Sunday, August 23, 2009

NIỀM TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CHÍNH TRỊ


Niềm tin trong hoạt động chính trị
Kim Dung, X-Cafe
Chủ Nhật, 23/08/2009
http://www.x-cafevn.org/node/2095
Viết nhân những cuộc tranh luận về những "lời thú tội" của các nhà bất đồng chính kiến

Trong bất kỳ một lĩnh vực nào có liên quan đến việc vận động quần chúng nhân dân, từ tôn giáo cho đến chính trị, muốn thành công thì niềm tin là một trong những phẩm chất quan trọng nhất của một nhà lãnh đạo.
Một nhà lãnh đạo chính trị thành công là người có khả năng thu hút sự ủng hộ đông đảo của quần chúng, người có niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng sáng ngời. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, họ sống và thực hành một cách mãnh liệt lý tưởng để chứng tỏ cho tất cả mọi người thấy rằng họ thật sự tin vào lý tưởng cao đẹp đó, lý tưởng mà họ cho rằng có thể giải phóng cả thế giới, cả dân tộc thoát khỏi sự độc tài, thoát khỏi sự dữ.
Chính niềm tin sáng ngời là nhân tố tạo sức hút mãnh liệt đến quần chúng nhân dân, những người quan sát tất cả những hoạt động của họ để chọn lựa một thái độ sống: ủng hộ hay không ủng hộ. Những người dân bình thường không thể có đủ dũng khí để cất lên tiếng nói ủng hộ những người mất niềm tin vào chính lý tưởng mình đã chọn. Vì thế, một người muốn trở thành một nhà lãnh đạo thành công trong lĩnh vực chính trị thì buộc lòng phải có niềm tin sắt đá, niềm tin đó sẽ giúp họ vượt qua tất cả mọi thử thách của cuộc sống, chấp nhận tất cả mọi hình thức đàn áp khốc liệt nhất đến với mình. Cả cuộc đời, họ sống và chết vì lý tưởng, và chính niềm tim giúp họ làm được việc đó.

Nhân loại ca ngợi và cảm phục những nhân vật vĩ đại trong lịch sử như Socrates, Giê-su bởi vì nhân loại cảm nhận thấy một cách rất rõ ràng rằng họ không những là những nhân vật có trí tuệ mà họ còn có một niềm tin mãnh liệt vào chân lý và sự thật. Niềm tin mãnh liệt đến nỗi họ dám hy sinh cả mạng sống của mình để chứng minh rằng cho dù đối diện với cái chết thì họ vẫn nghĩ rằng những điều họ tin, họ nói và họ thực hành là đúng, bất chấp cả xã hội Hy Lạp và Do Thái lúc bấy giờ cáo buộc họ là những kẻ báng bổ thánh thần, muốn lật đổ chế độ đương thời.

Đọc lại hai phiên tòa xét xử Socrates và Giê-su tôi thấy rằng áp lực dư luận mà họ phải đối mặt thật to lớn, cả một xã hội kết án họ cho rằng họ chính là những người làm băng hoại đạo đức xã hội. Những đồ đệ của Giê-su đã sợ hãi lánh xa ngài, bỏ mặc ngài đối diện trước tòa án của quan tổng trấn Philato, và các thượng tế Do Thái. Giê-su thật sự cô đơn khi chỉ một mình đứng đối diện trước phiên tòa xét xử, không luật sư, không có nhà báo theo dõi, không được dư luận quan tâm đến. Trong bối cảnh đó, tôi nghĩ rằng nếu không có một niềm tin thật mãnh liệt vào chân lý, vào lý tưởng sống mà ngài đã tự đặt ra thì chắc rằng ngài đã nhận tội để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật thời bấy giờ. Thế nhưng kinh thánh ghi lại rằng ngài đã im lặng không một lời nhận tội, không một lời xin hưởng lượng khoan hồng của pháp luật trước những cáo gian đến nỗi bị đóng đinh và chết trên cây thập giá.

Socrates cũng là một con người như thế. Ông tin vào những điều mình nói và làm đến nỗi chấp nhận uống thuốc độc mà chết để chứng tỏ rằng mình là người trong sạch, dám hy sinh vì lý tưởng của mình. Ông đã có cơ hội thoát khỏi cái chết nếu nghe lời những người bạn trốn đi xa. Thế nhưng ông chọn cho mình một cái chết, một trong những cái chết vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.

Khi ở Hà Nội, tôi có được một anh bạn tiến sĩ kinh tế học cho xem tác phẩm Cám dỗ cuối cùng của Chúa (The Last Temptation of Christ), một tiểu thuyết của nhà văn người Hi Lạp Nikos Kazantzakis, xuất bản năm 1951. Tôi còn nhớ đoạn cuối cùng trong tác phẩm mô tả khi treo trên cây thập giá Giêsu bị cám dỗ bởi một giấc mơ của Satan về một cuộc sống yên bình và hạnh phúc với Mary Magdalene như một người thợ mộc Do Thái bình thường. Nhưng cuối cùng Giê-su đã đi đến cùng lý tưởng mình đã chọn và chết trên cây thập giá.

