Thursday, August 27, 2009
VAI TRÒ của TỰ DO BÁO CHÍ
Vai Trò của Tự Do Báo Chí
John W. Johnson
Học Viện Công Dân
Institute for Civic Education in Viet Nam
http://www.icevn.org/vi/VaiTroTuDoBaoTri
"Khi người ta nhận ra rằng thời gian đã làm đảo lộn nhiều niềm tin mà vì nó họ đã từng tận tình tranh đấu, thì lúc đó họ sẽ tin rằng . . . điều tốt đẹp tối hậu mà họ mong muốn có lẽ chỉ có thể đạt được một cách tốt hơn bằng sự tự do trao đổi tư tưởng; và sự thử thách tốt nhất của sự thật chính là sức mạnh của tư tưởng đã được chấp nhận sau khi trải qua một cuộc gạn lọc với các tư tưởng khác trên thị trường [tư tưởng]. . . Dù sao thì quan điểm đó cũng là lý thuyết cho Hiến pháp của chúng ta. Nó chỉ là một cuộc thí nghiệm vì chính cả cuộc sống cũng chỉ là một thí nghiệm."
Thẩm phán toà Tối cao Hoa kỳ
Oliver Wendell Holmes (1919)
----------------------------------------
Một xã hội muốn được coi là thực sự dân chủ thì phải có một hệ thống bảo vệ rất cao cho việc trình bày tư tưởng một cách rộng rãi qua các phương tiện như nhật báo, tạp chí, sách vở, tập sách nhỏ, phim ảnh, truyền hình hay liên mạng như trong thời gian gần đây. Kinh nghiệm của Hoa kỳ trong hơn hai thế kỷ cho ta một thí dụ rõ ràng về nỗ lực của một quốc gia trong việc ấn định các nguyên tắc cho quyền tự do phát biểu. Lẽ dĩ nhiên những kinh nghiệm này mang những nét đặc thù của văn hóa và lịch sử của Hoa kỳ, nhưng các kinh nghiệm đó cũng cho thấy những nguyên tắc tổng quát có thể áp dụng cho các xã hội dân chủ khác.
Hiến pháp Hoa kỳ, nền tảng của hệ thống chính quyền Mỹ, chắc sẽ không được 13 tiểu bang sáng lập liên bang phê chuẩn năm 1791 nếu không có 10 điều tu chính, gọi là Đạo luật về Dân quyền, nhằm bảo vệ quyền tự do cá nhân. Không phải là một điều ngẫu nhiên mà quyền tự do phát biểu của báo chí đã đứng hàng đầu trong số các khoản tu chính này. Một phần trong khoản Tu chính Thứ nhất được viết như sau: "Quốc hội sẽ không được đưa ra một luật nào giới hạn quyền tự do ngôn luận hay quyền tự do báo chí." Đối với các nhà Lập quốc, tức là những người soạn thảo Hiến pháp và Đạo luật về Dân quyền, những tài liệu in - thường là nhật báo và tập sách nhỏ - lúc đó là các phương tiện truyền thông. Vì vậy trong khoản Tu chính Thứ nhất đã dùng từ "press" (máy in). Trong suốt lịch sử Hoa kỳ, tự do ngôn luận và báo chí, vì đã được đề cập tới cùng với nhau trong khoản Tu chính Thứ nhất, đã luôn luôn liên hệ mật thiết với nhau trong tâm trí của công chúng cũng như của các thẩm phán khi phải xét xử những vụ liên hệ tới vấn đề phổ biến các điều phát biểu.
Có lẽ cách hay nhất để nhận rõ được sự tiến hóa và phức tạp của vai trò của tự do báo chí tại Hoa kỳ là bằng cách khảo sát sự phát triển lịch sử của quan niệm này qua các phán quyết của các tòa án Mỹ. Tuy khoản Tu chính Thứ nhất bảo đảm rất nhiều quyền tự do báo chí, nhưng chính nền tư pháp Hoa kỳ mới là hệ thống định rõ một cách chính xác quan niệm đó có ý nghĩa như thế nào trên thực tế. Chính các toà án đã đưa cái ý tưởng bắt nguồn từ thông luật của nước Anh trong thế kỷ 18 để áp dụng và bảo vệ quyền đó chống lại các thế lực trong xã hội Mỹ, khi các thế lực này này cảm thấy khó chịu vì báo chí có quá nhiều tự do.
