Friday, July 24, 2009

VÙNG BIỂN TRANH CHẤP hay DI SẢN CHUNG ?


Vùng biển tranh chấp hay di sản chung?
24-07-2009
http://www.thiennhien.net/news/193/ARTICLE/9122/2009-07-24.html
ThienNhien.Net - Hiệp định biên giới biển Ấn Độ - Sri Lanka ký kết năm 1974 và 1976 giữa Chính phủ Ấn Độ và Sri Lanka trên tinh thần hữu nghị láng giềng đã gây bất lợi cho sinh kế của hàng nghìn ngư dân bang Tamil Nadu (phía nam Ấn Độ). Khu vực có nguồn cá giàu có nhất lại nằm hoàn toàn trong đường biên giới thuộc Sri Lanka, là nguyên nhân của mối bất hòa giữa ngư dân Tamil Nadu và lực lượng hải quân Sri Lanka. Từ khi đường biên giới được xác định, rất nhiều ngư dân đã bị giết trong các vụ việc liên quan tới khai thác cá, một số bị giam giữ, số còn lại bị đe dọa, quấy rối. Thuyền cá của họ bị phá hủy và những thứ đánh bắt được bị vứt xuống biển khơi. Dưới đây xin giới thiệu bản tóm tắt báo cáo "Vùng lãnh thổ tranh chấp hay di sản chung" của Tiến sĩ V. Suryanarayan và R. Swaminathan trình bày tại Hội thảo quốc gia về hòa bình, xung đột và phát triển khu vực Nam Á do Trung tâm Hòa bình và Phát triển Châu Á phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Châu Á, Chennai tổ chức hồi tháng 1/2009.

Khu vực vịnh Palk giữa Ấn Độ và Sri Lanka. (Nguồn:
www.southasiaanalysis.org)
http://www.thiennhien.net/tpllib/img.php?im=cat_193/9122.jpg&w=240&h=157

Nguyên nhân chủ yếu là xung đột lợi ích
Với ngư dân, biên giới biển là do con người tạo ra. Trải qua nhiều thế kỷ, họ đã đánh bắt cá ở tất cả các khu vực nhiều cá và coi đó là điều hết sức tự nhiên. Ngư dân Sri Lanka đánh cá ở vùng biển Ấn Độ và Maldivian, ngư dân Ấn Độ đánh cá ở vùng biển Pakistan, ngư dân Bangladesh đánh cá ở vùng biển Myanmar, ngư dân Nhật và Đài Loan đánh cá xung quanh khu vực biển châu Á. Việc giới hạn biên giới đánh bắt cá, vốn được coi là không có giới hạn của ngư dân từ xa xưa, đã dẫn đến những căng thẳng trong quan hệ song phương, gây thiệt hại về người và của.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng căng thẳng hiện nay ở vịnh Palk là sự xung đột về lợi ích. Một bên là chính phủ Ấn Độ và Sri Lanka, trên tinh thần xúc tiến quan hệ láng giềng giữa hai nước, đã ký Hiệp định Biên giới biển năm 1974 và 1976, quy định đảo Kachcativu nằm trong lãnh thổ Sri Lanka và bãi bỏ quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Ấn Độ xung quanh vùng đảo này. Một bên là ngư dân Ấn Độ và Sri Lanka, những người không dễ dàng từ bỏ vùng kiếm sống, nơi họ đã đánh bắt hàng thế kỷ. Việc cố gắng dựng lên một bức tường Berlin trong vùng vịnh Palk sẽ là một sự khinh suất vì lý do đơn giản là quan hệ giữa người dân ở hai vùng không thể dễ dàng trở nên gay gắt. Họ như cặp sinh đôi, cái gì ảnh hưởng đến bên này tất sẽ có ảnh hưởng đến bên kia.

