Saturday, August 15, 2009
CÁCH MẠNG THÁNG TÁM : ĐÂU LÀ SỰ THẬT ?
Tuần ký số 15
THÁNG 8 MÙA THU LU BÙ THỨ CHUYỆN
Nhạc sĩ Tô Hải
Aug 5, '09 7:16 AM
http://langdu126.multiply.com/journal/item/110/110
Mỗi lần tháng 8 đến ,tớ lại nghĩ về cái tháng 8 năm 1945, nghĩ về những ngày hào hùng đi theo Việt Minh quyết giải phóng đất nước. Có hàng ngàn câu chuyện từ quá khứ hiện về có thể kể cho các bạn trẻ nghe suốt ngày không hết. Vậy mà tháng 8 năm nay , tớ bị "bội thực" về đề tài mà sức khỏe không cho phép. Thư kí lại bắt đầu đi học nếu không tớ đã đổi tuần kí thành nhật kí. Có thể trong tháng 8 này tớ sẽ viết tăng năng suất nếu thời giờ của thư kí riêng mới vào năm học cho phép. Vẫn bắt đầu bằngmột chuyện nóng xốt của ngày mùng 1/8 năm nay
Đêm 31/7, trên VTV1, người ta đưa lên hình ảnh hoành tráng về 1 cơ quan được tổ chức cách đây 79 năm. Đứa trẻ lên 5 cũng biết là nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời ngày 2/9/1945, tức là cơ quan thành lập trước khi nhà nước này ra đời 36 năm. Nó có tên là Ban tuyên giáo.! Tiếc thay cho đến hôm nay chẳng còn ai là người còn sống để làm nhân chứng. Lí do đơn giản là nếu ai còn sống thì đến nay cũng phải hơn tuổi đại tướng Võ Nguyên Giáp?! Thực tế là chẳng còn một ông nào của ban tuyên giáo với quá trình hoạt động 79 năm được trao một huân chương, bằng khen mà chỉ có ông Đào Duy Quát, "nguyên" phó ban tuyên giáo trung ương đứng ra nhận huân chương độc lập hạng nhì. Các ông tuyên giáo lão thành như Hoàng Tùng, Lê Liêm, Trần Độ, Hoàng Minh Chính ,Trần xuân Bách…đã "theo nhau về cõi"(May ra còn ông Hoàng Tùng thì lại mắc vào cái hồi ký "10 nỗi đau của Hồ Chủ Tịch". Thậm chí một số đã bị đảng khai trừ, ra đi chẳng còn tước hiệu đảng viên chứ chưa kể đến chuyên có công trong "Tuyên" hay "Giáo gì nữa.
Cũng trong dịp" long trọng tổ chức lễ kỉ niệm 79 năm thành lập cái Ban này, người ta động viên ngành tuyên giáo phải "phát huy truyền thống. vẻ vang của ngành hòan thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa" và lại kiên trì chủ nghĩa Mác-Lê Nin!. Cuối cùng họ động viên mọi cán bộ tuyên giáo phấn đấu không ngừng, "vừa hồng vừa chuyên". Hồng thì là cái chắc rồi. Nhưng chuyên là cái gì thì quả là chính tớ có quá trình 30 năm làm việc trực thuộc ban tuyên giáo cho đến ngày về hưu cũng chưa hiểu được cái nghề tuyên giáo có bài vở gì, kĩ thuật gì ngòai việc nói lại những gì mà bộ chính trị, ban bí thư đã nói, không thêm bớt một chữ. Riêng về vấn đề lãnh đạo tư tưởng thì càng ù càng cạc vì làm sao có thể nắm bắt được những gì ở trong đầu và trong con tim của hàng chục triệu con người. Tóm lại tuyên giáo chỉ là tuyên truyền những gì Đảng muốn tuyên truyền hoặc là không tuyên truyền những gì Đảng không muốn tuyên truyền. Còn giáo dục thì căn bản là giáo dục chủ nghĩa Mac lê nin (mấy năm nay lại có thêm tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh) nhưng chẳng hiểu sao gần đây lại bỏ mất