Vụ xử Zenger và tội phỉ báng có tính cách phản loạn
Vụ xử John Peter Zenger, chủ bút của một tờ nhật báo tại New York, năm 1734 là một thí dụ cho thấy quan niệm khái quát về tự do báo chí tại các thuộc địa Bắc Mỹ của nước Anh vào thời đó không giống bây giờ. Chính quyền thuộc địa tại New York khép Zenger vào tội phỉ báng có tính cách phản loạn vì đã cho in một bài đả kích kịch liệt toàn quyền đại diện cho hoàng gia tại thuộc địa. Từ điển luật pháp của Black định nghĩa phỉ báng là văn bản "có khuynh hướng làm cho người khác bị công chúng thù ghét, sỉ nhục, ... khinh bỉ, nhạo báng ... hay coi thường..." Một trong những điều nêu ra trên báo của ông Zenger là vị toàn quyền đã lập ra các tòa án mà không có sự thỏa thuận của viện lập pháp và đã độc đoán quyết định không cho các người dân thuộc địa được hưởng quyền xét xử bằng bồi thẩm đoàn.[1] Qua luật sư đại diện, Zenger không phủ nhận là bài báo đã đăng những điều khiến toà truy tố. Ông ta chỉ khẳng định là ông có quyền đăng các lời chỉ trích viên chức chính quyền dù lời chỉ trích đó có khiến cho viên chức bị chê cười, miễn là lời chỉ trích đó đúng sự thật. Trong một phán quyết có tính cách quyết định quan trọng, bồi thẩm đoàn đã tha bổng ông Zenger và do đó đã đưa ra nguyên tắc là sự thật là một yếu tố biện hộ cho các truy tố về tội phỉ báng. Nhưng lời phán quyết của bồi thẩm đoàn trong trường hợp này không làm thay đổi nguyên tắc pháp lý của nước Anh đã được nhà luật học nổi tiếng William Blackstone phát biểu một cách mạnh mẽ rằng "những điều có tính cách ác ý" là một tội có thể bị trừng phạt.
Năm 1798, sợ rằng các tư tưởng cực đoan của cuộc cách mạnh Pháp có thể lan tràn qua Đại tây dương, Quốc hội Mỹ đã thông qua bằng đa số phiếu Đạo luật Phản loạn quy định "việc viết, in, phát biểu hay phổ biến ... mọi văn bản sai sự thực, có tính cách xúc phạm hay ác ý" chống chính quyền đều là tội. Một số cá nhân và toà báo đã bị kết tội theo đạo luật này. Năm 1800, một chủ bút báo là James Thomson Callender, bị truy tố về tội phỉ báng có tính cách hình sự vì mô tả tổng thống John Adams "là tên đầu bạc hét ra lửa... có bàn tay đẫm máu." Callender, vốn đã là một người ít được ưa thích vì hay có những luận điệu được coi là có tính cách thô lỗ ngay cả trong cái thời đại lúc đó thường có những luận điệu đả kích chính trị khá mạnh, bị kết tội và bị tù nhiều năm. Về sau ông được Thomas Jefferson ân xá sau khi Jefferson lên chức tổng thống năm 1801.
Tội phỉ báng trong thế kỷ 19
Trong thế kỷ 19, tội phỉ báng dần dần được coi như là một vi phạm dân luật hơn là hình luật. Nghĩa là thay vì chính quyền truy tố những người viết chỉ trích các người cầm quyền thì chính các người có tiếng tăm lại đứng đơn kiện để bảo vệ thanh danh của họ.
Do đó mãi cho tới thế kỷ 20, ít có những trường hợp pháp lý để xử các vụ liên quan giữa quyền cá nhân và nhà nước. Những vụ quan trọng về hiến pháp trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 không liên hệ tới vấn đề tự do phát biểu mà là các vụ thử thách quyền hạn giữa chính quyền tiểu bang và liên bang và các vụ kiện liên hệ tới việc chính quyền can thiệp vào việc kinh doanh. Trong thời gian đó tinh thần địa phương có tính cách truyền thống lâu đời của Hoa kỳ làm giảm thiểu các cuộc đụng độ giữa chính quyền quốc gia và cá nhân.
Năm 1883, Tòa án Tối cao của Hoa kỳ cho rằng Đạo Luật về Dân Quyền chỉ giới hạn việc chính quyền toàn quốc can thiệp vào quyền cá nhân còn các tiểu bang không bị chi phối bởi luật đó. Vì vậy nguyên tắc này đã cho phép các tiểu bang tiếp tục kiểm duyệt báo chí và các tài liệu in khác cho tới thế kỷ 20. Do đó, mặc dầu khoản Tu chính Thứ nhất đã long trọng hứa hẹn tự do báo chí, nhưng trong lịch sử Hoa kỳ các toà án đã không luôn luôn bảo vệ những người liều lĩnh dám chỉ trích chính quyền. Sau phán quyết năm 1833 và mãi cho tới Thế chiến I, rất ít vụ liên quan tới tự do phát biểu được đưa lên tới tòa Tối cao. Tuy nhiên, với truyền thống văn hóa về tự do chính trị và do càng ngày càng có nhiều báo chí với số phát hành khổng lồ nên suốt trong thời kỳ này các các nhà văn và các nhà hí họa thời cuộc lại càng có điều kiện nới rộng giới hạn của tự do ngôn luận. Ngay cả Abraham Lincoln cũng là đối tượng của các tranh biếm họa; một nạn nhân khác là William Jennings Bryan, nhà chính trị thuộc phái bình dân vào cuối thế kỷ.[2]
Điều đáng chú ý là, vào những năm đầu của thế kỷ 20, những nhà văn nhà báo chuyên phanh phui các tham nhũng bê bối trong chính quyền đã dùng diễn đàn của các báo chí phát hành toàn quốc để đăng các bài gay gắt tố cáo tham nhũng trong giới chính quyền và kinh doanh được nhiều người đọc. Những bài tố cáo này đã làm nẩy sinh ra những thay đổi đáng kể về chính sách và luật lệ, đã giúp phong trào cấp tiến trở thành một lực lượng chính trị mạnh trong thế kỷ 20 và đã tạo điều kiện giúp cho sự nới rộng các quyền tự do báo chí trong nhiều năm sau đó.
