Wednesday, August 26, 2009
GS LÊ XUÂN KHOA NÓI VỀ CHUYẾN ĐI VN của NS JIM WEBB
Bắc Kinh vừa sỗ sàng, vừa trắng trợn
Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt
Tuesday, August 25, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=100216&z=196
Gíáo sư Lê Xuân Khoa nói về chuyến đi Việt Nam của Thượng nghị sĩ Jim Webb
Thượng nghị sĩ Jim Webb kết thúc chuyến thăm kéo dài hai tuần đến năm nước Ðông Nam Á. Hôm thứ Tư 19 tháng Tám vừa qua, trước khi rời Việt Nam - chặng chót của chuyến đi – ông tổ chức họp báo tại Hà Nội, nhấn mạnh vị thế của khu vực và vai trò của Hoa Kỳ trong việc cân bằng quyền lực với Trung Quốc trong khu vực này. Giới quan sát tình hình nhận định ra sao về chuyến đi của ông Webb, Người Việt xin ý kiến của giáo sư Lê Xuân Khoa trong cuộc phỏng vấn sau đây.
Giáo sư Lê Xuân Khoa, trước năm 1975, nguyên là Phó Viện trưởng Viện Ðại học Sài Gòn; sau năm 1975, ông là Chủ tịch Trung Tâm Tác Vụ Ðông Nam Á và là giáo sư Ðại học Johns Hopkins tại Washington DC. Từ khi về hưu, ông dùng thời giờ nghiên cứu, viết sách và viết báo.
ÐQAThái: Giáo sư đánh giá như thế nào về chuyến viếng thăm Việt Nam của Thượng nghị sĩ Jim Webb?
GS Lê Xuân Khoa: Thượng nghị sĩ Jim Webb là Chủ tịch Ủy Ban Á Châu Thái Bình Dương trong Ủy ban Ðối ngoại của Thượng viện Hoa Kỳ, nên ông có tiếng nói quan trọng trong việc hoạch định chính sách của Mỹ trong khu vực Á châu Thái Bình Dương. Theo ý tôi, chuyến đi Việt Nam của ông Webb là hành động tái khẳng định chính sách của Chính quyền Obama đã được Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố rất rõ tại Hội nghị ASEAN vào tháng Bảy vừa qua: Hoa Kỳ quyết tâm trở lại vùng Ðông Nam Á, khu vực thiết yếu đối với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.
ÐQAThái: Như vậy có thể hiểu tiếng nói ông Jim Webb là tiếng nói của một sứ giả của Tổng thống Obama?
GS Lê Xuân Khoa: Vâng. Ðúng như vậy. Dù không chính thức nhưng rõ ràng ông Webb nói lên quan điểm của Hoa Kỳ trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh quân sự của họ tại Ðông Nam Á, cũng như những đòi hỏi hết sức phi lý và phi pháp của Bắc Kinh đối với các nước trong khu vực, kèm theo những hành động lấn áp rất sỗ sàng, trắng trợn của Trung Quốc đang diễn ra trong vùng Biển Ðông. Về phía Hoa Kỳ, để bảo vệ quyền lợi của mình, Washington cần khuyến khích và giúp đỡ cho các nước Ðông Nam Á giải quyết một cách công bằng vấn đề chủ quyền tại Biển Ðông và cùng các quốc gia này tạo một thế cân bằng lực lượng đối với Trung Quốc. Ông Webb đã nhắc đi nhắc lại chủ trương này của Hoa Kỳ trong chuyến công du vừa qua, và ông đã thành công trong mục tiêu đề ra.
ÐQAThái: Trong cuộc họp báo tại Hà Nội, ông Webb không đề cập gì đến vấn đề nhân quyền và tự do-dân chủ tại Việt Nam; xin biết ý kiến giáo sư?
GS Lê Xuân Khoa: Cũng dễ hiểu. Bởi vì Hoa Kỳ cần sự hợp tác của tất cả các nước trong khu vực, nhất là cần phải lôi cuốn các chế độ độc tài như tại Miến Ðiện và Việt Nam, cho nên Hoa Kỳ cần phải tạm gác sang một bên những áp lực về vấn đề nhân quyền và tự do, dân chủ. Ðối với Miến Ðiện chẳng hạn, ông Webb nói rằng không nên cô lập và trừng phạt kinh tế xứ này, vì ông cho rằng hành động đó là một sự sai lầm về mặt chiến lược. Còn đối với Việt Nam, cũng trong chiều hướng đó, ông tuyên bố rằng hiện nay là thời điểm tốt đẹp để phát triển quan hệ giữa đôi bên. Vì thế, ông cần chứng tỏ cho giới lãnh đạo Hà Nội thấy rằng Washington không muốn có sự xáo trộn tại Việt Nam và Hoa Kỳ sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam phát triển về mọi mặt để Việt Nam có thể bảo vệ nền độc lập đối với Trung Quốc và đảm nhận một vai trò quan trọng trong vùng Ðông Nam Á. Ông Webb còn bày tỏ sự tin tưởng là Việt Nam sẽ thành công trong vai trò Chủ tịch Hiệp hội ASEAN vào năm 2010. Ngoài ra, ông Webb còn ca ngợi vai trò xây dựng của Việt Nam trong tư cách thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và vai trò tích cực của Việt Nam cho nền hòa bình tại Ðông Nam Á.
