Wednesday, September 2, 2009
ĐẠI HỘI CHUYÊN GIA ÂU CHÂU 2009
Ðại Hội Chuyên Gia Âu Châu 2009:
Phát triển Việt Nam – Môi trường
Cập nhật ngày: 1/09/2009
http://www.viettan.org/spip.php?article8875
Nằm trên một ngọn đồi cạnh cầu nhảy sky quốc tế, khách sạn 4 sao rộn rịp tiếng chào đón khách thập phương của các quốc gia đổ về từ: Ðức quốc, Pháp quốc, Bỉ quốc, Anh quốc, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Ðan Mạch, Thụy Ðiển, Thái Lan, Việt Nam và kể cả đông đảo đồng hương Việt Nam tại Vương quốc Na Uy, trong đó có ông Nguyễn Minh Tuấn, đại diện Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Oslo và Vùng Đông; đặc biệt các chính giới bản xứ cũng là thuyết trình viên trong Đại Hội như: Bà Marit Nybakk, Phó Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Quốc Hội Na Uy; ông Bjarne Sivertsen, Nghiên cứu gia; ông Peter Gitmark, Dân biểu Quốc Hội Na Uy; ông John Leif Fosse, Bộ Môi Sinh...
Đó là Đại Hội Âu Châu 2009 do Hội Chuyên Gia Việt Nam/Phân Hội Chuyên Gia Na Uy tổ chức với sự góp sức đắc lực của Trung Tâm Việt - Na Uy và Đảng Việt Tân/Cơ sở Na Uy, bắt đầu từ sáng Thứ Bảy ngày 22 đến trưa Chủ Nhật, ngày 23 tháng 8 năm 2009 tại Thủ đô Oslo, Vương quốc Na Uy.
Qua chủ đề "Phát Triển Việt Nam - Môi Trường", Đại Hội hiện diện trên 120 tham dự viên, đặc biệt giới trẻ chiếm đến 2/3 trong tổng số. Sau khi quan khách tề tựu đông đủ, đúng 9 giờ sáng ngày Thứ Bảy, cả hội trường nghiêm chỉnh cử hành nghi thức chào Na Uy kỳ, Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa và phút mặc niệm để tưởng nhớ các tiền nhân đã dựng nước và giữ nước; các anh hùng, anh thư đã bỏ mình vì quốc gia dân tộc, các chiến sĩ, đồng bào đã tử nạn vì cuộc chiến phân chia Nam, Bắc hoặc bỏ mình giữa biển khơi khi vượt thoát tìm lý tưởng tự do.
Kế đó, anh Nguyễn Đức Thuận thuộc Phân hội Chuyên Gia Na Uy và cô Mi Văn lần lượt đọc diễn văn chào mừng quan khách. Đặc biệt, bà Marit Nybakk cũng được mời lên diễn đàn nồng nhiệt chào mừng mọi người tham dự. Qua đó bà Marit Nybakk công nhận vai trò của cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Na Uy, bà cũng nói về quá trình phát triển Việt Nam và vai trò của chính phủ Na Uy đối với Việt Nam.
- Bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo phân tách về hiện tình Việt Nam và nhấn mạnh muốn phát triển Việt Nam một cách bền vững cần phải quan tâm đến tầm quan trọng của vấn đề môi sinh và sau đó Bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo tuyên bố khai mạc Đại Hội trong tiếng vỗ tay tưng bừng của cả hội trường. Liên tục các đề tài thuyết trình được các diễn giả lần lượt mời lên diễn đàn:
- Kỹ sư Nguyễn Phan Ðính qua đề tài "Giảm Thiểu Biến Đổi Khí Hậu, Động Cơ Cho Phát Triển Sạch CDM". Cuối bài thuyết trình kỹ sư Nguyễn Phan Đính kết luận: "Trong chương trình phát triển sạch nên có sự kết hợp vào chương trình phát triển kinh tế tại Việt Nam...."