Dĩ nhiên tôi không có quyền phê phán Giêsu hay Sorates nếu như họ chọn một phương án thỏa hiệp nhận tội và xin hưởng lượng khoan hồng để tránh cái chết đồng thời có thể tiếp tục công việc rao giảng. Tôi tôn trọng sự chọn lựa của mỗi cá nhân nhưng lịch sử dạy cho tôi bài học rất đắt giá rằng nếu bạn không đi đến cùng lý tưởng bạn đã chọn và thỏa hiệp với kẻ thù cho dù được biện minh với bất kỳ lý do nào như để giữ mạng sống thì bạn đã thất bại với chính lý tưởng bạn đã chọn.

Đối diện với cái chết Socrates cho rằng: "Tìm cách bỏ trốn, thoát khỏi sự trừng phạt (cái chết), ham cầu cuộc sống... lúc này đối với ông là một sự sỉ nhục. Bởi ông tin rằng: "linh hồn là bất tử, cái chết chẳng qua chỉ là sự chuyển tiếp từ cuộc sống này sang một cuộc sống khác tốt đẹp hơn"...
Cuối cùng ông đã chết một cách thầm lặng vì không muốn phá vỡ niềm tin bất diệt của mình.

Tôi tin chắc rằng cái chết của Giêsu hay Socrates đã truyền cảm hứng một cách mãnh liệt cho các đồ đệ của ông sau này. Đạo Kito được truyền bá một cách mạnh mẽ ở châu Âu chính nhờ tấm gương tử đạo của các tông đồ mà chính người thầy của họ là Giê-su là một minh chứng sống động nhất. Giả sử nếu như Giê-su không chết trên cây thập giá mà nhận tội rằng mình đã vi phạm pháp luật của người Do Thái thì điều đó đồng nghĩa với việc ông đã phá vỡ niềm tin của mình và chắc rằng ông cũng sẽ là một nhân vật bình thường trong dòng chảy lịch sử chứ không phải là một nhân vật vĩ đại, người sáng lập ra đạo Ki-tô giáo.

Tôi cho rằng niềm tin là yếu tố quan trọng nhất để dẫn tới thành công trong bất kỳ hoạt động hay lĩnh vực nào, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị, một lĩnh vực cần đến sự ủng hộ của quần chúng.

Cuộc đấu tranh của những nhà bất đồng chính kiến hiện nay nếu thành công sẽ được lịch sử ghi nhận là cuộc cách mạng dân chủ, chuyển đổi một quốc gia từ chế độ toàn trị sang một chế độ dân chủ. Những tên tuổi bất đồng chính kiến vừa bị bắt chính là một trong những người đi tiên phong trong cuộc đấu tranh trường kỳ này. Hơn ai hết, họ biết rằng họ chính là người khai phá, dẫn lối mở đường và trong cuộc hành trình không biết thời gian nào đến đích họ buộc phải có một niềm tin sắt đá vào lý tưởng của mình.

Mất niềm tin là mất tất cả.
Mất niềm tin đồng nghĩa với sự thất bại không thể chối cãi. Không thể biện hộ rằng trước sức ép của nhục hình mà ta có thể chấp nhận mất niềm tin tạm thời trong trại giam rồi sau khi rời khỏi trại giam ta lại củng cố niềm tin trở lại.
Niềm tin, trong hoạt động chính trị, luôn được củng cố mạnh mẽ trong những lúc khó khăn và gian khổ nhất. Nhà ngục luôn là nơi sống động nhất để những nhà hoạt động chính trị khẳng định lập trường và tuyên ngôn của mình. Đó là một trong những nơi thử thách nhất để chứng tỏ rằng họ vẫn sẽ tiếp tục con đường mình đã chọn dù đối mặt với lang sói.

Trong lời giới thiệu tác phẩm Suối Nguồn, một tác phẩm khắc họa một nhân vật luôn sống và hành động vì lý tưởng Ayn Rand đã viết:
Bản chất của con người – và của bất cứ sinh vật nào – không phải là đầu hàng, hoặc phỉ nhổ và nguyền rủa sự tồn tại của mình; điều ấy thực ra đòi hỏi cả một quá trình suy đồi mà tốc độ của nó tùy thuộc mỗi người. Một vài người đầu hàng vào lần đầu tiên tiếp xúc với áp lực; một vài người mặc nhiên đầu hàng; một số khác đi xuống từ từ và cứ thế mất dần ngọn lửa mà chính họ cũng không hề nhận ra nó đã tàn lụi như thế nào. Sau đó, tất cả biến mất trong cái đầm lầy khổng lồ gồm những người già cỗi, những người rao giảng rằng trưởng thành bao hàm việc chối bỏ chính kiến, rằng sự ổn định bao hàm việc chối bỏ những giá trị riêng, và rằng sống thực tế có nghĩa là phải gạt bỏ sự tự tôn. Chỉ một số ít người kiên quyết không đầu hàng và tiếp tục tiến lên; họ biết rằng không thể phản bội ngọn lửa kia; họ học cách nuôi dưỡng nó, cho nó hình hài, mục đích và sự sống... Tóm lại, dù tương lai mỗi người khác nhau, ở vào thời điểm bắt đầu cuộc sống, nhân loại luôn tìm kiếm một hình ảnh cao cả về bản chất con người cũng như về cuộc sống.