ÐQAThái: Chuyến đi 5 nước Ðông Nam Á của ông Webb phải chăng là một thông điệp nhắm vào giới lãnh đạo Bắc Kinh cho thấy Hoa Kỳ có một chiến lược “be bờ” đối với Trung Quốc?
GS Lê Xuân Khoa: Nói rằng đó là một chiến lược be bờ thì Hoa Kỳ không muốn nêu ra một cách chính thức, nhưng rõ ràng nó vẫn nằm trong chiến lược chung của Mỹ, nghĩa là không thể để cho Trung Quốc thực hiện được tham vọng bành trướng bá quyền của Bắc Kinh, không những ở vùng Ðông Nam Á mà còn trên toàn thế giới nữa. Bởi vì ông Webb nói rõ trong cuộc họp báo tại Hà Nội, rằng chiến lược của Hoa Kỳ không giới hạn trong vùng Ðông Nam Á mà là vấn đề quốc tế.
ÐQAThái: Hiện Hoa Kỳ đang căng quân tại hai chiến trường lớn là Iraq và Afganistan; trong tình huống giả định là nếu Trung Quốc ngang ngược dùng quân sự ức chế các nước Ðông Nam Á, trong đó có Việt Nam, thì liệu Hoa Kỳ có can thiệp bằng quân sự không; và nếu có thì Hoa Kỳ có còn đủ quân để đối phó với một mặt trận nữa hay không?
GS Lê Xuân Khoa: Tôi nghĩ rằng quân sự là biện pháp cuối cùng, còn tất cả nỗ lực của Hoa Kỳ trong lúc này là đối thoại, thuyết phục Trung Quốc từ bỏ tham vọng bá quyền của Trung Quốc trong vùng Ðông Nam Á. Và để đạt mục tiêu đó, Hoa Kỳ đặt nặng việc xây dựng các nước trong vùng để các nước này có một thế đứng mạnh mẽ, có một tiếng nói thống nhất nhằm hậu thuẫn Hoa Kỳ trong việc Hoa Kỳ nói chuyện với Trung Quốc.
ÐQAThái: Ông Webb đặt chân đến Việt Nam thì cùng lúc đó, Hà Nội cho trình chiếu trên TV hình ảnh một số nhà tranh đấu dân chủ “thú nhận tội chống phá nhà nước.” Theo giáo sư, liệu có liên hệ nào không giữa hai sự kiện này?
GS Lê Xuân Khoa: Tôi tin chắc rằng việc Hà Nội đưa lên TV hình ảnh một số nhà tranh đấu dân chủ “thú nhận tội chống phá nhà nước” không phải là ý của ông Jim Webb và đây là chủ ý của nhà cầm quyền, và là một thông điệp mạnh mẽ của Hà Nội cho các phong trào tranh đấu Nhân quyền và tự do, dân chủ tại Việt Nam cũng như tại hải ngoại.
ÐQAThái: Thông điệp đó là gì, thưa giáo sư?
GS Lê Xuân Khoa: Thông điệp đó là: bây giờ không thể tiếp tục cuộc tranh đấu đó, vì đó là cuộc tranh đấu tuyệt vọng, không thể trông cậy sự ủng hộ của Hoa Kỳ được nữa.
ÐQAThái: Nếu quả là như vậy, thì theo giáo sư, thông điệp đó liệu có làm chùn bước những người đấu tranh nhân quyền và tự do, dân chủ tại Việt Nam?
GS Lê Xuân Khoa: Tôi cho rằng đây là một thắng lợi chiến thuật của chế độ Hà Nội đối với các phong trào tranh đấu tại Việt Nam. Một thắng lợi chiến thuật thôi chứ không mang tính chiến lược. Bởi vì sự thắng lợi này được sự đồng tình của Hoa Kỳ.
ÐQAThái: Giáo sư vừa nói, có sự đồng tình của Hoa Kỳ?
