Monday, July 27, 2009
TỪ VỤ BAUXITE NGHĨ VỀ VẬN NƯỚC
Từ vụ Bauxite nghĩ về vận nước
Hà Sĩ Phu
Chủ Nhật, 26/07/2009
http://bauxitevietnam.info/c/4543.html
1. Chủ nghĩa Mác liên quan gì đến vụ bauxite và nguy cơ mất nước của Việt Nam?
Thực tế cho thấy: Muốn bàn luận về vụ Bauxite không thể không đề cập rốt ráo đến quan hệ Việt-Trung. Rồi tiếp tục, không thể nào bàn luận quan hệ Việt Trung mà không cày xới những vấn đề gốc rễ nằm trong chủ nghĩa Mác-Lê là chủ nghĩa đã chi phối và quyết định động thái, số phận của hai nước Cộng sản này. Không thể đạt kết quả gì hữu ích nếu chỉ bàn chuyện khơi khơi trên ngọn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói “Yêu quý nhất Sự thật”, tôi muốn thêm: Cứ đi đến tận cùng Sự thật sẽ nhìn thấy lối ra! Vậy nên, cho phép tôi khỏi phải giữ “Lễ” kiểu “quân tử Tàu”, để được tiếp cận vấn đề từ gốc.
Trước đây, một số đảng viên Cộng sản chân thật, khi đọc bài “Chia tay Ý thức hệ” (1995- hasiphu.com), đến câu “Đã theo chủ nghĩa Mác-Lê thì sự phản bội chỉ còn là vấn đề thời gian, chính Mác nếu còn sống cũng không thể trung thành với một lý thuyết như thế ” thì không chịu. Nhưng gần đây, do vụ Bauxite, gặp lại tôi, nhiều bác đã bảo: Chú nói đúng, nhưng chẳng lẽ một đảng cứu nước lại chuyển hoá thành một đảng bán nước ư, kỳ lạ thật?
Sao lại có chuyện phản bội tưởng như ngược đời ấy? Cố ý hay vô tình?
Nguyên nhân dễ thấy chính là do ảo tưởng về một thế giới “vô sản toàn thế giới liên hiệp lại”, lấy lý tưởng giai cấp để xóa nhòa ranh giới quốc gia thì chỉ làm mồi cho những nước cộng sản lớn, đặc biệt là khi nước lớn ấy đã lấy chủ nghĩa bành trướng Đại Hán làm động cơ truyền kiếp và đã có thừa trí khôn để biết ảo tưởng Mác-xít chính là công cụ tuyệt vời để chiếm đoạt thiên hạ.
Nhưng ngoài lý do bị lừa do ảo tưởng, còn có hai lý do khác nữa:
- Lý thuyết Mác-Lê phi lý thì tất yếu bị thời đại đào thải, nhưng còn cả một hệ thống quyền lực do nó đã trót tạo ra, với đặc quyền đặc lợi hơn cả vua chúa, thì hệ thống ấy phải tìm mọi cách để tự vệ, tránh cuộc đào thải. Đảng cộng sản nhỏ (cầm quyền) phải dựa vào đảng cộng sản lớn mới tồn tại được. Sự nương tựa quá lớn này ắt phải trả giá, mà đảng CS nhỏ có gì để trả giá ngoài quyền lợi của đất nước mình? Cho nên phải bán, lúc đầu tưởng chỉ bán một phần là được, nhưng nước lớn cáo già đâu có dễ dàng để cho con mồi có thể thoát ra? Giả sử không còn cộng sản Trung Quốc thì đương nhiên cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn khác. Vụ Bauxite nếu không dính dáng đến Trung Quốc thì vấn đề chỉ “nhỏ như con thỏ”!
