Monday, August 24, 2009
MỘT NGƯỜI MỸ VỚI TRÁI TIM VIỆT NAM
Một người Mỹ với trái tim Việt Nam
Hiền Vy
Gởi cho Người Việt từ Houston, Texas
Sunday, August 23, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=100110&z=3
Trong ngày vinh danh Dân Biểu Hubert Võ nhân dịp ông vận động thành công nghị quyết HCR-258, công nhận cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ là biểu hiệu của người Việt tị nạn Cộng Sản cho tiểu bang Texas, đã có một chương trình văn nghệ đặc sắc do các thanh niên, sinh viên học sinh từ nhiều nơi đến Houston trình diễn. Tất cả các nghệ sĩ tài tử trẻ này đều xuất sắc, tuy nhiên hình ảnh một thanh niên người Mỹ, da trắng, tóc vàng, mắt xanh, rất trẻ, tay cầm microphone, hào hứng hát những ca khúc Việt Nam dưới những lá cờ vàng tung bay, đã làm nhiều người chú ý. Sự diễn tả đúng với những lời anh đang ca làm cho khán giả có cảm tưởng là đang nghe một người Việt Nam hát. Anh chưa dứt lời thì đã có những tràng pháo tay hoan hô nhiệt liệt, những bó hoa đem đến tận sân khấu để tỏ lòng ngưỡng mộ. Hát xong, anh cất lời cảm ơn bằng tiếng Việt với giọng miền Nam chân chất làm mọi người vô cùng ngạc nhiên và có người rơi lệ. Anh cho biết tên Việt của anh là Triệu, và tên Mỹ là Ian McKamey.
Ðược hỏi tại sao có tên Triệu? Anh cười giải thích:
“Vì nhiều người đọc chữ Ian thành Yến, mà Yến lại là tên con gái nên có... vấn đề. Bạn em thấy em thích Việt Nam nên đặt cho em tên Triệu”.
Triệu sinh ra ở Burien, một thành phố nhỏ, cách Seattle chừng 20 phút lái xe, thuộc tiểu bang Washington. Anh nói rằng Ian là cái tên của dân Ái Nhĩ Lan, song thân của anh đã yêu thích tên này nên đặt cho anh, dù cha mẹ anh không phải là người Ái Nhĩ Lan.
Anh cho biết từ lúc còn học tiểu học, anh đã có một người bạn Việt Nam rất thân, tên là Vũ Trương. Triệu và Vũ cùng nhau lớn lên trong những năm dài ở trường tiểu học và trung học. Vũ Trương đã theo cha mẹ vượt biển tìm tự do lúc mới 2 tuổi. Vũ đã kể cho Triệu nghe về những cuộc hành trình tìm tự do của người Việt trên những chiếc tàu nhỏ, rất đơn sơ đã bị hải tặc cũng như sóng gió đánh chìm ngoài biển khơi. Ba của Vũ là một sĩ quan của ngành cảnh sát thời Việt Nam Cộng Hòa, đã bị đi tù “cải tạo” và trốn thoát khỏi được trại tù bằng đường rừng. Về lại Gò Công, vị sĩ quan này đã đưa gia đình vượt biển tìm tự do. Trong chuyến vượt biển gian nan của họ, có 2 người thân của Vũ đã phải bỏ thây trên biển cả.
Tốt nghiệp trung học xong, Vũ và Triệu đã chọn 2 trường đại học khác nhau nên mỗi người một ngã. Cũng trong khoảng thời gian này, Triệu đã gặp Tiến Sĩ Michael Hòa Viola-Vu trên đường Tiến Sĩ Hòa đi công tác ghé ngang Seattle. Tiến Sĩ Hòa là một trong những em bé mồ côi đã được di tản khỏi Việt Nam trong những ngày cuối Tháng Tư năm 1975. Ông đã được một gia đình người Mỹ nhận làm con nuôi từ khi đến Mỹ. Khi được giới thiệu với Triệu, Tiến Sĩ Hòa đã rất ngạc nhiên về khả năng tiếng Việt của Triệu và ngạc nhiên hơn khi nghe Triệu hát bài “Trả Lời Thư Em” từ dàn nhạc Karaoke trong nhà một người bạn của ông ở Seattle. Sau lần gặp gỡ đó, Tiến Sĩ Hòa và Triệu đã trở thành thân thiết qua những lần trao đổi emails và điện thoại. Ông Hòa đã hướng dẫn thêm cho Triệu về cách giao tiếp với người Việt, sự khác biệt khi cư xử với những bậc lớn tuổi, và với những người cùng trang lứa, nhưng quan trọng nhất là dạy cho Triệu sự khác biệt giữa “tiếng Việt trước 75” và “tiếng Việt sau 75”.