Vịnh Palk - Cầu nối chứ không phải rào cản
Mối quan hệ mật thiết giữa ngư dân và biển đã ảnh hưởng đến lịch sử, kinh tế, văn hóa của cộng đồng dân cư vùng biển ở cả Tamil Nadu và phần đông bắc của Sri Lanka. "Mukkuvar*", một thuật ngữ thường được sử dụng trong các câu chuyện dân gian ở Tamil, đã nhấn mạnh sự đồng nhất về địa lý giữa hai khu vực. Vịnh Palk vừa là cầu nối, vừa là ranh giới chia cắt người Tamil ở Sri Lanka và Ấn Độ. Điều này tạo ra các vấn đề về quản lý, hậu cần và an ninh rất đặc thù đối với cả hai nước.
Về mặt lịch sử, đảo Kachachativu và vùng biển bao quanh đã tăng cường mối quan hệ ràng buộc giữa cư dân hai nước. Nơi đó họ có tình thân và tình bạn hữu nghị về mọi mặt. Họ đánh bắt những loại cá khác nhau, do đó, không có xung đột về quyền lợi nào giữa các bên liên quan. Tại lễ hội thánh Anthony, tổ chức vào cuối tháng 3 mỗi năm, ngoài những hoạt động kỷ niệm thông thường, còn là dịp cho sự giao thương không chính thức giữa cư dân hai nước. Khi đó đảo Kachchativu trở thành một khu chợ tấp nập với những người Ấn Độ bán rong khăn quấn, bột cà phê và người Sri Lanka bán dầu dừa và rượu anac. Thậm chí cả sau khi độc lập, mối liên hệ giữa hai nước vẫn không hề bị suy yếu.

Sinh kế của ngư dân và quy định của luật pháp
Ngư dân vùng Nam Á, cũng như những ngư dân khác trên khắp thế giới, là những người sống du cư. Vượt qua các biên giới biển là cách sống của họ. Xung đột về lợi ích nổi lên khi những biên giới biển được ấn định mà không quan tâm tới những nhân tố ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân. Những biên giới biển được ấn định chỉ đơn thuần dựa trên ý niệm về toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và quan trọng hơn là quyền kiểm soát trên lãnh thổ riêng.
Một phân tích về luật biển do các quốc gia Nam Á ban hành từ sau khi độc lập cho thấy mối quan tâm chủ yếu của họ là bảo vệ và phát triển lợi ích quốc gia. Các bộ luật này cho phép các nhà chức trách quyền giới hạn và kiểm soát việc vượt biên giới biển của ngư dân, một hành động vốn đã tồn tại từ xa xưa.
Luật biển có tầm quan trọng trong hệ thống pháp luật quốc gia và có cân nhắc tới một số trường hợp liên quan đến quyền lợi truyền thống của ngư dân. Vượt biên giới biển và đánh bắt cá trong vùng lãnh thổ của một quốc gia khác được coi là hành động xâm phạm về kinh tế của thường dân. Với trường hợp này, Điều 145 Luật Biển Liên hợp quốc quy định: “Các giải pháp sẽ được thi hành để bảo vệ cuộc sống của con người một cách hiệu quả”. Điều 75 khẳng định: Một quốc gia ven biển có quyền thi hành các biện pháp bao gồm “khám xét tàu, bắt giữ và đưa ra xét xử để đảm bảo thi hành luật và các quy định của pháp luật”. Bắn giết ngư dân vượt biên giới biển quốc tế là vi phạm Luật Biển của Liên hợp Quốc, chống lại công lý và đi ngược lại quan hệ hữu nghị giữa hai nước láng giềng.

