Tuesday, September 22, 2009
Chánh Án NGÔ THANH HẢI nói về trường hợp NGUYỄN TIẾN TRUNG
Chánh Án Ngô Thanh Hải nói về trường hợp anh Nguyễn Tiến Trung
http://www.taphopthanhniendanchu.org/index.php?option=com_content&view=article&id=659:chanh-an-ngo-thanh-hi-noi-v-trng-hp-anh-nguyn-tin-trung&catid=54:radiotntn&Itemid=60
Download
Chào các bạn, mình là Tâm Kiên, thành viên của THTNDC, trong chương trình ngày hôm nay, Tâm Kiên và Thanh Nguyên xin được giới thiệu với bạn nghe đài bài phỏng Chánh Án Ngô Thanh Hải, một nhân vật mà báo chí ở Canada từng đăng tin “Một người Canada gốc Việt đầu tiên được Thủ tướng Harper bổ nhiệm vào chức vụ Chánh án của tòa án Liên Bang Canada vào năm 2007, chuyên xử những vụ khiếu nại Quốc Tịch và Di Trú.”Đặc biệt, TP Ngô Thanh Hải vừa được bầu làm chủ tịch Liên Minh Dân Chủ Việt Nam, một tổ chức Hải Ngoại đấu tranh đòi Dân Chủ cho Việt Nam.
Sau đây là đôi dòng về Chánh Án Ngô Thanh Hải
Thẩm phán Ngô Thanh Hải đã được bổ nhiệm vào chức vụ Chánh án chuyên về Di trú & Quốc Tịch tại Ottawa vào tháng 12 năm 2007. Trước đây, ông là Chủ Tịch Hội Ðồng Bảo Hiểm Nhân Sự tại Ottawa; ông là một nhà giáo tại Ottawa và trước đó ở Mã Lai, Việt Nam; là một nhà hoạt động trong các cộng đồng người Việt khắp Canada và các quốc gia khác; sáng lập và là cựu Chủ Tịch Hiệp Hội Người Việt Vô Vụ Lợi tại Ottawa; Chủ Tịch Cộng Ðồng Người Việt tại Ottawa và là Phó Chủ tịch Trung Tâm Ấn Ðịnh Bồi Thường Canada và Trung Tâm Tìm Việc Làm Cho Di Dân. Chánh án Ngô tốt nghiệp cử nhân giáo dục tại đại học Sorbonne, Pháp và Cao học ngành giáo dục đại học Ottawa, Canada.
----------------------------------
Tâm Kiên: Chào anh Hải, em là Tâm Kiên của nhóm Tiếng Nói Thanh Niên, rất vui được gặp anh ngày hôm nay, được biết hiện nay anh là chánh án chuyên xử những vụ khiếu nại về Quốc Tịch và Di trú của tòa án Liên Bang Canada tại Ottawa từ năm 2007, anh cũng từng là chủ tịch Hội Đồng Bảo Hiểm Nhân Sự tại Ottawa, và đặc biệt hơn anh vừa được bầu là Chủ Tịch Liên Minh Dân Chủ Việt Nam. Trước tiên, anh có thể giới thiệu với bạn nghe đài về bản thân, chẳng hạn con đường học vấn của anh như thế nào mà hiện nay anh giữ một chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền Canada như vậy ạ?
Ngô Thanh Hải: Đầu tiên xin chào các thính giả của đài Tiếng Nói Thanh Niên, tôi thì ngày trước đã từng đi học tại Pháp, sau khi ra trường thì đi về Việt Nam để cộng sự tại bộ Ngoại Giao. Năm 1973 thì chính phủ Việt Nam đã bổ nhiệm tôi làm Tùy Viên Báo Chí tại Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Bangkok-Thái Lan. Sau 1975 khi mất nước thì tôi đi tị nạn qua Gia Nã Đại (Canada) và từ đó thì tiếp tục cái nghề dạy học của mình. Trước đó ở Sài Gòn, tôi đã từng dạy cho Trung Tâm Văn Hóa Pháp (IDECAF) và Hội Việt Mỹ, sau này sang Canada tôi học thêm và lấy chứng chỉ sư phạm của Canada.
Tâm Kiên: Lúc đó là anh dạy những môn gì ạ?