Tự do báo chí trong thời chiến
Năm 1917, khi Hoa kỳ sắp sửa tham gia thế chiến I, Quốc hội thông qua đạo luật Gián điệp trừng phạt hành động lấy, nhận và phổ biến các tài liệu quốc phòng mà không được cho phép. Năm sau, lại có thêm một số tu chính cho đạo luật này, gọi là Luật Phản loạn năm 1918, đưa ra những hình phạt cho các hành động tiết lộ những điều có lợi cho kẻ thù của Hoa kỳ. Sau đó, các vụ truy tố theo luật này đã đưa tới một số các phán quyết của toà Tối cao Hoa kỳ liên hệ tới các điều khoản về tự do ngôn luận và tự do báo chí của Tu chính Thứ nhất. Quan trọng nhất trong các vụ này là vụ truy tố một người tên là John Abrams. Abrams bị kết tội là vi phạm Luật Phản loạn vì viết và phổ biến hai truyền đơn chỉ trích tổng thống Woodrow Wilson và chính quyền Hoa kỳ đã hỗ trợ quân sự cho chính quyền Nga hoàng để đàn áp cuộc Cách mạng Bôn-sê-vich. Hai truyền đơn này (bằng tiếnh Anh và tiếng Yiddish) được phân phát trong một vùng nhỏ tại thành phố New York. Hơn thế nữa, các lời chỉ trích của Abrams lại hơi động chạm tới việc tiến hành chiến tranh của Mỹ tại Đức. Tuy nhiên, việc kết tội Abrams đã được toà Tối cao chuẩn y. Đa số thẩm phán của Tòa cho rằng hành động của Abrams là một sự "đe dọa hiển nhiên và trực tiếp" cho sự an bình của dân chúng và do đó chính quyền cần phải trừng phạt.
Thử nghiệm thế nào là sự "đe dọa hiển nhiên và trực tiếp" đã được thẩm phán Oliver Wendell Holmes đưa ra một năm trước đó trong một phán quyết khác trong Thế chiến I liên hệ tới vấn đề tự do phát biểu. Tuy nhiên, trong vụ Abrams thì thẩm phán Holmes lại không đồng ý. Tuy không nói ra nhưng ý kiến của ông là đa số thẩm phán của Toà đã dùng không đúng cái thử nghiệm của ông để đánh giá tính cách hợp hiến của hình thức tự do phát biểu này. Ông cho rằng xã hội không có gì đáng lo sợ đối với một "tờ truyền đơn do một người ngu xuẩn vô danh phổ biến một cách lén lút". Trong 80 năm qua, cụm từ "đe dọa hiển nhiên và trực tiếp" đã được Toà dùng nhiều lần mỗi khi xét định tính cách hợp hiến của những tài liệu chỉ trích chính quyền dưới hình thức văn bản, lời tuyên bố hay hình ảnh tượng trưng. Một số nhà nghiên cứu về luật cho rằng thử nghiệm đó đã trở nên mềm dẻo đến nỗi có thể nói rằng ngôn từ của thử nghiệm có thể thích hợp với bất cứ một quan điểm nào của chính quyền để biện minh cho chính sách từ kiểm duyệt toàn diện đến kiểm duyệt từng phần quyền tự do phát biểu.
Các vụ truy tố về tự do phát biểu trong Thế chiến I cho thấy rõ một điểm quan trọng về sự liên hệ giữa các điều khoản về tự do ngôn luận và tự do báo chí trong điều Tu chính Thứ nhất. Tòa Tối cao Mỹ chưa bao giờ phân biệt giữa "ngôn luận" và "báo chí" bởi vì các sự kiện đưa ra trong các vụ xét xử về hai vấn đề này luôn luôn gắn bó với nhau. Chẳng hạn như Abrams đòi quyền tự do phát biểu tư tưởng bằng truyền đơn in. Do đó ông ta lập luận là lời phát biểu của ông được bảo vệ bởi cả các điều khoản về quyền tự do ngôn luận lẫn quyền tự do báo chí của điều Tu chính Thứ nhất. Nói chung, Toà cũng không bảo vệ cho những cá nhân phát biểu qua báo chí hay các phương tiện truyền thông khác hơn là những người chỉ phát biểu bẳng lời nói.
