Tuesday, September 22, 2009

ĐÀO HIẾU (Việt Nam) trả lời TÔN VÂN ANH (Ba Lan)


Cách mạng không phải của riêng ai: Trả lời Tôn Vân Anh
Đào Hiếu
22/09/2009 7:05 sáng
http://www.talawas.org/?p=10563
talawas - Trước những sự kiện chính trị dồn dập liên quan đến các nhà hoạt động dân chủ, các nhà bất đồng chính kiến, các nhà nghiên cứu độc lập, các blogger và nhà báo tại Việt Nam trong thời gian qua, những người quan tâm trong và ngoài nước đã bày tỏ nhiều quan điểm, nhận định khác nhau, thậm chí xung khắc nhau nặng nề. Chúng tôi cho rằng việc những quan điểm khác nhau như vậy có cơ hội xuất hiện là dấu hiệu tốt cho tiến trình nhận thức chính trị chung của tất cả các bên liên quan, trong đó có “số đông thầm lặng” không trực tiếp tham gia phát ngôn.
Trong tinh thần ấy, chúng tôi chuyển đến độc giả tranh luận giữa nhà báo Tôn Vân Anh, một nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền thuộc thế hệ trẻ sống tại Ba Lan, một năm trước từng bị
Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan từ chối cấp / đổi hộ chiếu mới, vì “đã có những hoạt động đi ngược lại lợi ích của Nhà nước, nhân dân Việt Nam và quan hệ truyền thống Việt Nam – Ba Lan”, và nhà văn Đào Hiếu, nổi tiếng với những tác phẩm và bài viết công khai phê phán sự biến chất của chế độ cách mạng mà ông từng tham gia đấu tranh cho nó, và mới đây đã tuyên bố phải đóng cửa trang web Lề Bên Trái (www.daohieu.com) được nhiều người quan tâm của mình dưới sức ép của công an Việt Nam.

----------------------------------------------

(Xem bài “
Ý kiến về công an, Đào Hiếu và thường dân” của Tôn Vân Anh)

Tôn Vân Anh: Trong
bài trả lời phỏng vấn mới đây của nhà văn Đào Hiếu xung quanh việc anh phải đóng cửa trang web, dưới sức ép công an, trong phong trào được anh gọi là “đầu hàng tập thể”, điều kì lạ nhất là anh “không biết trách ai” trong khi mọi việc đã quá rõ ràng.
Đào Hiếu: Khi tôi nói ”không biết trách ai” sau khi đã nêu một loạt so sánh những người ”tranh đấu” trước đây và bây giờ, có nghĩa là đã biết kẻ đáng trách rồi.
Đó là: bộ máy kìm kẹp đã làm quần chúng không tổ chức được lực lượng, đó là nền giáo dục và hệ thống tuyên truyền đã làm cho một bộ phận đông đảo lớp trẻ suy nghĩ một chiều, chấp nhận chế độ hiện có như một lẽ đương nhiên không cần phải đặt vấn đề thay đổi. Đó là sự thụ động của một số trí thức, không dám dùng kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình để làm thay đổi lối suy nghĩ một chiều của lớp trẻ và sự liệt kháng trong quần chúng. Đó là sự thờ ơ đến khó hiểu của các tổ chức nhân quyền, dân chủ ở bên ngoài Việt Nam, họ phản ứng chiếu lệ trước các vụ bắt bớ, như thể họ đã có thỏa thuận ngầm với chính quyền Việt Nam.
Đó là những người đang sống trong những xã hội rất an toàn (như Mỹ, châu Âu…) tự cho mình cái quyền bình phẩm, đòi hỏi những người đang đấu tranh trong nước phải thế này phải thế kia, giống hệt những khán giả trên đấu trường La Mã ngày xưa ngồi trên khán đài ngất ngưởng xem các nô lệ đấu với sư tử. Họ rung đùi thưởng thức trận đấu dã man và không cân sức ấy, họ vỗ tay để khen hoặc la ó để chê mặc dù họ không hề phải bỏ tiền để mua vé vào xem những trận đấu mà trong đó người giác đấu phải trả bằng sinh mạng của mình.
Thái độ đó không những đáng trách mà còn quá tàn bạo.

Tôn Vân Anh: Nếu coi phát biểu của anh Đào Hiếu là tiêu biểu cho suy nghĩ của một số người thì những người ấy nên xác định lại vị trí của mình trong cuộc chiến, sau khi đã xác định được đối phương.
Đào Hiếu: Vậy chị Tôn Vân Anh đã xác định vị trí của mình trong cuộc chiến chưa? Chị đang ở trên khán đài hay đang ở dưới sân với bầy sư tử?