Sau năm học đầu của đại học, Vũ gặp lại Triệu và Vũ cho biết Vũ phải về Việt Nam để tìm nguồn cội của mình và rủ Triệu cùng đi. Chuyến đi Việt Nam đầu tiên của họ vào năm 2000. Trong chuyến đi này, Triệu đã cảm thấy yêu thích đất nước Việt Nam, văn hóa Việt Nam. Khi trở về Mỹ anh cảm thấy nhớ nhung Việt Nam và nhớ món ăn Việt rất nhiều, nhất là phở. Theo Triệu, món phở chứa đựng cả một sự sâu sắc của văn hóa Việt. Nhớ phở và muốn học thêm tiếng Việt, anh đã xin việc làm bán thời gian tại một quán phở ở Seattle trong khi vẫn theo học chương trình đại học. Người chủ của tiệm phở này, không những cho anh việc làm mà còn dạy anh tiếng Việt. Bố mẹ của người chủ đã vô cùng quí mến Triệu và cũng đã dạy cho Triệu thêm về tiếng Việt cũng như kể cho Triệu nghe những câu chuyện về Việt Nam. Anh đã ưu ái gọi họ là “Ông Bà Ngoại”.
Mặc dù tiến bộ rất nhiều trong việc học hỏi ngôn ngữ Việt tại tiệm phở nhưng Triệu cảm nhận rằng là nếu muốn tiến xa hơn thì phải về Việt Nam để học. Do đó trong khoảng từ năm 2000 đến nay, anh đã về Việt Nam 6 lần, mỗi lần ở lại vài tháng. Anh cho biết trong lần thứ ba về Việt Nam anh đã có cơ hội được học tại trường Hữu Nghị nằm trong quận 3 Sài Gòn. Anh cho biết trường này dạy những người ngoại quốc muốn học tiếng Việt mà đa số học viên là người Úc. Anh cũng cho biết là hiện nay trường Hữu Nghị đã đóng cửa.
Thời gian trở về Mỹ, Triệu đã ghi tên học thêm về văn hóa và ngôn ngữ Việt trong trường Washington Academy Languages tại Seattle. Qua những khóa học tại trường này cũng như trong những lần về Việt Nam, Triệu đã học thêm được cả chính trị cũng như lịch sử Việt. Triệu khiêm nhượng nói rằng anh chỉ biết sơ về những điều căn bản về chính trị mà thôi, như những cuộc cách mạng của Việt Minh từ thập niên 1940 và những hy sinh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Tốt nghiệp ngành âm nhạc, nhưng ngoài việc dạy nhạc Triệu còn làm thông dịch viên khi có người cần đến, cũng như dịch thuật những tài liệu về luật giao thương hay các chương trình y tế. Trong công việc thông dịch này anh đã có cơ hội quen với một cô gái Việt Nam mới sang Mỹ và anh đã làm đám cưới với cô cách đây khoảng 2 tháng. Anh đã cho ra đời một CD nhạc mang tên “Cô Gái Việt Nam Của Mình”. Ðây cũng chính là tựa của một bài ca do anh sáng tác.
Khi được hỏi ước muốn cho tương lai của anh là gì, Triệu cho biết là chỉ mong có dịp đưa vợ về thăm gia đình của cô để ra mắt cha mẹ vợ cho đúng phong tục của người Việt Nam. Anh cũng cho biết là đang tập hát bài “Một Chút Quà Cho Quê Hương” để trình diễn trong Tháng Mười tới đây tại Houston.