- Ấy là xét về động cơ của giới cộng sản cầm quyền (điều này cũng dễ nhận ra, vì chẳng có kẻ cầm quyền nào lại tự nguyện rút lui), nhưng còn nhân dân? Xin thưa, điều tệ hại nhất của chủ nghĩa Mác-Lê chẳng những đã tạo ra một hệ thống quyền lực tuyệt đối mà, tệ hại hơn, nó tước hết “vũ khí” của nhân dân, nhất là vũ khí tinh thần và vũ khí tổ chức: bị trói trong vòng kim cô của ý thức hệ, của luật pháp XHCN, của ý thức tổ chức và tất cả xã hội dân sự bị biến thành xã hội thần dân của đảng cộng sản. Cứ đối chiếu với các nước văn minh sẽ thấy ngay nhân dân ở các nước cộng sản được “làm chủ” hay làm “đày tớ” như thế nào. Và như đứa trẻ đã chịu nằm gọn trong tay người bế ẵm thì dân sẽ được “nựng” bằng đủ lời ru ngon ngọt, và nếu không “ngoan”thì đã có roi. Khi nhân dân đã bị vô hiệu thì vận mệnh đất nước nằm gọn trong tay người cầm quyền. Việc mua bán đâu cần hỏi dân làm gì?
Nguy cơ mất nước nằm trong 3 nguyên nhân ấy.
2. “Nước đổ lá khoai” trong vụ bauxite
Những ai theo rõi diến biến về vụ Bauxite từ khi có trang web bauxitevietnam.info hẳn không khỏi ngạc nhiên, vì sao những tiếng nói phản biện của phía nhân dân, mà đại diện là giới trí thức tiên tiến của dân, những người có thông tin, có tâm và có tầm, đã lên tiếng đầy đủ đến thế, có lý có tình thuyết phục đến thế, mà đến nay vẫn như nước đổ lá khoai, mà giới có quyền vẫn ăn nói và xử sự như không hề có làn sóng phản biện?
Minh hoạ cho hiện tượng một bên cứ thắng một bên cứ thua này không gì bằng ví dụ khôi hài mà nhà báo Ngô Nhân Dụng đã mô tả trong bài “Dân chủ cũng như luật đá banh” (Nguồn: x-cafevn.org). Cái sân bóng đá dân chủ XHCN đặc biệt này dốc như sườn đồi, đội nhà nước thì ở bên cao, cầu môn lại hẹp, cầu thủ được quyền đá ẩu, chơi cả bằng tay. Đội của dân thì ở phía thấp, cầu môn lại rộng…, nên để tự nhiên là bóng cứ tự động lăn vào lưới của dân, bên nhà nước cứ đá lờ vờ cũng thắng.
3. Thương nhau thì lại bằng mười phụ nhau
Tại sao Mác lại thiết kế ra cái “sân bóng đá” quái gở như trên? Chính vì Mác muốn cho Vô sản thắng trăm phần trăm, Tư sản thua trăm phần trăm nên đã thiên vị.
Điều oái oăm và bi lịch là: những hậu quả tai hại ấy lại khởi đầu từ những mục đích rất thiện và rất cao cả. Mác muốn trừ khử những bất công, muốn đổi đời cho tất cả những ai bị áp bức, nhưng Mác không hiểu những quy luật tất yếu của xã hội, nên đưa ra những phương án rất không cân bằng, rất thiên vị, nghiêng hẳn về giới cần lao bị trị. Mác chia phần gần như 100 phần trăm cho phía bị trị, giới thống trị bị coi là kẻ thù , chỉ được trú chân tạm thời rồi bị đẩy ra ngoài cuộc chơi, để cho giới bị trị tự chia thành hai đội (nội bộ tự quản) rồi chơi với nhau.
