Tuesday, September 22, 2009

CÁC TRÍ THỨC BỊ BAO VÂY CỦA TRUNG QUỐC


Các trí thức bị bao vây của Trung Quốc
Merle Goldman

Nguyễn Ước dịch
22/09/2009 3:27 sáng
http://www.talawas.org/?p=10557
MERLE GOLDMAN nguyên là giáo sư lịch sử tại Ðại học Boston, Hoa Kỳ. Bà nghỉ hưu và nay cộng tác với Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Fairbank (Fairbank Center for Chinese Studies) ở Harvard. Trong số các sách của bà có From Comrade to Citizen: The Struggle for Political Rights in China (Từ đồng chí tới công dân: cuộc đấu tranh đòi quyền chính trị tại Trung Quốc), Nxb Harvard University Press, 2005.
-----------------------------------------------

Lâu nay các nhà khoa học chính trị phân biệt giữa chế độ cực quyền (totalitarian regime, cũng thường được gọi là chế độ toàn trị) và chế độ chuyên quyền (authoritarian regime). Sự phân biệt ấy thích đáng cách riêng khi đối chiếu kỷ nguyên cải cách hiện nay tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc với giai đoạn trước đó. Dưới thời Mao Trạch Ðông, người nắm quyền lực từ 1949 tới 1976, Trung Quốc (TQ) bị cai trị bởi một hệ thống cực quyền, trong đó Mao và Ðảng Cộng sản khống chế không chỉ đời sống chính trị của xứ sở mà còn cả cuộc sống cá nhân, kinh tế, nghệ thuật và tri thức của thần dân.
Sau khi Mao qua đời năm 1976 và người kế vị là Ðặng Tiểu Bình, đồng chí trong cuộc Vạn lý Trường chinh của ông, TQ chuyển từ chế độ độc tài cực quyền sang chế độ độc tài chuyên quyền. Ðảng vẫn khống chế hệ thống chính trị, và chỉ trừ những cuộc bầu cử cấp xã, nó quyết định phẩm trật chính trị. Những cải cách kinh tế của chính quyền và việc nới lỏng kiểm soát các sinh hoạt phi chính trị cùng việc mở cửa đất nước ra thế giới bên ngoài, cho phép sự tự do lan vào, tới một cấp độ nào đó, đời sống tri thức, văn hóa, kinh tế và cá nhân của dân chúng. Thời kỳ sau-Mao chứng kiến một sự nảy nở các ý tưởng, hoạt động và các nỗ lực nghệ thuật bên ngoài sự kiểm soát của Đảng.
Dĩ nhiên không khỏi liều lĩnh khi quá đặt nặng phân biệt giữa độc tài cực quyền và độc tài chuyên quyền. Chính quyền TQ hiện nay vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ðảng Cộng sản và hầu hết công dân TQ cũng bị như thế. Một thế hệ mới các lãnh tụ Đảng, dẫn đầu bởi cựu Thị trưởng Thượng Hải Giang Trạch Dân, lên nắm quyền sau hành động đã thẳng tay đàn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng Sáu năm 1989. Tập đoàn lãnh đạo đó – và đặc biệt thế hệ các lãnh tụ hiện thời, cầm đầu bởi Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào cùng các cộng sự viên của ông, những kẻ lên nắm quyền vào năm 2002 – tìm cách giáo huấn trở lại cán bộ Đảng để họ thấm nhuần hệ tư tưởng Lê-ni-nit. Trong khi củng cố năng lực của chính quyền nhằm đối phó với những bất bình đẳng ngày càng tăng và tệ nạn tham nhũng tràn lan, những kẻ lãnh đạo xứ sở ấy cũng tái tập trung quyền lực chính trị.

Trong kỷ nguyên sau-Mao này, có lẽ không chỗ nào dễ thấy rõ các giới hạn đối với tự do cho bằng trong cách nhà nước độc tài chuyên quyền xứ này đối xử với các nhà trí thức xã hội (public intellectuals). Trong khi có một cấp độ thảo luận mang tính đa nguyên và sự cởi mở cho tư tưởng nước ngoài hiện hữu tại các trường đại học của TQ, các tạp chí học thuật, và trung tâm hay viện nghiên cứu nghiên cứu lý thuyết và điều nghiên trong chiều hướng giải quyết các vấn đề của xã hội, khoa học và công nghiệp (think tank), cách riêng trong các ngành khoa học, những định chế này vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của viên chức Đảng. Và chế độ của họ Hồ bắt giam, quản chế hoặc ném ra ngoài những học giả có uy tín hàn lâm nào bất đồng ý kiến về mặt chính trị và công khai phê bình chính sách của Đảng.
Tuy thế, các nhà trí thức thời sau-Mao vẫn tìm cách đẩy mạnh cải cách chính trị. Trong kỷ nguyên Mao, nhà trí thức nào bất đồng ý kiến không chỉ với quan điểm chính trị của Đảng mà kể cả với quan điểm lịch sử, hay nghệ thuật, khoa học của nó, thậm chí quan điểm kinh tế, nói chung đều bị mất việc làm, không có khả năng kiếm sống và bị trục xuất, đúng theo nghĩa đen, khỏi cộng đồng trí thức. Trong kỷ nguyên sau-Mao, những cải cách kinh tế của TQ và việc mở ra thế giới bên ngoài khiến các nhà trí thức bất đồng ý kiến có khả năng xuất bản ở hải ngoại và tại Hongkong, để tự giúp đỡ bản thân cùng gia đình, bằng những việc làm nghiệp dư.
Tóm lại, tuy sự chuyển dịch của TQ từ tổ chức nhà nước độc tài cực quyền tới độc tài chuyên quyền không bảo vệ các nhà trí thức xã hội khỏi sự trả thù và bị bắt giam, nó cũng làm cho họ thỉnh thoảng có thể phát biểu công khai về các vấn đề chính trị và gây được tác động vượt quá bên kia các nhóm trí thức gần mình nhất.