- Cô Nguyễn Thị Ngọc Hương (Cao học Kinh tế, Thương mại và Điều hành), nói về "Rác Thải Sinh Hoạt Gia Cư - Giải Pháp Nào Cho Việt Nam". Sau một loạt trưng lên các hình ảnh xử lý rác thải một cách bừa bãi từ thôn quê đến nơi thị tứ ở Việt Nam, cô Nguyễn Thị Ngọc Hương nhấn mạnh về chất thải và sự ảnh hưởng của nó đến môi trường và sức khỏe cộng đồng là vấn đề lớn cần sự quan tâm của giới chức và người dân.
- Tiến sĩ Y khoa Nguyễn Thiện Thanh Duyên với "Ảnh Hưởng Ô Nhiễm Âm Thanh Cho Đời Sống Mới" cho thấy tầm ảnh hưởng vô cùng lớn của sự ồn ào trong nhịp sống hằng ngày, và sau đó bác sĩ Thanh Duyên cũng đưa ra nhiều phương pháp khả thi để tránh tiếng động của âm thanh.
- Ông Bjarne Sivertsen: "Tầm Quan Trọng Của Các Nguồn Ô Nhiễm Không Khí Cho Người Dân VN tại Sài Gòn". Theo nghiên cứu của ông Bjarne Sivertsen tại Việt Nam cho người ta thấy rằng nguyên nhân chính của ô nhiễm không khí là khí thải của các loại xe trên đường phố. Ông Bjarne Sivertsen nói rằng môi trường là vấn đề của toàn cầu, và những nước nghèo như Việt Nam sẽ ảnh hưởng lớn về các loại thiên tai do sự hâm nóng toàn cầu gây ra.
- Dân biểu Peter Gitmark: "Sự Hâm Nóng Của Địa Cầu". Ông Peter Gitmark nói rằng trong thời gian tới nếu nhiệt độ của địa cầu tăng lên chỉ 2 độ C thì các nước nghèo bị ảnh hưởng, nặng nề nhất là Bangladesh, Ấn Độ, Mã Lai, Miến Điện, Trung quốc, Việt Nam v.v... Nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam sẽ bị ngập lụt lớn.
- Ông John Leif Fosse: "Hợp Tác Với Việt Nam Về Nạn Phá Rừng". "Chúng ta có thể không thấy hậu quả môi trường của mình, nhưng con cái chúng ta sẽ là những người gánh chịu, cho nên phải hành động ngay từ bây giờ...", đó là lời cảnh báo của ông John Leif Fosse trong phần mở đầu bài thuyết trình. Dưới chương trình giảm nạn phá rừng đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, cho ta thấy sự quan tâm của Liên Hiệp Quốc đối với nạn phá rừng ở Việt Nam mà Na Uy và các nước thành viên Âu châu đã giúp Việt Nam hiểu rõ về sự tai hại này.
Buổi tối Thứ Bảy, một cuộc đi chơi ngoài trời bằng du thuyền. Chiếc tàu nhỏ chở khoảng 70 thành viên của Đại Hội rời bến cảng Oslo lúc 18 giờ 50, chiếc du thuyền chạy ven theo con vịnh của thành phố Oslo trong ánh đèn đêm rực rỡ muôn màu. Du thuyền lướt sóng và lướt gió trong lời ca tiếng nhạc lúc trầm buồn, khi kinh động của các giọng ca chuyên nghiệp và cả "cây nhà lá vườn" đã làm cho bóng đêm lúc ẩn lúc hiện những vì sao khuya như khua tan nỗi nhớ khi các ca khúc "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ", "Việt Nam, Việt Nam"... được trỗi lên và quyện vào sóng nước.
Đại Hội vào Chủ Nhật, 23.08.2009:
- 08 giờ 30 Bác sĩ Nguyễn Thiện Thanh Duyên với nét nhảy duyên dáng tiêu biểu cho giòng sông Mekong, để rồi chiếc khăn quàng rộng lớn này đành phải dùng lau những giọt nước mắt của Bs Thanh Duyên đã rỏ ra vì xúc động.