Quyền đi qua biên giới biển
Quyền vượt qua biên giới một cách vô hại là một vấn đề đang gây tranh cãi trong luật quốc tế. Theo luật tục quốc tế, tất cả các tàu nước ngoài đều có quyền đi qua vùng biển đã có chủ quyền, chừng nào không gây ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh của các quốc gia ven biển. Quan điểm chính trị về quyền này đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi giữa các quốc gia thuộc thế giới thứ ba và các nước phát triển. Sau cùng, một thỏa thuận đã được đưa ra thể hiện trong Luật Biển Liên hiệp quốc như đã đề cập ở trên.
Liệu các tiền lệ quốc tế có bài học nào cho trường hợp quan hệ của Ấn Độ và Sri Lanka, đặc biệt trong bối cảnh vùng biển khai thác thường xuyên của ngư dân Ấn Độ nằm trên lãnh thổ Sri Lanka? Bản Tuyên bố chung được công bố ngày 26 tháng 10 năm 2008 đã nhấn mạnh rằng ngư dân Ấn Độ “sẽ không tiếp tục mạo hiểm đi vào vùng biển nhạy cảm đã được xác định” nghĩa là khu vực cần được đảm bảo an ninh cao.
Một điểm cần chú ý ở đây là ngư dân Ấn Độ, khi đánh cá ở vùng biển Sri Lanka có làm ảnh hưởng đến an ninh của Sri Lanka? Rõ ràng, một số ngư dân Ấn Độ đã đáp ứng nhu cầu lớn về thuốc men, dầu diesel, phụ tùng động cơ môtô… cho lính Tamil của Sri Lanka. Thông qua những cuộc trao đổi đó, họ kiếm được nguồn lợi tức khổng lồ. Tuy nhiên, theo quan sát từ phía Sri Lanka, lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE) không tin tưởng ngư dân Ấn Độ trong việc trao đổi vũ khí và chất nổ. Chính vì thế LLTE đã tự thực hiện những giao dịch này trên chính tàu thuyền của họ.

Quyền lợi truyền thống của ngư dân
Quyền lợi truyền thống đáng được hưởng của ngư dân Ấn Độ vùng vịnh Palk, đặc biệt trong và xung quanh đảo Kachchativu, đã trở thành vấn đề tranh cãi giữa bang Tamil Nadu và chính quyền New Delhi. Rõ ràng New Delhi đã quyết định nhường lại đảo Kachchativu cho Sri Lanka. M. Karunanidhi, khi đó là là thủ hiến bang Tamil Nadu đã gặp Swaran Singh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Ấn Độ lúc đó để cố gắng thuyết phục New Delhi ít nhất đảm bảo rằng ngư dân Ấn Độ sẽ tiếp tục được hưởng quyền đánh bắt cá truyền thống. Điều 5 và 6 trong Hiệp định 1974 cùng với bản diễn giải chi tiết của Quốc hội thời Swaran Singh cho thấy chính phủ Ấn Độ đã mong đợi rằng Hiệp định vẫn đảm bảo quyền đánh bắt cá của ngư dân Ấn Độ trong và xung quanh khu vực Kachchativu, đồng thời cho phép người hành hương được tới thăm nhà thờ thánh Anthony mà không phải xin visa từ chính phủ Sri Lankan. Thật không may, những quyền này đã không được đề cập đến trong các điều khoản của Hiệp định 1976.
Hai đảng cầm quyền ở Tamil Nadu, DMK và AIADMK, đã cố gắng duy trì quyền đánh bắt cá truyền thống trong Hiệp định năm 1974. Điều đáng chú ý là Tamil Nadu đã giúp tạo nên một tiến triển rõ rệt trong việc đàm phán giữa Ấn Độ và Sri Lanka. Cho tới gần đây Sri Lanka vẫn khẳng định rằng ngư dân Ấn Độ không có bất cứ quyền đánh bắt cá nào trên vùng biển thuộc lãnh thổ Sri Lanka. Song, dưới sức ép liên tục từ phía Tamil Nadu, thủ tướng Man Mohan Singh đã thảo luận vấn đề đánh bắt cá trên lãnh thổ Sri Lanka với Tổng thống Sri Lankan trong cuộc gặp thượng đỉnh SAARC gần đây. Vấn đề này đã được đưa ra trong buổi họp báo ngày 26 tháng 10 năm 2008, cho thấy lần đầu tiên Sri Lanka đã thừa nhận không phản đối việc ngư dân Ấn Độ tiếp tục đánh cá trong vùng biển của Sri Lankan, trừ những khu vực nhạy cảm đã được xác định.
Mối quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa Ấn Độ và Sri Lanka là vô cùng quan trọng, nhưng cũng không nên vì thế mà ngư dân Tamil Nadu phải trả giá bằng kế sinh nhai truyền thống của họ. Các tổ chức đoàn thể đại diện cho ngư dân cùng các đảng phái chính trị ở Tamil, những người vốn om sòm ủng hộ ngư dân bằng lời nói, nên thi hành những biện pháp phù hợp để vận động Chính phủ Ấn Độ kiên quyết hơn nữa, đồng thời gây sức ép lên Chính phủ trong việc giải quyết vấn đề. Để đạt được công lý, vụ việc có thể đưa lên Tòa án dân sự cấp cao Madras hay Tòa án tối cao để đảm bảo ngư dân Tamil Nadu không bị tước mất quyền đánh bắt cá truyền thống của họ quanh đảo Kachchativu đồng thời vận động chính phủ Ấn Độ giành lại những quyền này cho ngư dân thông qua đàm phán với Sri Lanka hoặc nhờ đến sự can thiệp của Tòa án dân sự quốc tế, nếu cần thiết.