Những người kế tục Khổng tử
Ðối với văn minh phương Tây, các nhà trí thức xã hội không là cái gì đó độc đáo. Thật thế, dù bị đàn áp trong hầu hết kỷ nguyên Mao, suốt dòng lịch sử TQ họ đóng vai trò có ý nghĩa trọng đại trên đất nước mình. Các nhà trí thức thời tiền-hiện đại của TQ – các sĩ phu hoặc nho sĩ (Confucian literati) – không chỉ điều hành guồng máy chính quyền thư lại mà còn được xem là lương tâm của xã hội. Sự gắn bó của họ đối với việc cải thiện điều kiện sống của con người dẫn họ tới việc đảm đương các trách nhiệm, có thể so sánh với các trách nhiệm của nhà trí thức xã hội tại phương Tây thời hiện đại. Họ là những người có đủ trình độ hoặc có khả năng hiểu biết trong một số lãnh vực hay nhiều hoạt động khác nhau (generalist). Họ là những người công khai thảo luận và tranh đấu, về các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị. Họ tổ chức các nỗ lực tương thân tương ái và nền giáo dục có giám sát. Quan trọng hơn hết, nho sĩ xem mình có trách nhiệm phê phán các quan lại và ngay cả hoàng đế khi các chính sách chính thức hoặc việc thực hiện chúng đi trệch với các lý tưởng Khổng giáo về đạo đức và công bằng.
Các nhà trí thức xã hội ấy đã góp phần đưa tới sự chấm dứt triều đại quân chủ của TQ, chuẩn bị con đường cho cuộc Cách mạng 1911, với vị lãnh đạo là Tôn Dật Tiên, người được xem là hiện thân của một trí thức xã hội. Dù chính quyền Quốc dân Ðảng (QDÐ) của Tưởng Giới Thạch (1928-1949) ra sức bóp nghẹt sự phê phán và bất đồng ý kiến, nhưng nó quá yếu, không đủ sức làm các nhà trí thức công khai thôi chỉ trích các viên chức đàn áp và các chính sách của QDÐ, đồng thời chủ trương cải tổ chính trị. Nhưng dưới sự lãnh đạo độc tài toàn trị của Mao – ngoại trừ các khúc dạo ngắn ngủi ở giữa, thí dụ thời kỳ “Trăm hoa đua nở” 1956 và 1957 – các nhà trí thức xã hội bị im tiếng và không thể nào đóng vai trò truyền thống của mình.
Không giống như ở phương Tây, tại TQ, suốt các kỷ nguyên quân chủ, QDÐ và Mao, không có luật pháp nào bảo vệ cho các nhà trí thức. Khi các nhà phê bình nói điều gì đó không hài lòng giới lãnh đạo, họ có thể bị làm cho phải im lặng tuy không bị kết án. Trong thập niên 1980, rõ ràng tất cả các nhà trí thức từng bị Mao ngược đãi đều được phục hồi, và hầu hết tìm được chỗ đứng trong các cơ sở trí thức và chính trị.
Không gian công cộng dành cho thảo luận chính trị và các quan điểm đa nguyên đã được cởi mở trong việc xuất bản sách, truyền thông đại chúng, các đại học, các trung tâm nghiên cứu. Tuy thế, ngay cả lúc đó, vẫn không ban hành luật pháp nào để bảo vệ quyền dân sự và chính trị; như thế, các nhà trí thức xã hội vẫn dễ bị xâm hại trước ý thích bất chợt của giới lãnh đạo Đảng. Hầu hết các nhà trí thức được phục hồi trong kỷ nguyên sau-Mao đều trở nên thành viên của cơ quan nhà nước và Đảng. Nhưng khi có một số nhỏ trong họ yêu cầu cải cách nhà nước toàn trị, thì thêm lần nữa, những kẻ đó bị thanh trừng, đặc biệt trong hậu quả ngay sau cuộc phản đối Thiên An Môn.
Và rồi, cho dẫu các nhà phê bình ấy bị im tiếng trong một thời gian, chuyển động của TQ tới nền kinh tế thị trường đã khiến cho họ trong thập niên 1990, có thể kiếm sống, xuất bản và phát biểu đều đặn theo từng thời kỳ về các vấn đề chính trị. Họ có thể làm được điều đó nhờ công nghệ mới internet, việc xuất bản tư nhân, và liên hệ với các đài phát thanh nước ngoài như Tiếng nói Hoa kỳ, BBC, Á châu Tự do, để các đài này phát trở lại quan điểm của họ vào TQ.

