre chinoise: Le mouvement pour la democratie en Chine, 1919-2004 (Nghiên cứu chiếc bóng Trung Quốc: Phong trào dân chủ tại Trung Quốc, 1919-2004), Edition du Seuil, Paris, 2004.

-------------------------------------------

“Cứ giết hai trăm ngàn để có được hai chục năm yên ổn.” Hai chục năm sau cuộc tàn sát tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng Sáu năm 1989, lời trích dẫn ấy được qui cho Ðặng Tiểu Bình và dường như nó không lên tới con số lớn lao đó. Chỉ tốn có một ngàn hai trăm người chết để Ðảng Cộng sản Trung Quốc (ÐCSTQ) đạt được nguyện vọng hai thập niên bình lặng. Tuy thế, bên dưới bề mặt ổn định đó, cuộc tàn sát ấy vẫn tác động sâu xa lên các nhà cai trị Trung Quốc (TQ) cũng như phía đối kháng họ. Sự căng thẳng mà các lãnh tụ ÐCSTQ nói tới khi đến gần ngày kỷ niệm năm thứ 20 Thiên An Môn cho thấy rằng, bất chấp mọi nỗ lực tẩy xóa biến cố này của các sử gia chính thức và ký ức của đại chúng, Đảng vẫn còn bị nó ám ảnh.
[1]
Khi chiến xa của Quân đội Nhân dân Giải phóng (QÐNDGP) lăn vào trung tâm thành phố Bắc Kinh ngày 4 tháng Sáu để ủi các sinh viên, những kẻ – với sự trợ giúp của các công dân đang cố sức ngăn cản những cuộc chuyển quân – chiếm cứ Quảng trường Thiên An Môn từ trung tuần tháng Năm, ÐCSTQ và lãnh tụ chóp bu Ðặng Tiểu Bình đột nhiên cay nghiệt ném ra một ngọn lửa mới.
Kể từ hành động củng cố quyền lực của mình vào cuối thập niên 1980, Ðặng càng ngày càng có vẻ là một anh hùng đối với hầu hết người TQ. Ông phục hồi nhiều nạn nhân của Mao, cho phép những thanh niên nam nữ bị vị Chủ tịch quá cố phái xuống nông thôn được quay về thành thị, nới lỏng các kiểm soát đối với kinh tế nông thôn và trong cuộc sống hằng ngày, và như thế, ông thu phục được sự ủng hộ của nông dân, trí thức và thanh niên.
Ðặng được đánh giá là người theo chủ nghĩa thực dụng, kẻ dũng cảm đương đầu với những người theo phái tân-Mao-ít, đồng thời muốn cải thiện tiêu chuẩn đời sống của người công dân trung bình. Triệu Tử Dương, người được chính tay Ðặng chọn lựa kỹ càng để làm Tổng Bí thư ÐCSTQ, lúc này nói tới việc đối thoại rộng rãi hơn với xã hội, thậm chí tới việc tách Đảng ra khỏi chính quyền. Trên qui mô lớn, các công dân có cảm giác tự do hơn khi nói lên bất mãn của mình, trong lúc sinh viên và các nhà trí thức đang tranh luận về những viễn cảnh cho một sự dân chủ hóa gia tăng. Những cuộc biểu tình của sinh viên hồi năm 1986 đã gặp phản ứng nhẹ nhàng của chính quyền khiến dường như có thể có một ít bằng chứng cho ý niệm rằng Đảng đã thay đổi và đang được lãnh đạo bởi các nhân vật ít dị ứng với sự bất đồng ý kiến hơn Người Cầm lái Vĩ đại trước đây. Thế rồi, những phát súng bắn ngày 4 tháng Sáu và sự thẳng tay đàn áp tiếp đó đã gây choáng váng tột độ, đảo ngược các ấn tượng vừa kể cũng như các kỳ vọng vào tính bao dung của chế độ.
Liền theo sau biến cố Thiên An Môn ngày 4 tháng Sáu, Ðặng Tiểu Bình chỉ tỏ lòng thương tiếc các bộ đội và viên chức công an đã chết
[2], trong khi sinh viên và công dân địa phương từng chống cự QÐNDGP thì bị kết án là “những tên phiến loạn”. Sự tương phản giữa bài diễn văn này và thực tại đã gây sốc tới độ nó giáng một đòn cực mạnh vào tính chính thống của ÐCSTQ mà bản chất của nó dường như không thay đổi, bất chấp mọi cải cách trong thập niên 1980.
Những bản án tử hình và giam cầm dài ngày phát cho “những tên phiến loạn” và những người khác đã dám chống lại quân đội; sự áp dụng những kiểm soát nghiêm ngặt báo chí; và việc giải tán hết thảy các nhóm xã hội dân sự xuất hiện thời thập niên 1980, đã cho thấy Đảng muốn áp đặt sự cai trị của mình bằng vũ lực. Không có vấn đề phát biểu ý kiến bất đồng và chỉ đề cập tới cuộc đàn áp thôi cũng đủ khiến người ta có thể đi tù.
Bài học chính mà Ðặng rút ra từ “cuộc rối loạn” hoặc “cơn bão” năm 1989 là nhu cầu tái xác nhận cái gọi là Bốn Nguyên lý Chủ đạo: Chủ nghĩa xã hội; Tư tưởng Mao-ít Mác-xít Lê-ni-nít; Chế độ chuyên chính dân chủ nhân dân; và Quyền lãnh đạo của Ðảng CSTQ. Ðối với một người Lê-ni-nít như Ðặng, sự rạn nứt của ÐCSTQ đã là và vẫn còn là mối đe dọa trầm trọng nhất. Triệu Tử Dương, trong khi tiếp tục giữ niềm tin vào việc đối thoại sâu rộng hơn với xã hội, muốn mở những cuộc nói chuyện với sinh viên biểu tình, kể cả sau khi Ðặng Tiểu Bình đã viết trong Nhân dân Nhật báo số ra ngày 26 tháng Tư rằng bọn chúng chẳng hơn gì “một nhúm những tên phản cách mạng.”