GS Lê Xuân Khoa: Thái độ của ông Webb không tuyên bố gì về vấn đề nhân quyền và tự do, dân chủ là một sự đồng tình ngấm ngầm. Theo tôi, đây chỉ là bước lùi chiến thuật trong chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ vì Hoa Kỳ không bao giờ từ bỏ mục tiêu tối hậu là nhân quyền và tự do, dân chủ trên toàn thế giới. Hiện nay, Mỹ muốn kéo Việt Nam ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc, mà Hà Nội cũng cần sự giúp đỡ của Washington trong mục tiêu đó, nên trong chiến lược lâu dài của cả hai bên thì hai bên phải thích ứng với nhau. Thành ra Hoa Kỳ có lùi trong tạm thời trong lúc này thì một lúc khác, nếu Hoa Kỳ tái tục áp lực Việt Nam về vấn đề nhân quyền và tự do, dân chủ thì Việt Nam cũng sẽ phải nhượng bộ. Bởi vì Việt Nam bắt buộc phải hội nhập cộng đồng quốc tế, một cộng đồng văn minh, dân chủ của nhân loại, chứ Việt Nam không thể khăng khăng giữ thái độ chủ quan của mình được.
ÐQAThái: Cộng đồng người Mỹ gốc Việt làm được gì để ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của chính phủ Hoa Kỳ đối với Việt Nam, thưa giáo sư?
GS Lê Xuân Khoa: Như tôi vừa trình bầy, cộng đồng Mỹ gốc Việt chúng ta đang đứng trước một thực tế về chiến thuật và chiến lược. Chúng ta cần có đường lối và các cuộc vận động thích hợp thì mới mong ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ tại Việt Nam cũng như tại Ðông Nam Á. Vấn đề bảo vệ chủ quyền của Việt Nam và đối phó với Trung Quốc không còn là vấn đề riêng của Việt Nam nữa, mà là vấn đề chung của tất cả các nước trong khu vực. Cho nên giải pháp phải là chung cho toàn vùng chứ không riêng cho Việt Nam. Với chúng ta, mục tiêu tối hậu vẫn phải là một nước Việt Nam độc lập với một chính thể dân chủ, tôn trọng nhân quyền, trong một cộng đồng quốc tế văn minh tiến bộ. Cuộc vận động của người Mỹ gốc Việt chỉ có thể thành công nếu chúng ta biết thích ứng với những thực tế chiến lược và chiến thuật của Hoa Kỳ và Việt Nam. Có như thế, các nhà làm chính sách của Mỹ mới lắng nghe chúng ta
ÐQAThái: Cám ơn giáo sư đã trả lời phỏng vấn của Người Việt.
Mỹ 'khó chịu' về các hình ảnh tiêu cực trên truyền hình VN
26/08/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-08-26-voa7.cfm
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói rằng Chính phủ Hoa Kỳ cảm thấy 'khó chịu' đối với hình ảnh tiêu cực mà truyền hình Việt Nam đã chiếu hồi tuần trước có liên quan đến sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Việt Nam.
Đài Truyền hình nhà nước Việt Nam đã cho phát một đoạn băng kéo dài 20 phút quay cảnh nhận tội của 4 nhà hoạt động dân chủ bị bắt giữ.
Trong đoạn băng này một trong số 4 người là luật sư Lê Công Định nói rằng ông đã gặp các giới chức Hoa Kỳ, trong đó có cả Phó Bộ trưởng Ngoại giao John Negroponte và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak.
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm thứ Tư, ông Michalak nói: “Chúng tôi rất thất vọng về việc Ðài truyền hình Việt Nam đã trích dẫn những lời nhận tội của một số công dân Việt Nam đối với những hành động được coi là bình thường ở nhiều nơi khác trên thế giới, những hoạt động được coi là những cuộc thảo luận thông thường nhằm tăng cường nền pháp quyền ở Việt Nam, mà việc tăng cương pháp quyền ở Việt Nam là mục tiêu được sự ủng hộ cao nhất của chính phủ Việt Nam."
Ðại sứ Michalak cũng nói rằng chúng tôi cũng cảm thấy khó chịu về hình ảnh tiêu cực có liên quan đến sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Việt Nam mà đài truyền hình Việt Nam đã chiếu.
Sau khi truyền hình Việt Nam cho phát hình đoạn băng nhận tội này, báo chí Việt Nam cho hay ông Định và một số người khác sẽ bị đưa ra xét xử về tội tuyên truyền chống phá nhà nước.
Luật sư Định và những người bị bắt giữ vì tội này có thể phải đối mặt với mức án tối đa là 20 năm tù giam.
Bản tin của hãng Reuters cũng trích lời Ðại sứ Michalak phát biểu tại cuộc họp báo rằng ông hoan nghênh những sự tiến bộ của Việt Nam trong việc cải thiện tự do tín ngưỡng. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều mối quan ngại đối với các lĩnh vực nhân quyền khác, trong đó có cả tự do báo chí và tự do ngôn luận.
No comments:
Post a Comment