hai chữ "tư tưởng"? Vậy thì "chuyên" đây là chuyên cái gi?vì có gì đâu mà chuyên ?ai dạy chuyên cho ai?ai giáo cho ai cái gì để có cái chuyên?học cái gì khi cái sự "chuyên" lại nằm ở phạm trù vô hình vô ảnh? Viết đến đây tớ lại nhớ một đoạn trong "Đi tìm cái tôi đã mất" của Nguyễn Khải : "l Những người cộng sản phải tự tin và kiêu ngạo lắm mới có tham vọng kiểm soát tâm hồn con người, cho dù đó là cái thứ rất không cụ thể lại cực kì vi điệu, biến thái khôn lường…. Vì chính những cái này mới làm con người người thành Người." Còn tớ thì tớ không lí luận dài dòng, sâu sắc như Nguyễn Khải mà chỉ đưa ra trong một entry cách đây hơn một năm kể một câu chuyện có thật trong một gia đình nhỏ bé của một cán bộ tuyên giáo cỡ… khơ khớ mà ông đi đường ông, bà đi đường bà, ba đứa con đi ba con đường, ông thích cải lương, bà thích phim Hàn Quốc, ba đứa con thì thích Rock, Rap…"để đưa ra một lời khuyên :" Lãnh đạo tư tưởng ? Khó lắm các vị (tuyên giáo ơi!". Vậy thì làm sao có thể uốn nắn tư tưởng cho cả mọi người phải đi theo ông bố. Chưa kể có những mâu thuẫn ngay trong một gia đình của một cán bộ cao cấp mà tớ biết. Bố hàng ngày đi lên lớp ở trường Đảng , con thì ngày sinh nhật,rút đô-la ở ví mẹ đi mua một lúc 9 xe máy loại xịn cho 8 bạn cùng rú ga phóng bạt mạng trên đường phố Hà Nội .Còn 1001 chuyện con "kê tủ đứng" vào mồm bố bằng những hành động lời nói,bằng những chuyện ăn chơi,thác loạn trong cũng như ngoài nước mà các friends trẻ có thể còn biết hơn tớ nhiều …, Vậy thì giáo dục con chả nổi lại đòi giáo dục tư tưởng Mác xít, Lên nin nít cho cả 80 triệu dân thì quả đúng là … chuyện hoang tưởng. Phải chăng trường hợp Nguyễn Vũ Bình, Vi Đức Hồi nằm ngay ở đầu não của các cơ quan tuyên giáo đã sớm nhận ra cái lý tưởng cần "tuyên" và "giáo" cho toàn dân này là phản khoa học,là hoang tưởng, ,là vô đạo lý khi cố tình kiểm soát cả triẹu triệu con tim,tỉ tỉ tâm hồn phải có cùng một suy nghĩ, phải cùng một nhịp đập trái tim ,phải yêu,ghét vui buồn theo lời dạy của một hai ông Tây râu xồm (mà chính những nước trót sản sinh ra các nhà "chết học gia" này đã vùi sâu chôn chặt từ khuya rồi) là đi ngược lại lịch sử,là ảo vọng điên khùng mà rời bỏ hàng ngũ ,xin thành lập một đảng khác.? Phải chăng cái sự "chuyên" trong nghề "giáo" của cái cơ quan ra đời trước nhà nước Việt nam Dân Chủ Cộng Hòa và Công hòa xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam,(thiếu một năm đày một thế kỷ )được kỷ niệm hoành tráng , trao tặng huân chương,kỷ niệm chương búa xua giữa bối cảnh kinh tế thị trường ngày càng bị "nhẹ"đi cái đuôi xã hội chủ nghĩa mà người ta thấy cần khẳng định lại ":Đừng tưởng bở!Vẫn có cái cơ quan kiểm soát tư tưởng và con tim của cả nước đây!.Tuyên truyền và giáo dục cho hơn 80 triệu dân Việt nam này phải theo chủ nghĩa Mác Lê Nin bách chiến bách thắng là nhiệm vụ vinh quang và trước sau như một của Đảng đã giao.Ai không đồng ý thì đã có luật 88!"