- Tiến sĩ Peter Tôn Thất Tuấn: "NLP Goal Setting" tiếp nối chủ đề môi trường của Đại Hội. Đó là mô hình những suy nghĩ trong cuộc sống hằng ngày.
- Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Lượng với đề tài "Chương Trình Tài Chánh Của Xã Hội Để Phát Triển Việt Nam Bền Vững" (The Financial And Social Conditions For Sustainable Development In VietNam). Giáo sư Nguyễn Xuân Lượng cho rằng sự kết chặt của xã hội cần có sự quân bình giữa nam và nữ, và sự công bằng trong mọi tầng lớp dân chúng trong xã hội. Đó là chìa khóa của một xã hội vững chắc, là vốn liếng của sự phát triển.
- Ông Hoàng Tứ Duy, thành viên đảng Việt Tân: "Phát triển Việt Nam Bền Vững - Nhìn từ Tây Nguyên". Ông Hoàng Tứ Duy chú trọng đến môi trường qua đề án "Khai thác bô-xít tại Tây Nguyên của nhà nước Việt Nam", qua đó ông Hoàng Tứ Duy nhấn mạnh đến những tai hại của vấn đề môi sinh và những tổn phí của đề án này. Ông Hoàng Tứ Duy nói rằng muốn phát triển bền vững thì cần có sự kết hợp cả ý thức và môi trường, cùng sự tham khảo ý kiến của mọi tầng lớp trách nhiệm trong xã hội, đó là điều căn bản trong một xã hội dân chủ...
- Ông Nguyễn Ngọc Danh: "Phát Triển Bền Vững và Bảo Vệ Môi Trường". Ông Nguyễn Ngọc Danh cho rằng phát triển cần phải phù hợp với nhu cầu của xã hội, giảm thiểu tối đa về sự thay đổi môi trường thiên nhiên trong tương lai, và căn bản nhất là sự giáo dục về phát triển và bảo vệ môi trường.
Đến 11giờ 30 cả hội trường đều im lắng để chú tâm đến cuộc điện đàm trực tuyến với nhà văn Nguyên Ngọc tại Việt Nam qua bài tham luận mà tất cả cử tọa đều đánh giá là rất sắc bén để nói lên hiện tình Việt Nam, nhất là qua sự kiện khai thác bô-xít bừa bãi tại Tây Nguyên. Trước hết nhà văn Nguyên Ngọc ngỏ lời xin lỗi vì hoàn cảnh ngoài ý muốn nên ông không thể có mặt cùng với Đại Hội và rất hân hạnh được góp mặt ngày hôm nay dù không được trực tiếp. Bài tham luận của nhà văn Nguyên Ngọc được đề cập qua các lãnh vực phát triển, môi trường. Đặc biệt việc khai thác bô-xít tại vùng Tây Nguyên của nhà nước Việt Nam đã làm cho các nhà học giả, các nhà khoa học, giới trí thức trong nước đều quan tâm, vì nạn tàn phá rừng và ô nhiễm môi sinh... Nhà văn Nguyên Ngọc lên tiếng: "Cần phải khôi phục lại Tây Nguyên như thiên nhiên đã tạo ra cho đất nước ta. Công việc sẽ rất khó khăn vì sự tàn phá quá sâu và khá dài, tình hình cả thiên nhiên lẫn xã hội đã bị xáo trộn phức tạp...". Kết thúc bài tham luận nhà văn Nguyên Ngọc nói: "Sự khôi phục ắt phải đòi hỏi nhiều thập kỷ, thậm chí một thế kỷ...". Ông báo động: "Nhưng không còn con đường nào khác, vì nếu chậm thì sẽ đến giới hạn không còn quay lại được nữa, tức là đã đến mức báo động đỏ...". Được biết, nhà văn Nguyên Ngọc là Ủy viên Thường vụ và nguyên Tổng Thư ký Hội Nhà Văn Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập báo Văn Nghệ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Đại học Tư thục Phan Chu Trinh, Hội An. Ông đã cho ra đời các tác phẩm: Đất Nước Đứng Lên, Đỉnh Chung, Mạch Nước Nguồn, Nhớ Và Quên, Bằng Đôi Chân Trần v.v...