[3]
Khi Ðặng tuyên bố thiết quân luật vào ngày 20 tháng Năm, Triệu từ chức để phản đối (cũng có hai nguyên soái chống lại việc thiết quân luật), khiến họ Ðặng lo lắng sâu xa về sự nứt rạn trong hàng ngũ cao cấp hơn của Ðảng. Việc Triệu không chịu hứa sẽ tự kiểm điểm hành động của mình khiến ông bị quản chế tại gia cho tới ngày qua đời vào năm 2005.[4] Từ đó, tên ông bị xóa khỏi truyền thông chính thức, kể cả sách giáo khoa sử ký.
Trước biến cố Thiên An Môn, cạnh tranh giữa những người cải cách tập hợp chung quanh Ðặng và những người bảo thủ của Đảng do Trần Vân (Chen Yun) cầm đầu. Kể từ lúc đó, ÐCSTQ sẵn sàng trả bất cứ giá nào để duy trì sự đoàn kết trong Đảng. Rõ ràng là các lãnh tụ lão thành khác nhau từng phân rẽ theo những chính sách khác nhau, nhưng điều quan trọng là không bao giờ được phép đạt tới điểm “tranh chấp giữa hai đường lối”. Sự thôi thúc ÐCSTQ phải siết chặt hàng ngũ và giữ gìn đoàn kết là một trong những di sản chủ yếu của ngày 4 tháng Sáu năm 1989.

Tính chính thống qua sự kết nạp ưu tuyển
Không lâu sau biến cố Thiên An Môn, sự rạn nứt của Liên bang Sô-viết (LBSV) và những tai ương kinh tế làm rung chuyển các nhà nước kế thừa của nó đã cho các lãnh tụ của ÐCSTQ một cơ hội tuyệt vời để lấy lại thế chủ động. Không phải chính sách glasnost (cởi mở) đầy tai họa của Mikhail Gorbachev đã làm vỡ LBSV một thời hùng mạnh thành từng mảnh, khiến ÐCS đánh mất quyền lực sao? Nếu ÐCSTQ làm theo ý muốn của Triệu Tử Dương mà nhượng bộ phong trào dân chủ thì liệu Tây Tạng và Tân Cương sẽ không ly khai, Ðảng sẽ không tuột mất quyền lực và một TQ chia cắt sẽ không tự thấy nó trườn trở lại tình trạng nghèo khổ khủng khiếp? Phải chăng giấc mơ một TQ “hùng cường và thịnh vượng” – giấc mơ không chỉ được chia sẻ bởi các lãnh tụ ÐCSTQ mà còn bởi các thế hệ trí thức TQ từ Chiến tranh Nha phiến vào giữa thế kỷ 19 – đang bị nghiền nát? Chẳng phải cách giải quyết của họ Ðặng trên bề mặt của cuộc xáo trộn thân dân chủ nguy hiểm đã giữ cho TQ thống nhất và cứu nó thoát khỏi những âm mưu đáng ngờ của phương Tây sao?
Bỏ sang một bên lối hùng biện ấy, Ðặng hiểu rất rõ rằng lý do chính khiến LBSV sụp đổ là vì thất bại kinh tế của nó và rằng hành động tăng gấp đôi các kiểm soát mang tính độc tài chuyên chế tự nó không thể giải quyết các vấn đề của TQ. Vì thế ông khắc phục tâm trạng lưỡng lự của các đồng đảng bảo thủ (người Mác-xít chính thống) và phát động một đợt sóng mới gồm những cải cách kinh tế vào năm 1992.
[5] Trong khi đề quyết rằng công tác chủ yếu của ÐCSTQ là làm cho TQ giàu và mạnh, Ðặng thêm rằng các câu hỏi như việc chính sách đã định mang tính “tư bản chủ nghĩa” hay mang tính “xã hội chủ nghĩa” đều lạc đề, vì “phát triển là vấn đề quan trọng nhất”. Ðể đạt được nó, Ðặng nhấn mạnh tầm quan trọng của cởi mở kinh tế, đi theo sự toàn cầu hóa và cho phép người mạo hiểm kinh doanh được làm giàu.
Ðối với giới trí thức từng đóng vai trò lớn trong các cuộc phản đối năm 1989, Ðặng đưa ra cái có nghĩa như một khế ước xã hội mới. Ông có thể phục hồi về mặt phẩm hạnh cho các nhà trí thức ấy bằng cách tuyên bố rằng họ thuộc thành phần giai cấp lao động tính từ năm 1978, nhưng như thế chẳng làm gì cho họ về mặt vật chất. Sau chuyến tuần du phương nam năm 1992, Ðặng cho họ được phép trở thành người mở cơ sở kinh doanh và tích lũy tài sản. Nhiều nhà trí thức nắm lấy cơ hội này và bận rộn túi bụi thành lập công ty dịch vụ hay công nghệ cao. Những kẻ ở lại trong giới hàn lâm được phép liên kết với cộng đồng khoa học quốc tế, và các điều kiện lương bổng, phúc lợi, cơ hội làm việc của họ được cải thiện rất lẹ.
Tóm lại, Đảng đã quyết định kết nạp các loại hạng xã hội có vấn đề nhất, những kẻ từng có mặt ở hàng đầu của phong trào dân chủ. Trái với thập niên 1980 là thời sinh viên miễn cưỡng gia nhập Đảng, tới cuối thập niên 1990, hơn 80% sinh viên nạp đơn xin làm thành viên ÐCSTQ. Như lời mô tả của Giang Trạch Dân, Đảng sẽ nới rộng để tiêu biểu cho các tập thể lớn lao của TQ và cũng sẽ là đại diện cho các lực lượng sản xuất tiên tiến (các doanh gia, kỹ sư và đại loại như thế) và các lực lượng văn hóa tiên tiến nhất (các nhà trí thức đồng ý không đặt vấn đề về sự cai trị của ÐCSTQ). Cái gọi là Ba-đại-diện cùng thao tác, cái này tiếp liền cái kia với nỗ lực kiên quyết ngăn chặn sự xuất hiện của bất cứ thực thể tự trị nào có thể thách đố sự cai trị của Đảng – và ÐCSTQ lấy được sự ủng hộ của những người ưu tú về kinh tế và nhận thức, những kẻ đi theo cái bị nhà nghiên cứu văn học và bất đồng ý kiến Lưu Hiểu Ba gọi là “triết lý con lợn”.