Hai phán quyết của toà Tối cao thuận lợi cho tự do báo chí
Việc sử dụng điều Tu chính Thứ Nhất làm một nguyên tắc hiến pháp để bảo vệ cho quyền tự do phát biểu của cá nhân đã tiến một bước đáng kể trong vụ liên quan tới một người Cộng sản tên là Benjamin Gitlow. Ông này đã phổ biến một tập sách nhỏ hô hào dùng đình công và các hành động tập thể khác để tiếp tay cho chế độ xã hội chủ nghĩa. Tiểu bang New York truy tố Gitlow vì đã vi phạm luật của tiểu bang theo đó hô hào lật đổ chính phủ là một tội. Tuy toà Tối cao Hoa kỳ chấp thuận Gitlow là có tội, nhưng Tòa cũng phán rằng bảo vệ tự do ngôn luận và tự do báo chí trong khoản Tu chính Thứ nhất là các quyền tự do cá nhân then chốt mà cả chính quyền tiểu bang lẫn liên bang đều không thể hạn chế. Tòa cũng dẫn chứng lời lẽ dùng trong điều Tu chính thứ 14, được phê chuẩn năm 1868, nói rằng: "Không một tiểu bang nào có thể thu hẹp các đặc quyền và quyền bất khả xâm phạm của các công dân Hoa kỳ; không một tiểu bang nào được tước quyền sống, quyền tự do hay quyền có tài sản của một cá nhân nếu không xét xử theo đúng luật pháp; tất cả các tiểu bang cũng không được từ chối sự bảo vệ bình đẳng của luật pháp đối với bất cứ cá nhân nào thuộc thẩm quyền của tiểu bang." Toà lập luận rằng các vị đề xướng ra khoản tu chính đó muốn là từ khi có tu chính này các tiểu bang bắt buộc phải tôn trọng các quyền tự do quan trọng của cá nhân như chính quyền liên bang, và quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là hai quyền tự do trong số các quyền quan trọng như vậy.
Thế là từ đó người ta bắt đầu dùng điều Tu chính Thứ 14 làm đòn bẩy pháp lý để đẩy các sự bảo vệ quy định trong Đạo luật về Dân quyền nghiêng về phía cá nhân khi cá nhân phải đối đầu với chính quyền. Phán quyết của Toà về vụ Gitlow, trên thực tế đã bác bỏ phán quyết của Toà năm 1833 và khơi nguồn cho một xu hướng tiếp diễn trong 40 năm kế tiếp. Trong thời gian này, các sự bảo vệ khác trong 10 điều tu chính đầu tiên trong Hiến pháp Hoa kỳ đã được lựa chọn và bao gồm vào sự bảo vệ cá nhân chống lại sự xâm lấn của chính quyền tiểu bang và liên bang. Xu hướng này đã củng cố cho quyền tự do ngôn luận ở mọi cấp.
Có lẽ quyết định quan trọng nhất về tự do báo chí trong thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến là vụ năm 1931 liên quan tới việc chính quyền tiểu bang muốn ngăn ngừa việc xuất bản của tờ báo lá cải, Saturday Press, do J.M. Near chủ trương. J.M.Near [3] là một người từng đưa ra những luận điệu chống di dân và kỳ thị chủng tộc vào những năm 1920. Năm 1925, Viện Lập pháp Minnesota thông qua đạo luật Giảm nạn Phá rối Công cộng (Public Nuisance Abatement Law) cho phép quan toà cấm phổ biến các tài liệu mà họ cho là "đồi bại, tục tĩu và dâm đãng" hay "có ác ý, có tính cách xúc phạm và phỉ báng". Ngay sau khi luật được ban hành, một thẩm phán của tiểu bang đóng cửa báo Saturday Press. Khi xét đơn kháng cáo, toà Tối cao Hoa kỳ, với số phiếu 5-4, đã đưa ra sự bảo vệ trong hiến pháp về lập trường lâu đời của Hoa kỳ - căn cứ theo thông luật của nước Anh, và đã được các vị Khai quốc công nhận - là không được ngăn cấm báo chí "một cách tiên quyết."[4] Toà phán rằng tuy đôi khi có thể trừng phạt một người vì phổ biến tài liệu có tính cách mua chuộc, có ác ý hay phỉ báng quá đáng, nhưng chỉ trong những trường hợp rất đặc biệt - như an ninh quốc gia - mới có thể ngăn cấm một tờ báo không được đăng một bài báo có tính cách gây tranh luận. Robert R. McCormick, nhà xuất bản tại Chicago đã góp phần đài thọ các chi phí cho vụ kháng cáo của báo Saturday Press, nói rằng ý kiến của Chánh thẩm Charles Evans Hughes trong ý kiến của đa số "sẽ đi vào lịch sử như là một trong những thắng lợi lớn của tự do tư tưởng".