Ngô Thanh Hải: Tôi dạy môn Pháp Văn, Sử, Địa và Toán. Cho đến năm 2003 thì tôi về hưu về bên Sư Phạm, đến 2002 thì chính phủ Canada bổ nhiệm tôi làm Président du Conseil Arbitral de l’Assurance-Emploi - Chủ tịch hội đồng về an Ninh và Bảo hiểm Công Việc, tôi giữ chức vị đó khoảng 6-7 năm, trong thời gian đi dạy từ 1975 tôi vẫn tiếp tục đi học thêm và lấy một số bằng về Sư Phạm và Luật. Đến năm 2007, thủ tướng Canada đã bổ nhiệm tôi làm Chánh Án của tòa án Di Trú công dân Canada.
Tâm Kiên: Nhưng mà chỉ có học thôi thì làm sao mà anh được bổ nhiệm ạ? Chắc là anh phải có hoạt động gì đó bên cạnh nữa?
Ngô Thanh Hải: Đương nhiên! Thì đây cũng là một kinh nghiệm mà các thanh niên Việt Nam ở các quốc gia khác nên làm, là phải gia nhập, xung phong trong những sinh hoạt chính trị ở địa phương, mình vào Đảng, dùng lá phiếu của mình tham gia, sinh hoạt, bất cứ Đảng phái nào, miễn là mình thích. Đó là một cơ hội giúp cho mình có tiếng nói trong lĩnh vực chính trị ở địa phương mình, nếu mà mình không tham gia vào bất cứ hội đoàn nào thì sẽ không ai biết đến mình, muốn cho cộng đồng Việt Nam mình có tiếng nói, được quan tâm đến thì mình phải tham gia tích cực vào những sinh hoạt chính trị, đó là một cách rất tích cực để cho cộng đồng Việt Nam mình được biết đến, nếu như muốn có được sự yểm trợ của các quốc gia khác.
Tâm Kiên: Được biết là anh đã có gia đình, những người con của anh cũng theo ngành Luật như bố và cũng rất thành công. Anh có thể kể cho các bạn nghe đài đôi chút về gia đình được không ạ?
Ngô Thanh Hải: Tôi có 2 cháu được sinh ra tại Việt Nam và 2 cháu sinh ra tại Canada, các cháu cũng đi học tại địa phương và cùng thích ngành Luật nên tôi cũng hướng dẫn các cháu đi theo, và 3 đứa con gái tôi thì ngoài giờ học trong năm, lúc hè thì đi làm việc thêm cho các dân biểu tại Quốc Hội với tư cách là thiện nguyện.
Tâm Kiên: Tức là vừa đi học vừa tham gia các hoạt động chính trị?
Ngô Thanh Hải: Vâng, nhưng mà các cháu làm theo dạng volontiers, hoàn toàn tự nguyện, để có một chút kinh nghiệm trong quá trình đi học về Luật, chẳng hạn như Luật Quốc Tế, Luật của chính phủ Liên Bang… Đó cũng là một hình thức để giúp các cháu có thêm ham muốn để đi sâu vào con đường Luật của cháu.
Thanh Nguyên: Vâng, được biết là anh có rất nhiều hoạt động chính trị được biết đến ở Canada, vừa qua sau một loạt sự kiện diễn ra ở Việt Nam, như khai thác Bauxite, sinh viên biểu tình chống Trung Quốc bị đàn áp, v.v... thì anh có một nhận xét nào cụ thể không ạ ?
Ngô Thanh Hải: Trong những vấn đề liên quan đến Việt Nam, cộng đồng người Việt ở Canada nói chung và ở Ottawa nói riêng đã có những tiếng nói gửi lên chính phủ Canada để bày tỏ sự bất công của Trung Cộng đối với Việt Nam. Về Hoàng Sa- Trường Sa hay Bauxite, hoặc luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, tất cả những việc đó cộng đồng người Việt ở Canada đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Canada can thiệp. Và chính phủ đã có sự thể hiện đó.
Riêng mới đây thì, em sinh viên Nguyễn Tiến Trung, trước đó thì em Trung đã có cơ hội đến gặp các chính trị gia ở Canada trong đó có cả thủ tướng. Thì khi mà Trung bị bắt, chính phủ Canada đã lên tiếng và đã can thiệp với chính phủ Việt Nam về vấn đề đó. Với các quốc gia khác thì không biết như thế nào, nhưng với cộng đồng Việt Nam ở Canada thì họ rất chú ý đến những sự kiện xảy ra ở đất nước mình. Tất cả mọi sự kiện xảy ra họ đều lên tiếng.
Thanh Nguyên: Thưa anh, vừa rồi thì truyền hình Việt Nam vừa chiếu một đoạn video nhận tội của anh Nguyễn Tiến Trung và các chính trị gia khác, theo ý kiến của anh, một người hoạt động trong ngành Luật, thì những đoạn video đó có thể được coi như là bằng chứng để kết tội họ, hoặc là chứng cớ pháp lý được ko ạ?