Tôi hy vọng rằng trong tương lai sẽ xuất hiện một nhà đấu tranh dân chủ "kiên quyết không đầu hàng và tiếp tục tiến lên; họ biết rằng không thể phản bội ngọn lửa kia; họ học cách nuôi dưỡng nó, cho nó hình hài, mục đích và sự sống..."



Muốn diễn tuồng thì phải tập
Phan Xuân Lâm
24/08/2009 1:00 sáng
http://www.talawas.org/?p=9314
Video ghi lời nhận tội của nhóm 4 đảng viên Đảng Dân chủ Việt Nam (Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Anh Kim) trên Nhân dân Online ngày 20/08 cho thấy những hình ảnh khác với hình ảnh trong video phát trên truyền hình VTV1 ngày 19/08. Điều này cho phép kết luận rằng đây là hai lần thu khác nhau.

*

Trần Huỳnh Duy Thức: Khác biệt có thể nhận ra ngay.
Trên truyền hình, ông Thức mặc áo sơ mi màu nâu hồng. Trên Nhân dân Online, ông mặc áo thun cổ bẻ màu sáng có kẻ ngang. Chúng ta không cần để ý thêm các chi tiết khác.

*

Nguyễn Tiến Trung: Tuy không có khác biệt về áo mặc và nhìn chung là ông Trung cũng thuộc bài không kém các vị kia, nhưng vẫn có những điểm rõ ràng cho thấy đây là hai lần thu khác nhau.
Trên Nhân dân Online, ông Trung còn phải nhìn khá thường xuyên xuống phía dưới, như thể ông phải đọc từ giấy. Trên truyền hình, ông không phải nhìn xuống phía dưới lần nào nữa. Tóc ông xòa xuống trán trong hai băng này cũng khác nhau. Thần thái trong hai băng khác nhau, cách nhấn âm, ngắt đoạn khác nhau ngay cả trong những câu nói giống hệt nhau. Ngoài ra có những câu tuy cùng nội dung nhưng không 100 % giống nhau.
Trên Nhân dân Online, ông nói: “… thì tôi đã nhận thức được những cái hành vi lúc trước đây của tôi là vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam… tôi cũng rất là ân hận về những việc làm trước đây của mình…”
Trên truyền hình, ông nói: “… thì tôi thấy được các hành vi của tôi là vi phạm pháp luật nghiêm trọng…
tôi rất ân hận là đã gây liên lụy đến gia đình, người thân, bạn bè…”

*

Lê Công Định: Trong cả hai băng, ông Định vẫn mặc đúng chiếc áo sơ mi như hôm bị bắt, nhưng dáng ngồi của ông trong hai băng khác nhau. Trong băng trên Nhân dân Online, ông ngồi chống hai khuỷu tay xuống mặt bàn nên vai nhô lên, cổ rụt xuống. Trong băng
trên truyền hình, ông ngồi thẳng như kiểu dựa vào lưng ghế, vai xuôi, cổ thẳng. Nhân dân Online chỉ phát đoạn ông “thú tội” và “xin khoan hồng”, trong khi truyền hình lại không phát đoạn này để ta có thể so sánh thật kỹ, nhưng ông Định đã được ra sân khấu “đơn ca” lần trước, lần này bổ sung thêm các chi tiết quan hệ với một số cá nhân và tổ chức Hoa Kỳ, tức một trong những “thế lực bên ngoài”. Việc cho đến nay ông đã diễn nhiều lần là đương nhiên.

*

Trần Anh Kim: Riêng ông Kim thì chỉ phải lên sâu khấu một lần. Ngay cả chỗ ông nói nhịu: “để họ làm hậu thuẫn cho Đảng Cộng… (à quên) Đảng Dân chủ Việt Nam phát triển sau này” ở cả hai băng cũng giống nhau. Dường như diễn xuất của ông với giọng hùng hồn như đang diễn thuyết tuyên truyền cho “chính nghĩa sáng ngời” đã quá hoàn hảo, không cần tập dượt nhiều lần.

*

Muốn diễn tuồng thì phải tập. Tập đi tập lại, nhiều lần là chuyện bình thường. Nhưng thông thường đạo diễn sẽ chọn lần nào thành công nhất lấy làm bản chính thức, tất cả các “action” khác đều coi như bỏ. Đó là nếu chỉ có một đạo diễn và ông này chuyên nghiệp. Nhưng Việt Nam ta không làm như thế. Vụ này hẳn là có nhiều đạo diễn, ông nào cũng to hơn và chuyên nghiệp hơn ông nào. Không biết những diễn viên bất đắc dĩ kia đã phải và sẽ phải “chạy sô” bao nhiêu lần và bao nhiêu lần nữa để đáp ứng nhu cầu văn nghệ quần chúng mà Đảng và nhà nước ta luôn đề cao?
© 2009 Phan Xuân Lâm
© 2009 talawas blog


No comments:

Post a Comment