Thursday, July 23, 2009

VIỆT NAM ĐANG ĐỐI DIỆN VỚI NGUY CƠ LỚN TỪ TRUNG QUỐC


Phỏng vấn Giáo Sư Stephen Young: VN đang đối diện nguy cơ lớn từ Trung cộng
Jul 23, 2009
http://www.calitoday.com/news/view_article.html?article_id=7954ccf56521f44c32c521b00168f422
Giáo Sư Stephen Young hiện là giám đốc điều hành của tổ chức Caux Round Table và là chủ tịch của Winthrop Consulting and the Minnesota Public Policy Forum. Ông từng là khoa trưởng của Hamline University School of Law, và phó khoa trưởng của Harvard Law School . Trước kia, ông từng làm việc trong Ủy Ban Quan Hệ Ngoại Giao và là cố vấn cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Nhân dịp từ Minnesota đến quận Cam, ông đã đến thăm cộng đồng Việt Nam tị nạn cộng sản và trả lời cuộc phỏng vấn sau đây.

Hỏi: Là một người nghiên cứu về Việt Nam , giáo sư nhận định ra sao về mối quan hệ hiện nay giữa Việt Nam và Trung cộng?
Giáo Sư Stephen Young: Từ khi bắt đầu nghiên cứu về Việt Nam , chưa bao giờ tôi mang tâm trạng bi quan như bây giờ khi nhìn vào tình hình Việt Nam. Vì trong thời gian chiến tranh Quốc-Cộng, ảnh hưởng của Trung cộng đối với nhà cầm quyền cộng sản miền Bắc không nhiều, so với ảnh hưởng của Liên Xô. Còn trong Nam , chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ nhưng người Mỹ không hề có tham vọng đế quốc mà chỉ muốn giúp dân chúng miền Nam thực hiện một xã hội dân chủ, tự do. Nhưng hiện nay, chúng ta thấy Trung cộng đang muốn bành trướng ảnh hưởng xuống phía Nam trong tất cả mọi lãnh vực, từ kinh tế, chính trị, văn hóa cho tới quân sự. Nhận định của tôi là Việt Nam đang đối diện nguy cơ lớn từ “Bắc triều”.

Hỏi:
Ý giáo sư muốn nói giới lãnh đạo Bắc Kinh đang có tham vọng chiếm Việt Nam như thời kỳ một ngàn năm Bắc thuộc của lịch sử Việt Nam ?
Giáo Sư Stephen Young: Ðúng như vậy.

Hỏi: Nhiều người cho rằng giới lãnh đạo Hà Nội hiện nay đã chọn con đường đi theo Bắc Kinh để bảo vệ chế độ, xin nghe ý kiến của của giáo sư về nhận định này?
Giáo Sư Stephen Young: Tôi thấy rằng từ nhiều năm nay, giới lãnh đạo Hà Nội đã quyết định đi hẳn với Bắc Kinh chỉ nhằm đổi lại sự ủng hộ của Trung cộng để họ tiếp tục cai trị. Chính vì vậy họ sẵn sàng dùng công an để trấn áp những hành động chống đối Trung cộng của dân chúng Việt Nam . Tôi quan sát thấy rằng, quân đội, trí thức và dân chúng rất bất mãn với thái độ của giới lãnh đạo, nhưng Bộ Chính Trị đảng cộng sản nắm công an trong tay, nắm các lực lượng an ninh quân đội như Tổng Cục 2 nên họ bất chấp sự phản đối. Chúng ta ai cũng biết lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam bây giờ giàu kinh khủng vì tham nhũng. Họ cứ bảo rằng họ là đảng của giai cấp công nhân chứ thực ra họ là tỷ phú đô la, và chính vì vậy họ phải bảo vệ vị thế “ăn trên ngồi trốc” của họ.

Hỏi: Nói cách khác, thưa giáo sư, toàn bộ giới lãnh đạo cao cấp nhất của Hà Nội, từ tổng bí thư Nông Đức Mạnh - chủ tịch nhà nước Nguyễn Minh Triết - thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho đến chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng đều phục tòng Trung cộng?
Giáo Sư Stephen Young: Theo tôi, đa số thành viên Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam đã chấp nhận đi với Tầu. Ðúng ra, nếu họ khôn ngoan, họ nên giao du thân hơn với Mỹ, thân hơn với khối Asean. Nhưng chúng ta thấy bất cứ lãnh đạo nào của Hà Nội trước khi thăm Hoa Kỳ đều phải qua Trung cộng để xin phép “Bắc triều”. Cho nên một số dư luận ở hải ngoại cho rằng ông Triết, ông Dũng muốn đi với Mỹ, theo tôi, nhận định đó là sai.