Nhưng nhà thiết kế Các Mác tốt bụng đã lầm to. Do quy luật cạnh tranh sinh tồn nên sau khi bọn thống trị cũ bị tống cổ ra khỏi cuộc chơi thì cái đội “lãnh đạo” từ nội bộ tách ra sẽ chiếm ngay lấy phía sân trên cao, đẩy đa số còn lại về nửa sân phía thấp, và nó cứ duy trì cái sân nghiêng sẵn có và không bao giờ chịu đổi sân nữa. Đội bóng “lãnh đạo” mới này nguy hiểm hơn đội “thống trị” cũ, không thể bị phế truất vì nó vẫn nhân danh là “đội của dân”, hơn thế còn là “đày tớ” tức là có tính “nhân dân” hơn cả nhân dân (nếu dân đã là vô sản thì đội ngũ này còn “vô sản” chân chính hơn nữa kia), nên theo quy định của Mác thì đội này hoàn toàn có quyền làm chủ sân bóng, vừa đá bóng vừa thổi còi,và cứ thế, đội “lãnh đạo” thắng hết trận này đến trận kia trên cái sân nghiêng, không tốn một giọt mồ hôi.
Nếu hiểu đúng quy luật thì Mác phải thấy cả hai cực cai trị và bị cai trị bao giờ cũng song song tồn tại, nên phải thiết kế một sân chơi bằng phẳng, có luật nghiêm minh, không thiên vị bên nào, và cứ sau một hiệp lại phải đổi sân , người lãnh đạo cũ lại trở về dân, dân lại cử người khác làm lãnh đạo. Cái độ nghiêng thiên vị xưa kia của Mác nhằm ép giới thống trị, nay bị đánh tráo và sự hẩm hiu lại ép vào phía nhân dân.
Thiết kế sân chơi như gợi ý của Charles Montesquieu, J.J.Rousseau mới chính là sân chơi công bằng, khách quan, hợp quy luật tiến hoá.
Thế là Mác muốn làm ơn mà nên oán. Học thuyết giải phóng kẻ bị trị lại biến thành lá bùa để kẻ mạnh tước đoạt của kẻ yếu, nước mạnh tước đoạt của nước yếu, cứ ngọt sớt, vì cuộc tước đoạt có vỏ bọc là những “chữ vàng” tuyệt đẹp như một cuộc hợp tác từ thiện hay một cuộc tự nguyện hiến dâng.
Nói cách khác, học thuyết Chuyên chính Vô sản là bà đỡ cho cả nạn NỘI XÂM lẫn NGOẠI XÂM, hai kẻ sinh đôi này tất nhiên câu kết với nhau để cùng tước đoạt quyền làm chủ của dân đối với đất nước. Vong hồn Mác chắc chắn vẫn còn nợ giới cần lao một lời tạ lỗi vì sai lầm lý thuyết ấy.
Hậu quả là ngày nay bất cứ người cộng sản nào cũng phải chọn một trong hai sự “PHẢN BỘI” không thể thoái thác: hoặc là phản lại (hoặc từ bỏ) học thuyết sai lầm để trung thành với nước với dân (cũng là trung thành với tấm lòng và mục tiêu chân chính của Mác), hoặc là cứ “trung thành” với học thuyết sai lầm thì lại phản dân tộc, phản tiến hoá. Người cộng sản tử tế chọn cách “phản” thứ nhất! Còn phần lớn người cộng sản có quyền bính trong tay thì chọn cách “phản” thứ hai, và gọi sự “phản” của họ là đức tuyệt đối trung thành. Thái độ im lặng thực chất là gián tiếp đồng loã với cách phản bội thứ hai.
4. Đặc điểm một cuộc xâm lăng kiểu mới đối với nước ta
Nếu chủ nghĩa bành trướng Đại Hán muốn tái hiện một cuộc Bắc thuộc đối với Việt Nam thì sẽ gặp thuận lợi gì và khó khăn gì?
Thời Pháp thuộc Việt Nam chỉ mất nước chứ không có khả năng đồng hóa Dân tộc ta. Trong lịch sử, Trung Hoa đã nhiều lần muốn đồng hoá Dân tộc Việt Nam, vì họ thừa biết một Dân tộc bị đồng hoá thì bị mất nước vĩnh viễn. Mặc dù có ưu thế của ảnh hưởng Khổng giáo, của nhiều tập tính Đông phương và có biên giới gần gũi để di dân nhưng những thứ đó vào Việt Nam đã bị Việt Nam đồng hoá theo cách riêng của một Dân tộc có phong cách riêng và biết tự tôn nên mưu đồ đồng hoá thất bại.