Tôn Vân Anh: Muốn hay không, trí thức vẫn là bộ phận không rời của đội quân luôn cần chất xám, đạo đức và minh khôi. Vai trò trí thức khác với vai trò thường dân.
Người trí thức Việt Nam nên biết ơn người dân vì họ đã làm hết bổn phận của dân, trong xã hội độc tài. “Chị buôn bán ngoài chợ, phu xe xích-lô, công chức. Họ đều nhìn thấy vấn đề hết.” Như vậy đã là quá nhiều! Còn muốn gì hơn nữa? Hãy biết ơn họ, những người buôn bán ngoài chợ, những anh xích-lô, công chức đã nhìn thấy vấn đề! Không nên dè bỉu, dù chỉ tức thời, là họ “ít đọc”, “không thể hiện bức xúc”… Thà nói toạc: “Thường dân ơi, hãy vẹn toàn cho trí thức nhẹ nợ” có phải dễ nghe hơn?
Đào Hiếu: Những ai từng hoạt động trong các phong trào quần chúng đô thị trước đây đều biết rằng: cái mà cách mạng cần không phải là ”nhìn thấy vấn đề”, không phải là những rầm rì chửi bới chế độ của quần chúng ngoài xã hội. Kiểu phản kháng như thế chỉ mới ở tầm mức ”xả xú báp” tầm mức ”van xì hơi” mà thôi.
Cách mạng cần họ CÙNG xuống đường, cần họ CÙNG đổ máu, cần họ tiếp tế quần áo, cơm gạo, đạn dược, cần họ cống hiến con ruột của mình cho tổ quốc và cống hiến cả sinh mạng mình nữa. Thời trước, quần chúng đã từng làm như vậy và đã góp phần quan trọng cho thắng lợi cuối cùng. Trong văn học cũng như trong âm nhạc Việt Nam thời ấy đã có biết bao nhiêu tác phẩm ca ngợi sự hy sinh, sự dấn thân quên mình của quần chúng. Họ đã nhảy xuống đấu trường cùng với những người giác đấu để chống lại bầy sư tử.
Cách mạng không phải của riêng ai, cách mạng là sự nghiệp của cả dân tộc do vậy không nên đặt vấn đề ai phải cám ơn ai.

Tôn Vân Anh: Việc lên tiếng, thể hiện bức xúc chẳng bao giờ là việc của số đông hay hầu hết người dân, một khi xã hội chưa dân chủ. Đó là việc của trí thức, nhà báo – những công cụ có bổn phận nói lên những gì người dân không làm được.
Đào Hiếu: Làm cách mạng mà chỉ có trí thức lên tiếng thôi thì chỉ là ảo tưởng. Sự lên tiếng của trí thức chỉ có tác dụng thức tỉnh (nếu quần chúng chịu đọc, chịu nghe). Chính quần chúng (bao gồm cả lực lượng vũ trang) mới quyết định thắng lợi. Phải 3 mặt giáp công gồm chính trị (báo chí, tuyên truyền, quần chúng xuống đường rầm rộ, kéo dài trong nhiều ngày, đưa các yêu sách và đòi hỏi phải thực hiện cho bằng được các yêu sách), quân sự (mở các trận đánh, các chiến dịch quân sự) và ngoại giao (sự hỗ trợ bằng biện pháp ngoại giao từ các nước trên thế giới).
Hiện nay ở Việt Nam cả ba mũi ấy đều gần như không có (mũi thứ nhất hiện chỉ mới tồn tại trên chữ viết). Chúng ta có thể thắng giặc bằng những bài báo, bằng những lời đàm tiếu ngoài chợ, trên vỉa hè, trong xóm lao động sao? “Như vậy là quá nhiều” sao?
Tình hình Việt Nam hiện nay khác xa với tình hình Đông Âu thời Gorbachev. Đông Âu có truyền thống dân chủ lâu đời và quan trọng nhất là Liên Xô tan rã. Nếu hiện nay Trung Quốc cũng tan rã như Liên Xô thì Việt Nam cũng sẽ sụp đổ theo rất nhanh.