Ian McKamey, với tên Việt Nam là Triệu, trong một buổi lễ của cộng đồng Houston. (Hình: Hiền Vy)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/100110-medium_NV-Trieu-3.jpg
Ian McKamey (Triệu) ôm đàn guita và hát các ca khúc Việt Nam. (Hình: Hiền Vy)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/100110-medium_NV-Trieu-1.jpg
Mơ làm người Việt Nam
23/08/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-08-23-voa37.cfm
Ian McKamey, một thanh niên gốc Mỹ, sanh trưởng ở Mỹ, đã có một thôi thúc kỳ lạ là muốn trở thành người Việt Nam. Anh đã cố gắng học hỏi ngôn ngữ và văn hóa Việt một cách đam mê, tìm thấy hạnh phúc và hãnh diện sống như một ngưòi Việt Nam.
Sau biến cố 30 tháng tư năm 1975, hàng triệu người Việt đã phải bỏ nước ra đi tìm tự do và trở thành công dân Mỹ. Cụm từ ‘ Người Mỹ Gốc Việt’ đã trở thành quen thuộc và dễ hiểu.
Sự kiện một người Mỹ mến chuộng tinh thần yêu tự do của dân Việt đến độ có thể cố gắng học tập văn hóa ngôn ngữ Việt, nói tiếng Việt lưu loát, biết về văn hóa Việt hơn một ngườì Việt trung bình và có thể viết được nhạc tình bằng tiếng Việt là một việc hiếm có. Người Mỹ hiếm có đó là Ian McKamey.
Vào ngày 19 tháng 7, 2009, nhân dịp cộng đồng Việt Nam vinh danh Dân Biểu Hubert Vo tại Houston, Ian McKamey, còn có tên Việt là Triệu, đã làm khán giả ngạc nhiên về khả năng tiếng Việt của Anh.
Triệu kể lại là anh có một người bạn Việt Nam rất thân, đã theo cha mẹ vượt biển tìm tự do từ lúc 2 tuổi rồi định cư tại Seattle. Lúc lên đại học, người bạn này đã rủ anh về Viêt Nam để tìm lại nguồn gốc của mình.
Sau chuyến đi Việt Nam lần đầu, Triệu nhớ Việt Nam và mê Phở đến độ Anh đã đi học các khóa Tiếng Việt và xin đi làm phụ bàn tại một tiệm Phở để học thêm về tiếng Việt tại Seattle.
Sau đó, Triệu thấy cần phải đến Việt Nam để học hỏi thêm về văn hóa và ngôn ngữ Việt cho chính xác và đầy đủ . Từ đó, anh cố gắng đi làm để dành tiền để trở lại Việt Nam. Triệu đã đi về Việt Nam 6 lần trong những năm qua để tìm hiểu và học tiếng Việt tại Viet Nam, mỗi chuyến đi kéo dài vài tháng.
Những khóa học và những chuyến đi như vậy đã giúp cho khả năng nói tiếng Việt và kiến thức về văn hóa Việt của Triệu rất nhiều. Trong khi nhiều người Mỹ trẻ gốc Việt không còn nói tiếng Việt được nữa thì Triệu có thể nói tiếng Việt rành rõi và biết rất nhiều về Việt Nam, kể cả những vấn đề chính trị và lịch sử. Với các bạn trẻ gốc Việt tại Hoa Kỳ, Triệu khuyên họ nên cố gắng tìm lại nguồn cội của mình.
Về tình duyên, Triệu tiết lộ là anh vừa lập gia đình. Dĩ nhiên người vợ mới cưới của anh là một thiếu nữ Việt Nam. Cô mới qua định cư tại Hoa Kỳ chừng vài năm. Ước mơ hiện nay của Triệu là có dịp mang ngườì yêu về ra mắt cha mẹ nàng trong những ngày sắp tới, cho hợp với phong tục người Việt Nam.
Hiện nay, Triệu đang sống hạnh phúc tại Seattle với người vợ mới cưới. Gần đây Triệu vừa sáng tác bài ‘Cô Gái Việt Nam Của Mình’ mà Triệu đã hát với một sự đam mê.
Xin chào đón Triệu, một người Mỹ với tâm hồn Việt Nam, yêu chuộng tự do và yêu mến Việt Nam như một người Việt từ trong tiền kiếp.
Nguyễn Phục Hưng tường trình từ Houston, Texas.
No comments:
Post a Comment