"Các người có danh tiếng" và luật về phỉ bang
Một khía cạnh quan trọng trong sự gia tăng quyền tự do báo chí tại Mỹ trong thế kỷ 20 là "chủ thuyết về người có danh tiếng," mà toà Tối cao Mỹ đã đặt ra qua nhiều vụ đáng chú ý vào các năm 1960, 1970 và 1980. Nguyên tắc của chủ thuyết này là một người bình thường - tức là một người không có tiếng tăm và không thường được biết tới - thì được bảo vệ chống lại sự phê phán của giới truyền thông nhiều hơn là người có danh tiếng. Trái lại, người có danh tiếng phải chịu sự phê phán và soi mói của giới truyền thông dù các sự soi mói hay phê phán đó sai, trừ phi người bị chỉ trích có thể chứng minh rằng cơ quan phổ biến tài liệu đó với ác ý. Trong trường hợp này "ác ý" được định nghĩa là công bố một tài liệu mà người viết, người chủ biên hay người thông báo biết là sai khi được phổ biến. Ác ý cũng còn được hiểu là người viết, người chủ biên hay người thông báo đã hành động có tính cách bất cẩn không phối kiểm lại sự đúng hay sai của những lời đã khẳng định trong tài liệu phổ biến. Phần lớn các vụ xét xử theo "lý thuyết về người danh tiếng" đều xoay quanh vấn đề xác định xem người kiện là bị phỉ báng hay bôi nhọ có được toà coi là một người thực sự có danh tiếng không. Khi một người được coi là có danh tiếng thì rất khó mà chứng minh rằng người đó đã bị phỉ báng.
Có lẽ một vụ có tính cách tiêu biểu nhất cho "thuyết về người có danh tiếng" là vụ liên quan tới một quảng cáo được thuê đăng vào những năm 1960 bởi một nhóm muốn giúp cho phong trào tranh đấu cho quyền công dân do Martin Luther King, Jr lãnh đạo. Quảng cáo đề cập tới sự kiện là ông King đã bị các nhân viên công lực địa phương ở khắp miền Nam - gồm cả thành phố Montgomery, Alabama - làm khó dễ. Ủy viên An ninh Công cộng tại Montgomery là L.B. Sullivan đã kiện báo New York Times về tội phỉ báng và lập luận rằng quảng cáo có những lời lẽ quá đáng và những sự kiện sai lầm khiến cho công chúng có thể có ý nghĩ không tốt về ông. Tòa đã phán quyết rằng báo Times quả thực đã vô tình chứ không có ác ý lầm lẫn trong quảng cáo và vì Sullivan là một người có danh tiếng nên không thể đòi báo Times bồi thường thiệt hại. Hơn hai mươi năm sau, Tòa Tối cao lại được yêu cầu xét một vụ có thể là có tính cách phỉ báng một người có danh tiếng. Jerry Falwell, một mục sư bảo thủ nổi tiếng, là đối tượng của một quảng cáo châm biếm bóng gió được đăng trong một tạp chí chuyên về tình dục. Những "sự kiện" về Falwell trong quảng cáo đều kỳ quặc và hoàn toàn sai. Do đó Falwell lập luận là danh tiếng của ông đã bị tổn hại. Tuy nhiên, Toà đã phán quyết thuận lợi cho tờ tạp chí và chủ trương rằng tự do báo chí cho phép các nhà biếm họa và các người vẽ tranh hí họa có thể có nhiều tự do hơn khi mô tả các người có danh tiếng.
Những mức độ bảo vệ
Khi đưa ra các phán quyết về tự do ngôn luận và tự do báo chí các tòa tại Hoa kỳ, qua nhiều năm, thường chấp thuận những sự bảo vệ cho các thông điệp có tính cách chính trị nhiều hơn các loại thông điệp khác. Điều này cũng không đáng ngạc nhiên vì nền dân chủ Hoa kỳ phần lớn thoát thai từ các chỉ trích chính trị về các hành động của chế độ cai trị của Anh quốc tại Bắc Mỹ vào cuối thế kỷ 18. Không phải là điều ngẫu nhiên mà phần lớn các vụ trình bầy trên đây đều liên quan tới việc phát biểu quan điểm chính trị. Nhưng nếu việc phát biểu quan điểm chính trị được ưu tiên cao hơn thì hình thức phát biểu nào có ưu tiên thấp hơn?
Một hình thức phát biểu được tòa coi thấp hơn là việc ngôn luận trong doanh nghiệp. Toà Tối cao luôn phán quyết là quảng cáo chỉ được bảo vệ bởi khoản Tu chính Thứ nhất nếu nó đúng sự thật. Do đó, nếu những lời quá đáng hay những sai lầm nho nhỏ có thể được châm chước trong các phát biểu chính trị thì ngược lại chúng không được sự bảo vệ về pháp lý nếu được đưa ra trong các quảng cáo truyền hình như quảng cáo nước xúc miệng hay quảng cáo xe SUV (thể thao thực dụng). Sở dĩ như vậy một phần là vì các lời quảng cáo thương mại dễ được kiểm chứng hơn là các lời xác nhận chính trị. Thêm vào đó, các tòa tại Mỹ thấy là cái động cơ ham lời trong việc chào hàng thường lấn át cả cái mối lo sợ bị trừng phạt bởi các luật lệ chính quyền.