Ngô Thanh Hải: Nói chung, thì những người hải ngoại mình phải nhìn rõ sự thật là những anh chị em trong nước có một môi trường sinh hoạt rất đặc biệt. Ví dụ như 1993 là phong trào Phụ Trợ Dân Tộc và Xây Dựng Dân Chủ, thì đã có một số người bị bắt và cũng đã kí giấy thú tội. Thì cái giấy thú tội đó là một hình thức tuyên truyền áp bức của Đảng CSVN đối với những nhà sinh hoạt chính trị trong nước, dùng những dữ kiện đó, những văn thư thú tội đó để buộc họ không sinh hoạt nữa hoặc làm áp lực, về cá nhân thì dùng áp lực gia đình. Những người ở hải ngoại như mình thì trước khi có một lời nhận xét gì về các nhà tranh đấu trong nước, cũng nên xem xét rõ ràng trước khi đưa ra lời đả kích hoặc nhận xét khắt khe. Phải biết rằng họ sinh hoạt trong vòng tay của CSVN, cho nên họ cần phải biết uyển chuyển, phải biết nên làm gì có lợi cho họ và có lợi cho đất nước. Những việc đó có khi người ở ngoài họ không chấp nhận, không hài lòng, nhưng mà mình phải nên suy xét xem quyền lợi năm ở đâu, nếu ngay trên bản thân họ thì rất đáng chê trách, còn nếu là vì quốc gia thì mình nên xem lại nhận xét của mình.
Tâm Kiên: Tình hình hiện nay thì anh Trung đã bị bắt giam và suốt 2 tháng nay thì vẫn luôn không được liên lạc gì với bên ngoài. Thì theo cái kinh nghiệm chính trị của anh, an dự đoán mọi chuyện sẽ diễn biến như thế nào?
Ngô Thanh Hải: Theo tôi đoán thì hiện nay CSVN đang ở trong một thế không biết đối xử thế nào. Trung không có tội gì cả. Sau khi du học xong, thay vì ở lại nước ngoài làm việc kiếm tiền thì họ ở lại trong nước tranh đấu, Trung chỉ tranh đấu những quyền cơ bản mà hiến pháp Việt Nam cho phép (như quyền sinh hoạt chính trị, sinh hoạt tôn giáo, quyền tự do ngôn luận). Người Việt Hải Ngoại phải nêu lên để thế giới biết những vi phạm đó.
Tâm Kiên: Trở lại về Liên Minh Dân Chủ, trước tình hình như vậy thì Liên Minh Dân Chủ có những hành động gì cụ thể để giúp các anh em trong nước?
Ngô Thanh Hải: Chính sách của LMDCVN lúc nào cũng như một, LMDCVN là một tổ chức dân chủ ở Hải Ngoại, có nhiệm vụ yểm trợ tất cả các đoàn thể chính trị và cá nhân tranh đấu ở VN. Nhờ vào sự liên hệ của LMDCVN với các quốc gia địa phương mà nhờ họ yểm trợ, viện trợ về hành chính, tài chính, kĩ thuật…
Tâm Kiên: Thành viên THTNDC là những thanh niên đấu tranh cho DCVN. Vậy theo anh đâu là vai trò của thanh niên trong công cuộc đấu tranh dân chủ cho đất nước?
Ngô Thanh Hải: Thanh niên là cột trụ của quốc gia. Một số thanh niên có cơ hội đi du học, sau đó nếu có điều kiện trở về xây dựng đất nước trong một môi trường dân chủ thì là điều tốt. Trong trường hợp ngược lại nếu họ không thể về ngay được, họ nên sinh hoạt chính trị tại địa phương. Khi mình ra tranh cử vào các vị trí dân biểu, nếu thành công mình có thể làm áp lực cho chính phủ VN. Đó là lời khuyên của tôi với các anh em trẻ.
Thanh Nguyên: thay mặt các bạn trẻ trong THTNDC, Đài Tiếng Nói Thanh Niên hôm nay xin cám ơn anh đã giành thời gian cho chúng em để thực hiện cuộc phỏng vấn này, cũng như những lời khuyên bổ ích của anh đến THTNDC.
Ngô Thanh Hải: Xin cám ơn Đài radio của THTNDC, hi vọng các anh em hăng say tiếp tục công việc của mình. Vì nên nhớ rằng, thanh niên là cột trụ của Quốc Gia.
No comments:
Post a Comment