Tôn Vân Anh: Trong trường hợp trí thức từ bỏ bổn phận xã hội của người trí thức mà vẫn không biết trách ai, có thể tự trách mình.
Đào Hiếu: Đóng cửa một trang web không có nghĩa là từ bỏ bổn phận xã hội.
Cuối cùng, để kết thúc bài trả lời, tôi xin mạn phép trích ra đây một trong số những thư của độc giả Việt Nam đã gởi cho tôi để chia sẻ và động viên tôi trong những ngày khó khăn này. Bức thư viết:
Gửi anh Hiếu,
Sinh sau 1975, tôi tự nhận tên mình là “1VN - Một Việt Nam”, để mong, để thúc đẩy sự đồng thuận, sự hòa giải trong 1 dân tộc đầy hận thù lịch sử, bất đồng hệ tư tưởng, không cùng mục tiêu.
Tôi có thói quen sau khi dùng cơm trưa văn phòng, tôi đều vào các web thời sự, chính trị, xã hội,… xem thông tin. 1 tuần vừa qua, nhiều lần vào
daohieu.com, cả vượt tường lửa nữa, tôi đều không xem được. Biết là đang có “vấn đề”, và sau khi đọc “Sự đơn độc đáng sợ thì tôi hiểu, và cảm thông với anh.
Tôi cũng thường cảm thấy mình “lưu vong” trên chính quê hương mình, đất nước mình. Một đất nước đã lựa chọn nhầm “minh chủ”, trong thời khắc giao thời kết thúc chiến tranh thế giới thứ II. Một director thiếu tầm nhìn chọn nhầm direct.
Thật buồn khi tôi cũng như những người nông dân, công nhân, tiều thương, trí thức,… mà anh đã gặp. Ai cũng biết, nhưng phần lớn không coi đó là chuyện của mình. Những người thường cập nhật thông tin thì biết hơn 1 chút, nhưng “hèn”.
Tôi sắp có con, tôi rất lo lắng 10-20 năm sau nó sẽ sống trong 1 xã hội như thế nào? Rồi dân tộc đáng thương hại này sẽ đi tiếp hiện tại như xã hội CS TQ đầy mâu thuẫn, hay thay đổi như Iraq chỉ thích sống dưới ách độc tài hơn là ăn cơm dân chủ. Một dân tộc đáng thương, một đất nước nghèo hèn trên tài nguyên giàu có, địa chính trị thuận lợi.
Tôi rất hiểu tâm tư, sự đơn độc, “lưu vong” trên chính quê hương mình của anh.
Chúc anh thanh thản.

--------------------------------------------


Ý kiến về công an, Đào Hiếu và thường dân
Tôn Vân Anh

22/09/2009 7:00 sáng
http://www.talawas.org/?p=10549
talawas - Trước những sự kiện chính trị dồn dập liên quan đến các nhà hoạt động dân chủ, các nhà bất đồng chính kiến, các nhà nghiên cứu độc lập, các blogger và nhà báo tại Việt Nam trong thời gian qua, những người quan tâm trong và ngoài nước đã bày tỏ nhiều quan điểm, nhận định khác nhau, thậm chí xung khắc nhau nặng nề. Chúng tôi cho rằng việc những quan điểm khác nhau như vậy có cơ hội xuất hiện là dấu hiệu tốt cho tiến trình nhận thức chính trị chung của tất cả các bên liên quan, trong đó có “số đông thầm lặng” không trực tiếp tham gia phát ngôn.
Trong tinh thần ấy, chúng tôi chuyển đến độc giả tranh luận giữa chị Tôn Vân Anh, một nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền thuộc thế hệ trẻ sống tại Ba Lan, một năm trước từng bị
Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan từ chối cấp / đổi hộ chiếu mới, vì “đã có những hoạt động đi ngược lại lợi ích của Nhà nước, nhân dân Việt Nam và quan hệ truyền thống Việt Nam – Ba Lan”, và nhà văn Đào Hiếu, nổi tiếng với những tác phẩm và bài viết công khai phê phán sự biến chất của chế độ cách mạng mà ông từng tham gia đấu tranh cho nó, và mới đây đã tuyên bố phải đóng cửa trang web Lề Bên Trái (www.daohieu.com) được nhiều người quan tâm của mình dưới sức ép của công an Việt Nam.
-------------------

Bài
trả lời phỏng vấn mới đây của nhà văn Đào Hiếu xung quanh việc anh phải đóng cửa trang web, dưới sức ép công an, khiến tôi nhớ tới một bộ phim ấn tượng mang tên Przesłuchanie (Thẩm tra) của đạo diễn Ryszard Bugajski phát hành chui tại Ba Lan năm 1982, kể về các cuộc tra hỏi một nữ diễn viên bị Công an Nhân dân Ba Lan vô tình bắt được trong một cuộc rà quét các nhân vật chống đối. Bị tra khảo, nhục mạ tới tận cùng chịu đựng, cô làm lương tâm của một viên sĩ quan an ninh rung động. Cuối cùng anh ta phải tự vẫn để bằng cách đó cắt đứt vòng luẩn quẩn của độc tài.
So với những gì mà các blogger, các nhà hoạt động dân chủ kể lại (
Võ Tấn Huân, Người Buôn Gió, Mẹ Nấm), các cuộc thẩm vấn an ninh thực hiện tại Việt Nam không giống các cuộc tra hỏi, đánh đập mà nạn nhân là nhiều nhà dân chủ Ba Lan trước kia. Cũng chưa bao giờ, tại Ba Lan, người ta không những đầu hàng mà đầu hàng xong rồi còn có ý băn khoăn hỏi người khác “tại sao không thể hiện bức xúc”. Có thể Ba Lan từng có những người như vậy nhưng chẳng có đài quốc tế nào coi họ là tiếng nói đáng chiếm thời lượng của đài.