Mở đầu tháng 8 đầy ắp sự kiện, tớ đã vấp phải một chuyện đáng buồn…cười nhưng phải viết ngay kẻo để lâu nó nguội. Tuần sau tớ hứa sẽ tiếp tục "kể chuyện xưa" cho các friends nghe nhé.
tuần kí số 16
Cách mạng Mùa Thu bắt đầu từ bao giờ?
Nhạc sĩ Tô Hải
Aug 10, '09 9:25 AM
http://langdu126.multiply.com/journal/item/111/111
Trích cuốn hồi ký "Một cơn gió bụi" của Trần Trọng Kim:
Ðảng Việt Minh lúc ấy rất hoạt động, đánh huyện này, phá phủ kia. Lính bảo an ở các nơi phần nhiều bị Việt Minh tuyên truyền, tuy chưa theo hẳn, nhưng không chống cự nữa. Dân gian bấy giờ rất hoang mang, một đường có chính phủ quốc gia, nhưng vì thời gian eo hẹp, chưa kịp sắp đặt gì cả. Công việc thấy có nhiều sự khốn khó mà thường nghe sự tuyên truyền của Việt Minh, nói họ đã có các nước Ðồng Minh giúp đỡ cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập. Dân ta từ khi bị người Pháp sang cai trị, cứ khao khát độc lập, nay nghe Việt Minh nói thế, lại nghe nói đảng Việt Minh lên cầm quyền, dân không phải đóng thuế nữa, được hoàn toàn tự do và có nhiều hạnh phúc, thành ra ai cũng tin theo. Ngay những đạo thanh niên tiền tuyến do bộ Thanh Niên lập ra, cũng có ý ngã về Việt Minh.
Tôi thấy tình thế ấy, tôi bảo ông Phan Kế Toại đi tìm một vài người Việt Minh đến nói chuyện, vì lúc ấy tôi còn tưởng đảng Việt Minh dù theo chủ nghĩa cộng sản, nhưng chắc cũng nghĩ đến tương lai nước nhà. Hôm sau ông Toại đưa một thiếu niên Việt Minh đến, tôi nói: "Chúng tôi ra làm việc chỉ vì nước mà thôi, chứ không có ý cầu danh lợi gì cả, tôi chắc đảng các ông cũng vì nước mà hành động. Nếu vậy chúng ta tuy đi con đường khác nhau, nhưng cũng một mục đích như nhau, các ông thử xem ta có thể hợp tác với nhau, kẻ ở trong người ở ngoài, để cứu nước được không?".
Người ấy nói:
- “Sự hành động của chúng tôi đã có chủ nghĩa riêng và có chương trình nhất định để đem nước đến chỗ hoàn toàn độc lập. Chúng tôi có thể làm lấy được.”
- “Sự mưu cầu cho nước được độc lập cũng là mục đích của chúng tôi, nhưng vì đi đường thẳng có nhiều sự khó khăn nên chúng tôi phải uyển khúc mà đi từ từ có lẽ chắc chắn hơn.
- “Chúng tôi chỉ có một con đường thẳng đi đến hoàn toàn độc lập chứ không có hai.
- “Theo như ý các ông như thế, tôi sợ rất hại cho dân, mà chưa chắc đã thành công được.“
- “Chúng tôi chắc thế nào cũng thành công. Nếu có hại cũng không cần, có hại rồi mới có lợi. Dù người trong nước mười phần chết mất chín, chúng tôi sẽ lập một xã hội mới với một thành phần còn lại, còn hơn với chín phần kia.”
Rồi người ấy ngồi đọc một bài hình như đã thuộc lòng để kể những công việc của đảng Việt Minh. Tôi thấy thái độ người ấy như thế, tôi biết không thể lấy nghĩa lý nói chuyện được.
Tôi nói:
- “Nếu các ông chắc lấy được quyền độc lập cho nước nhà, các ông không vào chính phủ làm việc, cần gì phải đánh phá cho khổ dân?“
- “Chúng tôi sẽ cướp lấy quyền để tỏ cho các nước Ðồng Minh biết chúng tôi mạnh, chứ không chịu để ai nhường.“
- “Các ông chắc là các nước Ðồng Minh tin ở sức mạnh của các ông không?“
- “Chắc lắm. Chắc trăm phần trăm.”
