Friday, August 28, 2009
THẤY GÌ QUA SỰ LẶP LẠI KỊCH BẢN KHAI BÁO & NHẬN TỘI ?
THẤY GÌ QUA LẶP LẠI KỊCH BẢN KHAI BÁO VÀ NHẬN TỘI
Hà Thủy
21.8.2009
http://www.ddcvn.info/
Sau 02 tháng giam giữ, cách ly và điều tra, vừa qua, Báo Nhân dân, Báo Pháp luật và VTV Truyền hình VN cùng lúc đưa tin những nhà đấu tranh Dân chủ khai báo quá trình “chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam” và nhận tội. Chúng ta thấy gì về bản chất sự việc này.
Cách hành xử của của Cộng Sản qua Báo Nhân dân:
Bài viết trên Báo Nhân Dân lộ rõ động thái lôi kéo dư luận ủng hộ việc hành xử đối với những người tìm kiếm dân chủ. Những câu định tính không thể kiểm chứng như: “đông đảo nhân dân trong nước tỏ rõ thái độ đồng tình”, rồi “đã nhận được sự đồng tình của đông đảo quần chúng nhân dân”…, không phải mới có vào lúc này, mà vụ án nào thấy cũng xuất hiện. Từ vụ Thái Hà đến Tam Tòa, từ gây sự hành hung đến cắt cử người theo dõi những người khác chính kiến… Tất cả lộ rõ thực trạng: đảng không còn sự ủng hộ, đồng tình của đông đảo nào cả. Có chăng, cũng chỉ là của một số cốt cán đoàn thể, dân quân và công an mặc thường phục… Trong 02 tháng qua, chỉ có đông đảo dư luận bàn tán việc bắt giam, chưa thấy ai nói đúng sai. Chính việc bắt giam của cơ quan pháp luật mới “gây nhiều hoang mang cho xã hội” như báo Nhân dân đề cập. Báo Nhân dân mà cũng làm một việc giống như những người cãi nhau ngoài đường: vơ hết những người khác đứng về phía mình để chứng minh lý lẽ và việc làm của mình là chân lý. Bởi vì, người ta sẽ nghĩ chân lý thuộc về số đông… Báo Nhân dân lấy khối đông ra để “tát cạn bắt cá”, tạo hiện trường những người dân chủ là lạc lõng, đi lầm đường; lấy khối lực lượng lớn để phân biệt, cô lập và đè bẹp số nhỏ. Thiết nghĩ một chính đảng duy nhất, công khai và chính thức hoạt động như đảng CS ở Việt Nam, mà lại phải lôi kéo dư luận, tìm kiếm người ủng hộ, thì đã đến lúc CS mất vai trò và tầm ảnh hưởng, xu thế thoái trào hết thời đã đến.
Rất lạ là toàn bộ bài viết trên Báo Nhân dân đều hoàn toàn không đề cập các đối tượng chống lại đảng, mà chỉ có: chống phá nhà nước, lật đổ chính quyền, gây rối an ninh trật tự XH (trong khi lời khai việc họ đã làm thì có). Đảng muốn tránh điều này để cho xã hội thấy đảng trong sạch, lành mạnh, không mâu thuẫn gì với các lực lượng khác; cũng qua đó muốn hợp thức việc sử dụng công cụ pháp luật giải quyết vấn đề. Nếu không chống phá đảng, tại sao đảng bao trùm luôn chức năng pháp luật, lên tiếng kết tội?
Làm việc này, tiếng nói của đảng muốn trực tiếp dọn đường dư luận, nhằm: để nhân dân ủng hộ, để trấn áp tinh thần những người bị bắt, để dằn mặt những luật sư nào muốn bào chữa khi sắp đến đây mở phiên tòa. Thực dân đế quốc xưa kia mà làm như cách của CS thế này thì ông Hồ đã tù rục xương khi còn ở Hồng Kông rồi.
