Philippines phản đối hồ sơ của VN
Cập nhật: 09:48 GMT - thứ tư, 12 tháng 8, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/08/090812_philippines_vietmalay_claim.shtml
Philippines gửi đơn lên LHQ kiến nghị hồ sơ đăng ký chủ quyền thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia vào phút chót.
Nguồn tin báo chí Philippines cho hay các đơn kiến nghị về hồ sơ đăng ký riêng của Việt Nam và Palau, cùng kiến nghị về đăng ký chung của Việt Nam và Malaysia vừa được nộp hôm 04/08 thông qua cơ quan ngoại giao của Philippines tại New York.
Chỉ còn vài ngày nữa là hết thời hạn 90 ngày cho các nước đâm đơn kiện, tính từ hạn nộp hồ sơ ngày 13/05.
Trước đó truyền thông Việt Nam đã loan tin Philippines tuyên bố ủng hộ đơn của Việt Nam và Malaysia ngay sau khi hai nước này nộp báo cáo chung về khu vực thềm lục địa kéo dài liên quan đến hai nước lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa LHQ hôm 06/05.
Chưa rõ tại sao có sự thay đổi quan điểm này, nhưng một số bình luận viên cho rằng có thể do áp lực của dư luận bên trong nước cũng như ảnh hưởng từ bên ngoài, như từ Trung Quốc.
Cần nhắc lại chi tiết, rằng chỉ 24 tiếng đồng hồ sau khi Malaysia và Việt Nam nộp đơn chung, Trung Quốc đã chính thức phản đối.
Đại diện Thường trực của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc gửi công hàm cho Tổng thư ký Ban Ki-moon, yêu cầu Ủy ban không xem xét hồ sơ của Việt Nam và Malaysia.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc tuyên bố hồ sơ của Việt Nam là "xâm phạm trắng trợn chủ quyền Trung Quốc" và nói hồ sơ này "bất hợp pháp và không có giá trị".
Về phần mình, hôm 08/05 Việt Nam cũng gửi công hàm phản đối báo cáo của Trung Quốc và Malaysia có hành động tương tự hôm 20/05.
Công hàm do đại diện Việt Nam tại LHQ gửi cho Tổng thư ký Ban ki-moon viết Hoàng Sa và Trường Sa là "một phần lãnh thổ Việt Nam". Việt Nam cho rằng nội dung công hàm của phía Trung Quốc và bản đồ kèm theo công hàm đó đã "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông".
Theo nguyên tắc, các nước đều có thể đăng ký yêu sách của mình.
Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa LHQ (Commission on the Limits of the Continental Shelf - CLCS) sẽ xem xét các báo cáo và trong trường hợp có tranh chấp sẽ dựa trên công pháp quốc tế để ra ý kiến.
Được biết tại phiên họp của Liên Hiệp Quốc tại New York từ 10/08 đến 11/09, các hồ sơ của Malaysia và Việt Nam sẽ được mang ra xem xét.
Yêu sách của Philippines
Phản đối của Philippines đối với hồ sơ của Việt Nam chủ yếu liên quan tới phần biển xung quanh quần đảo Trường Sa (Philippines gọi là Kalayaan), và các đảo ở đây, tám trong số đó Philippines tuyên bố chủ quyền.
Đối với Malaysia, Philippines đang tranh giành Sabah, phía bắc đảo Borneo.
Manila chính thức coi Sabah thuộc lãnh thổ của mình từ năm 1962.
Tuy nhiên, kiến nghị của Philippines không đi vào chi tiết các tuyên bố chủ quyền mà chỉ nói nước này phản đối vì "hồ sơ chung của Việt Nam và Malaysia ... không chỉ chồng lấn khu vực với Philippines mà còn gây tranh cãi từ các tuyên bố chủ quyền trong khu vực bao gồm bắc Borneo".
Philippines yêu cầu LHQ "không cân nhắc hồ sơ chung của Malaysia và Việt Nam cho tới khi và chỉ chừng nào các bên liên quan thảo luận và giải quyết xong tranh chấp".
Lý do Manila phản đối báo cáo riêng về thềm lục địa mở rộng của Việt Nam cũng là do khu vực Việt Nam tuyên bố chủ quyền chồng lấn với khu vực mà Philippines coi là của mình.
Hiện Việt Nam và Malaysia chưa có phản ứng gì về kiến nghị của Philippines.
Các bài liên quan
Chiến lược dài hạn của Trung Quốc?
TQ khăng khăng đòi chủ quyền biển
Tranh cãi ngoại giao về thềm lục địa
Cần tuyên bố ranh giới vùng đặc quyền kinh tế
Đăng ký thềm lục địa mở rộng trước 13/05/2009
TQ nghĩ gì về chính sách biển của Mỹ
Cập nhật: 06:37 GMT - thứ ba, 11 tháng 8, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/08/090811_us_china_army.shtml
Kênh truyền hình CCTV-7 của Trung Quốc trong chương trình quốc phòng hàng tuần hôm 09/08 có cuộc thảo luận về hoạt động quân sự của Hoa Kỳ tại vùng Biển Đông để tìm hiểu sách lược của Mỹ nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực này.
Trung Quốc thiết lập hai tuyến phòng thủ tại Biển Đông
http://www.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2009/08/11/090811054230_map_226l.jpg
Khách mời là hai chuyên gia hàng đầu TQ trong lĩnh vực khoa học quốc phòng, giáo sư Trương Triệu Trung (张召忠) và Vương Bảo Phó (王宝付).