Ðàn áp của Hồ Cẩm Ðào
Năm 2002, khi thế hệ các lãnh tụ do Hồ Cẩm Ðào dẫn đầu nắm quyền, đã có kỳ vọng rằng tập đoàn quan chức trẻ này – với nhiều người có gốc từ Hội Liên hiệp Thanh niên Trung Quốc, một tổ chức được giả dụ có ít tính giáo điều hơn tự thân Đảng – sẽ tiếp tục mở ra không gian công cộng cho thảo luận chính trị dù nó vẫn bị bao bọc bởi những giới hạn nhất định. Nhưng rồi thực tế chứng minh rằng không đúng như thế. Không gian công cộng dành cho thảo luận chính trị, trong thực tế, bị thu nhỏ lại kể từ năm 1990 khi Ðặng Tiểu Bình đứng đầu Đảng.
Chế độ Hồ Cẩm Ðào thẳng tay đàn áp một số người dùng công nghệ truyền thông mới – thí dụ những kẻ lập trang web để thảo luận các vấn đề chính trị. Hàng hai chục người bất đồng chính kiến trên không gian ảo bị bắt bỏ tù, như một lời cảnh cáo liên quan tới giới hạn mà họ có thể đi tới trong thảo luận về cải cách chính trị trên internet. Các nhà trí thức xã hội phát biểu và công bố các luận văn về các chủ đề có thể gây tranh cãi, cũng nhanh chóng bị bắt giam.
Một thí dụ là Jiang Yangong (Tưởng Ngạn Vĩnh), bác sĩ quân y, từng chữa trị cho nạn nhân của cuộc đàn áp đầy bạo lực ngày 4 tháng Sáu năm 1989, đã phản bác lời quả quyết của Đảng năm 2003 rằng dịch bệnh SARS đang trong tầm kiểm soát. Ông bị bắt giam rồi bị quản chế năm 2004 khi kêu gọi Đảng thay đổi lời mô tả các cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989 từ “phản cách mạng” thành phong trào “yêu nước”.
Cộng thêm vào việc đàn áp một số nhà trí thức độc lập nổi tiếng và áp đặt lệnh cấm các nhà trí thức xã hội thảo luận, chính quyền Hồ Cẩm Ðào siết chặt kiểm soát sự bất đồng ý kiến trên truyền thông và các đài phát thanh đa dạng. Các tường trình của truyền thông về những cuộc phản đối ngày càng tăng nhằm chống tham nhũng, viên chức lạm dụng, tịch thu tài sản và các điều kiện làm việc, đều bị nghiêm cấm. Jiao Guobao (Tiêu Quốc Tiêu), giáo sư môn báo chí,
đã phê bình trên internet về sự kiểm soát mang tính đàn áp của Đảng đối với truyền thông; ông không còn được phép dạy ở Ðại học Bắc Kinh. Một nhà trí thức xã hội khác, Wang Yi, giáo sư thỉnh giảng môn luật tại Ðại học Thành Ðô, kêu gọi một hệ thống có kiểm tra và cân bằng trong đời sống công cộng; ông cũng bị cấm dạy. Tạp chí Strategy and Management (Sách lược và Quản trị), một cơ sở của các nhà trí thức phái cấp tiến, bị đóng cửa.