Tiếng nói ngôn luận của đảng xưa nay còn hèn ở chỗ: tất cả những phản biện xã hội đều không được trả lời, mà chỉ quy chung vào một dạng là: luận điệu xuyên tạc của bọn phản động và chống phá. Tại sao những người đi thưa kiện chính đáng, những người bị hại, bị oan, giáo dân Tam Tòa bị đánh, quan chức lớn ăn hối lộ không viết lời nhận tội và thông tin ra dân?
Những khi bị vạch mặt, đảng rút vào im lặng. Khi có cơ hội chộp được một số, lại rùm beng lên. Báo Nhân dân là tờ báo có kích thước to nhất trong các tờ báo (vì sao đảng lại có đặc quyền này?), nhưng cũng là tờ báo dân chúng ít đọc nhất. Chứng minh: người ta cân ký bán giấy gói hàng ngoài chợ nhiều nhất là báo này, mà hầu hết còn mới tinh, có lẽ đến cán bộ đảng viên trẻ cũng chỉ xem qua. Báo này phù hợp với những cụ về hưu rảnh rỗi ôn lại chuyện xưa. Để dư luận quan tâm tìm đọc, thỉnh thoảng, đảng cũng giành đi tiên phong, đăng những tin như thế. Việc đăng thông tin này trên báo đảng là chính thức và trước tiên, mà không phải là báo pháp luật, hé lộ tính chỉ đạo của cơ quan ngôn luận của đảng với báo chí cả nước.
Câu hỏi đặt ra: bao giờ thông tin đại chúng VN mới phản ánh vấn đề một cách trung thực, đa dạng nhiều phía?
Trả lời: chỉ có thể khi xã hội có nhiều tiếng nói, nhiều lực lượng đại diện các giai tầng và tư tưởng khác nhau. Nhưng đó là điều CS luôn bác bỏ với lý do: xã hội sẽ loạn, sẽ gây ra tranh giành đổ máu, gây rối thông tin. Một số người dân cũng tin vào lý do này. Thật ra, đó chỉ là ngụy biện cho vai trò độc quyền của đảng. Bởi vì, nếu ở môi trường đó, tất yếu pháp luật phải thượng tôn, tất yếu đảng cũng phải bị xét xử một cách công bằng. Đó là điều CS rất lo sợ. Cho nên nhiều năm qua, Việt Nam luôn ở trong tình trạng xây dựng, bổ sung và thực hiện pháp luật một cách nửa vời. Và báo chí đã tiếp tay trong việc duy trì tình trạng nửa vời đó.
Nay cách thông tin mượn dân luận tội những người tìm kiếm dân chủ như trên, một lần nữa lộ ra nỗi lo sợ, sự bất ổn và dao động của đảng. Trong bài báo, ta thấy sau những lời kết tội và từ ngữ vài chỗ có tính miệt thị, lại có chỗ phán đoán: “những người đó chắc sẽ thức tỉnh”. Tại sao là chắc, mà không chắc chắn?
Bởi vì, lựa chọn quan điểm như thế nào trong cuộc sống bùng nổ thông tin ngày nay tất yếu phải trở thành quyền riêng tư của mỗi người; không thể tiếp tục có chuyện chỉ đảng nói là đúng và tất cả mọi người phải nghe đảng. Hoặc sau những câu xem việc làm của những người tìm kiến dân chủ là trò hề, là trục lợi cá nhân, lại có những câu khẳng định đây là “vụ án đặc biệt nghiêm trọng”, “gây hoang mang, đẩy tới tình trạng mất niềm tin và rối loạn xã hội”. Mất niềm tin vào đảng, xã hội rối loạn thì đã có từ lâu, không phải do những người vừa bị bắt gây ra. Đảng cần nhìn nhận nghiêm túc rằng, xuất hiện những người có việc làm để đảng bắt, là do đảng mất niềm tin. Vì vậy, càng không nên nhân cơ hội này đảng chối tội, đổ cho họ.