Hỏi: Khi tiếp thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của nhà nước cộng sản Hà Nội tại Tòa Bạch Ốc vào năm 2008, Tổng Thống Bush nói rằng Hoa Kỳ tôn trọng chủ quyền toàn vẹn của lãnh thổ của Việt Nam. Liệu có thể lý giải quan điểm của ông Bush là Mỹ sẵn sàng bảo vệ Việt Nam trước mối đe dọa của Trung cộng?
Giáo Sư Stephen Young: Theo tôi, Hoa Kỳ có thể bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam với điều kiện chế độ hiện nay tại Việt Nam phải dân chủ hóa, mà điều kiện này chắc chắn giới lãnh đạo Hà Nội sẽ không chịu. Việt Nam có dân chủ thì dân chúng Mỹ mới chấp nhận hy sinh nữa để giúp, mà giúp nhân dân Việt Nam chứ không giúp chế độ. Nếu Hà Nội muốn đi với Hoa Thịnh Ðốn thì 20 năm qua họ đã có nhiều cơ hội, nhưng họ vẫn chưa dám vì còn lo sợ áp lực của Bắc Kinh.

Hỏi: Nếu Hà Nội muốn kết thân hơn nữa với Hoa Thịnh Ðốn thì liệu Hoa Kỳ có sẵn sàng không, thưa giáo sư?
Giáo Sư Stephen Young: Tùy theo tình hình chính trị tại Việt Nam. Nghĩa là tùy tình trạng tôn giáo, nhân quyền và những vấn đề khác như tham nhũng, vấn đề độc tài của đảng cộng sản. Theo tôi, đảng cộng sản Việt Nam phải lựa chọn, giữa một bên là quyền lợi của đảng và một bên là quyền lợi của nhân dân. Họ chỉ lo cho quyền lợi của đảng họ thay vì họ lo cho quyền lợi của dân tộc và đất nước. Bây giờ thì họ vẫn cứ ưu tiên lo cho quyền lợi của đảng họ. Ðiều này đã quá rõ ràng.

Hỏi: Nước Mỹ vừa có tân lãnh đạo là Tổng Thống Obama. Theo giáo sư, chính phủ Obama nhìn Á Châu và riêng Việt Nam ra sao?
Giáo Sư Stephen Young: Nói chung, tôi thấy chính sách ngoại giao của chính phủ Obama ít quan tâm tới Á Châu. Hai chiến trường Iraq và Afganistan là hai hồ sơ lớn mà chính phủ phải đối đầu, nên với Á Châu, chính phủ Obama không xem là ưu tiên lớn. Thí dụ trước hành động Bắc Hàn thử nghiệm hạt nhân, Hoa Thịnh Ðốn cũng chỉ phản ứng chừng mực chứ không quyết liệt. Riêng với Việt Nam , tôi nghĩ chính phủ Obama cũng sẽ không tích cực.

Hỏi: Một số người cho rằng Tổng Thống Obama chủ trương “xoa dịu dư luận”, nói cách khác, chính sách ngoại giao của ông Obama quá mềm yếu, giáo sư nghĩ sao?
Giáo sư Stephen Young: (cười thoải mái) Tôi hoàn toàn không đồng ý với nhận định đó. Theo tôi, nhờ cung cách mềm dẻo, uyển chuyển của ông Obama, cái thế của Mỹ sẽ mạnh hơn trên thế giới. Cái thế mạnh không nhất thiết phải dùng vũ lực, dùng tiền bạc. Thế mạnh có thể đạt được bằng cách thuyết phục. Nhiều người Mỹ vẫn chủ trương dùng bạo lực để tạo thế, nhưng cũng có nhiều người Mỹ muốn dùng cách thương thuyết để tạo thế. Với tôi, cách dùng thương thuyết vẫn có giá trị và đạt kết quả. Trong lịch sử Việt Nam, khi quân Nguyên đánh Việt Nam, Ðức Trần Hưng Ðạo từng dạy rằng, lấy “cái ngắn chế cái dài” , tức lấy thế yếu đánh thế mạnh. Kết quả là nhà Nguyên to lớn bị thua và Việt Nam bé xíu đã thắng. Tôi luôn nghĩ rằng, cái thế của cái tâm, của trí óc, của lương tâm rất có giá trị.

Hỏi: Giáo sư đã từng làm việc tại Việt Nam thời chiến tranh; sau năm 75, giáo sư đã từng góp tay mong chuyển hóa tình hình Việt Nam từ chế độ độc tài sang dân chủ; Việt Nam hiện nay trong mắt giáo sư ra sao?
Giáo Sư Stephen Young: Tình hình Việt Nam có nhiều diễn tiến phức tạp. Một mặt, Việt Nam đã có một số tự do, hiểu theo nghĩa nếu người dân đừng đụng chạm tới đảng cộng sản thì họ có quyền đọc sách, đi chơi, đi học ngoại quốc, vào chùa (quốc doanh), vào nhà thờ (quốc doanh) hành đạo mà không bị công an bắt bớ như trước kia. Tóm lại, so sánh với 20 năm trước, dân chúng sống dễ thở hơn. Nhưng nếu người dân bàn luận chính trị, thì chắc chắn bị ngăn cấm. Nghĩa là Việt Nam vẫn không có tự do, không có sinh hoạt dân chủ.