Thái độ đối với công an cũng là điều đáng nói. Có một số cho rằng công an Việt Nam “chỉ” là bộ phận thi hành mệnh lệch cấp trên giao cho. Nhưng tận cùng thâm tâm chẳng ai thỏa mãn với lời bào chữa đó. Bởi tận cùng thâm tâm, ta không thể đồng ý để người khác trù dập, bỏ tù, giết hại, đánh đập thường dân dù có nhân danh cái gì đi nữa. Người còn chút tính người không bao giờ hành hạ người khác, kể cả để thực hiện bổn phận “nuôi sống gia đình”.
Những người công an được giao nhiệm vụ hành hạ các nhà dân chủ đơn giản chỉ là những kẻ đã táng tận lương tâm. Nhẹ hơn chút thì họ là những người đã bị nhồi sọ. Nói chung, họ bị thiếu suy nghĩ của một con người bình thường dù có thể họ có trang bị đầy đủ cho gia đình mình, đầu tư cho con cái mình bằng số tiền và vị thế dành được nhờ hành hạ người khác. Hệ quả của những hành hạ này là người dân còn tha hồ gánh chịu bằng mất nước, mất biển, mất thể diện, mất nhân quyền. Có mơ hồ quá không khi tới lúc này còn nói rằng mấy anh công an “chỉ” làm việc được giao, chỉ đóng vai trò thụ động trong công cuộc bảo tồn chế độ độc tài? Ai là người bắt bớ, giam cầm, ám sát, thủ tiêu? Ai là người chơi đểu bằng đuổi việc, cắt lương các đối tượng bất kham độc tài? Ai nói những lời răn đe, ép hiếp gia đình những nhà yêu nước? “Cấp trên”?

Về phong trào được anh Đào Hiếu gọi là “đầu hàng tập thể”, điều kì lạ nhất là anh “không biết trách ai” trong khi mọi việc đã quá rõ ràng. Cái sự “không biết” đó kéo theo một dãy các loại hiểu lầm, lấn cấn.
Một số các anh chị hoạt động dân chủ đang lấn cấn không định nghĩa được đối phương của mình là ai và công an là gì.
Thật thà mà nói, không ai khác làm ta lấn cấn ngoài chính chúng ta.
Không phải bởi ngu đần mà bởi có sự e dè, không dám suy xét tới cùng. Suy xét tới cùng buộc ta phải đối diện với hình ảnh nhà nước Việt Nam còn tệ hại hơn những mô tả của nhóm người vẫn bị chửi là “cực đoan” từng mô tả.

Chỉ cần điểm lại 3 tháng qua để biết thế nào là bẽ bàng cho những ai sẵn sàng ngậm bồ hòn chỉ để trông chờ một bước lùi trong bạo hành của đối phương. Không có bước lùi nào dù nhỏ từ phía bạo quyền, với bất kì ai, từ Nguyễn Tiến Trung tới những blogger như Mẹ Nấm, những nhà báo như Đoan Trang…
Nếu coi phát biểu của anh Đào Hiếu là tiêu biểu cho suy nghĩ của một số người thì những người ấy nên xác định lại vị trí của mình trong cuộc chiến, sau khi đã xác định được đối phương.
Muốn hay không, trí thức vẫn là bộ phận không rời của đội quân luôn cần chất xám, đạo đức và minh khôi. Vai trò trí thức khác với vai trò thường dân. Người trí thức Việt Nam nên biết ơn người dân vì họ đã làm hết bổn phận của dân, trong xã hội độc tài. “Chị buôn bán ngoài chợ, phu xe xích-lô, công chức. Họ đều nhìn thấy vấn đề hết.” Như vậy đã là quá nhiều! Còn muốn gì hơn nữa? Hãy biết ơn họ, những người buôn bán ngoài chợ, những anh xích-lô, công chức đã nhìn thấy vấn đề! Không nên dè bỉu, dù chỉ tức thới, là họ “ít đọc”, “không thể hiện bức xúc”… Thà nói toạc: “Thường dân ơi, hãy vẹn toàn cho trí thức nhẹ nợ” có phải dễ nghe hơn?
Việc lên tiếng, thể hiện bức xúc chẳng bao giờ là việc của số đông hay hầu hết người dân, một khi xã hội chưa dân chủ. Đó là việc của trí thức, nhà báo – những công cụ có bổn phận nói lên những gì người dân không làm được.
Trong trường hợp trí thức từ bỏ bổn phận xã hội của người trí thức mà vẫn không biết trách ai, có thể tự trách mình.

Warszawa 20 tháng 9 năm 2009
© 2009 Tôn Vân Anh
© 2009 talawas blog



No comments:

Post a Comment