Ngày Thuyền Nhân Việt
TRẦN KHẢI
Việt Báo, Thứ Tư, 8/12/2009, 12:00:00 AM
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=2&nid=148152
Hình ảnh thuyền nhân vượt biển để tìm tự do rồi sẽ không thể nào quên được trong dòng lịch sử dân tộc Việt. Nhưng nhà nước CSVN, với lòng căm thù tột độ đối với những chứng tích tội ác của chế độ, đang ra sức xóa sổ đi các hình ảnh này, và tin rằng với thơì gian, các thế hệ trẻ của người Việt hải ngoại sẽ quên dần đi. Lưu giữ các hình ảnh thuyền nhân thực ra không nên nhìn như là nuôi dưỡng lòng căm thù, mà thực ra là cần được nhìn như để đề cao một khát vọng tự do, một ước mơ được sống với các quyền làm người. Do vậy, cuộc chiến lưu giữ hình ảnh thuyền nhân vẫn chưa bao giờ chấm dứt, và là một cuộc chiến toàn cầu và đang diễn tiến tại hầu hết các nơi có thuyền nhân Việt cư ngụ, sinh sống.
Chính vì thấy được giá trị nhân bản trong hình ảnh thuyền nhân tìm tự do, nhà nước Hà Nội vẫn liên tục nhiều năm nay tìm đủ mọi cách để xóa sổ các hình ảnh này. Ngay tới những tượng đài thuyền nhân tại các trại tị nạn Bidong tại Mã Lai và trại Galang tại Indonesia cũng bị áp lực Hà Nội để đập phá. Cuối tháng 6-2005, báo Jakarta Post của Indonesia và báo The Star của Mã Lai loan tin rằng hai tượng đaì thuyền nhân được dựng ở hai nước này đã bị đập phá, và là do áp lực từ chính Chủ Tịch Nước CSVN Trần Đức Lương đòi hỏi các chính phủ Indonesia và Mã Lai.
Hai tượng đài tưởng niệm thuyền nhân ở Bidong và Galang là do chính các cựu thuyền nhân dựng lên sau khi xin phép các chính quyền địa phương, như thế chỉ được có vài tháng. Làn sóng phẫn nộ dậy lên khắp toàn cầu từ các cộng đồng người Việt tị nạn, và từ đó các tượng đàì thuyền nhân được xin dựng lên ở các nơi đông dân Việt.
Theo thông tin từ trang web Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam (http://vnbp.org), nhiều Tượng Đài Thuyền Nhân đã được dựng lên:
- tại Victoria (Úc Đại Lợi), - tại Ottawa, thủ đô Canada,
- tại Westminster, California,
- Đài Tri ân của Thuyền Nhân Cap Anamur, Hambourg, Đức,
- tại nghĩa trang Oejendorf, Hamburg, Đức,
- tại Hambourg, BCH Hội NV Tỵ Nạn CS CHLB Đức xây dựng,
- tại Geneva, Thụy sĩ,
- tại Chùa Khánh Anh, Pháp,
- tại Bảo tàng viện Việt Nam và Thuyền Nhân VN tại San Jose, Bắc California.
Tuy nhiên, thành phố Westminster, California đang dự tính đi xa thêm một bước: Rằng cũng cần có một Ngày Thuyền Nhân để nhắc nhở rằng có một thời cả triệu người Việt đã đổ xô ra biển tìm tự do, và những ngày nơi đất người của thuyền nhân thực sự có một giá trị nhân bản, một khát vọng được sống với quyền làm người chứ không phải đơn giản kiểu như nộp đơn xin di du học hay xin đoàn tụ. Dự kiến, Nghị quyết số 4257 để tuyên bố một Ngày Thuyền Nhân tại thành phố Westminster sẽ được Hội Đồng Thành Phố Westminster thảo luận vào đêm Thứ Tư 12-8-2009.
Thực sự là chúng ta cần có một ngaỳ trong năm để cùng ngồi trứơc sân cỏ Tòa Thị Chính Westminster, để nhìn lại hình ảnh triển lãm ghe thuyền, kẽm gai rào tị nạn và để tâm sự với nhau về những ngày bi thảm Biển Đông. Cần một ngaỳ như thế, để chỉ vào chiếc ghe tị nạn trưng bày và nói với con cháu rằng ngaỳ xưa chúng ta may mắn thoát được sóng gió trùng dương để rời khỏi bàn tay sắt của chế độ CSVN. Cần một ngày như thế để nhắc cho nhau rằng nhà cầm quyền CSVN có thể đập nát 2 tượng đàì thuyền nhân ở Mã Lai và Indonesia, nhưng không thể đập nát một khát vọng sống với quyền làm người. Và cần một Ngàỳ Thuyền Nhân để đề cao một giá trị tự do mà cả triệu người Việt đã liều thân vượt biển để tìm đến.
Nghị quyết Ngày Thuyền Nhân đề ra bởi Thị Trưởng Margie Rice và Phó Thị Trưởng Tạ Đức Trí, trong đó tuyên bố ngày Thứ Bảy cuối cùng trong tháng 4 mỗi năm sẽ là "Vietnamese Boat People Day" (Ngày Thuyền Nhân Việt) tại thành phố Westminster, nơi trung tâm là Little Saigon và là nơi được gọi là thủ đô tị nạn Việt.
Bản sơ thảo nghị quyết 4257 sẽ thảo luận có nội dung, theo trích đoạn bản văn:
"Xét rằng, thành công lớn lao của người Mỹ gốc Việt hôm nay, trong nhiều điển hình, có thể dò ngược tới những chiếc thuyền mong manh chở đi những người quyết tâm này, thúc đẩy bởi khát vọng tự do, để vượt đại dương mênh mông, và những người này được vinh danh và được gọi bây giờ là 'thuyền nhân.'
"Do vậy, bây giờ, ra tuyên cáo rằng, tôi, Margie Rice, Thị Trưởng Thành Phố Westminster, thay mặt Phó Thị Trưởng Trí Tạ, và các nghị viên thành phố Frank Fry, Andy Quách và Tyler Diệp tuyên bố rằng ngày Thứ Bảy cuối cùng trong tháng 4 mỗi năm là Ngày Thuyền Nhân Việt, để ghi nhận những thương tiếc và đau khổ của những người chết trong khi tìm tự do, và đối với nhiều người tị nạn Việt Nam sống sót, trong đó nhiều người đang cư ngụ ở Westminster, California, những người sống còn để kể câu chuyện về chuyến đi liều thân của họ."
Đúng vậy, chúng ta cần một Ngày Thuyền Nhân như thế. Cũng đã 3 thập niên rồi, nhưng hình ảnh thuyền nhân vẫn còn đầy đau đớn, vẫn còn mang đầy những khát vọng tự do. Cần một ngày để cùng kể lại chuyện mình, để chỉ cho con cháu thấy một thời chúng ta đã ngồi trên những chiếc thuyền mong manh như thế trên biển, và để nhắc nhau rằng cần một ngày như thế để tạ ơn nước Mỹ và để ngợi ca tự do.
No comments:
Post a Comment