[6]
Khi các chính sách phát triển hữu hảo với giới ưu tuyển (elite-friendly) mới mẻ được đưa vào thực hiện, chúng bắt đầu gây phiền nhiễu các công nhân trong công ty quốc doanh và các nông dân chắt bóp bằng việc sụt giá nông trại. Nhằm ngăn chặn tình trạng bất mãn sôi sục giữa các giai cấp bên lề ấy khỏi cô kết thành một phong trào giống như cái đã gây nên cuộc náo động năm 1989, các lãnh tụ Đảng dùng chính sách cây gậy và củ cà rốt.
Các toan tính thành lập nghiệp đoàn tự trị hoặc thậm chí các nhóm hội họp thảo luận thì sẽ gặp cây gậy trong hình thức đàn áp ngay tức khắc. Không được phép xuất hiện trở lại những cái từng nở rộ vào cuối thập niên 1980, những cái tương tự như đàm luận nơi phòng khách (salon), trung tâm nghiên cứu bán tự trị, truyền thông bán tự trị. Năm 1998, khi các nhà hoạt động ra sức thành lập Ðảng Dân chủ Trung Quốc, Giang Trạch Dân ra lệnh “Bóp chết [nó] ngay trong trứng nước”. Thậm chí “các nhóm suy tưởng” vô thưởng vô phạt như Nhóm Nghiên cứu Thanh niên Mới, cả thảy chỉ có tám thành viên cũng trở thành mục tiêu bị đàn áp nặng nề.
[7] Các nhà trí thức ra sức giúp đỡ nông dân và công nhân trình bày rõ ràng những khiếu nại của họ đều luôn luôn bị Ðảng xem là ác mộng và được guồng máy công an nội chính chú ý đặc biệt. Việc lập ra những liên kết hoặc móc nối giữa các làng xã hoặc các đơn vị lao động đều bị nghiêm cấm.
Cà rốt gồm những nhượng bộ người bất mãn. Việc nhấn mạnh tới sự “cai trị của luật pháp” như một van an toàn từ những cú giao bóng đưa qua chuyền lại như là dẫn chứng cụ thể. Nạn nhân của các viên chức hà lạm được khuyến khích yêu cầu lập hồ sơ đưa ra tòa. Việc khiếu kiện như thế cho phép hệ thống sửa sai các khiếu nại của họ bằng cách tách các yêu sách của công dân ra rồi đề cập tới từng phần một như là khiếu nại của cá nhân, chứ không phải như một cụm, một món của một phong trào xã hội. Chính sự trông cậy vào tòa án liên quan tới sự công nhận tính chính thống của chế độ.
Khi nổ ra phản đối tại một xưởng máy hay một làng xã, chính quyền có thể điều đình hoặc phái công an tới (nếu không thì có bọn xã hội đen (hắc xã hội – hei shehui), băng đảng mafia địa phương thường câu kết với chính quyền địa phương). Tuy thế, các viên chức chính quyền sẽ chẳng bao giờ làm gì cả ngoài việc chỉ bỏ ra tí hơi sức để ngăn không cho phản đối lan rộng. Năm 2003, khi các công nhân tại một xí nghiệp ở Liêu Dương tìm cách mời gọi thêm công nhân từ các xưởng máy khác trong thành phố để có một cuộc biểu tình, những người tổ chức cuộc phản đối ấy nhanh chóng thấy mình nằm trong nhà tù.
[8] Suốt hai thập niên vừa qua, sự vắng mặt của bất cứ phong trào xã hội có qui mô lớn nào, so sánh với phong trào dân chủ cuối thập niên 1980, đã góp phần không nhỏ cho bằng chứng rõ ràng nhất về hiệu quả các nỗ lực kiên quyết của chế độ nhằm ngăn chặn các cuộc phản đối.

Người lưu vong và người bất đồng ý kiến
Ðối với phía đối kháng, một trong các hậu quả trước hết của cuộc tàn sát Thiên An Môn là việc bay ra hải ngoại của một số lớn các nhà hoạt động. Vào tháng Chín năm 1989, lần đầu tiên tính từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc bốn chục năm trước, có cuộc tập họp bên ngoài TQ của lãnh tụ các phong trào quần chúng. Vào dịp này, họ gặp nhau tại Pháp với mục đích sáng lập một tổ chức lưu vong đối kháng có tên là Liên đoàn Trung Quốc Dân chủ (LÐTQDC – Federation for Democratic China). Liên đoàn ấy là một nỗ lực nhằm qui tụ các nhà đối kháng trong đó có một số đã sống ở hải ngoại mấy năm trước. Sinh viên trẻ, người cánh hữu, cán bộ Ðảng trong các mạng lưới của Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, gặp gỡ nhau hầu hoạch định sách lược đấu tranh chống ÐCSTQ. Thế nhưng thật khó tìm thấy một nền tảng cho sự hợp tác, và tình trạng của LÐTQDC như một tập đoàn lưu vong không tránh khỏi việc bị cắt đứt với các thực tại cơ bản tại TQ. Những tranh luận giữa thành viên thì trừu tượng và không tác động lên các phát triển tại TQ. Việc đua nhau tranh thủ sự ủng hộ của các sức mạnh chính trị ngoại quốc kích động đấu tranh nội bộ dữ dội, và thế là giấc mộng sẽ xuất hiện một Tôn Dật Tiên mới bay hơi. Mấy năm sau, các nhân vật hàng đầu khởi sự lảng xa LÐTQDC, và rồi nó chết dần.
Thành tựu lớn lao của những người lưu vong là góp phần giữ cho hồi ức về phong trào 1989 tiếp tục sống và thông báo cho các chính quyền ngoại quốc, công chúng và các cơ sở truyền thông tin tức về những vi phạm nhân quyền tại TQ. Trong thực tế, các tổ chức đặt trọng tâm lên chủ đề nói trên, thí dụ Humanrights in China (Nhân quyền tại Trung Quốc), Chinese Human Rights Defenders (Người bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc) và Chinese Labour Bulletin (Trung Quốc Lao động Tập san), một tạp chí chuyên việc phổ biến những tấn kích vào quyền của công nhân, là ba cơ sở hoạt động hữu hiệu nhất và tạo được ảnh hưởng có ý nghĩa lên các giới chức chính quyền phương Tây.