Sau các đề tài thuyết trình đều có phần thảo luận đi kèm. Đặc biệt tất cả các tham dự viên đã tỏ ra hăng say khi đặt câu hỏi của mình và luận bàn qua nhiều lãnh vực khác nhau đã tạo cho mỗi tiết mục hội thảo một luồng không khí được đánh giá là rất vui nhộn trong học hỏi.
Những diễn tiến sau cùng để kết thúc Đại Hội, anh Huỳnh Thanh Trúc sau khi tặng quà cho các diễn giả thì thông báo cùng cử tọa về kế hoạch cho Đại Hội 2010 sẽ được tổ chức tại Copenhagen, với đề tài "Xã Hội và Giáo Dục", và kêu gọi mọi người sốt sắng tham dự kỳ Đại Hội này. Phần đúc kết 2 ngày Đại Hội 2009 do anh Peter Tôn Thất Tuấn đọc trước Đại Hội. Kế đó là lời bế mạc Đại Hội của ông Nguyễn Ngọc Danh. Qua đó ông Nguyễn Ngọc Danh cho là Đại Hội 2009 lần này được đánh giá rất xuất sắc và thành công nhất. Xuất sắc và thành công ở chỗ là tham dự viên toàn là giới trẻ so với 10 năm về trước. Ông Nguyễn Ngọc Danh cũng không quên nhắc lại rằng Hội Chuyên Gia được thành lập là do sự thúc đẩy của một số chuyên gia qua biến cố Đông Âu 1989.
Được biết, trước Đại Hội, Ban Tổ chức cũng có 2 ngày Trại Hè dành cho giới trẻ, trại hè được tổ chức tại thị trấn Nordtangen (cách Oslo khoảng 100 km về hướng Bắc) và quy tụ hơn 60 trại sinh trong tinh thần làm quen, tìm hiểu và vui chơi ca hát quanh lửa trại.
Đại hội bế mạc vào lúc 12 giờ 25 ngày Chủ Nhật và ai nấy hứa hẹn cho sự gặp mặt vào Đại Hội năm tới.
Đôi suy nghĩ về vấn đề môi trường đang nóng hổi ở Việt Nam
Nhà văn Nguyên Ngọc
Cập nhật ngày: 1/09/2009
http://www.viettan.org/spip.php?article8876
Xin giới thiệu đến quý độc giả Bài tham luận của nhà văn Nguyên Ngọc trình bày tại Đại Hội Chuyên Gia 2009 tại Oslo, Nauy ngày 23/08/2009. Ban Biên Tập web Việt Tân
-------------------------
Tôi xin cám ơn Ban Tổ chức đã tạo điều kiện cho tôi được tham dự cuộc hội thảo quan trọng và thú vị này. Dù không được trực tiếp nghe hết nội dung các tham luận, song qua tiêu đề và những tóm tắt có được, tôi nghĩ những vấn đề được các diễn giả trình bày đều rất thiết thực và bổ ích, vừa cụ thể, gần gũi với thực tế Việt Nam, vừa có tầm khái quát, sâu sắc và lâu dài, nếu có thể được tiếp tục nghiên cứu và triển khai chắc chắn sẽ là đóng góp không nhỏ cho yêu cầu phát triển bền vững, một yêu cầu nóng bỏng đang đặt ra ở Việt Nam hiện nay.