Tìm một con đường

Dù có sự tiếp tục đàn áp truyền thông và các tiếng nói phê phán, dù internet bị kiểm duyệt, vai trò của các nhà trí thức xã hội vẫn không thay đổi một cách có ý nghĩa, như một hậu quả của các khác biệt chính sách giữa kỷ nguyên Mao và kỷ nguyên sau-Mao, cũng như do bởi những thay đổi trong chiến lược của những người phê bình. Trong phong trào đấu tranh Chống-Hữu khuynh (1957-1958) và trong cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1976), có tới hàng triệu người bị ngược đãi khắc nghiệt mặc dù chỉ có một số nhỏ dấn thân vào hành động phê bình và phản đối.
Ngược lại, trong kỷ nguyên sau-Mao, sự ngược đãi đối với người bất đồng ý kiến công khai đã không lan ra tới bên ngoài những kẻ bị kết án và các cộng sự viên của họ. Còn nữa, dù có thể bị mất việc làm trong giới hàn lâm hoặc truyền thông và có thể bị ở tù ngắn hạn, các nhà phê bình công khai ấy có thể tìm được việc làm và các cơ sở để nói lên quan điểm của mình trong nền kinh tế thị trường đang trải rộng của TQ.
Như thế không giống trong kỷ nguyên Mao, các nhà trí thức xã hội ngày nay không hoàn toàn bị im tiếng. Một số vẫn cố gắng hoạt động đúng với chức năng công dân, hoặc tự một mình hoặc với người khác, và họ tiếp tục trình bày quan điểm chính trị của mình qua sách báo xuất bản không chính thức và trên internet bằng cách nối kết với các server bên ngoài. Thêm nữa, đây là lần đầu tiên tại nước Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc có một số luật sư tự nguyện biện hộ cho những người bị cáo buộc phạm tội chính trị và có các ký giả tường trình chính sách đàn áp của Đảng trên một số phương tiện truyền thông, thí dụ tờ Southern Metropolitan Post (Nam phương Ðô thị Bưu báo), đặt cơ sở tại tỉnh Quảng Ðông.
Cũng có sự khác biệt giữa thái độ của các nhà trí thức trong thập niên 1980 và trong thập niên đầu của thế kỷ 21. Một số nhà trí thức trong thập niên 1980 tự gọi mình là “nhà nhân bản Mác-xít” (Marxist humanist), và vạch ra rằng các chính sách của Đảng đã trệch với các lý tưởng của học thuyết Marx ra sao. Kể từ lúc đó, vì sự phá sản ngày càng tăng của Mác-xít-Lê-ni-nít như một triết thuyết cai trị, hầu hết các nhà trí thức xã hội chuyển dịch khỏi sự đặt trọng tâm lên hệ tư tưởng, thay vào đó, họ nhấn mạnh việc thiết lập những định chế mới để thành tựu các cải cách chính trị.
Còn nữa, cho tới khi xảy ra cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989, các nhà trí thức xã hội tự đánh giá mình là tinh hoa và không liên kết với các giai cấp xã hội khác trong hành động chính trị. Nhưng vào lúc khởi sự những cuộc phản đối năm 1989, một nhóm nhỏ bắt đầu liên kết với công nhân và người điều hành tiểu doanh nghiệp trong các đợt phát động thỉnh nguyện thư và trong việc tổ chức các nhóm nhỏ để tạo sức ép lên chính quyền, đòi hỏi các cải cách chính trị. Như thế, trong thập niên đầu của thế kỷ 21, dù đàn áp vẫn tiếp tục, đã có những thay đổi phẩm tính xuất hiện trong tư duy và hành động của các nhà trí thức xã hội ở TQ: họ ngày càng trở thành diễn viên chính trị độc lập và cho thấy ý nguyện sẵn sàng liên kết với các nhóm xã hội khác trong hành động cổ vũ các cải cách.
Hỗ tương hành động ngày càng tăng với phần còn lại của thế giới, đặc biệt với phương Tây, là một nhân tố khác đang đẩy mạnh cấp độ của sự tự do hóa trong môi trường trí thức. Trung Quốc đã ký Công ước Liên hiệp quốc về Quyền Chính trị và Dân sự vào tháng Mười Một năm 1998, và trước đó đã ký Công ước LHQ về Quyền Văn hóa, Xã hội và Kinh tế vào năm 1997.
Dù con dấu cao su của Quốc hội Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước về Quyền Văn hóa, Xã hội và Kinh tế, nó cũng chưa làm điều như thế đối với Công ước về Quyền Chính trị và Dân sự. Tuy thế, sự tán trợ của Đảng đối với các công ước LHQ về các quyền cũng như sự bớt căng thẳng trong việc kiểm soát chính trị ở trong nước đã là thành phần trong nỗ lực của TQ nhằm tạo thiện chí ở nước ngoài, cách riêng với Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác. Cùng lúc ấy, hàng ngàn sinh viên TQ ra nước ngoài du học tại các trường đại học phương Tây. Sự nới lỏng những kiểm soát mang tính hệ tư tưởng ở trong nước đã và đang tương liên với sự hứa hẹn của nó với cộng đồng quốc tế.