[9]
Thế nhưng đối với cộng đồng lưu vong như một toàn bộ, đại lộ thênh thang nhất để tác động lên đời sống tại TQ không phải là một tổ chức chính trị chính thức hay sự chú ý của các chính phủ ngoại quốc, mà là những móc nối riêng rẽ theo quan hệ cá nhân với đông đảo người TQ có học, đặc biệt từ giữa thập niên 1990, được ra nước ngoài du học, giảng dạy, tiến hành nghiên cứu hoặc tham gia những cuộc tụ họp về học thuật. Việc các nhà trí thức xuất du gặp gỡ đồng nghiệp đang lưu vong và cùng thảo luận với họ về tương lai của TQ thì cũng ít ỏi như ý thích của các cơ quan an ninh nhà nước TQ về vấn đề đó.
Sau khi chấm dứt thiết quân luật vào tháng Giêng năm 1990, và đặc biệt sau khi Ðặng Tiểu Bình, trong chuyến tuần du khắp Hoa Nam năm 1992, tái khẳng định lời cam kết cải cách kinh tế, hàng ngũ tích cực của phong trào thân dân chủ ngày càng mỏng hơn. Tuy thế, có một số nhỏ các nhà hoạt động tiếp tục thúc đẩy mặc dù môi trường bất thân thiện, không chỉ do sự có mặt khắp nơi của công an. Sau khi họ Ðặng thêm lần nữa tuyên bố lời cam kết của ông đối với chủ nghĩa tư bản, kiểu TQ, thì lập tức nổi bật lên trên mọi lãnh vực của quần chúng là một tâm trạng mới, quan tâm tới việc làm ra tiền. Ðòi hỏi dân chủ và cải cách chính trị bị xuống thấp, đặc biệt trong giới thị dân từng ủng hộ phong trào sinh viên năm 1989; lúc này, họ bận rộn với việc nắm lấy lợi thế trong các cơ hội mà chính sách mới của Ðặng mở ra cho mình.
Ðiều này không gợi cho thấy rằng các điều kiện trở nên thuận lợi khi dân chúng càng ngày càng bị xao lãng bởi viễn kiến làm giàu cho cá nhân. Liền theo sau vụ Thiên An Môn, các cuộc biểu tình chống chính phủ bị nghiêm cấm, công an có mặt khắp nơi, và khắp nơi tràn ngập sự sợ hãi bị đàn áp. Sinh viên bị bắt học các bài tập quân sự dưới sự giám sát của quân đội, và hầu hết thủ lãnh thấm nhuần tinh thần Bát Cửu (1989) đều phải lưu vong, ẩn trốn hoặc đi tù. Bất cứ hành động thúc đẩy dân chủ hóa nào dựa trên sự ủng hộ của giới ưu tú đều bị kết tội, bởi sau ngày 4 tháng Sáu năm 1989, các lãnh tụ Đảng từng che chở và nuôi dưỡng phong trào đó đều bị thanh trừng khỏi các vị trí quyền lực.
Do đó, hầu như không có không gian cho việc phô diễn sự bất đồng ý kiến. Tuy thế, một số nhà hoạt động, đặc biệt những người bị bắt giam trong cuộc đàn áp sau-Thiên An Môn không chịu buông bỏ cuộc đấu tranh cho dân chủ. Một khi được thả ra, họ thấy mình bị tống xuất khỏi đơn vị công tác liên hệ (thường là trường đại học hoặc viện nghiên cứu), bị công an cấm không cho mở cơ sở kinh doanh tư, chịu sự giám sát nghêm ngặt và bị cô lập khỏi phần còn lại của xã hội. Tình cảnh của họ có nét phảng phất với và làm ta nhớ lại những gì người bất đồng ý kiến ở Tiệp Khắc phải đối mặt sau khi chiến xa Sô-viết nghiền nát Mùa Xuân Prague vào năm 1968. Phản ứng của họ cũng thế. Giống với những tiền bối tinh thần Trung Âu của mình, nhiều người TQ bất đồng ý kiến kiên quyết “sống trong chân lý” bằng cách nói lên những ngược đãi của ÐCSTQ trong bất cứ cơ hội nào có được. Họ công bố các bài bình luận chính trị của mình tại Hong Kong hay trên truyền thông quốc tế, và về sau trên internet. Ho nỗ lực thiết lập các mạng lưới thông tin và phản đối trong truyền thông nước ngoài (truyền thông độc nhất mở cửa cho họ) mỗi khi có người trong bọn họ bị công an quấy nhiễu hay bắt giam.
Những người bất đồng ý kiến năng động nhất thường là các lãnh tụ sinh viên, thí dụ Vương Ðan, hoặc nhà trí thức, thí dụ Bao Tuân Tín (Bao Zunxin) và Lưu Hiểu Ba, người đã bỏ lại đằng sau sự nghiệp giảng dạy tại Hoa Kỳ để về tham gia phong trào dân chủ tại quê nhà và rồi chịu một thời gian ở tù sau cuộc tàn sát Thiên An Môn. Ông và những người như ông không chịu thỏa hiệp với chính quyền, và hành động như là lương tâm của xã hội bằng cách tái khẳng định các nguyên tắc từng có thời nằm tại tâm điểm của phong trào dân chủ. Họ thiết lập các quan hệ tốt với những nhà trí thức không bị tác động và các cán bộ cũ của Đảng xuất thân từ các mạng lưới của Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, những kẻ trở thành thù nghịch sâu xa với giới lãnh đạo của ÐCSTQ sau cuộc tàn sát Thiên An Môn.