Tôi đặc biệt tâm đắc với ý kiến của diễn giả Nguyễn Ngọc Danh quan niệm môi trường không chỉ là cảnh quan tự nhiên, mà rộng hơn và sâu hơn, còn là văn hóa và xã hội, là con người trên tất cả các phương diện và trong tất cả các mối quan hệ của mình, tác động qua lại tất yếu giữa tự nhiên và văn hóa xã hội, nói cho đúng bên nào cũng là quyết định. Tức quan niệm toàn diện về phát triển. Hoặc nói rõ hơn nữa, việc con người và xã hội đặt vấn đề môi trường như thế nào trong phát triển, đặc biệt ở những nước đang phát triển, nhất là những nước đang ở giai đoạn đầu của tình trạng "đang phát triển" ấy. Việt Nam hiện nay chính là đang ở bước đó, cụ thể hơn nữa là đang ở trong tình thế phải ra sức đuổi kịp, không chỉ với thế giới nói chung, mà cả với các nước trong khu vực, ngay chung quanh mình. Trong những giai đoạn đầu và trong thế phải ra sức đuổi kịp như vậy, quả thực có một cân nhắc luôn được đặt ra, thường rất căng thẳng: để khởi động và tạo đà phát triển, lại là phát triển với gia tốc lớn để đuổi bắt, luôn luôn đuổi bắt, có phải cần hy sinh môi trường đến một mức độ nào đó và trong một thời gian nào đó, coi như một cái giá đánh đổi cần thiết? Để rồi, đến một lúc, khi đã đạt được một tầm mức phát triển "đủ sức", thì sẽ quay lại trả món nợ vay mượn trước của tương lai kia. Tôi xin nói rằng ở trong nước hiện nay đang có không ít ý kiến theo chiều hướng đó, và những ý kiến ấy không phải là hoàn toàn không có những cơ sở nhất định. Hẳn chúng ta biết nhiều nước châu Âu, cả Bắc Âu, đã đạt trình độ phát triển cao hiện nay, cũng từng qua những giai đoạn "hy sinh" như vậy, từng tàn phá rừng đến gần cạn kiệt, rồi sau này đã khôi phục lại tuyệt vời như bây giờ. Liệu Việt Nam có phải đi qua, có nhất thiết phải đi lại con đường ấy không? Tôi nghĩ đây là một câu hỏi không dễ trả lời, cần những phân tích rất tỉnh táo, khách quan, khoa học, và đầy trách nhiệm.
Trước hết, theo tôi, trong thực tế hơn 30 năm qua chúng ta đã đi theo xu hướng "hy sinh" như vừa nói. Tôi xin lấy một dẫn chứng từ một vùng đất mà tôi có biết rõ và gắn bó: Tây Nguyên. Mở tấm bản đồ Việt Nam, và cả bản đồ Đông Dương, ai cũng có thể thấy ngay vị thế đặc biệt của Tây Nguyên: nó nằm gần chính giữa và ở trên cao, là mái nhà của Việt Nam và của toàn Đông Dương, khống chế và chi phối toàn bộ bán đảo này về tất cả các mặt, đặc biệt về môi trường. Mọi tác động dù nhỏ về môi trường ở đây tất yếu gây ảnh hưởng cả trực tiếp lẫn gián tiếp đến toàn vùng. Tây Nguyên lại còn có đặc điểm hết sức phong phú về tự nhiên, là vùng rừng giàu nhất và quan trọng nhất Đông Dương với hệ động thực vật hết sức đa dạng, là vùng đất màu mỡ, chiếm đến 60% quỹ đất bazan trong cả nước, đặc biệt thích hợp cho cây công nghiệp, lại giàu tài nguyên khoáng sản; lại đồng thời là quê hương lâu đời của các dân tộc thiểu số có lịch sử bền lâu, có những nền văn hóa độc đáo và đặc sắc - văn hóa theo tất cả các nghĩa sâu xa của