Giải pháp cấp bách: Cấp phép cho ngư dân Ấn Độ

Đề xuất cho rằng cần có một giải pháp đối với vấn đề bằng một thỏa thuận giữa hai nước để ngư dân Ấn Độ được cấp phép đánh bắt cá ở một số khu vực nhất định thuộc vùng biển Sri Lanka lần đầu tiên được đưa ra trong cuốn sách “Kachativu và các vấn đề của ngư dân Ấn Độ tại Vùng Vịnh Palk” của Giáo sư Suryanarayan từ năm 1994. Ông đã theo đuổi ý tưởng này trong nhiều chuyên đề hội thảo, trong các bài báo và phát triển xa hơn trong cuốn sách tiếp theo của mình năm 2004 - “Cuộc xung đột về ngư nghiệp trong vùng Vịnh Palk”.
Đó cũng chính là vấn đề được cả hai đảng lớn ở Tamil Nadu đồng thuận, thể hiện trong rất nhiều dịp bằng việc đề nghị Chính phủ Ấn Độ thảo luận với Chính phủ Sri Lanka về việc cấp giấy phép cho ngư dân Ấn Độ.
Sau rất nhiều trục trặc trong việc đàm phán giữa hai chính phủ, cuối cùng Sri Lanka cũng đồng ý xem xét đề nghị cấp giấy phép cho ngư dân Ấn Độ vào tháng 7/2003.
Song, mặc dù cơ hội về việc cấp giấy phép đánh bắt đã mở ra cho New Delhi và Tamil Nadu, rất tiếc chính phủ Ấn Độ lại không tiếp tục theo đuổi vấn đề này và càng đáng tiếc hơn khi chính quyền Tamil Nadu không tạo ra sức ép đủ mạnh đối với New Delhi. Quan sát cho thấy ngay từ đầu chính phủ Sri Lanka đã rất nghiêm túc trong việc tìm ra giải pháp dựa trên việc cấp phép cho ngư dân Ấn Độ trong vùng biển Sri Lanka. Vì vậy, vấn đề cần được chính quyền Tamil Nedu và Chính phủ Ấn Độ dành sự quan tâm cấp bách và đặc biệt.
Đánh bắt cá là một trong những nghề chính ở vùng duyên hải Tamil. Trước năm 1983, gần 38% sản lượng cá của Sri Lanka là đóng góp từ các huyện phía bắc. Thật thiếu nhân đạo khi tiếp tục không kiểm soát các hành động khai thác trái phép của ngư dân Tamil Nadu tại vùng biển Sri Lanka. Chính quyền Tamil Nadu, đặc biệt là Cục Nghề cá Ấn Độ cần khuyến cáo ngư dân không đánh bắt tại khu vực an ninh nghiêm ngặt và gần bờ biển Sri Lanka.
Theo thoả thuận đạt được giữa chính phủ Ấn Độ và Sri Lanka, cũng như bản tuyên bố chung đã đề cập ở trên, ngư dân Ấn Độ sẽ “không được phép tới gần những vùng nhạy cảm dọc bờ biển Sri Lanka” và những tàu thuyền đánh bắt tại khu vực biển Sri Lanka “phải mang theo đăng kiểm hoặc giấy phép hợp lệ, đồng thời ngư dân cũng phải có giấp tờ tuỳ thân do chính quyền Tamil Nadu cấp”. Thành công của thoả thuận này không chỉ phụ thuộc vào việc thi hành cam kết không dùng đến vũ lực đối với ngư dân Ấn Độ của Chính phủ Sri Lanka mà còn phụ thuộc vào việc ngư dân Ấn Độ tuân thủ chặt chẽ cam kết của Chính phủ, không đi vào các khu vực an ninh nghiêm ngặt.