Một hình thức phát biểu khác còn có ưu tiên thấp hơn nữa trong mức bảo vệ pháp lý là phát biểu khiêu dâm. Năm 1957, trong vụ kiện giữa Roth và Nhà nước Hoa kỳ, Toà Tối cao cho khiêu dâm và tục tĩu là hoàn toàn không quan trọng gì trong việc cứu vớt xã hội, và do đó không được bảo vệ. Cái khó khăn đối với khái niệm "khiêu dâm" là định nghĩa thế nào là khiêu dâm. Cái mà người này bảo là khiêu dâm thì người kia lại cho là tác phẩm nghệ thuật. Đối với một số người, cuốn tiểu thuyết Ulysses của James Joyce là loại dâm thư hạng nặng nhưng một cuộc thăm dò ý kiến mới đây lại cho thấy đa số các nhà văn học trí thức lại đánh giá đó là tác phẩm văn học bằng tiếng Anh lớn nhất trong thế kỷ 20. Trong một vụ vào giữa các năm 1960, thẩm phán Potter Stewart đã phát biểu cảm nghĩ của đa số dân Mỹ khi ông thú nhận rằng ông không có thể định nghĩa khiêu dâm là gì, tuy nhiên ông nói: "Khi thấy là khiêu dâm thì biết là khiêu dâm".
Đáng tiếc là câu nói lững lờ của thẩm phán Stewart chẳng giúp gì cho việc đưa ra một tiêu chuẩn pháp lý để đánh giá các tác phẩm nghệ thuật. Toà Tối cao đã cố gắng hết sức để đưa ra một tiêu chuẩn như vậy. Năm 1973 Toà kiện toàn một bài trắc nghiệm gồm 3 phần để xác định thế nào là khiêu dâm và phán rằng một số hình thức phát biểu nằm ngoài giới hạn bảo vệ của hiến pháp nếu : 1) một người bình thường, áp dụng những tiêu chuẩn nơi địa phương mình, thấy rằng tác phẩm nói chung khơi động sự ham muốn nhục dục; 2) tác phẩm mô tả hoạt động tình dục một cách sống sượng; và 3) tác phẩm thiếu giá trị đúng đắn về văn chương, nghệ thuật, chính trị hay khoa học. Với cái tiêu chuẩn mơ hồ như vậy người ta cũng không lấy làm ngạc nhiên thấy rằng các phán quyết của toà về khiêu dâm trong 30 năm qua không có một đường hướng rõ rệt. Về nhiều phương diện, sự thiếu quyết đoán của toà là phản ánh tâm trạng lưỡng lự của xã hội Mỹ nói chung, bị giằng co giữa khuynh hướng muốn cho hoàn toàn tự do phát biểu và khuynh hướng bảo thủ của xã hội.
Việc lấy tin và khoản Tu chính Thứ nhất
Công việc lấy tin trước khi phổ biến tin đôi khi cũng được đưa ra cứu xét tại các toà Hoa kỳ. Năm 1972 toà Tối cao phán rằng các phóng viên có thể bắt buộc phải tiết lộ các nguồn cung cấp tin kín cho bồi thẩm đoàn. Tuy nhiên, năm 1991, Toà lại quyết định là tự do báo chí không ngăn cấm nhà nước truy tố những phóng viên không tôn trọng lời hứa không tiết lộ nguồn cung cấp tin kín. Các toà Hoa kỳ thường chủ trương các vụ xét xử phải được công khai cho dân chúng và báo chí tham dự trừ phi có lý do rất cần thiết, như bảo vệ quyền của bị cáo được xử một cách công bằng, và quyền này chỉ có thể được bảo đảm bằng cách xử kín. Có lẽ các vị thẩm phán Mỹ đã nhớ rất rõ về các vụ xử riêng của Toà phòng Ngôi sao[5] (Star Chamber) trong lịch sử nước Anh vào thế kỷ 16 và 17, và do đó đã không muốn cho phép xử kín. Tòa còn chủ trương cho các thẩm phán của các cấp chính quyền cho phép trực tiếp truyền hình các vụ xử, nếu thấy là thích hợp. Tuy nhiên cũng có khi tòa thấy rằng quyền của giới truyền thông được theo dõi các vụ xử đã được coi là không quan trọng bằng quyền của bị can. Chẳng hạn như, để bảo vệ quyền riêng tư, danh tính và căn cước của các tội phạm vị thành niên thường không được tiết lộ cho giới truyền thông.
Trải qua thời gian, các nguyên tắc pháp lý tại Hoa kỳ cũng như tại các nền dân chủ khác đã gặp phải sự thử thách của các thay đổi về kỹ thuật. Các tòa tại Hoa kỳ thường bảo vệ báo chí nhiều hơn các hình thức thông tin khác như truyền hình. Do đó, trường hợp điển hình là vào các năm cuối của thập niên 1960 toà Tối cao đã phán rằng các cá nhân không có quyền hiến pháp tuyệt đối để thông đạt qua hệ thống truyền thanh truyền hình bởi vì "phổ điện từ" (electromagnetic spectrum) không đủ khả năng đáp ứng cho tất cả mọi người muốn truyền đạt. Lý do này đã là cơ sở cho các phán quyết của toà không cho các ứng cử viên có "thời gian đồng đều" để trả lời những lời tuyến bố của các ứng viên khác trên hệ thống truyền hình. Tuy nhiên, sự phát triển mới đây của kỹ thuật truyền hình qua giây cáp và sự tràn lan của mạng lưới Internet, thì toà có khuynh hướng cho các hình thức truyền thông bằng sóng cũng được bảo vệ như hình thức truyền thông bằng in ấn.
