Wednesday, August 19, 2009

VỀ "HỘI NGHỊ NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI"


Hà Nội sắp tổ chức “Ðại Hội Kiều Bào”
Thực hiện: Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt

Tuesday, August 18, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=99877&z=196
Tin tức loan tải trên Internet gần đây cho biết, sắp tới, chính quyền Hà Nội sẽ tổ chức một “Hội Nghị Người Việt Nam ở Nước Ngoài.” Một viên chức ngành ngoại giao của Hà Nội, hiện làm việc tại Hoa Thịnh Ðốn, xác nhận với Người Việt, rằng “có một hội nghị như vậy,” và “sẽ diễn ra tại Hà Nội vào trung tuần Tháng Mười Một sắp tới. Chi tiết chưa được biết rõ.”
G.S. Nguyễn Ngọc Bích, một học giả nổi tiếng, hiện đang sinh sống tại Virginia, Hoa Kỳ, cũng có nhiều thông tin liên quan đến Hội Nghị này. Ông đã có cuộc trao đổi sau đây với phóng viên Ðinh Quang Anh Thái của nhật báo Người Việt.


G.S. Nguyễn Ngọc Bích: “Có sự áp đặt ngay từ đầu”

ÐQAThái:
Giáo sư có biết về “Hội Nghị Người Việt Nam Ở Nước Ngoài” do nhà nước Hà Nội tổ chức?
G.S. Nguyễn Ngọc Bích: Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam tuyên bố là họ sẽ tổ chức tại Hà Nội một hội nghị lấy tên là “Hội Nghị Người Việt Nam Ở Nước Ngoài” từ ngày 19 đến ngày 24 Tháng Mười Một sắp tới. Họ dự trù hội nghị này sẽ quy tụ tới 1 ngàn người, trong số đó khoảng 650 người họ dùng chữ là “Ðại biểu Kiều bào” và 350 người ở trong nước. Theo con số này, thì cứ hai người từ hải ngoại về thì có một người tại Việt Nam kèm.
ÐQAThái: Nhà nước Việt Nam gọi những người từ ngoài về dự đại hội là “Ðại biểu Kiều bào.” Giáo sư có nghĩ rằng những người này là “đại biểu” cho khối người Việt Nam hải ngoại không?
G.S. Nguyễn Ngọc Bích: Có ai bầu cho họ đâu mà gọi là “Ðại biểu Kiều bào.” Ðiều tệ hại hơn nữa, là trong số 650 người được hội là “Ðại biểu Kiều bào” này, có đến một nửa là các cán bộ của nhà nước - tức là những người làm việc cho các tòa đại sứ Hà Nội ở nước ngoài - cho nên, số “Việt kiều” thực sự chỉ có khoảng trên 300 người thôi. Cách sắp xếp người tham dự như vậy cho thấy phía nhà nước muốn bảo đảm là sẽ không có sự kiện nào sẽ diễn ra ngoài ý muốn của họ.
ÐQAThái: Còn số 350 người trong nước thì sao, thưa giáo sư, họ thuộc thành phần nào?
G.S. Nguyễn Ngọc Bích: Tôi tin rằng những người đó đã được nhà nước chọn lọc để tham dự hội nghị, nhằm làm việc sát với những người từ ngoài về. Thí dụ, người của Bộ Giáo Dục sẽ làm việc với những chuyên gia giáo dục tại hải ngoại; người của Bộ Thương Mại sẽ làm việc các các doanh nhân hải ngoại... Tóm lại, nói theo cách ở trong nước, thì tổ chức như vậy để mọi người sẽ đi trong “lề phải” do nhà nước vạch ra.
ÐQAThái: Giáo sư có biết mục đích và nội dung của hội nghị này không?
G.S. Nguyễn Ngọc Bích: Theo thông cáo của nhà nước Hà Nội, thì mục tiêu nhằm hội thảo chuyên đề về 4 lãnh vực: “Ðại đoàn kết dân tộc,” “Phát triển và bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam,” “Trí thức kiều bào đối với công cuộc phát triển kinh tế Việt Nam” và “Doanh nhân kiều bào đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.”
ÐQAThái: Xin nghe ý kiến của giáo sư về 4 tiêu đề này?