[10]
Suốt hai thập niên vừa qua, họ viết hàng tá thư tập thể tố cáo hành vi đàn áp các nhà hoạt động cho nhân quyền, bênh vực công nhân nạn nhân của chính sách hà khắc, đòi hỏi đảo ngược lời kết án chính thức biến cố 4 tháng Sáu, và chỉ trích những tấn công vào các dân tộc thiểu số, đặc biệt người Tây Tạng. Việc kiểm soát chặt chẽ báo chí thông thường có nghĩa là những tiếng gào thét phản đối ấy không được nghe rộng rãi bên trong TQ, dù internet góp phần tiếp tay cho các nhà bất đồng ý kiến “thế hệ 89” với tới các nhóm đấu tranh trẻ tuổi hơn, kể từ sau 1989, đang tham gia vào hàng ngũ bất đồng ý kiến mang tính dân chủ.
Trên cấp độ mặt đối mặt, các nhà hoạt động lớn tuổi hơn, có gốc rễ trong phong trào dân chủ 1989, có khả năng tụ họp với những người trẻ hơn mình tại nhà riêng hay, kể từ giữa thập niên 1990, tại các quán trà hoặc tiệm sách mà chủ nhân là các cựu chiến hữu từng cùng nhau hoạt động thuộc thế hệ 89. Một trong các địa điểm đó là nhà sách Vạn Thịnh (Wansheng) ở Bắc Kinh, thành lập bởi Gan Qi và Lưu Tô Lí (Liu Suli), người từng trải qua một năm trong nhà tù sau cuộc tàn sát Thiên An Môn. Nhà sách Tam Vị (Sanwei) cũng thế. Cả hai tiếp tục tổ chức hội luận về những sự vụ đang diễn ra và về các chủ đề triết học, luật pháp (những nhà bất đồng ý kiến nổi tiếng không được mời). Dĩ nhiên công an bám sát các địa điểm ấy và được biết là họ thường cấm các hội luận ở Tam Vị. Tuy thế, những cuộc tụ họp cá nhân tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong diễn tiến cấu thành một phía đối kháng có thể có.

Phê bình hệ thống cùng quan chức chóp bu
Trong số các nhóm nhỏ thiểu số sinh viên và chuyên gia trí thức tiếp tục phê phán chế độ theo quan điểm dân chủ, có thể phân ra vài nhóm nhỏ nữa.
Nhóm nhỏ đầu tiên gồm các giáo sư và nhà nghiên cứu công khai nói lên những hoài nghi của mình về một số sinh hoạt chính trị. Tiêu Quốc Tiêu (Jiao Guobiao), giáo sư Ðại học Bắc Kinh công bố một bài báo
tố cáo Ban Tuyên huấn Trung ương (Central Propaganda Department). Hậu quả là ông bị cấm dạy và không được giám thị sinh viên làm luận án tiến sĩ. Về sau, ông được phép ra nước ngoài, và khi về nước, ông lại đi sát hơn với cộng đồng bất đồng ý kiến.
Trường hợp của Lí Đại Đồng (Li Datong) cũng rất đáng quan tâm. Là nhà báo kỳ cựu, ông làm Tổng Biên tập tờ Băng Ðiểm (Bingdian), một phụ trang của Trung Quốc Thanh niên Báo, và bị bãi nhiệm vì cho in một bài báo về Loạn Quyền phỉ, khác với quan điểm chính thức. Việc sa thải ông kích động một cuộc náo nhiệt vì đây là lần đầu tiên kể từ năm 1949, các nhà báo (trong trường hợp này có 100 người) công khai kiến nghị nhà cầm quyền đảo ngược quyết định chính thức đó
[11]. Họ Lí được giữ lại nhưng với một công việc thấp hơn, và cấm xuất bản Trung Quốc Thanh niên Báo. Hiện ông vẫn cho các bài báo của mình lên internet và các tạp chí ở Hong Kong; ông càng ngày càng gần gũi hơn những người bất đồng ý kiến và ký thư thỉnh nguyện của họ.
Khi xảy ra phong trào dân chủ 1989, một số người TQ còn quá trẻ, không thể tham gia; tuy thế họ cảm khái trước lòng dũng cảm của các bậc đàn anh và giờ đây, họ chứng tỏ mình không sợ hãi việc phê bình các khuyết điểm của chế độ. Ðối với ÐCSTQ, việc nắm chặt truyền thông cùng giảng dạy và nghiên cứu là một công tác hàng đầu. Dư Kiệt (Yu Jie), nghiên cứu sinh tiến sĩ văn chương tại Ðại học Bắc Kinh khi ông bắt đầu viết các tiểu luận phúng dụ xỏ xiên những nét đặc biệt tràn lan sau biến cố 4 tháng Sáu năm 1989. Sau khi tốt nghiệp, ông bị Hội Nhà văn Trung Quốc lấy lại việc làm đã hứa, và như thế, Dư trở thành một nhà trí thức độc lập và là người bất đồng ý kiến nổi bật.
Mạng lưới internet trãi rộng tạo thuận lợi cho sự xuất hiện một thế hệ mới của những người đối kháng trẻ tuổi. Hầu hết đều bắt đầu với những lời mỉa mai châm chọc trực tuyến. Ðó là cách mà Lưu Địch (Liu Di), người dùng bút hiệu Stainless Steel Rat (Chuột I-nốc) trở nên nổi tiếng. Nhà cầm quyền không tán thưởng óc khôi hài của cô và cô bị bỏ tù mà không đưa ta tòa xét xử. Những người bất đồng ý kiến phát động thỉnh nguyện thư, và cô được thả sau gần một năm ở tù
[12]. Sau khi được phóng thích, cô cũng không tìm ra việc làm và ngày càng thân cận hơn với cộng đồng bất đồng ý kiến.
Hành động theo bài học rút tỉa được từ biến cố 4 tháng Sáu, chính quyền các cấp đẩy những nhà hoạt động ấy ra ngoài hệ thống bằng cách từ khước họ, không cho họ có cơ hội tìm được hay tiếp tục giữ được việc làm trong các đơn vị do nhà nước làm chủ, các cơ sở truyền thông hay các trường đại học. Như thế, mỉa mai thay, chính Đảng đã chỉ định thành viên của phía đối kháng. Từ giữa thập niên 1990 trở đi, một số nhà trí thức có thể công khai phê bình những thực hành của chế độ mà không mất việc làm, trong chừng mực họ đừng nêu ý kiến trực tiếp về các vấn đề cấm kỵ, thí dụ cuộc tàn sát Thiên An Môn. Thậm chí các nhà trí thức phê phán ấy khi ở bên trong những ràng buộc đã định, còn có thể hỗ trợ phong trào bất đồng ý kiến.