- “Tương lai còn dài, các ông nhận lấy trách nhiệm đối với quốc dân và lịch sử.“
Đối với học sinh và gần như cả toàn dân Việt Nam dưới 70 tuổi ngày nay, có lẽ câu hỏi này sẽ được trả lời là: "Bắt đầu từ 19/8". Nhưng với tớ đã hơn một lần tớ viết là: Tớ đã từng sống qua 4 chế độ
1) Chế độ Pháp thuộc2) Chế độ Nhật thuộc3) Chế độ quân chủ lập hiến Trần Trọng Kim4) Chế độ dân chủ cộng hòa sau đổi là xã hội chủ nghĩa
Lịch sử hôm nay được dạy trong nhà trường không hề đề cập tới những khoảng khắc ngắn ngủi nhưng rất quyết định đến số phận của lớp thanh niên chúng tớ. Chính trong giai đoạn này mà hàng vạn, hàng triệu con người bị “cuốn theo chiều gió”! Vì những năm đó bọn tớ đều ngu ngơ, ngây thơ, dại dột nên số phận mỉm cười hay xé xác bất kể anh nào khi đón nhận ngày mùng 9/3/1945… mỗi người mỗi cách. Chỉ sau vài phát súng nổ đì đẹt, quân đội Nhật chiếm đóng Việt Nam đã bắt sạch mọi ông tây bà đầm, trói giật cánh khủyu, tống vào các trại giam. Thật là sướng chưa từng thấy! Bao nhiêu năm ông cha ta đứng lên làm cách mạng đã phải theo nhau lên đoạn đầu đài, đi tù Côn Đảo. Vậy mà hôm nay, người Nhật, chỉ trong một đêm, đã giúp chúng ta vứt bỏ được cái ách nô lệ trăm năm này. Quên hết những ảnh lính Nhật lê những thanh kiếm dài quẹt đất, chém người Việt một nhát thành hai mảnh từ đỉnh đầu xuống hậu môn, và đặc biệt quên cái cảnh người Nhật bắt nông dân bỏ lúa trồng đay, dùng lúa gạo Miền nam để… đốt, thay thế năng lượng chạy đầu tầu xe lửa!!!
Trái lại, ở các thành phố, người Nhật lúc đó dần dần chiếm được cảm tình lớp Thanh Niên cánh tớ với những chính sách Đại Đông Á, ”người da vàng là cùng nòi giống, đất Á Châu là của người da vàng”. Kèm theo là văn hóa Nhật, các lớp học Tiếng Nhật, phim ảnh bài hát Nhật… ùa vào!... Không ít người hoang mang nghi ngại. Đặc biệt trong giới thanh niên có tí chút học thức thì cho “Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”... Một số bi quan thì cho là cái chính sách Đại Đông Á này còn nguy hiểm và mị dân hơn cả chính sách “bảo hộ” (protectorat) của thực dân Pháp… Phải nói là chính sách bịt mọi thông tin theo kiểu phát-xít, nó trắng trợn và tàn bạo hơn tất cả mọi thời đại… Chỉ một cái lệnh được truyền trên phát thanh của Tư Lệnh Tô tô, Mama nào đó ban ra như: “Lệnh cho tất cả những ai có radio từ. ngày… phải mang đến… để cắt mọi sóng ngắn!... Ai không chấp hành sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.” Thế là… chỉ trong một vài ngày, chẳng một ai dám không chấp hành vì luôn bị ám ảnh cái xác bị chẻ dọc làm đôi chẳng cần tòa án tòa ếch gì!! Những chiếc radio đèn điện tử to đùng đã được các chủ nhân ít ỏi khệ nệ đưa đến các địa điểm quy định để được bịt miệng! Tất cả mọi tin tức chỉ còn được nghe qua tiếng nói của Quân Đội Nhật Hoàng chiếm đóng. Tất cả những ai thèm nghe những tin tức “lề bên trái” coi như bị bịt tai, cốt để không ai biết chủ nghĩa phát xít đã đến hồi kết thúc! … Cho đến một ngày…
Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời...