Ngày nay, những nhân tố ấy vẫn còn, lại được thêm sự hỗ trợ cực kỳ hiệu quả của giáo lý Mác-Lê, của lá bùa xây dựng thiên đường XHCN và khuôn khổ tổ chức Xã hội chủ nghĩa. Lê Chiêu Thống ngày xưa không mảy may điều hành được xã hội, còn Lê Chiêu Thống ngày nay thì khả năng ấy có thừa.
Trong lịch sử 4.000 năm đã có bao giờ bị thất thủ mất đất mất biển đơn giản như thế, đã có bao giờ bị ngoại bang cưỡi lên giữa lưng, tóm lấy yết hầu, chi phối nhân sự dễ dàng như thế? Đã có bao giờ người cầm đầu xã hội bạc nhược đến mức không dám gọi đến tên kẻ đã đánh giết dân mình chứ chưa nói đến có gan chống lại?
Xã hội dân sự rất èo uột vì bị quản lý đến tận hang cùng ngõ hẻm, chỉ biết tuân theo. Đã thế lại bị ảnh hưởng tiêu cực của lối sống thực dụng, màu mè lai căng (thờ phụng một cầu thủ bóng đá, một M.Jackson, nhưng không coi Tổ quốc ra giá trị gì), của tâm lý cầu an chán nản sau chiến tranh quá dài, của thói dối trá và cách sống luồn lọt- xin cho, của lối sống vừa vô cảm vừa tàn bạo, của sự thiếu hụt và tan vỡ lý tưởng nên mất niềm tin, của sự bất lực trong giáo dục…khiến cho đạo đức suy đồi, lòng người ly tán. Một quốc gia như vậy là một quốc gia yếu, làm mồi ngon cho xâm lăng.
Khả năng bị đồng hóa toàn diện nặng nề hơn bao giờ hết. Đã có sự nhập cư ồ ạt không thể kiểm soát của những người Tàu không rõ lý lịch. Thông tin cho biết nhiều kẻ nhập cư lậu thuộc loại chất lượng xấu nhưng vừa chiếm chỗ lao động, vừa lấy được 2-3 người vợ Việt Nam để sinh đẻ cho nhiều ! Chẳng những sẽ bị Hán hóa mà còn lưu manh hóa và mông muội hóa để thành những tộc dân mọi rợ. Dân tộc bị thoái hóa thì sẽ mất nước vĩnh viễn, trở thành quận huyện của người ta, uổng công tổ tiên nghìn đời xây đắp.
Nhưng không phải kẻ xâm lược chỉ gặp thuận lợi. Khó khăn là lịch sử đã dạy cho dân Việt Nam hiểu người láng giềng khổng lồ quá rõ. Dùng mưu mô khó bịp được nhau. Còn dùng vũ lực ư, thì Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa …còn đó chứ đã mất đi đâu?
5. Giải phóng dân mới cứu được nước
Chân lý muôn đời là chỉ có Dân mới cứu được nước. Nhưng thế của Dân hiện nay như thế của một đội bóng trong một cái sân nghiêng rất khó chịu như đã mô tả ở trên: đội “Nhân dân” ở cuối dốc, cầu môn lại rỗng ruễnh, trọng tài là người của bên kia lúc nào cũng sẵng sàng thổi phạt. Mà đội “lãnh đạo” trên đỉnh dốc nay lại thuê rất nhiều “cầu thủ ngoại xâm” cao to và hung dữ, chỉ rình “nuốt sống” đối phương! Đội “nhân dân” chỉ còn cách thúc thủ?