Sau biến cố ngày 4 tháng Sáu, trong số các chuyển dịch về phía đối kháng còn có những người bị mất thân nhân trong vụ đàn áp đó. Khởi hứng bởi các nhóm thí dụ như Madres de Plaza de Mayo (một nhóm bà mẹ của những “kẻ biến mất” tại Argentina), có một nhóm gồm thành viên gia đình của những nạn nhân, được thành lập bởi các bà mẹ có con chịu nạn trong biến cố ấy –
Thiên An Môn Mẫu thân – dưới sự lãnh đạo của Đinh Tử Lâm (Ding Zilin), một giáo sư tại Ðại học Nhân dân; bà có đứa con trai 17 tuổi bị mất mạng trong ngày 4 tháng Sáu vì bạo lực của chính quyền. Các Mẫu thân thúc giục thân nhân những kẻ đã chết yêu cầu chính phủ phải công nhận trách nhiệm về cuộc tàn sát ấy. Sau ngày 4 tháng Sáu, ÐCSTQ tiếp tục sử dụng áp lực để tiếp tục bịt miệng bằng cách gợi ý rằng thân nhân của những kẻ phản đối trong vụ Thiên An Môn thậm chí có thể bị xem là kẻ đồng lõa với “những tên phiến loạn”.
Hằng năm, vào ngày 4 tháng Sáu, Thiên An Môn Mẫu thân nhắc nhở các cấp chính quyền rằng họ có bổn phận chấp nhận trách nhiệm và phải bồi thường. Bằng mọi phương tiện hòa bình, các Mẫu thân cố gắng làm sao dứt bỏ chiếc áo choàng im lặng mà chính quyền đang dùng để liệm một biến cố mà đối với họ, nó mang ý nghĩa tan tác cuộc đời. Hết năm này sang năm khác, những công dân bình thường từng một thời im lặng về mặt chính trị ấy càng ngày càng xác tín rằng họ sẽ chỉ cảm thấy lòng mình mãn nguyện một khi chế độ này cải cách và bảo đảm các quyền công dân. Giờ đây, họ thường liên kết với những người bất đồng ý kiến khác trong việc ký thư thỉnh nguyện đòi hỏi tôn trọng quyền con người.
Năm 1998, các Mẫu thân viết hai lá thư. Một tố cáo những xâm phạm nhân quyền, và một lên án tham nhũng đi kèm với những thay đổi kinh tế trong thập niên đó. Sự dũng cảm mà các Mẫu thân chứng tỏ khi đối mặt với những quấy nhiễu của công an thật đáng chú ý, và phải tính tới họ như một trong những luồng chính của phía đối kháng.
Chúng ta đang ứng xử với một phong trào lỏng lẻo, phi cơ cấu, thiếu sách lược và không có chương trình thống nhất, vì thế không nên để thực tại ấy bị lu mờ do những thuật ngữ vắn tắt được dùng cho tiện việc diễn tả, thí dụ “cộng đồng bất đồng ý kiến” hay “phía đối kháng”. Kể từ cuộc tàn sát Thiên An Môn và sự đàn áp tiếp theo đó, ÐCSTQ thận trọng ngăn ngừa sự xuất hiện của bất cứ cái gì giống như một tổ chức chính trị thế này thế nọ.
Trong bối cảnh đó, những người có thể được gọi một cách đúng đắn là người đối kháng cho thấy các khác biệt rộng rãi khi đưa đến những trải nghiệm, quan điểm chính trị và vân vân của cá nhân mỗi người. Tuy thế, điều ấy không có nghĩa họ không thể đoàn kết, như họ đã làm gần đây nhất vào ngày 8 tháng Mười Hai năm 2008, khi 303 người cùng ký tên phát động một hiến chương 19 điểm, được biết tới với tên gọi “
Linh bát Hiến chương”.[13] Bản hiến chương ấy được công bố (qua internet) đúng thời điểm trùng với kỷ niệm năm thứ sáu mươi ngày ban hành bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.
“Linh bát Hiến chương” gồm ba phần. Phần thứ nhất mô tả sự thất bại khi đưa thể chế dân chủ vào Trung Quốc kể từ nỗ lực đầu tiên với chế độ quân chủ lập hiến vào năm 1898. Phần thứ nhì trình bày chính thức thỏa thuận của những người cùng ký tên, đặt cơ sở trên các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do – việc phân lập quyền hành; các cuộc bầu cử hợp thức, công bằng và tự do; trách nhiệm của chính quyền; và đại loại như thế. Phần cuối cùng cụ thể hơn, mô tả những bước phải tiến hành nếu TQ sắp sửa trở thành một chế độ dân chủ.
Hết thảy những người ký tên đều kêu gọi chấm dứt hệ thống độc đảng, chấp nhận và áp dụng thể chế cộng hòa liên bang và thành lập một ủy ban hòa giải (theo kiểu mẫu của Ủy ban Hòa giải và Sự thật của nước Nam Phi, South African Truth and Reconciliation Commission), có thẩm quyền đền bù thoả đáng cho thân nhân các nạn nhân của những chiến dịch đàn áp đa dạng mà ÐCSTQ tiến thành kể từ lúc nắm chính quyền năm 1949.
Một số lớn bản thảo được luân lưu trực tuyến trên internet khoảng ba năm trước ngày ký tên và chính thức công bố. Những người cùng ký tên xuất thân từ các tầng lớp xã hội TQ khác nhau và những lãnh vực khác nhau của phía đối kháng. Các nhà trí thức bất đồng ý kiến, thí dụ Lưu Hiểu Ba – (cho tới khi tôi viết bài này, ông vẫn còn là đối tuợng bị giám sát và bị giam giữ) – có thể là những người đề xuất chủ yếu nhưng mọi người từ các giáo sư và nhà nghiên cứu có uy tín tới các nông dân hoạt động đều có tiếng nói trong việc hình thành văn bản sau cùng. Chính sự hiện hữu của “Linh bát Hiến chương” là một dấu hiệu cho thấy rằng, bất chấp những quấy nhiễu của ÐCSTQ, phía đối kháng vẫn có khả năng hình thành và huy động các mạng lưới.