Mùa Xuân 1998

Các nhà trí thức và sinh viên, đều đặn theo thời kỳ, đưa ra những yêu cầu cải cách chính trị tại TQ sau-Mao. Sau cuộc phản đối Thiên An Môn năm 1989, có hai biến cố mang tính chương hồi, xảy ra cách nhau mười năm, góp phần minh họa vai trò đang tiến hóa của các nhà trí thức xã hội trong xã hội và trong quan hệ với nhà nước. Có lẽ cuộc thảo luận công khai trên qui mô rộng rãi về cải cách chính trị kể từ Thiên An Môn, xảy ra năm 1998, một thế kỷ sau vụ “Bách nhật Duy tân” ở TQ, một phong trào dẫn tới những thay đổi chính trị sau đó và sự sụp đổ của triều đại nhà Thanh năm 1911.
Giống với những nhà “Duy tân 100 ngày”, và quả thật, giống với những nhân vật chính vận động cải cách chính trị trong suốt thế kỷ vừa qua và đầu thế kỷ 21, các nhà trí thức xã hội trong sự kiện 1998 là những nhà trí thức có uy tín – viện sĩ hàn lâm, nhà văn, nhà báo, luật sư, cựu viên chức – những kẻ không ở tâm điểm của quyền lực. Họ làm việc tại các trung tâm hay viện nghiên cứu (think tank), đại học, tạp chí và văn phòng luật sư hoặc nghỉ hưu, tuy thế, họ xoay xở tìm cách cổ động cho những ý tưởng cải cách bằng sách báo uyên bác, diễn đàn hàn lâm và những kênh khác trong lãnh vực hoạt động công cộng. Thỉnh thoảng, họ còn liên kết với người bên ngoài các cơ sở ấy để yêu cầu thay đổi chính trị.
Dù không một nhà trí thức có uy tín nào của TQ công khai đề nghị một hệ thống đa đảng hoặc các cuộc bầu cử trực tiếp hàng ngũ lãnh đạo chính trị bằng phổ thông đầu phiếu, nhưng vẫn có một nhóm nhỏ cổ vũ việc thiết lập các định chế khác liên hệ với dân chủ tự do. Một số nhấn mạnh sự cai trị của luật pháp; một số khác nhấn mạnh tự do ngôn luận và lập hội; còn những người khác kêu gọi có các cuộc bầu cử có tranh đua hơn. Một số quan tâm tới dân chủ trong nội bộ Đảng; một số khác quan tâm tới dân chủ của người dân thường (grassroots). Tuy thế, rõ ràng tất cả đều đòi hỏi một hệ thống chính trị đặt cơ sở trên một hình thức nào đó của kiểm tra và cân bằng. Tất cả đều nhấn mạnh nhu cầu cải cách chính trị để đối phó với tệ nạn tham nhũng tràn lan và những bất bình đẳng xã hội cùng kinh tế đang tăng nhanh theo với các cải cách kinh tế của TQ.
Những quan điểm chính trị cấp tiến trình bày trong năm 1998 khác với các nhà nhân bản Mác-xít trong thập niên 1980 ở chỗ chúng tương đối độc lập hơn đối với sự bảo trợ chính trị – không chỉ bởi nền kinh tế thị trường đang tăng nhanh của TQ và sự mở ra đối với thế giới bên ngoài mà còn do bởi khát vọng muốn sở đắc một sự tự trị trí thức hơn. Cũng thế, với sự sụp đổ của Bức tường Berlin năm 1989 và sự sụp đổ của Liên bang Sô-viết cùng các nhà nước cộng sản Ðông Âu năm 1991, các nhà trí thức ấy không còn yêu cầu cải cách bên trong khuôn khổ Mác-xít-Lê-ni-nít. Thế hệ trẻ hơn của những người cấp tiến ấy trích dẫn một chuỗi các nhà tư tưởng phương Tây từ Adam Smith tới Popper để hỗ trợ các luận cứ của mình.