G.S. Nguyễn Ngọc Bích: Trước hết là “Ðại đoàn kết dân tộc”; với chế độ độc tài hiện cầm quyền tại Việt Nam, đoàn kết chỉ có nghĩa là đoàn kết sau lưng chế độ chứ không thể là đại đoàn kết thực sự.
Thứ nhì là “Phát triển và bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam”; đâu cần phải đợi tới đảng Cộng Sản thì người Việt Nam ở nước ngoài mới tìm cách phát triển và bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam. Cứ nhìn vào con số các trường Việt ngữ ở khắp nơi có người Việt sinh sống thì chúng ta thấy ngay, thí dụ ở California, cả ngàn trường học và riêng tại miền Bắc tiểu bang này đã có khoảng 20 ngàn em học ở các trường Việt ngữ. Tại Nam California, các lớp học Việt ngữ cuối tuần cũng có khoảng 40 ngàn em theo học. Trong khi đó, các lớp dậy tiếng Việt do các tòa đại sứ của nhà nước tổ chức thì chỉ lèo tèo vài chục em theo học. Chỉ cần so sánh hai con số chênh lệch quá sức như thế cũng đủ kết luận, ai là người thực sự làm công việc “Phát triển và bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam”.
Còn việc “Trí thức kiều bào đối với công cuộc phát triển kinh tế Việt Nam”, nhà nước muốn lôi kéo người Việt hải ngoại về nước để bỏ tiền đầu tư hoặc để phục vụ những ngành nghề trong nước, nhưng ngay cả người trí thức hải ngoại muốn về giúp nước, thì họ cũng nhanh chóng thấy rằng, họ không có cơ hội để thi thố tài năng của họ. Bởi vì trong nước không có phương tiện nghiên cứu tân tiến, nên ở lâu chỉ lụt đi kiến thức. Ðó là chưa kể dù họ có thực lòng muốn giúp nước, phía nhà nước cũng không hoàn toàn tin họ.
ÐQAThái: Người Việt hải ngoại có khoảng trên 2 triệu người ở hầu hết các quốc gia trên thế giới; theo giáo sư, bốn tiêu đề của cuộc hội nghị có phản ảnh những trăn trở, thao thức của khối người này đối với quê nhà Việt Nam?
G.S. Nguyễn Ngọc Bích: Không có sự khế hợp giữa thao thức của người Việt hải ngoại và 4 tiêu đề nói trên do nhà nước Hà Nội đưa ra. Dĩ nhiên, nếu nói chung chung thì nghe lọt lỗ tai lắm, thí dụ “Ðại đoàn kết dân tộc” thì ai chẳng muốn, nhưng chính quyền tại Việt Nam phải làm điều gì cụ thể để thể hiện sự đại đoàn kết đó; chứ nếu chỉ muốn tất cả mọi người đoàn kết sau lưng đảng Cộng Sản thì làm sao thuyết phục được ai. Tôi cho rằng đây là một hội nghị với sự áp đặt các đề tài ngay từ đầu, do đó không thể kêu gọi được sự tham dự của những người Việt hải ngoại thực sự tha thiết với vận mạng của đất nước.
ÐQAThái: Theo giáo sư, đồng bào mình tại hải ngoại quan tâm nhất về những vấn đề gì tại quê nhà Việt Nam?
G.S. Nguyễn Ngọc Bích: Tôi thách thức hội nghị này bàn về những vấn đề đang được người Việt hải ngoại thực sự quan tâm. Ðó là những vấn đề gây đau nhức cho đất nước và toàn dân, như tệ nạn tham nhũng, vấn đề biên giới Việt-Trung, vấn đề biển Ðông, vấn đề bauxite tại Cao Nguyên, vấn đề dân oan, vấn đề dân chủ... Tôi tin chắc rằng cái hội nghị này không dám đụng tới những vấn đề nói trên.
ÐQAThái: Cám ơn giáo sư trả lời phỏng vấn của Người Việt.

-------------------------------


DỤ VIỆT KIỀU NUÔI ĐẢNG
VỀ CÁI GỌI LÀ "HỘI NGHỊ NGƯỜI VN Ở NƯỚC NGOÀI"


No comments:

Post a Comment