Ông Trương là giám đốc cơ quan Giáo dục Khoa học và Kỹ thuật Quân sự thuộc Học viện Quốc phòng, ông Vương là phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược cũng của học viện này.
Hai ông đã bàn về mục đích của cuộc tập trận mới rồi do Mỹ cầm trịch tại hải phận Philippines trên Biển Đông, trong đó xảy ra tai nạn tàu ngầm của TQ va chạm với khu trục hạm John S. McCain của Mỹ.
Cả hai giáo sư Trương và Vương đều thống nhất rằng mục đích của cuộc tập trận chung giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á là nhằm thực tập hoạt động tác chiến chống tàu ngầm, nhằm vào tàu Trung Quốc.
Ông Vương nói Hoa Kỳ chú trọng công tác chống tàu ngầm, các cuộc tập trận tổ chức với đồng minh gần đây đều có hoạt động này, cho thấy bước chuyển trong tư duy chiến lược của Washington.
Ông Trương thì đề cập tới tầm quan trọng của hợp tác quân sự Mỹ-Philippines và vai trò của Manila trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc của Hoa Kỳ.
Hai vòng phòng thủ biển
Ngay từ đầu thế kỷ này, Bắc Kinh đã công khai bày tỏ nguyện vọng nâng cấp hải quân với mục tiêu thống lĩnh ảnh hưởng trong khu vực.
Trung Quốc không giấu giếm kế hoạch thiết lập hai vòng phòng thủ đảo biển, bao quát toàn bộ Biển Đông và khu vực Đông Nam Á.
Vòng phòng thủ thứ nhất (first island chain) chạy từ Đài Loan qua quần đảo Trường Sa tới Singapore ở cuối bán đảo Malaysia. Trong đó có cả các đảo thuộc Nhật Bản, Okinawa, Philippines và Brunei.
Vòng phòng thủ thứ hai (second island chain) thì mở rộng tới tận Australia.
Tham vọng của Bắc Kinh được nói là giành kiểm soát vòng thứ nhất vào năm 2010 và vòng thứ hai vào năm 2040.
Giới quan sát nói nếu việc này đạt được thì có nghĩa Trung Quốc giành kiểm soát phần lớn châu Á-Thái Bình Dương.
Trong cuộc thảo luận trên truyền hình Trung Quốc CCTV-7, giáo sư Trương Triệu Trung nhấn mạnh rằng đối với Hoa Kỳ, Philippines có ý nghĩa tối quan trọng trong vòng phòng thủ thứ nhất.
Ông nói các nhà hoạch định chính sách quân sự Mỹ muốn sử dụng các nước trong khu vực này, bắt đầu từ Philippines, để đối trọng lại ảnh hưởng của Trung Quốc.
"Các cuộc diễn tập cho thấy ý đồ chế ngự và tăng khả năng chống tàu ngầm tại khu vực hết sức tế nhị là Nam Hải (Biển Đông) tất nhiên khiến Trung Quốc quan ngại."
Giáo sư Trương cho rằng các quốc gia trong vòng phòng thủ thứ nhất mang ý nghĩa địa chính trị quan trọng.
Trong khu vực Đông Nam Á, Philippines, vịnh Cam Ranh của Việt Nam và eo biển Malacca đi qua Singapore tạo một tam giác chiến lược, cùng với một tam giác chiến lược khác ở Đông Bắc Á bao gồm Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hai tam giác chiến lược này chế ngự cửa ngõ ra Thái Bình Dương và là địa bàn quan tâm chủ chốt của Hoa Kỳ.
Chính sách biển đảo của Mỹ
Theo ông Trương, thực tế định nghĩa các vòng đảo chiến lược xuất phát từ Hoa Kỳ, lần đầu tiên được Ngoại trưởng Mỹ John F. Dulles đưa ra năm 1951 nhằm chế ngự nước Trung Quốc mới.
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Mỹ đã dùng thiết bị dò âm dưới đáy biển tại khu vực này để xác định hoạt đ̣ộng của tàu ngầm Trung Quốc.
Giáo sư Trương nhận định rằng quan hệ Trung-Mỹ tuy phát triển mạnh và tích cực trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và ngoại giao, riêng trong lĩnh vực quân sự, Mỹ không hề thay đổi lập trường. Ông cũng cho rằng tuy có hợp tác, nhưng sự ganh đua giữa Mỹ và Trung Quốc về quốc phòng vẫn còn đó.
Về phần mình, giáo sư Vương nói Hoa Kỳ chưa bao giờ từ bỏ chính sách biển đảo của mình và Mỹ cùng với Nhật Bản luôn coi Thái Bình Dương là sân chơi riêng của họ đồng thời không muốn thấy Trung Quốc vươn ra ngoài vòng đảo thứ nhất.
Theo ông, các tranh chấp phức tạp tại khu vực này đang mang lại thách thức lớn cho Trung Quốc về mặt an ninh.
Trung Quốc phải kiểm soát đường lưu thông, thí dụ qua eo biển Malacca, vì điều này ảnh hưởng sống còn tới phát triển của Trung Quốc.
Ông Vương Bảo Phó cho rằng Trung Quốc, với tư cách một quốc gia hàng hải, phải có quyền tiếp cập tự do trong Thái Bình Dương.
Các chuyên gia thống nhất rằng hải quân Trung Quốc phải được ngày càng củng cố, hiện đại hóa, để đi xa bờ, bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc.
Trang mạng Chính phủ Trung Quốc
No comments:
Post a Comment