Các diễn đàn cấp tiến
Năm 1998, các nhà kinh tế học, khoa học chính trị, triết gia và sử gia phát biểu công khai nhu cầu cải cách dân chủ, trên hai tạp chí Cải tổ và Phương pháp và chúng trở thành hai diễn đàn chính của các quan điểm cấp tiến. Nhân số kỷ niệm năm thứ mười tháng Giêng 1998, tờ Cải tổ cho công bố một diễn văn của Li Shenzhi (Lí Thận Chi), nguyên cố vấn chính trị của Thủ tướng Chu Ân Lai, có nhan đề “Cũng phải thúc đẩy cải cách chính trị”. Chào đời năm 1923 trong một gia đình thương gia giàu tại thành phố Vũ Tích, tỉnh Giang Tây, Li Shenzhi hấp thụ giáo dục kiểu phương Tây và tốt nghiệp kinh tế học tại Ðại học Yên Kinh, tiền thân của Ðại học Bắc Kinh, trước khi gia nhập Ðảng Cộng sản năm 1940.
Li Shenzhi bị gắn nhãn “hữu khuynh” năm 1957 vì đặt vấn đề sự cai trị độc đảng; hậu quả ông bị khai trừ gần hai thập niên. Tuy thế, sau cái chết của Mao, ông được phục hồi và làm cố vấn chính sách ngoại giao. Li Shenzhi trở thành Phó Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc và thành lập Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ ở đó năm 1981.
Sau ngày 4 tháng Sáu năm 1983, Li Shenzhi bị truất khỏi địa vị đó vì chỉ trích cuộc đàn áp thẳng tay Thiên An Môn. Tuy thế, tới cuối thập niên 1990, ông là một trong những người ủng hộ hùng hồn nhất và công khai nhất chủ nghĩa tự do và cải cách chính trị. Các tiểu luận của ông đăng trên Cải tổ và Phương pháp công bố không chút dè dặt một nghị trình chính trị tự do.
Cũng trong số kỷ niệm 10 năm của tờ Cải tổ, nhà kinh tế học nổi tiếng Mao Yushi (Mao Vu Thức) xuất hiện như một người cổ vũ bộc trực cho cải tổ chính trị. Chào đời năm 1928, và giống như Li Shenzhi, ông bị đóng dấu sắt nung hữu khuynh năm 1957. Tác phẩm của ông bị cấm xuất bản và ông bị tước hết công việc. Dù xuất thân từ gia đình cách mạng, Mao Yushi từ chối khi được mời gia nhập Ðảng Cộng sản vào thập niên 1980. Là kinh tế gia tại Viện Khoa học Xã hội, ông thành lập một nhóm nghiên cứu kinh tế độc lập gọi là Unirule (Thiên tắc Kinh tế Nghiên cứu Sở). Ông cũng tổ chức một diễn đàn để thảo luận việc dịch một bản Trung văn mới cho cuốn The Constitution of Liberty (Hiến pháp của tự do) của Friedrich Hayek. (Hayek, triết gia và kinh tế gia, là người phê bình gay gắt nhất chủ nghĩa xã hội và là người đề xuất chủ nghĩa cá nhân cùng quyền tư hữu; ông được đọc rộng rãi trong các nhà trí thức cấp tiến ở TQ.) Mao Yushi viết một luận văn dài nhan đề: “Chủ nghĩa tự do, qui chế bình đẳng và nhân quyền” năm 1998, trong đó ông ca ngợi chủ nghĩa tự do phương Tây và đòi hỏi nhân quyền. Ông lập luận rằng kinh tế thị trường đòi hỏi sự nới lỏng các kiểm soát chính trị để phát triển đầy đủ.
Ngay cả nhà cách mạng lão thành Li Rui (Lí Nhuệ), nguyên thư ký của Mao Trạch Ðông, công bố một bài đòi hỏi cải cách chính trị, trên tờ Cải tổ số tháng Giêng. Bài báo của Li Rui là bản tóm tắt bức thư ông viết cho một đồng chí không tên trong chính phủ trung ương, đề ngày 10 tháng Chín năm 1997, trong đó ông than phiền việc Đảng vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của tả khuynh. Trích dẫn diễn văn ngày 18 tháng Tám năm 1980 của Ðặng Tiểu Bình, Li Rui vạch ra rằng “sau 17 năm, những vấn đề họ Ðặng chỉ trích trong bài diễn văn đó, thí dụ… tập trung quá đáng quyền lực, sự bất lực trong việc tách sinh hoạt Đảng khỏi guồng máy chính quyền, việc Đảng thay thế chính quyền; sinh hoạt dân chủ bất thường trong nội bộ Đảng, sự bất toàn của hệ thống pháp luật chưa được giải quyết tốt.”
Từ năm 1997 tới 1998, cũng như hai tờ Cải tổ và Phương pháp, một số tạp chí và báo tin tức khác đăng các bài đòi hỏi cải cách chính trị, thậm chí có cả vài bài trong tờ Nhân dân Nhật báo chính thức. Tất cả được tập hợp lại làm thành hai tuyển tập, một xuất bản tháng Bảy với chủ đề Chính trị Trung Quốc: Ðối diện kỷ nguyên chọn lựa một cấu trúc mới (Political China: Facing the Era of Choosing a New Structure); một xuất bản tháng Chín với chủ đề Chính trị Trung Quốc: Văn học Giải phóng 1978-1998 (Political China: Liberation Litterature 1978-1998). Sự tập hợp các bài báo cổ vũ cải cách chính trị trong hai quyển, được viết bởi các viện sĩ, nhà báo, thành viên các nhóm nghiên cứu, góp phần làm tăng thêm tác động của các đề xuất từ những người cấp tiến.
Ðặc biệt có ý nghĩa là nguồn tài trợ cho hai quyển đó vén lộ cho thấy có một số phần tử trong giai cấp doanh nghiệp mới đang bắt đầu dùng lợi nhuận của mình để bảo trợ việc thảo luận các vấn đề chính trị và cổ vũ cho thay đổi chính trị. Hầu hết doanh gia đang phất của TQ đều câu kết với viên chức địa phương để tăng tiến tình trạng kinh tế của mình, hệ quả là hầu hết dân kinh doanh tránh xa những nỗ lực đưa tới thay đổi chính trị. Thế nhưng vẫn có một ít trường hợp ngoại lệ, thí dụ Wan Runnan (Vạn Nhuận Nam), đứng đầu tập đoàn Stone Group (Thạch Ðoàn), do Wan thành lập như một think tank vào thập niên 1980 để nghiên cứu về cải cách chính trị và rồi ủng hộ những người biểu tình tại Thiên An Môn năm 1989.
Sở dĩ hai tuyển tập đó được tài trợ bởi doanh gia tư nhân là vì trong họ, có một số trước đây từng tham gia các hoạt động chính trị trong thập niên 1980 và bị loại khỏi các cơ sở trí thức. Thay vào đó, họ đi làm doanh nghiệp. Tới cuối thập niên 1990, họ tự nguyện và có khả năng tài trợ cho các nỗ lực trí thức và chính trị thuộc loại đó.