Để luận tội 04 người tìm kiếm dân chủ này, mà đảng phải huy động 03 phương tiện truyền thông chính quy cùng một thời điểm tập trung vào cuộc, trong khi chưa qua xét xử…, thì quá rõ ràng là đảng đang hoang hoang mang, bất ổn.
Về cơ quan thực thi pháp luật và VTV truyền hình Việt Nam:
Đến nay, mọi người đều không hiểu CS có khái niệm “cơ quan bảo vệ pháp luật VN” là gì. Bởi vì, pháp luật không phải là đối tượng được bảo vệ; mà là công cụ, phương tiện để dựa vào đó mọi người có thể viện dẫn minh chứng mình vô tội, muốn tố cáo kết tội người khác, kêu oan và bảo vệ quyền lợi của mình… Trong quá trình đó, các cơ quan nắm giữ và thực thi pháp luật đóng vai trò trọng tài. Pháp luật có được là do dân đóng góp ý kiến và nêu lên nguyện vọng, nhà nước đại diện ghi lại, in thành luật. Cớ sao lại có cơ quan đứng ra bảo vệ pháp luật? Đây là cách nói dối của một sự thật khác: đảng nắm pháp luật, nhà nước và các cơ quan pháp luật chỉ là cái cán, điều luật phán xử là con dao hai lưỡi. Các đối tượng đứng trước pháp luật đều có nguy cơ bị đứt tay – quan hệ với nhà nước kiểu ở Việt Nam thì đường nào cũng lỗ! Như vậy, cơ quan pháp luật đã đánh mất vai trò và chức năng độc lập của mình. Viện kiểm sát và tòa án chưa lên tiếng mà báo Nhân dân và VTV truyền hình VN gần như kết tội chính thức, thì viện kiểm sát và tòa án ấy nên giải thể. Và trong các vụ kiện từ trước đến nay, hy hữu lắm người dân mới thắng kiện một cá nhân hay tổ chức nhà nước. Mà muốn thắng, có người phải theo cả chục năm, bán hết tài sản, kiên quyết lắm mới thắng trong danh dự.
Pháp luật Việt Nam trong tay đảng “khôn nhà” đến thế, mà khi liên quan các vụ kiện quốc tế, thì lại “dại chợ’ một cách thảm hại. Nghĩ mà thương cho dân nước mình bị đảng bưng bít, tạo ra “cái khó” để “bó cái khôn”, dễ bề cai trị. Nay những người tìm kiếm dân chủ mới vừa “ló cái khôn” ra, liền bị đảng phủ đầu kịch liệt! Đảng cho rằng các cơ quan pháp luật đã làm một việc chính đáng, vì sao trong ảnh chụp Nguyễn Tiến Trung bị bắt, có 02 người đàn ông sau lưng Trung bị máy vi tính che đi gương mặt? Đảng xem việc mình làm là chính đáng tại sao “video: các đối tượng chống phá Nhà nước nhận tội” của VTV quay cận cảnh gương mặt của ông Lê Công Định, gần đến mức trên màn hình chỉ còn đôi kiếng và cặp mắt! Cách cúp hình này nói lên điều gì: điểm mặt, phỉ báng danh dự một người, khoảng cách giao tiếp xã hội gần đến mức mất lịch sự, bị đe dọa. Báo của đảng còn gọi công dân Lê Công Định một cách trống không là: “theo Định…”. Nó cho thấy lối hành xử thô thiển, kém văn hóa của truyền thông Việt Nam đối với một người chưa ra tòa. Ông Lê Công Định, những người thân của ông, những người ủng hộ dân chủ và đông đảo khán giả truyền hình trong nước nghĩ gì về CS qua hình ảnh đó, VTV truyền hình Việt Nam sẽ tự biết! VTV nêu ra nhiều người bị bắt cùng một lúc, chứng tỏ dân chủ không còn cá lẻ nữa, đã trở thành “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, điều mà chính Báo Nhân dân cũng nhận định “họ có chung một mục đích”?