Giải pháp này được đề xuất nhằm đưa hai nước tiến tới thỏa thuận cho phép ngư dân Ấn Độ đã được cấp phép đánh bắt tại các vùng biển được chỉ định của Sri Lanka. Số lượng giấy phép được cấp, loại tàu được phép hoạt động, lượng cá đánh bắt, số ngày được phép đánh bắt và chi phí cấp phép phải nộp cho chính phủ Sri Lanka nên thảo luận tại các cuộc hội đàm giữa hai bên. Những giải pháp nhằm ngăn chặn việc khai thác quá mức và tàn phá hệ sinh thái biển cũng phải được tiến hành. Giải pháp này đòi hỏi sự thay đổi trong chính sách nghề cá của cả hai quốc gia. Để thay đổi từ đối đầu sang hợp tác, việc thoả thuận sẽ phải dựa trên nguyên tắc chia sẻ công bằng nguồn tài nguyên biển.
Trong cuộc thương lượng này đâu là cái có thể cho và nhận? Bất kì cuộc đàm phán về vấn đề trọng yếu nào, đụng chạm tới lợi ích quốc gia, cũng chỉ thành công nếu nó ghi nhân lợi ích chung giữa hai bên đàm phán. Một yếu tố quan trọng không kém là hai bên phải thấm nhuần tinh thần cho và nhận. Các động thái và chiến thuật ngoại giao, chính trị cần có để giải quyết vấn đề này tốt hơn hết là dành cho chính quyền bang Tamil Nadu và chính phủ Ấn Độ quyết định.

Đối thoại giữa ngư dân và với ngư dân
Trong bối cảnh ảm đạm hiện nay chỉ có một tín hiệu đáng mừng là nỗ lực của các tổ chức phi chính phủ như Liên minh Giải cứu Ngư dân Vô tội (ARIF) có trụ sở tại Tiruvananthapuram. Tổ chức này chuyên khởi xướng các cuộc đối thoại giữa ngư dân có liên quan đến vấn đề trên ở cả hai phía. Một nhóm thuộc ARIF do tiến sĩ Vivekanandan dẫn đầu đã tới thăm Sri Lanka vào tháng 5/2004 và tổ chức các cuộc thảo luận với các tổ chức có liên quan để tìm ra một giải pháp thoả đáng cho việc đi lại trên biển của ngư dân Tamil Nadu và Sri Lanka. Bước đầu, hai bên đã thảo luận tự do về tác động của việc đánh bắt bằng lưới rà đáy đối với hệ sinh thái biển.
Lý do chính khiến Hiệp định biên giới năm 1974 và 1976 không phát huy hiệu quả là do những thoả thuận này không xét đến sinh kế của người dân; hơn nữa, thiếu sự hợp tác của ngư dân, bản thoả thuận đã không hiệu quả ngay từ đầu. Một sự chuyển biến mới cùng ủng hộ thiết thực từ phía ngư dân sẽ góp phần đáng kể giúp đạt được một giải pháp thoả đáng cho vấn đề.