Chính quyền các cấp ra sức trấn áp “Linh bát Hiến chương” nhưng tới nay, đã có thêm tám ngàn người (và còn đang đếm nữa) từ mọi tầng lớp xã hội khác nhau thêm tên của mình vào. Dĩ nhiên con số ấy rất nhỏ trong một đất nước có 1.2 tỉ người, nhưng vẫn đúng khi nói rằng kể từ biến cố Thiên An Môn, chưa có lời kêu gọi nào có tính hệ thống và tính nguyên tắc, đòi hỏi một sự chuyển thể sâu xa chế độ mà đạt được sự ủng hộ công khai của công chúng như thế.

Phong trào bảo vệ quyền dân sự

Năm 2004, khi ÐCSTQ quyết định thêm tu chính án về quyền con người vào bản hiến pháp TQ, nhiều luật sư, luật gia và công dân tin rằng có thể sử dụng điều khoản mới ấy để bảo vệ quyền của người dân thường và rằng họ có bổn phận tham dự cuộc tranh đấu ấy. Với sự tiếp tay của các nhà báo cùng các nhà hoạt động trực tuyến và mạng lưới tuy không chính thức nhưng rộng rãi của các luật sư và các luật gia, nhiều nạn nhân của các viên chức hà lạm bắt đầu trích dẫn các quyền của mình theo hiến pháp. Nhờ vào internet và các kiểu mẫu truyền thông mới, những người bị rơi vào tình trạng làm nạn nhân của những viên chức ác ôn trong chính quyền có thể huy động cái-gọi-là phong trào bảo vệ quyền dân sự. Khí cụ của họ gồm có biểu tình, đơn thỉnh nguyện, thư tập thể, khiếu kiện vì quyền lợi tập thể nhân danh những người thụ hưởng hoặc nhân danh cá nhân.
Mạng lưới luật pháp về quyền dân sự vượt qua lằn ranh giai cấp từng phân chia nhà trí thức với nông dân. Và như thế, nó khác với các tổ chức do giới trí thức lập ra trong thập niên 1980
[14]. Thuở đó, hầu hết các phê phán ÐCSTQ đều có xuất xứ từ sinh viên cùng những lớp người có học khác, và đặt trọng tâm vào việc yêu cầu cải tổ hệ thống chính trị. Ngày nay ngược lại, phong trào bảo vệ quyền dân sự bắt nguồn từ những công dân bình thường; họ không đặt vấn đề địa vị của ÐCSTQ hoặc bản chất của chế độ và họ ra sức giải quyết những vấn đề cụ thể bằng cách thao tác với hệ thống chính trị đó.
Những người hoạt-động-công-dân đó (citizen-activist) và các nhà báo cùng luật sư giúp đỡ họ, đều không đang đòi “dân chủ và tự do”; nói chung, họ cũng không tố cáo tham nhũng. Thay vào đó, họ viện dẫn các luật lệ rõ rệt và hiện hành để điều chỉnh, đền bù cho các khiếu nại rõ rệt của họ. Thái độ mới mẻ ấy chắc chắn là kết quả của sự đàn áp phong trào dân chủ năm 1989.
Tuy thế, không nên đề cập quá đáng tới sự gián đọan ấy. Tuy nhiều người hoạt động cho quyền dân sự hôm nay còn nhỏ tuổi vào năm 1989 nhưng họ biết điều sinh viên đã làm năm đó. Họ có ấn tượng sâu sắc về nó, và trong chỗ riêng tư, họ sẵn sàng thừa nhận món nợ của mình đối với thế hệ Thiên An Môn, ngay cả khi họ giải thích mình khác với thuở đó như thế nào. Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong) tóm tắt theo cách này:
“Tôi kính trọng những ai trong quá khứ từng nêu lên các vấn đề nhân quyền, nhưng hiện nay chúng tôi hy vọng làm việc theo một phương cách mang tính xây dựng bên trong không gian được hệ thống pháp luật ban cho. Thay đổi cụ thể nhưng tiệm tiến – Tôi nghĩ rằng đó là cái hầu hết nhân dân TQ muốn.”
[15]
Dường như không phải hết thảy các quan chức đều có ấn tượng về sự nhấn mạnh tính hợp pháp ấy. Năm 2007, thành viên Bộ Chính trị ÐCSTQ và đứng đầu các sự vụ an ninh La Cán tuyên bố rằng phong trào quyền dân sự nhận yểm trợ của phương Tây, và là “những lực lượng ngụy trang để lật đổ sự cai trị của Ðảng.”[16]
Một năm trước đó, cơ quan lập pháp đã thông qua các hạn chế mới về tính chất độc lập của luật sư và thẩm quyền hành động của họ khi nhân danh nạn nhân bị hà lạm. Kể từ lúc đó, luật sư phải xin gia hạn giấy phép hành nghề từng năm một, và thật dễ dàng khi muốn loại các luật gia về quyền dân sự ra khỏi công việc của họ, tuy hiện nay chưa chắc họ tiêu biểu cho con số 1% những người trong nghề.
Ðiều như thế đã xảy tới cho Gao Zishen vào tháng Mười Hai năm 2005, cho Li Jianqiang tại Thượng Hải vào tháng Bảy năm 2007, và cho các luật sư khác ở Sơn Tây.
[17] Tuy thế, phong trào bảo vệ quyền dân sự vẫn tiếp tục trong khi công dân càng ngày càng nhận thức hơn về các quyền của mình.