Cái chính phủ này nó “bù nhìn” đến mức nào? Tại sao nó tồn tại được 126 ngày (từ 17/4/1945 đến 23/8/1945)? Nó đã làm được những trò trống gì? Nó tự rút lui hay bị sụp đổ? Tớ chẳng dám lạm bàn vì tớ không phải là các nhà sử gia, không có đầy đủ tài liệu, không có… những tâm và tầm của nhà viết sử đích thực!... Tớ chỉ kể lại những gì mà một lão già 83 tuổi như tớ còn nhớ được trong 126 ngày ngắn ngủi sống trong cái chế “độ độc lập giả hiệu” này thôi! Cái chế độ mà lớp thanh niên “quáng gà thời cuộc” và ngu ngơ, ngây thơ, ngơ ngác... cánh tớ đã… ”may nhờ rủi chịu” khi "hăng máu vịt" lên muốn giải phóng quê hương!
1) Tớ thật sự tin vào những gì mà chính phủ Pháp, kể cả chính phủ Nhật đã nắm chắc là chiến tranh đã đến hồi kết thúc (lúc này khái nệm về “Đồng Minh” của tớ chưa có) đang mong muốn có một chính phủ Việt Nam dân tộc và độc lập thật sự để rút lui trong danh dự… Trao chính quyền vào tay ai là một cuộc "mặc cả trên đầu" người Việt Nam của các trùm chính trị… nước ngoài! (Sau này hiệp nghị Genève, hiệp định Paris cũng rứa thôi!) Và lựa chọn ai để thành lập một chính phủ để thay thế chính phủ bảo hộ thì được người Pháp giao quyền cho vua Bảo Đại…! Tốt xấu chúng tôi không chịu trách nhiêm! (mãi sau này, tớ mới biết là họ sợ nhất là chính quyền sẽ rơi vào tay những người cộng sản!) Ông Bảo Đại cùng ông Trần Trọng Kim đã bàn lên, bàn xuống, đi đi, về về Paris-Huế, Huế Hà Nội, Hà Nội Sài Gòn... Và chính phủ Trần Trọng Kim đã ra đời, chấm dứt được 38 ngày vô chính phủ mà mọi quyền lực đều nằm trong tay của bọn quân phiệt phát xít nước ngoài! Thành thật mà nói thì: Cái chính phủ này dù gì đi nữa, tớ thấy cũng đã “hy sinh liều mình cứu nước”, chứ đâu phải là kiếm chác gì ở mấy cái chức danh trong cái “nội các nằm trên đống lửa” này! Nhất là khi danh sách toàn bộ nội các thì toàn là những danh nhân không những nổi tiếng trong nước mà còn cả thế giới nữa. Ai chứ cái tên Trần Trọng Kim, nhà văn hóa, sử học thành thạo nhiều ngoại ngữ (đến nay theo tớ được biết, chỉ riêng 3 năm nay đã có tới 6 nhà xuất bản của nhà nước CHXHCN Việt Nam đang tranh nhau xuất bản và tái bản tác phẩm của ông). Hay là những cái tên như Hoàng Xuân Hãn (bộ trưởng bộ Giáo Dục), Phan Anh (Bộ trưởng bộ thanh niên, khâm sai đại thần Phan Kế Toại, Trần Văn Chương (phó thủ tướng), Trịnh Đình Thảo (bộ trưởng bộ Tư Pháp), v.v... cũng đủ làm cho lớp thanh niên chúng tớ phải xoa tay, gật đầu: “Xa va! Xa va!” (“được đấy!”)
2) Tớ còn nhớ khi ông Phan Anh phát biểu trên báo về tổ chức thanh niên đã có “đòan thanh niên tuyền tuyến”, “Đòan thanh niên xã hội”, ”Trường thanh niên” thì tớ là người đầu tiên ghi tên sinh hoạt “Đoàn thanh niên xã hội” với lòng tự hào là: Từ nay ta được thành lập những tổ chúc theo sự chỉ huy của “ta” chứ chẳng còn một tên đế quốc nào nữa và …
“Này thanh niên ơi quốc gia đến ngày giải phóng!
Đồng lòng cùng đi! Hi sinh tiếc gì thân sống"...
trên môi.
