Wednesday, July 8, 2009

VIỆT NAM NHẬP SIÊU QUÁ LỚN TỪ TRUNG QUỐC


Việt Nam nhập siêu quá lớn từ TQ
Cập nhật: 10:47 GMT - thứ ba, 7 tháng 7, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/07/090707_vnchina_trade_deficit.shtml
Trong sáu tháng đầu năm Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc tới 4 tỷ USD, chiếm khoảng 80% doanh số nhập siêu của nước này.
Báo Thanh Niên trích số liệu từ Tổng cục Hải Quan Trung Quốc nói rằng trao đổi mậu dịch Việt-Trung trong sáu tháng đầu năm 2009 đạt 6,88 tỉ USD.
Quan hệ thương mại giữa hai nước cũng bị tác động của suy thoái toàn cầu. So với cùng kỳ năm ngoái kim ngạch ngoại thương giữa hai nước giảm 23,5%.
Trong khi xuất 1,72 tỉ USD, Việt Nam bỏ ra tới 5,16 tỉ USD để nhập hàng từ Trung Quốc.
Hàng xuất của Việt Nam giảm 3%.
Mặc dù hàng nhập giảm 28,5% so cùng kỳ, “tính ra Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc gần 4 tỉ USD, chiếm gần hết “rổ nhập siêu” của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm,” báo Thanh Niên viết.
Tờ báo liệt kê các nhóm hàng Trung Quốc xuất sang Việt Nam có doanh số lớn. Chúng bao gồm: hàng cơ điện, máy móc các loại, nguyên phụ liệu, hàng dệt may, sắt thép, kim loại, hóa chất và khoáng sản các loại.
Trong khi đó hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc vẫn ‘như xưa’, chủ yếu gồm nông sản, thủy sản, và khoáng sản.

Lo ngại
Các doanh nghiệp trong nước dự đoán sắp tới hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn. Đáng kể nhất là bộ luật An toàn thực phẩm của Trung Quốc, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/6.
Tin nói rằng cơ quan kiểm dịch thực phẩm Trung Quốc đang mạnh tay với việc kiểm tra hàng hóa từ Việt Nam, và nhiều lô hàng thủy hải sản, hoa quả... của Việt Nam đã bị ách tắc tại cửa khẩu Đông Hưng (của TQ) và Móng Cái (VN).
Kiểm dịch gắt gao khiến một số người lo ngại hàng Việt Nam vào Trung Quốc sẽ khó khăn hơn, như thế càng làm cho nhập siêu gia tăng.
Báo Thanh Niên trích lời tiến sĩ kinh tế Vũ Thành Tự Anh phân tích về nguy hiểm của tình trạng nhập siêu với Trung Quốc: “Trong bối cảnh nguồn ngoại hối từ đầu tư nước ngoài, du lịch… đều giảm, để bù đắp cho nhập siêu, chính phủ có thể phải lấy tiền từ nguồn dự trữ quốc gia. Điều này là rất nguy hiểm.”
Năm ngoái công nghiệp may mặc của Việt Nam nhập từ Trung Quốc 1,5 tỉ USD nguyên liệu vải.
Trong khi đó, Trung Quốc mua 53,5 triệu USD hàng may mặc từ Việt Nam.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay năm ngoái hàng may mặc của Trung Quốc nhập vào Việt Nam là không đáng kể.
Tuy nhiên quần áo Trung Quốc xuất hiện ở khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam. Nhiều người lo ngại công nhân Việt Nam bị mất việc vì hàng dệt may ‘rẻ như cho’ của Trung Quốc.
Báo chí trong nước nhiều lần đặt câu hỏi Việt Nam hầu như không có hàng rào kỹ thuật nhập khẩu để cản bớt hàng kém chất lượng của Trung Quốc.

Vấn nạn

Phần lớn hàng Trung Quốc vào Việt Nam theo dạng tiểu ngạch, hoặc qua ngả buôn lậu, trốn thuế, cho nên giá rẻ hơn hàng trong nước.
Vấn nạn này, theo ông Diệp Thành Kiệt, phó Chủ tịch Hội Dệt may tp Hồ chí Minh, là ‘khá lớn'. Ông muốn thấy các cơ quan nhà nước vào cuộc sớm.
"Thứ nhất là phải kiểm soát để bảo đảm sự công bằng trong thương mại. Hàng Trung Quốc giá rẻ chúng tôi đồng ý. Nếu hàng TQ vào Việt Nam bằng con đường chính thức sau khi được đóng thuế theo đúng quy định, mà cạnh tranh được với hàng Việt thù đây là điều đáng mừng, nó sẽ giúp cho công ty trong nước cạnh tranh tốt hơn."
Ông Diệp Thành Kiệt tin rằng chính phủ cần phải xây dựng các hệ thống tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, để đảm bảo người tiêu dùng Việt Nam khi sử dụng sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc không gánh chịu hậu quả trong tương lai.
Và nếu hàng Trung Quốc tiếp tục chơi ép, hoặc lấn sân hàng Việt Nam, ông Kiệt cho rằng chính phủ cần tính đến việc dựng ra hàng rào quan thuế mới, như sắc thuế chống bán phá giá chẳng hạn.
"Trong khi Việt Nam, về xuất khẩu, phải đối phó với rất nhiều cạnh tranh không lành mạnh, hay hàng da giày đang đối đầu với các vụ kiện chống phá giá của EU, của Canada, trong khi đấy Việt Nam lại rất dửng dưng nhập những mặt hàng giá rẻ và nó làm ảnh hưởng rất lớn đến nền công nghiệp của nước nhà."

No comments:

Post a Comment