Hai mươi năm sau cuộc tàn sát Thiên An Môn ngày 4 tháng Sáu năm 1989, dường như ÐCSTQ đang củng cố tính chính thống của nó. Nó không theo các chế độ cộng sản trong khối Sô-viết đi vào quên lãng. Các chính sách của nó về sự kết nạp giới ưu tú vào Đảng, về sự đáp ứng mờ ảo các mâu thuẫn xã hội và về sự hỗ trợ mang tính công cụ của “cai trị bằng luật pháp”, trở thành các phần bổ sung trọng yếu cho việc nó tiếp tục kiểm soát báo chí và hệ thống chính trị. Nó tạo ra nhượng bộ nhằm ngăn không để cho những bất mãn cô kết thành các phong trào xã hội có khả năng thách thức sự cai trị của nó, và nó sai công an tới để làm im lặng những người bất đồng ý kiến.
Trong dòng chảy của hai thập niên như một ấy, phía đề kháng vật lộn với những chấn thương của cuộc tàn sát Thiên An Môn 4 tháng Sáu và những khó khăn lớn lao phát sinh cho bất cứ kẻ nào thách đố địa vị độc tôn của ÐCSTQ. Sự bền gan của các nhóm nhỏ những người bất đồng ý kiến, được nuôi dưỡng bởi những chiến sĩ trẻ hơn, tuy ít ỏi về số lượng nhưng vững chắc, cho thấy rằng phía đối kháng tiêu biểu cho một sức mạnh và một chuỗi các ý tưởng đáng để ý.
Tuy phía đối kháng lúc này không vươn ra cũng gần như không thể huy động các công dân bất mãn và tổ chức biểu tình giống như thuở 1989. Thay vào đó, những người đối kháng hành động như là lương tâm của xã hội, những tiếng nói bênh vực cho các nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa nhân bản trong một xã hội bị ám ảnh bởi chủ nghĩa duy vật.
Sự xuất hiện bất chấp mọi trở ngại của phong trào bảo vệ quyền dân sự cho thấy rằng người công dân bình thường ngày càng nhận thức các quyền của mình và sẵn sàng liều để bảo vệ nó. Trung Quốc rõ ràng là một chế độ hậu độc tài đảng trị, bị cai trị bởi một đảng tàn nhẫn. Nhưng đang có các dấu hiệu gợi cho thấy rằng sự nắm chặt của Đảng không vô cùng kiên cố như nó có vẻ như thế.

-----------------------

Nguồn: Dịch toàn văn của bài “
The Massacre’s Long Shadow” (Chiếc bóng dài của cuộc tàn sát ấy) của Jean-Philippe Béja, đăng trong Journal of Democracy, số tháng Bảy 2009, Volume 20, Number 3, Nxb The Johns Hopkins University Press, Journals Division, Washingon DC, Hoa Kỳ, tt.5-136.
Bản tiếng Việt © 2009 Nguyễn Ước
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog


[1] Luo Bing. “Min’gan nian tishen jiebei bage yue” (Cảnh giác cao độ trong suốt tám tháng của một năm nhạy cảm). Zhenming. Tháng Tư 2009. 6-7
[2] Deng Xiaoping, “Address to Officers at the Rank of General and Above in Command of the Troops Enforcing Martial Laws in Beijing, June 9, 1989”. Có ở: http:// web.peopledaily.com.en/english/dengxp/vol3/text/c1990.html
[3] Xem “Overtly Oppose the Turmoil” (Qizhi xianmingde fandui dongluan) Nhân dân Nhật báo (Bắc Kinh) 26 tháng Tư 1989.
[4] Xem Zhao Ziyang, Prisoner of the State: The Secret Journal of Zhao Ziyang, dịich và biên tập bởi Bao Pu, Renée Chiang, và Adi Ignatius (New York: Simon and Schuster, 2009), 29.
[5] Suisheng Zhao, “Deng Xiaoping’s Southern Tour: Elite Politics in Post-Tianmen China.” Asian Survey 33 (Tháng Tám 1993): 739-56.
[6] Liu Xiaobo “Zhu de zhexue” (The philosophy of the pig) Dongxiang, tháng Chín 2000, 29-36.
[7] Philip P. Pan, “A Study Group Is Crushed in China’s Grip” Washington Post, 23, tháng Tư 2004; có ở www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2004/04/23/AR2005040206572.html.
[8] Philip P. Pan, “Three Chinese Workers: Jail, Batrayal and Fear; Government Stifles Labor Movement,” Washington Post, 28 tháng Mười Hai 2002.
[9] Jean-Philip Béja, “The Fly in Ointment? Chinese Dissent and U.S.-Chinese Relations,” Pacific Review 18 (6 tháng Chín 2003): 439-53.
[10] Các cán bộ này bày tỏ sự phê bình của họ hoặc qua những lá thư gởi các lãnh tụ chóp bu được phổ biến công khai tại Hongkong, hoặc trong hai tờ tạp chí mà họ cho phép xuất bản, trong đó có ảnh hưởng nhất là tờ Yanhuang Chunqiu.
[11] Joseph Kahn, “Ex-Officials Protest Censorship by China,” International Herald Tribune, 15 tháng Hai 2006.
[12] Chan Siu Sin, “Prison-Style Protest Aims to Free Student: Liu Di Has Spent 11 Months in Custody for Her Net Pro-Democracy Messages,” South China Morning Post (Hong Kong), 3 October 2003.
[13] Perry Link, dịch, “China’s Charter ‘08”, New York Review of Books, 15 tháng Giêng 2009, có ở www.nybooks.com/articles/22210. Cũng xem Journal of Democracy 20 (Tháng tư 2009): 179-82.
[14] Về các tổ chức này, xem Jean-Philippe Béja, A la recherche of une ombre chinoise: Le mouvement pour la démocratie en Chine, 1919-2004, Paris: Edition du Seuil, 2004.
[15] Trích trong Erik Eckholm, “Petitioners Urge China to Enforce Legal Rights,” New York Times, 2 tháng Sáu 2003, có ở www.nytimes.com/2003/06/02/international/asia/02CHIN.html.
[16] “Chinese Official Urges Local Handling of Unrest,” International Herald Tribune, 8 tháng Giêng 2007.
[17] Về bản tường trình các sự cố này, xem ở http://crd-net.org/Artcle/Class9/Class10/Index.html.



No comments:

Post a Comment