Linh bát Hiến chương
Một biến cố mang tính chương hồi xảy ra gần đây trong việc thảo luận công khai tại TQ, chỉ cho thấy một hiện tượng vừa xuất hiện trong thập niên qua: cách thức mà hiện nay các nhà trí thức xã hội cùng các công dân khác đòi hỏi chính quyền phải sống theo những nguyên tắc mà nó đã chấp nhận bằng văn bản. Ngày 10 tháng 12 năm 2008, kỷ niệm năm thứ 60 ngày ban hành Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, một nhóm người từ các tầng lớp xã hội khác nhau đã phát động phong trào được gọi là
Linh bát Hiến chương trong đó đưa ra một sơ đồ cho các cải cách cơ bản về chính trị và luật pháp hầu đạt tới một hệ thống chính trị dân chủ.
Lấy kiểu mẫu từ phong trào
Hiến chương 77 của Václav Havel tại nước Tiệp Khắc cũ, Linh bát Hiến chương phê phán chính quyền TQ thất bại trong việc thi hành các điều khoản nhân quyền mà các nhà lãnh đạo của nó đã ký vào, thí dụ Công ước LHQ về Quyền Chính trị và Dân sự ký năm 1998 và các tu chính án năm 2004 cho bản hiến pháp của TQ, trong đó có câu “tôn trọng và bảo vệ quyền con người.” Linh bát Hiến chương vạch rõ rằng, “Rủi thay, hầu hết tiến bộ chính trị của TQ được mở ra không xa hơn trang giấy trên đó nó đã ký.” Về thực tại chính trị, Hiến chương tuyên bố: “rằng TQ có nhiều luật lệ nhưng không có sự cai trị của luật pháp; nó có bản hiến pháp nhưng không có chính quyền hợp hiến.” Linh bát Hiến chương đòi hỏi một hệ thống chính trị đặt căn bản trên các định chế chính trị của kiểm tra và cân bằng.
Thêm một lần nữa, các nhà trí thức và sinh viên TQ, theo từng thời kỳ đều đặn, lại đưa ra những yêu cầu như thế. Ðiều làm cho Linh bát Hiến chương, về mặt phẩm tính, khác với hầu hết các phản đối trước đây là nó đã trở thành một phong trào chính trị vượt qua các lằn ranh giai cấp. Trước đây, các cuộc biểu tình thường được tiến hành bởi các giai cấp chuyên biệt và đặt trọng tâm trên các vấn đề kinh tế cá biệt, thí dụ phản đối của dân quê chống lại việc viên chức địa phương tịch thu đất của họ, hoặc phản đối của công nhân chống lại việc không trả tiền lương. Ngay cả trong các cuộc biểu tình năm 1989 tại Thiên An Môn, ban đầu sinh viên nối tay nhau, giữ không để công nhân và thị dân tham dự vì họ biết rằng Đảng sợ sự liên minh giữa các nhà trí thức và công nhân. Tới cuối tháng Năm 1989, khi các giai cấp xã hội khác tự mở lối đi vào cuộc phản đối ấy và phong trào lan sang các thành phố khác cùng các giai cấp khác, Ðặng Tiểu Bình sợ nó đe dọa tới sự cai trị của Đảng. Và đó là lý do ông ra lệnh quân đội thẳng tay đàn áp phong trào.
Một đặc điểm khác làm Linh bát Hiến chương thành khác thường tại TQ là rằng, dù khởi thủy chỉ có hơn 300 nhà trí thức ký tên, nhưng rồi rất lẹ làng, nó được những công dân thường, thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau – doanh gia, chuyên viên, viên chức địa phương, công nhân, nông dân, bà nội trợ, người mua bán dạo – thêm tên mình vào khi nó luân lưu trên internet và những nơi khác. So với các phong trào chính trị bình dân tại nước Cộng hòa Nhân dân TQ, Linh bát Hiến chương có thêm một điều mới mẻ nữa, đó là có sự tham gia của một số luật sư biện hộ cho những người bị cáo giác phạm tội chính trị.
Bất chấp việc giam giữ nhà văn Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba), người khởi thảo Linh bát Hiến chương, và bất chấp sự lên án khắc nghiệt của chính quyền đối với phong trào ấy, ngay trước khi Đảng giật sập trang web của Linh bát Hiến chương vào giữa tháng Giêng 2009 đã có hơn 8.000 người xoay xở ký tên vào.
Sự kiện Linh bát Hiến chương lộ ra cho thấy rằng không chỉ các nhà trí thức bày tỏ lòng bất mãn đối với hệ thống độc tài chuyên quyền của TQ mà còn có các tầng lớp nông dân, công nhân, tiểu doanh gia, những người được coi là hưởng lợi từ kiểu mẫu chính trị của TQ. Sự tham gia của họ vào phong trào Linh bát Hiến chương có thể qui phần nào cho tình hình kinh tế ngày càng xuống dốc vào cuối năm 2008. Các xưởng máy trong nhiều ngành kỹ nghệ xuất khẩu của TQ phải đóng cửa vì giảm yêu cầu đặt hàng tiêu thụ tại phương Tây, và nhiều sinh viên tốt nghiệp, lần đầu tiên trong kỷ nguyên sau-Mao, không tìm được việc làm.
Cơ bản hơn, phong trào Linh bát Hiến chương nêu vấn đề hệ thống chính trị đặt cơ sở tính chính thống của nó trên khả năng của Ðảng Cộng sản phân phối sự tăng trưởng kinh tế. Mặc dù bị đàn áp thẳng tay và Lưu Hiểu Ba cùng vài người ký tên khác bị bắt giam, Linh bát Hiến chương biểu hiện cho một phong trào đa giai cấp đòi hỏi thay đổi chính trị, và nó có khả năng tiếp tục.
Một phong trào như thế cần tới sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kể cả Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ, để thành công. Những phản đối công khai và mạnh mẽ của quốc tế về vụ đàn áp phong trào Hiến chương 77 tại Tiệp Khắc đánh dấu sự bắt đầu việc tháo gỡ hệ thống cộng sản tại Ðông Âu. Các nhà lãnh đạo của TQ, cũng giống với các nhà lãnh đạo Liên bang Sô-viết cũ, đều không được miễn trừ khỏi sức ép của nước ngoài trên các vấn đề chính trị.
Người ta hi vọng rằng chính quyền Barrack Obama có thể là một xúc tác trong nỗ lực đạt tới sự tự do hơn trong học thuật và trí thức cho các nhà trí thức TQ, bằng cách tiếp tục và gia tăng những trao đổi hàn lâm và thảo luận quốc tế về các chủ đề chính trị cũng như khoa học và kinh tế. Trong nỗ lực này, sự dấn mình của quốc tế ngày càng tăng với các trí thức của TQ cũng như với các nhà lãnh đạo chính trị của TQ, có thể đóng được vai trò trong việc bảo vệ những người yêu cầu cải cách chính trị. Một sự dấn thân như thế có thể ảnh hưởng lên cách Đảng đối xử với các nhà trí thức xã hội.