Muốn nhân dân phục hồi sinh lực tất nhiên phải nâng cao DÂN TRÍ và xây dựng một XÃ HỘI DÂN SỰ cường tráng. Nhưng sẽ không thể làm được một việc gì hết nếu không đồng thời cải biến chính cái “sân chơi” kia (mà Mác đã thiết kế): phải giảm dần độ nghiêng đến mức nằm ngang, phải lập lại tổ trọng tài, phải trừng trị kẻ chơi xấu và không được cấm cản cầu thủ đội “nhân dân” một cách vô lý…vân vân…
Nhân dân khác nào vị tướng tài bách chiến bách thắng nhưng còn đang bị giam lỏng, phải trả tự do ngay cho vị tướng này.
Tóm lại là: Khi tiến hành nâng cao DÂN TRÍ và xây dựng Xã HỘI DÂN SỰ phải đồng thời xử lý những giáo lý và thiết chế Mác-xít mới mong giải phóng được sinh lực của Dân tộc, làm nhân tố quyết định để giữ nước. Lịch sử đã tạo ra vấn nạn gì thì lại tạo tiền đề để giải quyết vấn nạn ấy. Một ảo tưởng, trái quy luật đã theo lòng yêu nước xâm nhập vào trong một cuộc chống ngoại xâm, thì khi điều kiện lịch sử ấy qua đi, sẽ được chính lòng yêu nước tiễn đưa ra, cũng bằng một dịp chống xâm lược! Một nguy cơ biết đâu lại chẳng là một cơ hội?
Xây dựng Xã hội Dân sự là sự nghiệp của toàn dân, những người tiên phong có thể là giới trí thức tiên tiến và giới trẻ tiến bộ, nhưng rất cần những điểm tựa tinh thần đang hiện diện. Các vị tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Trọng Vĩnh, Đồng Sĩ Nguyên, Lê Văn Cương…, vốn là những nhân vật bảo vệ nền Độc lập, nhưng trước mối an nguy của vận nước trong vụ Bauxite đã cất tiếng phản biện đanh thép, không khoan nhượng, tự nhiên đã thành biểu tượng của Dân chủ. Cuộc đấu tranh vì sự sinh tồn của Dân tộc đã gắn hai yếu tố Độc lập và Dân chủ lại với nhau. Những vị tướng QUÂN SỰ nếu có thể trở thành những vị tướng DÂN SỰ trong một xã hội Dân sự thì thật đáng mừng.
Trong Xã hội Dân sự thì hai giới NHÀ BÁO Dân chủ và LUẬT SƯ Dân chủ là hai trụ cột cực kỳ quan trọng, nên người muốn phá Xã hội Dân sự bao giờ cũng kiềm chế hai giới này.
Quy chế về cái gọi là “Lề phải” chính là một ngụy biện nhằm mục đích kiềm chế ấy.
-------------------------------------------
PHỤ LỤC :
Khi chuẩn bị viết bài này, một thân hữu từ Côn Đảo đem về cho tôi một hiện vật rất liên quan và có ý nghĩa. Đó là một trong số rất nhiều cột mốc của Trung Quốc sản xuất hàng loạt , cắm quanh Côn Đảo, nhằm khẳng định Côn Đảo là thuộc về Trung Quốc, thế đấy! Tôi gửi đến các độc giả ảnh chụp chi tiết cột mốc này. (HSP)
Cọc mốc của Trung Quốc cắm trên lãnh hải Việt Nam (sát Côn Đảo) :
Cọc mốc cao 50 cm đúc bằng nhựa cứng chuyên dụng
http://bauxitevietnam.info/uploads/2009/07/C%E1%BB%8Dc-m%E1%BB%91c-TQ1.png
4 chữ THỔ ĐỊA GIỚI TIÊU (Cột mốc địa giới) khắc ở mặt trước và mặt sau của cọc
http://bauxitevietnam.info/uploads/2009/07/C%E1%BB%8Dc-m%E1%BB%91c-TQ-2.png
Mặt trên của cọc mốc cũng khắc chìm 4 chữ THỔ ĐỊA GIỚI TIÊU
http://bauxitevietnam.info/uploads/2009/07/C%E1%BB%8Dc-m%E1%BB%91c-TQ-3.png
No comments:
Post a Comment