Bọn tớ "đi vào cách mạng" với những câu ca hào hùng lấy từ bài “Hành khúc sinh viên” của Lưu Hữu Phước để tạm làm đoàn ca! Chẳng có bí thư, ban chấp hành nào chỉ thị cả! Một lá cờ tổ quốc mới màu vàng ở giữa có cờ quẻ ly đỏ choét, do chính phủ TTK đưa ra để dẫn đường cho chúng tớ cứ thế mà vừa hát vừa bước theo!!? Độ 10 ngày sau, tớ được gia nhập vào “Đoàn thanh niên khất thực”, được chính ông Phan Anh “hiểu dụ” mới biết ý nghĩa của cái tên nước tại sao chính phủ lại lấy tên nước là “Đế quốc Việt Nam”(?) và quốc thiều là “Đăng đàn cung”. Thì ra chính phủ này vẫn có... Vua cho nên gọi là đế quốc? (chưa biết dùng chữ Quân Chủ Lập Hiến như bây giờ?!) Còn “Đăng đàn cung” thì là một bản nhạc không lời, đánh lên khi nhà vua đăng đàn. Còn về bài hát "Này thanh niên ơi..." thì ông nói: "Bài này, các bạn cứ hát. Coi đó như một bài đoàn ca!” Ai ngờ đâu sau này lại trở thành Quốc ca của Miền Nam Cộng Hòa!...
3) Càng phấn khởi hơn khi các trường học lại được mở cửa, các kỳ thi lại được tiến hành, chương trình học vẫn như cũ. Chỉ khác là: từ nay không còn dùng tiếng Pháp trong dạy và học nữa. Nhưng chỉ thị này đều do chính bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn đưa ra với một bản danh từ Việt thay thế tiếng Pháp kể cả trong khoa học tự nhiên lẫn xã hội do chính ông soạn thảo. Quay lại trường với sự tự hào đến ngây thơ của người Việt Nam đã loại bỏ được tiếng nước ngoài (!) chứ đâu có tự hào theo kiểu Đổi mới tư duy như ngày nay... như dùng búa xua tiếng Ăng-lê trên mọi mặt của đời sống xã hội dù tiếng Việt thừa chữ để nói thay hai cái chữ Vi-Lích, Bích sô... Dù gặp không ít khó khăn nhất là trong Toán, Lý, Hoá, nhưng cuối cùng, cánh tớ cũng phải cố mà làm quen với những chữ "Đường Nho" thay "Saccharose" nhất là những chữ không hoàn toàn đổi mới mà lại gần giống nhau như Hydrogène lại gọi là hydro, Calcaire thì gọi là Canxi,… Tuy vậy bọn tớ cũng cố gắng nuốt trôi để thi cho xong cái năm học bị dang dở... Không có cái chính phủ "bù nhìn" này, liệu người Nhật có giải quyết nổi không? Việc học hành có thể tiếp tục được không?
4) Cho đến bây giờ nghĩ lại cũng nực cười khi nhớ lại cái cảnh mấy anh thanh niên đầu chải bóng, mặc com lê, cra vát đàng hoàng, tay xách bị cói, mỗi khi tan trường, đến bấm chuông từng nhà xin đóng góp một vài bát cơm để mang đi cứu trợ những… bộ xương người mong được cầm hơi trước khi… chết hẳn! Cái cảnh chết đói đầy đường này, có lẽ ngày nay nhiều bạn xem ảnh cụ Võ An Ninh để lại, cũng không thể tưởng tượng nổi. Bộ Trưởng bộ y tế Vũ Ngọc Anh, trước khi đoàn thanh niên khất thực ra quân lần đầu đã nói một câu với bọn tớ đại ý là: “Các bạn lên đường cố gắng làm một cái việc mà hiệu quả cứu đói thì ít nhưng hiệu quả về lòng yêu nước, tìm ra được cái nguyên nhân vì sao mà dân tộc ta lâm vào cảnh đau khổ này mới là quan trọng.” Thì ra, cái chủ nghĩa hình thức, làm mà không tin ở những điều mình làm nó đã có cách đây 64 năm!