Hướng tới dân chủ?
Mùa Xuân năm 2009, trong thời gian chuẩn bị ngày kỷ niệm năm thứ hai mươi vụ đàn áp Thiên An Môn, Cục Tuyên truyền (Propaganda Department) của TQ kiểm duyệt cắt bỏ những thảo luận trên truyền thông nước ngoài về các biến cố năm 1989. Nó ngăn chặn nhiều trang của International Herald Tribune và nhật báo Hongkong South China Morning Post, cũng như những thảo luận trên đài BBC, YouTube và Twitter.
Thế nhưng trong dân chúng TQ, những người quan tâm tới những gì từng xảy ra tại Thiên An Môn đã tìm được cách khám phá qua máy BlackBerry cầm tay của họ và tiếp cận internet với các server nước ngoài.
Như đã thấy trong biến cố mang tính chương hồi Linh bát Hiến chương, kỷ nguyên sau-Mao chứng kiến sự gia tăng ý thức quyền công dân cùng sự gia tăng những nỗ lực có tổ chức trong người dân bình thường lẫn các nhà trí thức để đòi quyền chính trị. Những phát triển ấy không nhất thiết có hàm ý chuyển động hướng tới dân chủ, nhưng quả thật chúng là những dấu hiệu tiên quyết cho một môi trường trí thức tự do hơn và cho sự dẫn tới việc thiết lập các định chế dân chủ.
Dân chủ tùy thuộc vào khát vọng của các công dân có tổ chức nhằm tham gia một quá trình chính trị để buộc chính quyền phải chịu trách nhiệm về hành động của nó đối với việc cải thiện các phúc lợi công cộng. Do đó, dù những nỗ lực đòi quyền chính trị tại TQ bị đàn áp nhanh chóng và dù chỉ mới có một ít cải cách chính trị được đưa vào, hẳn là lầm lẫn khi xem nhẹ tác động của những nỗ lực ấy.
Không giống như trong kỷ nguyên Mao là thời mà bất cứ sự bất đồng ý kiến nào cũng bị trấn áp tàn bạo tới nơi tới chốn, các nhà trí thức xã hội của TQ ngày nay đang trải nghiệm chủ nghĩa đa nguyên trí thức, tranh luận mạnh mẽ và dấn thân với cộng đồng quốc tế. Ðặc biệt họ đang liên kết với các giai cấp khác và các nhóm xã hội khác trong hành động đòi hỏi các cải cách chính trị. Trong khi chuyển dịch của TQ từ chế độ độc tài cực quyền tới chế độ độc tài chuyên quyền không làm chấm dứt sự đàn áp việc thảo luận chính trị, nó cũng không thể ngăn chặn các nhà trí thức, theo những thời kỳ đều đặn, thể hiện vai trò lịch sử của mình hoặc tìm kiếm một tác động rộng rãi hơn lên xã hội TQ.

Nguồn: Toàn văn bài “China’s Beleaguered Intellectuals” (Các trí thức bị bao vây của Trung Quốc) của Merle Goldman đăng trong đăng trong Current History: A Journal of Contemporary World Affairs (Lịch sử Hiện thời – Tạp chí Các sự vụ Thế giới Ðương đại), số đặc biệt China and East Asia (Trung Quốc và Ðông Á), tháng 9 năm 2009, xuất bản tại Hoa Kỳ, tr. 264-269.

Bản tiếng Việt © 2009 Nguyễn Ước
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog



No comments:

Post a Comment