Vịnh Palk - Di sản chung
Nếu muốn giữ tốc độ tăng trưởng với các khu vực đang phát triển khác trên thế giới, Nam Á phải chủ động thúc đẩy hợp tác song phương và hợp tác khu vực. Đáng tiếc trên thực tế, ở thời điểm hiện tại, hợp tác khu vực không được ưu tiên nhiều trong các hoạt động phát triển của khu vực. Ấn Độ cần tiếp tục theo đuổi tuyên bố của Thủ tướng Man Mohan Singh về “đặc quyền” trong mối quan hệ với các nước láng giềng. Để giành được những mục tiêu này, việc đặt hợp tác khu vực vào vị trí xứng đáng trong quá trình ra quyết định là điều hết sức cần thiết. Nói cách khác, khi các kế hoạch phát triển của mỗi nước và Ấn Độ được vạch ra thì, như một khối thống nhất, phương thức khai thác và phát triển các tài nguyên khu vực cần được xem xét một cách nghiêm túc.
Về lâu dài, Ấn Độ cần phải hoạch định một tầm nhìn rằng biển là tài sản chung của các quốc gia ven biển và việc độc chiếm khai thác nguồn tài nguyên biển chỉ có thể dẫn đến tình trạng xung đột.
Theo nghiên cứu mới hoàn thành gần đây của R. Swaminathan, ngoài chính phủ Ấn Độ và Sri Lanka còn có các bên liên quan khác trong vịnh Palk thuộc vùng biển Ấn Độ - Sri Lanka bao gồm chính quyền các bang của Ấn Độ, chính quyền các tỉnh phía Bắc và Đông Sri Lanka cùng với các cộng đồng đánh bắt cá vùng duyên hải. Vì vậy, giải pháp được đề xuất là thành lập một Cơ quan Quản lý chung Vịnh Palk nhằm phối hợp và thi hành các chính sách của hai chính phủ.
Giáo sư Swaminathan đã bắt tay vào thực hiện chương trình “cách mạng xanh” đầy tham vọng với khẩu hiệu “cá cho mọi người và cá cho đời đời”. Thay vì hạn chế trong phạm vi Tamil Nadu, chương trình này nên mở rộng ra cả vịnh Mannar và Palk. Theo các chuyên gia, việc đưa tàu đánh cá nước sâu khai thác nhiều ngày ở khu vực Ấn Độ Dương có thể là mục tiêu lớn cho một dự án chung và quan hệ hợp tác song phương. Tập trung hợp tác phát triển và chia sẻ kinh nghiệm sẽ giúp làm giàu nguồn tài nguyên biển và cải thiện chất lượng cuộc sống của ngư dân.
-----------------------------------------------------

* "Mukkuvar" hay "Mukkuva" là tên gọi các nhóm hoặc tầng lớp xã hội, chủ yếu là các cộng đồng ngư phủ, sống ở các huyện duyên hải phía nam bang Tamil Nadu và một số vùng ở Sri Lanka.
Bài viết được dịch từ nguyên bản tiếng Anh "Fishing in Palk Bay: Contested Territory or Common Heritage?",
tài liệu số 3049, xuất bản ngày 11/02/2009 của South Asia Analysis Group đăng tải tại website:
http://www.southasiaanalysis.org

Đồng Thị Ngân, Phạm Thị Thảo (Theo South Asia Analysis Group, 2009)

No comments:

Post a Comment