Người ta cũng thắc mắc tại sao đoạn video quay Nguyễn Tiến Trung và Trần Huỳnh Duy Thức có ánh sáng lóe lên như đèn flash chụp hình và hình bị giật cục bộ nhiều lần? Về nguyên tắc, tất nhiên truyền hình phải đến cơ quan giam giữ để làm video. Do vậy, có thể xảy ra 02 trường hợp: quá trình ghi hình là xuyên suốt nhưng những đoạn không khớp vào kịch bản nhận tội, thậm chí có nội dung trái ngược, đã bị cắt đi, để nối tiếp đoạn sau vào. Hoặc để có được đoạn phim, cơ quan điều tra đã quay từ nhiều lần hỏi cung khác nhau, sau đó giao đài truyền hình lắp ghép lại. Vấn đề ở trường hợp thứ hai là những câu hỏi trong các lần hỏi cung khác nhau tưởng rời rạc, nhưng đã có một kịch bản trước, điều mà người trả lời không hình dung và đoán ra được. Kết quả ấy chỉ có thể nhìn thấy khi ghép các đoạn lại. Và như thế, người trả lời không hề hay biết hình ảnh và lời nói của họ sẽ bị đưa lên VTV. Nếu video này được thực hiện một cách bình thường, cùng một thời điểm và chuyến công tác, tổ công tác cùng một kíp máy, ngoài những sự cố trên, tại sao chất lượng âm thanh và hình ảnh lại hoàn toàn khác nhau giữa 04 người bị bắt? Sự khuất tất này có thể sẽ được giải thích thuyết phục hơn khi những người bị bắt được trả tự do.
VTV nghĩ gì khi để xuất hiện trước ống kính ông Trần Anh Kim với toàn bộ phát biểu rất dài, trôi chảy như là kể công? Và ở cả 04 nhân vật trên, những thông tin việc làm của họ là cả một quá trình, phần lớn do họ chủ động nhận thức và thực hiện bằng chính nỗ lực nhiều năm. Bỗng dưng trong vòng 02 tháng bị bắt, chưa ra tòa, mà cũng không phải là tội phạm tử hình, cả 04 cùng lúc nhận tội, lời nhận tội lại có nội dung gần như nhau, nhận tội như đã thuộc bài. Chúng ta cùng chờ những thông tin từ hai phía.
Thông tin về việc nhận tội của những người tìm kiếm dân chủ cũng cho thấy: xuất hiện ngày càng rõ ràng và chính thức những tổ chức chính trị đối trọng với đảng CS tại VN trong và ngoài nước. Theo các bài báo, đó là một số cơ quan truyền thông nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam... Dĩ nhiên trong thực tế còn rất nhiều. “Phản động” như CS gọi ở đâu mà nhiều thế? Cứ cái đà không chịu lắng nghe phản biện xã hội một cách trung thực, không chịu sửa sai mà còn đàn áp bắt giam, cho những người khác ý kiến với là phản động chống đối.., thì sẽ còn xuất hiện nhiều hơn nữa những “phản động”. Điều đó sẽ đến trong một tương lai không xa, khi thông tin đại chúng giúp làm cho thế giới trở nên bằng phẳng và dân chủ từ chỗ thấm nhuần trong đất đai sẽ dâng lên như nước tràn bờ.
Trước mắt, việc thông tin những người bị bắt theo cách của CS nêu trên sẽ nới rộng thêm khoảng cách hố ngăn giữa đảng với những phản biện xã hội. Mọi người sẽ càng tránh xa CS, vì cách hành xử này. Chắc chắn trong xã hội sẽ càng có nhiều hơn nữa những ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần anh Kim, Trần Huỳnh Duy Thức…. Bộ mặt thật và điểm yếu của CS Việt Nam đã và đang lộ rõ hơn bao giờ hết qua đợt thông tin này.
Copyright © 2009 Bản quyền thuộc về Đảng Dân Chủ Việt Nam
--------------------------
Thông Cáo Báo Chí của Đảng Dân Chủ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment