Monday, August 31, 2009
Tai ương 'nghề' viết blog
Trần Vinh Dự
31/08/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-08-31-voa29.cfm
Sự kiện Huy Đức- chủ nhân Blog Osin - bị mất việc và Bùi Thanh Hiếu- chủ nhân của Blog Người Buôn Gió- bị tạm giữ đã trở thành chủ đề nóng trong trên không gian blog tiếng Việt khoảng một tuần gần đây.
Không gian blog tiếng Việt hiện nay đang bị phân hóa rõ nét. Một trong hai hướng phát triển mạnh nhất của blog tiếng Việt là các phản biện xã hội. Hướng còn lại thuộc về thế giới tuổi teen với các trào lưu văn hóa mới. Mảng phản biện xã hội có tính thu hút mạnh mẽ đối với văn nghệ sĩ, nhà báo, trí thức, chuyên viên và sinh viên.
Chính vì thế, những sự kiện liên quan đến tai ương của “nghề” viết blog như trên là những sự kiện chấn động đối với những người viết blog bằng tiếng Việt. Nó cho thấy môi trường blog ở Việt Nam đang ngày càng rủi ro hơn cho những người có ý kiến phản biện.
Về bản chất thì phản biện xã hội khác với chống đối chính quyền. Thế nhưng trên thực tế đôi khi hai hiện tượng này lại bị ghép thành một. Đó là các trường hợp mà giới hữu trách ở Việt Nam cho rằng các blogger đã đi quá giới hạn phản biện và các bài viết của họ tạo điều kiện cho các thế lực thù địch chống phá. Trên thực tế thì Việt Nam không phải là ngoại lệ nơi nghề viết blog đang trở nên ngày càng nguy hiểm. Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, 5 nước rủi ro hàng đầu thế giới đối với nghề viết blog là Miến Điện, Iran, Syria, Cuba và Ả rập Xê út (Saudi Arabia).
Tính riêng những người bị bỏ tù vì blog, một báo cáo của World Information Access (WIA) hồi giữa năm 2008 cho biết đã có 64 trường hợp (tính từ năm 2003).
Theo báo cáo này, số lượng người bị bắt và bỏ tù qua các năm đang tăng nhanh, tỉ lệ thuận với sự phổ biến của blog với tư cách là một công cụ báo chí không chính thống.
Trong số 64 người bị bỏ tù, WIA cho biết mức án trung bình là 15 tháng. Trong đó, mức án cao nhất là 8 năm. Danh sách các tù nhân này bao gồm cả những người viết blog ở Mỹ, Anh, Pháp, Singapore, Hồng Kông. Trung Quốc đông nhất với 10 người. Việt Nam không có trường hợp nào.
WIA dự báo rằng số người bị bỏ tù vì viết blog sẽ ngày càng nhiều, đặc biệt ở các nước mà chế độ kiểm duyệt thông tin vẫn ngặt nghèo như Trung Quốc, Iran hay Miến Điện. Ở Việt Nam, có vẻ như giới hữu trách cũng đang muốn chấn chỉnh lại không gian xã hội này.
Đương nhiên chính phủ Việt Nam có lý do riêng để thắt chặt sự kiểm duyệt không gian blog, tuy nhiên, những người kiểm duyệt nên phân biệt rõ hoạt động phản biện lành mạnh với hoạt động “chống phá”. Phản biện xã hội là một hoạt động có lợi cho đất nước về dài hạn, vì thế cần được khuyến khích thay vì ngăn chặn.
No comments:
Post a Comment