Hồ sơ mật Lầu Năm Góc (bộ Quốc phòng Mỹ)
Có lẽ một vụ quan trọng nhất tại Mỹ liên hệ tới giới truyển thông trong hậu bán thế kỷ 20 là vụ được mệnh danh là vụ Hồ sơ mật Lầu Năm góc. Cuộc tranh chấp giữa chính quyền Hoa kỳ và tờ New York Times, tờ báo danh tiếng nhất tại Mỹ, cho ta thấy rõ thêm nhiều vấn đề quan trọng của khoản Tu chính Thứ nhất đã thảo luận trên đây, và vấn đề này cũng liên quan tới một vấn đề chính trị cận đại rất sôi nổi đó là việc Mỹ tiến hành chiến tranh tại Việt nam.
Cuộc tranh luận này bắt nguồn từ năm 1967 khi bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara lập ra một nhóm đặc nhiệm để sưu tập tài liệu lịch sử về chính sách Hoa kỳ đối với Việt nam trong thời kỳ 1945-67. Nhóm đặc nhiệm này gồm các nhân viên của bộ Quốc phòng cũng như các người của các cơ quan chính quyền khác và một số người làm việc hợp đồng độc lập. Công cuộc sưu tập chỉ tập trung vào các tài liệu có sẵn và không có tài liệu nào là phỏng vấn cá nhân cả. Kết quả là một báo cáo khổng lồ dài 7000 trang được hoàn tất vào năm 1969. Báo cáo được mệnh danh là Hồ sơ mật Lầu Năm góc. Báo cáo chỉ được in ra có 15 bản vì tài liệu này được dự định là chỉ lưu hành nội bộ cho bộ quốc phòng và các cơ quan chính quyền khác.
Một người làm việc hợp đồng chỉ giữ vai trò nhỏ trong công trình nghiên cứu dài đó là Daniel Ellsberg, một nhân viên của Công ty Rand, một tổ chức tham mưu chuyên nghiên cứu về các vấn đề quốc phòng. Ellsberg có những nghi vấn về chính sách Hoa kỳ tại Việt nam, phát sinh một phần từ việc đọc tài liệu nghiên cứu đó. Sau khi không thuyết phục được một dân biểu quốc hội đòi công bố tài liệu đó, Ellsberg bí mật làm thêm một bản tài liệu và phổ biến cho các nhà báo của New York Times và Washington Post. Hồ sơ mật Lầu Năm góc có rất ít tài liệu mật nhưng có những đoạn nghi ngờ sự khôn ngoan của chính sách Hoa kỳ đối với Việt nam, trước và sau khi Mỹ đã tham gia vào các hoạt động quân sự có tính các gây hấn tại Đông Nam Á
Tháng 6 năm 1971 báo Times đăng được hai kỳ tài liệu trong Hồ sơ mật Lầu Năm góc thì chính quyền của tổng thống Nixon xin lệnh của tòa cấm không cho đăng tiếp. Một thẩm phán tòa liên bang tại New York cho lệnh cấm, trong khi chờ đợi đưa nội vụ ra xử. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ mà một tòa liên bang đã cấm một toà báo đăng một bài báo. Đây là một thí dụ rõ rệt nhất về việc cấm đăng báo trước khi biết rõ nội dung của bài báo. Thế là vụ này liền được đưa lên toà Tối cao xét xử. Sau khi từ chối yêu cầu của bộ Tư pháp xin cho xử kín, Toà cho phép xử công khai vụ này ngày 26 tháng 6 năm 1971. Chỉ 4 ngày sau là tòa đã ra phán quyết. Với biểu quyết đa số, sáu vị thẩm phán đã thỏa thuận cho công bố một phán quyến ngắn nhân danh tòa (không ghi tên người đề nghị phán quyết) nói đại ý rằng bất cứ đơn kháng cáo nào để xin cấm đăng phải có tầm quan trọng có tính cách hiến pháp nhưng trong trường hợp này thì chính quyền Nixon đã không hội đủ yêu cầu của tầm mức quan trọng đó. Vì mỗi người trong sáu vị thẩm phán thuộc thành phần đa số đã viết các ý kiến riêng rẽ của mình nên khó mà có thể biết rõ là luật gia hay nhà luật học nào đã là ‘nguồn sáng' dẫn đường tới trọng tâm của phán quyết này. Ta chỉ có thể biết là đa số đã không tin là tiết lộ thông tin trong Hồ sơ Mật Lầu Năm góc sẽ "trực tiếp hay gián tiếp gây ra sự tai hại không thể cứu vãn được" cho an ninh quốc gia. Nhưng phần lớn các chuyên gia về hiến pháp cho rằng phán quyết của Toà, tuy là một thắng lợi lớn nhưng cũng có điểm hại lớn cho tự do báo chí. Tòa không thấy có đủ lý do chính đáng để không cho xuất bản nhưng Toà cũng chấp thuận quan điểm của chính quyền là có thể ra lệnh tạm ngưng trong khi chờ đợi cung cấp chứng cớ về ảnh hưởng tai hại của tài liệu muốn xuất bản. Phần kết cục của vụ này là về sau Hồ sơ mật lầu Năm góc cũng được đăng tải trên báo Times, báo Post và các báo khác khắp trong nước mà không có phương hại gì cho an ninh quốc gia.