Hỏi: Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người thoát khỏi nỗi sợ hãi và nói lên khát vọng tự do dân chủ. Giáo sư có nghĩ đây là diễn biến sẽ dẫn tới dân chủ hóa Việt Nam ?
Giáo Sư Stephen Young: Tôi không nghĩ là Việt Nam sẽ sớm có dân chủ. Vì hệ thống cai trị của công an đang dùng tiền bạc mua chuộc và biện pháp trấn áp để đe dọa những người chống đối. Công an có thể để cho một người lên tiếng, nhưng tới một giới hạn nào mà không nguy hiểm cho chế độ. Nếu người đó đi quá giới hạn thì công an sẵn sàng trấn áp. Hơn 30 mươi năm qua, Việt Nam chưa có một tổ chức nào đủ mạnh để đối đầu với đảng cộng sản. Công nhân không có tổ chức công đoàn; sinh viên thanh niên không có tổ chức; trí thức không có tổ chức... có chăng là một số cá nhân can đảm lên tiếng chống đối.

Hỏi:
Phải chăng giáo sư quá bi quan đối với tương lai dân chủ của Việt Nam ?
Giáo Sư Stephen Young: Tôi bi quan. Vì đa số quần chúng chán ghét đảng Cộng Sản, nhưng họ cam chịu cuộc sống của họ. Ðó là chưa kể đảng cộng sản có “tiền rừng bạc biển” trong tay, có công an, có quân đội. Thành ra tôi chưa thấy lạc quan vào tương lai dân chủ của Việt Nam .

Hỏi:
Giáo sư nói Việt Nam không có tổ chức đối đầu với cộng sản; giáo sư nghĩ gì về Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất với quan điểm đấu tranh tới cùng để Việt Nam có tự do, dân chủ?
Giáo Sư Stephen Young: Tôi thấy quý thầy lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất có lập trường rất đúng đắn, nhưng phía công an của chế độ đã tìm đủ mọi cách cô lập giáo hội với quần chúng khiến dân chúng không thể tham gia cuộc đấu tranh của giáo hội. Trong lòng dân chúng thì họ muốn theo giáo hội nhưng họ không dám công khai ủng hộ.

Hỏi: Kế hoạch của nhà cầm quyền muốn khai thác bauxite tại Cao nguyên Trung phần đang gây phẫn uất dân chúng tại Việt Nam . Liệu đây có thể là “giọt nước làm tràn cái ly” không, thưa giáo sư?
Giáo Sư Stephen Young: Cái ly lớn hay nhỏ? Tôi sợ cái ly lớn lắm. Cho nên một giọt nước không đủ mà cần nhiều giọt nước thì mới tràn cái ly. Chúng ta nên nhớ đảng cộng sản đang nắm quyền, nắm tiền và có “Bắc triều” đứng sau lưng. Tôi nghĩ là phải chờ một cuộc khủng hoảng lớn về kinh tế; hoặc chờ thế hệ Cộng Sản hiện nay nằm xuống và lớp trẻ lên thay thế thì tình hình mới hy vọng có chuyển đổi.

Hỏi: Câu chót xin hỏi giáo sư, cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung, tại Hoa Kỳ nói riêng, làm được gì để góp phần chuyển đổi tình hình tại Việt Nam ?
Giáo Sư Stephen Young: Tôi quan sát thấy lớp trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên tại Mỹ nói và viết tiếng Anh rất thông thạo như người bản xứ nhưng không nói và viết được tiếng mẹ đẻ. Lớp trẻ này là người Mỹ gốc Việt. Câu hỏi của tôi là họ có nghĩ tới Việt Nam không? Họ có lo cho Việt Nam không? Ðây cũng là điều tự nhiên vì họ trưởng thành ở xứ nào thì chỉ biết văn hóa xứ đó. Họ không muốn tham gia các sinh hoạt chính trị đấu tranh cho Việt Nam . Và hình như lớp người trẻ này chỉ thích về Việt Nam đi du lịch. Còn lớp người vẫn còn lo lắng cho Việt Nam thì bây giờ lớn tuổi lắm rồi. Thành ra tôi nghĩ, những người Việt Nam còn ý thức được số phận của dân tộc phải tổ chức những sinh hoạt văn hóa nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc nơi lớp người trẻ để (lớp người trẻ này) tham gia vào các hoạt động cho Việt Nam .

Hỏi: Cám ơn giáo sư đã trả lời phỏng vấn.
(Theo Dien Dan Pho Nang)


No comments:

Post a Comment