Friday, September 4, 2009

BLOG LÀ CHIẾN TUYẾN CUỐI CÙNG CỦA TỰ DO Ở VIỆT NAM


Đường dây Internet của nhạc sĩ Tô Hải bị cắt
RFA-09-03-2009
http://www.rfa.org/vietnamese/VietnameseNews/vietnamnews/musician-To-Hai-internet-line-was-cut-09032009184206.html
Tin tức tổng hợp cho hay hôm mùng 2 tháng 9 vừa rồi, nhạc sĩ Tô Hải trong nước, nổi tiếng qua tác phẩm ‘Hồi Ký Của Một Thằng Hèn,’ đã bị cắt đường Internet mà giới cầm quyền VN nêu lý do là “đường dây bị mục nát cần sửa chữa, không biết đến bao giờ mới có thể phục hồi”.
Giới viết Blog cho rằng việc cắt đường Internet như vừa nói là “nhằm bịt miệng” Tô Hải. Bài viết hàng tuần của ông trên Blog đựơc khá nhiều người trong nước cũng như hải ngoại thích thú theo dõi nay đã đến tuần thứ 18. Có blogger chuyển lời của ông với người đọc rằng đó có thể là bài chót của ông trên Blog
Qua tác phẩm “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn,” tác giả Tô Hải đã vạch trần bản chất xã hội xã hội chủ nghĩa ở VN, khiến nhiều tờ báo của nhà nước, cùng phe hậu thuẫn họ tại hải ngọai, mạnh mẽ đả kích.
Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.


'Chiến tuyến cuối cùng' ?
Nguyễn Hùng
2009-09-03, 13:37
http://www.bbc.co.uk/blogs/vietnamese/
Giáo sư Carl Thayer, một nhà nghiên cứu Việt Nam có tiếng, nói ''các blog là chiến tuyến cuối cùng của tự do'' ở Việt Nam.
Câu nói của giáo sư làm tôi nhớ tới lời của các sinh viên biểu tình đòi tự do trong vở nhạc kịch 'Les Misérables': ''Đằng sau ụ chắn là một thế giới mới.''
Những người đi tiên phong trong thế giới blog trong vài năm gần đây đã có một thế giới fan hâm mộ đáng nể.
Họ đã mở đường cho các fan này tới với các nguồn thông tin và những cách nhìn thế giới mới.
Họ cũng không phải lập ra những ụ chắn để cản đường những người muốn 'chọc gậy bánh xe' vì blog, ít nhất là cho tới tận năm 2006, 2007, vẫn còn là một thế giới mới.
Và các chính quyền thường bao giờ cũng đi sau người dân một bước về công nghệ.
Nhưng rồi những tiếng nói về sự cần thiết phải quản lý blog cũng xuất hiện và kết quả hiển nhiên là sự e dè thậm chí sợ hãi có thể nhìn thấy trên không gian ảo.

Ảo và thật

Một blogger lấy tên là Bút Thép ở thành phố Hồ Chí Minh nói nhiều người đã đóng cửa blog, nhiều người để blog nhưng không thấy viết gì thêm.
Nhiều người bình luận trên Blog Ôsin của nhà báo Huy Đức cũng nói họ cảm thấy lo lắng trong bầu không khí hiện nay.
Nhưng cũng tại thành phố Hồ Chí Minh một blogger khác lấy tên Cường Nhà báo Tự do nói với tôi:
''Nhiều người giật mình, nhiều người cho rằng đây là cái thăng trầm của lịch sử của xã hội nhưng tôi thấy bình thường.
''Nhiều anh em quá ấu trĩ, ngồi trước bàn phím mà anh tưởng thích làm gì cũng được.
''Thực ra cái thế giới này gọi là ảo nhưng nó rất là thực.''
Anh nói khi phong trào blog bắt đầu cách đây hơn ba năm nó là một luồng gió mới mang theo các thông tin ''đa chiều, phong phú, dễ đọc hơn'' so với truyền thông bị quản lý và đưa tin theo kiểu ''một chiều.''
Blogger này nói tiếp: ''Khi đó nó ngồn ngộn, nó phừng phừng khí thế.
''Nhưng cái gì nó tự do thì nó hay thái quá. Người dùng blog bắt đầu lạm dụng, bắt đầu nảy sinh đủ loại blog. Có một loại chiếm một tỷ lệ rất lớn chúng tôi gọi là 'gi gỉ gì gi cái gì cũng viết'.
''Rồi cũng có một số muốn dùng blog như một công cụ để đấu tranh, để nói lên tiếng nói phản kháng hay để cung cấp thông tin trái chiều. Diện này theo tôi ở một mặt nào đó cũng là một luồng phản biện cho xã hội.
''Nhưng khi nó hoàn toàn tự do, khi anh là tổng biên tập cho blog tự do thì nhiều người không giữ được thái độ tốt và thường hay bị thiên kiến và ý kiến nhiều khi không còn chuẩn mực nữa.
''Thật tiếc là chả có ai dạy viết blog cả. Từ trước tới nay người ta dạy làm báo chí, dạy làm thơ văn hay dạy làm kinh tế chứ chẳng ai dạy làm blog cả.
''Cho nên tự thân người viết blog bằng sự thái quá hay sự thiếu hiểu biết hay sự quá khích cũng tự tiêu diệt mình và làm cho mình phát chán.''

Giới hạn tự do
Nhưng chính blogger Cường Nhà báo Tự do cũng thừa nhận trong một xã hội mà hệ thống báo chí chính thống bị kiểm soát thì cần có những người xê dịch cột mốc của tự do.
Một blogger ở Bắc Giang thì nói với tôi nếu anh phải cho điểm tự do thể hiện trên blog của anh, anh sẽ chỉ cho điểm 5-6 trên thang điểm 10.
Blogger này xác nhận anh chỉ dùng blog để nói về các chuyến đi của anh tới các nơi khác nhau và tránh không đề cập tới những vấn đề nhạy cảm.

Mới ngày hôm nay, blogger ngoài 80 tuổi Tô Hải, tác giả của
"Hồi Ký Của Một Thằng Hèn" viết:
''Đúng ngày mùng 2/9, ngày độc lập tự do thì tôi, Tô Hải, Nhat sy bao thu, Langdu126, đã bị mất độc lập tự do: Không lý do bị cắt internet.
Ông viết tiếp: ''Chỉ còn 21 ngày nữa là tớ mới có 83 tuổi thôi, tớ muốn làm 1 bloger già nhất nước cho đến khi chết, vậy mà không được nữa rồi. Buồn quá các friends ơi.
''Nếu còn vào được blog của tớ, thỉnh thoảng nhớ tớ thì cứ đọc lại và viết nhiều comments nữa. Còn tớ thì không thể liên lạc được với các bạn nữa rồi. Xin chào từ biệt và ôm hôn tất cả các fan của tớ.''

Trong khi đó hồi tuần trước báo Sài Gòn Tiếp Thị nói thẳng rằng họ ''ngừng hợp đồng'' với nhà báo và blogger có tiếng Huy Đức vì không cùng quan điểm với bài 'Bức tường Berlin' mà anh viết trên blog.
Việc một báo sa thải phóng viên vì bất đồng quan điểm không có gì là đáng ngạc nhiên.
Nhưng khi quan điểm của báo đi ngược lại quan điểm có thể coi là quan điểm của thời đại thì lại là một điều không dễ giải thích.
Và những gì xảy ra với blogger Huy Đức dường như cũng khẳng định ''blog là chiến tuyến cuối cùng của tự do'' tại Việt Nam.


No comments:

Post a Comment