Truyền thông: Đèn pha soi sáng chính quyền
Nói tóm lại, giới truyền thông có một lịch sử là luôn luôn muốn thử sự co giãn của các khoản về tự do ngôn luận của khoản Tu chính Thứ nhất bằng cách thách thức những toan tính muốn giới hạn những điều họ nói về chính trị và xã hội và bằng lập luận hăng say là "công chúng có quyền được biết". Như vậy là phải, vì tự do báo chí - dù rằng đôi khi cũng đi quá trớn vượt ra khỏi giới hạn thế nào là hay là tốt - là một thành phần cốt yếu để bảo vệ một xã hội dân chủ. Thomas Jefferson cho rằng tự do báo chí là yếu tố tốt nhất để bảo đảm tự do và ông, sẵn sàng chấp nhận những sự quá đáng do tự do báo chí đem lại, để có được các lợi ích là luôn luôn nhận được các phê bình giúp cho hoạt động chính quyền thêm sáng tỏ.
Không phải nền dân chủ nào cũng sốt sắng như Hoa kỳ trong việc duy trì một giới truyền thông không bị ràng buộc. Ngay cả các toà tại Mỹ, trong khi có khuynh hướng càng ngày càng cho thêm giới truyền thông có nhiều tự do, không phải lúc nào cũng ủng hộ hoàn toàn tự do báo chí. Tuy nhiên, cũng nên nhắc lại nguyên tắc đưa ra trong phần đầu của bài tiểu luận này: một quốc gia muốn được coi là thực sự dân chủ phải sẵn sàng bảo vệ rất nhiều cho giới truyền thông được phát biểu tư tưởng. Tuy thành tích của Hoa kỳ về điểm này chưa phải là hoàn hảo, nhưng như Thẩm phán Oliver Wendell Homes đã mô tả năm 1919, chính quyền Hoa Kỳ là một "thí nghiệm" của thuyết hiến pháp trị, và các thí nghiệm này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng quyền tự do phổ biến tư tưởng.
© Học Viện Công Dân 2006
------------------------------------------
Tài liệu đọc thêm:
Zechariah Chafee, Tự do báo chí tại Hoa kỳ [Free Speech in the United States] (Harvard University Press, 1967)
Fred W. Friendly, Minnesota Rag: tường thuật về vụ kiện sôi nổi quanh phán quyết quan trọng của toà Tối cao đưa ra các ý nghĩa mới cho quyền tự do báo chí. [Minnesota Rag: the Dramatic Story of the Landmark Supreme Court Case that Gave New Meaning to Freedom of the Press] (Random House, 1981)
Leonard Levy, Sự xuất hiện của tự do báo chí [The Emergence of a Free Press] (Oxford University Press, 1985)
Paul L. Murphy, Ý nghĩa của tự do báo chí [The Meaning of Freedom of Speech] (Greenwood Publishing, 1972)
Paul L. Murphy, Thế chiến I và nguồn gốc của các quyền tự do của người dân tại Hoa kỳ [World War I and the Origin of Civil Liberties in the U.S.] (W.W. Norton, 1979)
Richard Polenberg, Sự Xung đột của các Niềm tin: Vụ kiện Abrams, toà Tối cao và Tự do Báo chí [Fighting Faiths: The Abrams Case, the Supreme Court, and Free Speech] (Viking Press, 1987)
S.J. Ungar, Báo chí và Hồ sơ: tường thuật về cuộc đấu tranh pháp lý và chính trị trong vụ Hồ sơ Mật lầu Năm góc [The Papers & The Papers: An Account of the Legal and Political Battle Over the Pentagon Papers] (E.P Dutton, 1972)
--------------------------------
Bài Vai Trò của Tự Do Báo Chí nằm trong loạt bài : Tiểu Luận Dân Chủ dưới đây :
Hoa Kỳ và Các Bài Học Dân Chủ
1 - Các Nguyên Tắc Căn Bản của Dân Chủ
2 - Hiến Pháp Trị
3 - Các Nguyên Tắc Bầu Cử Dân Chủ
4 - Thể Chế Liên Bang và Dân Chủ
5 - Cách Làm Luật Trong Một Xã Hội Dân Chủ
6 - Vai Trò Tư Pháp Độc Lập
7 - Quyền Lực Của Tổng Thống
8 - Vai Trò của Tự Do Báo Chí
9 - Vai Trò Các Nhóm Lợi Ích
10 - Quyền Được Biết của Dân Chúng
11 - Bảo Vệ Quyền Của Thành Phần Thiểu Số
12 - Dân Sự Kiểm Soát Quân Sự
No comments:
Post a Comment