Sự phân hoá dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim bắt đầu
Không thể phủ nhận được những gì mà chính phủ Trần Trọng Kim đã cố gắng hết sức mình để phát triển lòng yêu nước, ý thức về Độc Lập, Tự Do ở con dân đất Việt trong thời gian 126 ngày cầm quyền. Tuy nhiên cũng chính trong thời gian này mà “các kiểu yêu nước” đều được phát triển búa xua! Tớ có hai thằng bạn cùng lớp, một tên Tất Đắc, một tên... Lũy (tớ không sao nhớ nổi họ), mỗi lần thấy tớ xách bị đi xin ăn thì đều dè bỉu: “Trò hề! Muốn làm cách mạng thật hãy đi theo tao”, Tớ hỏi “Đi đâu?” - “Đi phá kho thóc chia cho nông dân, chứ vài bát cơm làm sao cứu nổi cả ngàn con người.” Và cuối cùng 2 đứa bỏ học đi biệt tích. Mãi sau này, trong kháng chiến chống Pháp tớ mới gặp lại thì một thằng đã làm nên sư đoàn trưởng còn một thằng làm giám đốc một sở văn hóa ở Tây Bắc
Ngay sát nhà tớ cũng có một nhóm thanh niên hàng ngày rủ nhau đàn địch, vui chơi bỗng dưng một hôm gia đình thấy “mất hút con mẹ hàng lươn”. Hỏi thăm gia đình thì cứ... bí bí mật mật: “Chúng nó rủ nhau lên chiến khu rồi”. Mãi sau 19/8 mới biết tin chúng nó đi theo Quốc dân đảng có chiến khu cả ngàn người ở Vĩnh Yên(!) và có một tên đã bị thủ tiêu trong vụ Ôn Như Hầu. Còn lại số đông đều đi theo Việt Minh vào giờ thứ 24 rưỡi(!) vì nghe nói cái tổ chức này được Mỹ ủng hộ. Có cả tàu bay 2 thân, tiếp tế nhảy dù. Đặc biệt là tin: Có một người nổi tiếng “ở cả tù Tây lẫn tù Tàu” tên là Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo. Thế là, một số có điều kiện đều tự nguyện đi theo Việt Minh bỏ hết cả học hành, gia đình, sự nghiệp. Một số sau này có vai vế hẳn hoi trong chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Cũng không ít kẻ, sau này không thể đoàn kết được với cộng sản phải “quay cờ” trở thành những kẻ chống Cộng... nhiệt tình, hăng say nhất. Riêng tớ, với bản chất rõ ràng như ông Mác đã viết, “luôn nghi ngờ, hoang mang, dao động” và cũng do ông bố kềm kẹp riết suốt đêm ngày nên tớ cứ “oét-en-xi” mãi.. và khi công việc khất thực đã chấm dứt không kèn không trống thì tớ lại chuyển sang công tác tuyên truyền văn nghệ. Một nhóm thanh niên có khiếu âm nhạc chúng tớ trở thành các đội tuyên truyền để biểu diễn các bài hát yêu nước, diễn các vở kịch cương về các tội ác của "kẻ thù Đế Quốc Thực Dân”. Phải nói rằng tác dụng của âm nhạc trong việc kích động lòng yêu nước lúc này quả là có hiệu quả. Người có công số một đó chính là Lê Hữu Phước. Các bài ca “Chi Lăng”, “Bạch Đằng Giang”, hoạt cảnh “Hội nghị Diên Hồng" do chúng tớ biểu diễn lúc này, kèm theo những “Thiên Thai”, “Đàn Chim Việt” của Văn Cao đã góp phần không nhỏ trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Cho tới một ngày (17/8/945) Đoàn Thanh Niên của chúng tớ tay cầm cờ quẻ li, miệng hát “Này thanh niên ơi…” đi Mít tinh chào mừng chính phủ Trần Trọng Kim thì mới trắng mắt ra rằng mình đã được huy động đi… "Cướp chính quyền” từ tay chính phủ Trần Trọng Kim, do Việt Minh tổ chức mà không biết. Tất cả đều diễn biến rất nhanh chóng. Cờ quẻ li hạ xuống! Cờ đỏ sao vàng kéo lên và một người "quần nâu áo vải" đầu đội béret, tay cầm súng pặc họoc, thắt lưng đeo một hai quả lựu đạn ra tuyên bố vài câu gì đó mà tớ đứng xa quá nên nghe chăng rõ chỉ nhớ lõm bõm có mấy câu... "Chính quyền đã về tay nhân dân" và sau đó thì… hàng ngàn người như có gài sẵn kim hỏa trong lòng đã nổ tung ra thành những khẩu hiệu "Muôn năm! muôn năm!" long trời lở đất.... Hàng chục lá cờ đỏ sao vàng được tung ra, kéo theo cả hàng ngàn người chạy ùa sang phủ thống sứ cũ (ở xế nhà hát lớn) phá cửa, leo hàng rào vào chiếm phủ khâm sai đại thần. Mọi việc diễn ra nhanh chóng, chẳng khác gì tớ đã được xem trong phim “Lê Nin với Cách Mạng Tháng 10) có trường đoạn chiếm "Cung điện Mùa đông.” Chỉ khác là, ở VN không có súng nổ và chính phủ “bù nhìn” đi đâu? ở đâu? lúc đó? có ai bị bắt, bị vào tù, bị “dựa cột” không thì chẳng có ai được biết, kể cả tớ, cho tới tận bây giờ!