nó, chứ không phải chỉ là hình thức lòe loẹt, kỳ lạ (exotique) bên ngoài như người ta thường lầm tưởng, những nền văn hóa chứa đầy sự hiền minh, đặc biệt về mối quan hệ khắng khít, ruột thịt giữa con người và tự nhiên, đã giữ cho các dân tộc ấy tồn tại ổn định, hài hòa, bền vững giữa một thiên nhiên vừa giàu có vừa khắc nghiệt qua hàng nhiều ngìn năm nay -. Người Tây Nguyên không bao giờ coi tự nhiên là "tài nguyên" để cho con người chiếm lĩnh và khai phá, thậm chí coi là môi trường theo nghĩa môi trường tự nhiên như ta vẫn thường hiểu; đối với họ, rừng - mà tự nhiên ở đây tức là rừng - là tất cả, con người là bộ phận, là tế bào không thể tách rời của rừng, là đứa con ruột thịt của rừng, không có rừng thì không có con người và xã hội, mất rừng thì con người tha hóa và xã hội rối loạn. Cũng có thể nói toàn bộ nền triết học, hay minh triết của Tây Nguyên là triết học, minh triết về rừng, hình như chính là nền minh triết mà tòan thế giới đang muốn quay về tìm lại ngày nay sau bao nhiêu bước đi hùng hổ và kiêu căng, khiến con người vừa giàu có hơn vừa ngày càng cô đơn hơn giữa chính sự giàu có đó…
Hơn 30 năm qua, chúng ta đã hoàn toàn không hiểu, không chú ý đến chiều sâu vô cùng quý đó của Tây Nguyên, đã không hiểu được môi trường trong ý nghĩa nhất thiết phải toàn vẹn của nó, môi trường tự nhiên luôn gắn chặt với môi trường văn hóa xã hội, môi trường văn hóa xã hội là nền tảng của môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa xã hội bị tổn thương thì môi trường tự nhiên bị tàn phá, và ngược lại, không thể tách rời. Nói một cách có thể nặng lời nhưng không sai, trong hơn 30 năm qua chúng ta đã đến Tây Nguyên với một thái độ thô lỗ, thậm chí hỗn xược, với quan niệm sử dụng vùng đất này cho phát triển, gia tốc phát triển bằng bất cứ giá nào, sẵn sàng hy sinh môi trường ở đây cho phát triển. Kết quả, đã - và nguy thay, đang - tàn phá cái mái nhà này đến dị dạng về tất cả các mặt, tự nhiên, văn hóa, xã hội. Rừng gần như đã bị cạo sạch, những kế hoạch khai khoáng lớn đang được triển khai càng quét nốt rừng, gây ô nhiểm cả một vùng rộng lớn, làm cạn kiệt nguồn nước mà Tây Nguyên đang thiếu, gây xáo trộn xã hội và phức tạp văn hóa… Gần đây lại có tin sắp chuẩn bị hội nghị kêu gọi đầu tư lớn vào Tây Nguyên, thật rất đáng lo sợ…
Theo tôi, tình hình Tây Nguyên như hiện nay, có nguyên do từ đầu. Câu hỏi đặt ra từ đầu, cách đây hơn 30 năm đã không được trả lời đúng: Đối với một vùng đất có vị trí và vai trò đặc biệt trong tồn tại và phát triển bền vững của cả nước như Tây Nguyên, cần chủ trương khai phá là chính hay phát triển đi đôi khắng khít với bảo tồn, bằng bảo tồn là chính? Chúng ta đã chọn vế thứ nhất, và thực tế đã chứng minh chọn lựa đó là không đúng, là nguy hiểm. Tây Nguyên đã bị đẩy vào một tình thế suy thoái và cạn kiệt về mọi mặt, cả tự nhiên lẫn xã hội và văn hóa; chúng ta đang thật sự phá thủng nát cái mái nhà sinh tử của mình.