Cuộc tổng khởi nghĩa như thế là xong. Có mặt tớ cũng như không! Chẳng ai hay, ai biết... vì chính tớ cũng chẳng biết chẳng hay. Ấy vậy mà sau này, khối tên cơ hội đã ghi vào lí lịch “tham gia tổng khởi nghĩa.” Thậm chí cả… ”tiền khởi nghĩa” (thời hoạt động “bốc nhằng” như tớ dưới chính thể Trần Trọng Kim, để được quyền lợi, lương bổng, nhà cửa hơn người! Mọi phong trào, hoạt động và yêu nước dưới thời kì 126 ngày của chính phủ Trần Trọng Kim có kẻ sau này còn "phóng" lên là "hoạt động tiền khởi nghĩa". Có kẻ thì giấu biến đi khi khai lí lịch vì sợ là dính líu tới "chính phủ bù nhìn" Trần Trọng Kim. Còn những thành viên của cái nội các "bù nhìn" này, ai đi theo Việt Minh? ai được giao nhiệm vụ gì? ai trở thành những người chống cộng triệt để nhất tới hơi thở cuối cùng... Lỗ hổng lớn về giai đoạn lịch sử bi-hài-hùng này, ngoài cuốn hồi ký "Một cơn gió bụi" của Trần trọng Kim ra, cho đến nay vẫn là những điều khó viết lên thành chữ? Hay chính là các sử học gia nước biết mà không viết? Hay là muốn viết nhưng sợ bị... mất lập trường, sợ đi vào lề bên trái Hay là? hay là?... Nhiều câu hỏi được đặt ra với các sử gia nước ta... để rồi đành phải tự trả lời rằng: Cho đến hôm nay chưa có ai đủ tầm, đủ tâm như tác giả "Việt Nam Sử Lược"... Trần Trọng Kim!
Để kết luận: Đến ngày nay tớ vẫn "bảo lưu" cái chế độ 126 ngày đó là một thực thể có thật, có tác dụng cho lớp thanh niên chúng tớ. Ít nhất là đã mở đường cho chúng tớ đi tìm con đường cách mạng. Lạc lõng, tồn tại, thăng tiến, hoặc... mất mạng đều do cái đầu và con tim của từng người… Khôn ngoan đến đáng... ghét hoăc ngờ nghệch đến đáng thương chung quy cũng chỉ vì ngu dốt về chính trị mà dám liều bước vào con đường... Chính chọe! Cũng may cho tớ là qua bao biến cố thăng trầm tớ vẫn còn tồn tại để kể lại cho các friends trẻ về một lỗ hổng lớn trong lịch sử hiện đại của dân tộc mà không biết vì sao các nhà viết sử thời nay chẳng “muốn” hoặc “dám” đụng tới bao giờ???
--------------------------------------------------
Việt Nam Thư Quán
Một cơn gió bụi
Trần Trọng Kim
http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nnnmn4n4n31n343tq83a3q3m3237nvn
No comments:
Post a Comment