Vấn đề đặt ra hiện nay là làm gì ở đây? Tôi cho rằng cần nhất thiết dừng lại mọi khai phá ở đây, và thật kiên quyết, kiên định bắt đầu cuộc cứu chữa, khôi phục lại Tây Nguyên như thiên nhiên đã ban cho đất nước ta để mà tồn tại vững bền. Hẳn sẽ vô cùng khó khăn, bởi sự tàn phá đã quá sâu và khá dài, tình hình cả tự nhiên lẫn xã hội đã bị xáo trộn rất phức tạp; rừng của ta lại là rừng nhiệt đới với nhiều tầng, nhiều thảm thực vật xen kẽ và khắng khít, không giống rừng ôn đới. Sự khôi phục ắt phải đòi hỏi nhiều thập kỷ, thậm chí thế kỷ … Nhưng không còn con đường nào khác. Càng để chậm, càng phải trả giá đắt, và rất có thể đã sắp đến cái giới hạn không còn quay lại được nữa. Tức là đã đến lúc báo động đỏ.
Cần nghĩ đến một con đường phát triển khác cho Tây Nguyên, theo tôi lấy đặc điểm ưu thế về sinh thái và văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên làm chỗ mạnh. Những chỗ mạnh ấy đã bị làm sứt mẻ nghiêm trọng, phải ra sức cứu chữa, khôi phục. Và cũng phải biết cái gốc để khôi phục: khôi phục rừng, như nhiều nước đi trước chúng ta hằng trăm năm đã làm. Làm quyết liệt, tập trung, kiên định. Đầu tư lớn cho Tây Nguyên hiện nay và sắp đến nhát thiết phải là đầu tư xanh, đầu tư để khôi phục rừng. Có rừng, giàu rừng trở lại, thì lại sẽ có tất cả.
***
Cách đây vừa đúng 60 năm, năm 1949 Ấn Độ đã giành lại được nền độc lập từ tay đế quốc Anh. Mahatma Gandhi, vị anh hùng của nền độc lập Ấn Độ, đồng thời cũng là một bậc hiền triết lớn, bấy giờ đã đặt câu hỏi: Nước Anh chỉ là một đảo quốc nhỏ, dân số ít, vì sao đã trở nên giàu mạnh đến thế? Ấy là vì Anh đã tiêu xài một nửa tài nguyên của thế giới. Vấn đề của Ấn Độ bây giờ là phát triển theo con đường nào? Nếu chọn con đường phát triển như Anh, thì liệu cần có bao nhiêu trái đất mới đủ cho Ấn Độ? Ngày nay các nhà khoa học đã tính được cụ thể: cần có năm đến bảy trái đất. Con đường phát triển chủ yếu bằng moi móc tài nguyên mà chúng ta đã lầm tưởng là bất tận, là con đường cũ, dở, bế tắc. Tiếc thay, mấy mươi năm nay chúng ta đã đi theo chính con đường đó. Và tất cả chúng ta đều biết hiện nay có một nước còn khổng lồ hơn cả Ấn Độ đang ráo riết muốn thành siêu cường hàng đầu, đang ra sức chiếm đoạt tài nguyên của thế giới, cả ở châu Phi, Mỹ La-tinh, và không hề chừa Việt Nam, và vì tham vọng bá quyền của họ đang tiêu xài tài nguyên của chính họ và của các dân tộc khác, một cách còn hoang dã hơn các đế quốc trước đây nhiều. Bô-xít Tây Nguyên, như vừa qua đang làm xôn xao dư luận trong nước, không nằm ngoài ý đồ bao trùm đó. Không thể tiếp tục tàn phá môi trường, cả tự nhiên và xã hội, văn hóa của ta, cho kế hoạch nguy hiểm ấy.
Tôi xin kết thúc bài nói rất không đầy đủ này của tôi bằng mấy lời ngắn về câu chuyện ấy mà chắc các vị đều đã biết và theo rõi kỹ, để nói rằng cuộc đấu tranh cho một môi trường lành mạnh, bền vững, như bao giờ cũng vậy, là một cuộc đấu tranh xã hội sâu sắc, cần sự hội sức rộng rãi từ nhiều phía khác nhau, mà hội thảo này, tôi tin vậy, là một đóng góp tích cực.
Xin chân thành cám ơn tất cả quý vị.
No comments:
Post a Comment