Wednesday, July 29, 2009

TƯ PHÁP VIỆT NAM : VỪA QUẢNG BÁ ĐẠO ĐỨC VỪA BIỂU DIỄN SỰ MAN RỢ


Vừa quảng bá đạo đức, vừa biểu diễn sự man rợ
Trân Văn, phóng viên đài RFA
2009-07-29
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Both-calls-the-morality-and-performs-the-barbarousness-07292009122912.html
Sáng 20 tháng 7, tại Đà Nẵng, Hội đồng xét xử vụ án “Trần Văn Thanh và đồng bọn, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, đã quyết định tạm hoãn phiên xử này để chờ thời điểm thích hợp.

Hình ông Trần Văn Thanh được đưa đến tòa trên băng ca được đăng tải trên trang web của vnexpress. Screenshot VN express
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Both-calls-the-morality-and-performs-the-barbarousness-07292009122912.html/tranvanthanh-3-305.jpg

Xét xử một thiếu tướng công an
Đây là lần thứ hai, việc xét xử vụ án “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, có liên quan đến ông Trần Văn Thanh, bất thành. Lần trước, hôm 23 tháng 9 năm 2008, khi đưa vụ án vừa kể, với hai trong số ba bị cáo cùng là sĩ quan cấp tá của lực lượng Công an nhân dân, ra xét xử sơ thẩm, hội đồng xét xử đã quyết định tạm ngưng xét xử, trả lại hồ sơ và yêu cầu Viện Kiểm sát Đà Nẵng khởi tố thêm ông Trần Văn Thanh, lúc đó đang là thiếu tướng, Chánh Thanh tra Bộ Công an Việt Nam.
Ông Thanh và hai sĩ quan cấp tá của lực lượng Công an nhân dân đã làm những gì để các cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam phải khởi tố, rồi truy tố họ?
Theo báo chí Việt Nam, vụ án “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, bắt đầu từ việc một số người dân Đà Nẵng, trong đó có hai cụ bà từng được trao tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, gửi đơn tố cáo đến nhiều nơi, rồi ra Hà Nội biểu tình, rải truyền đơn chống ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy và một số cán bộ lãnh đạo của thành phố Đà Nẵng độc đoán, tham nhũng kèm theo nhiều sai phạm khác.
Việc tố cáo, biểu tình, rải truyền đơn này diễn ra trước kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đã làm mất uy tín cũng như gây nhiều khó khăn cho những ứng cử viên bị tố cáo.
Công an Đà Nẵng đã điều tra và phát giác người kích động viết đơn tố cáo, biểu tình, rải truyền đơn là ông Đinh Công Sắt, một thiếu tá cảnh sát giao thông đã bị Công an Đà Nẵng sa thải. Đứng phía sau, hỗ trợ ông Sắt là ông Dương Tiến, thượng tá, Trưởng Văn phòng Đại diện của báo Công an TP.HCM và ông Nguyễn Phi Duy Linh, một người rất thân thiết với thiếu tướng Trần Văn Thanh.
Cuối năm 2007, ông Đinh Công Sắt bị khởi tố. Đầu năm 2008, tới lượt ông Nguyễn Phi Duy Linh và ông Dương Tiến bị khởi tố. Từ ba người này, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Đà Nẵng, xác định kẻ chủ mưu chính là ông Trần Văn Thanh, người mà trước khi trở thành Chánh Thanh tra Bộ Công an, đã từng là Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng.

Xử án tại Nhà hát, bị cáo đến bằng xe cứu thương
Có thể vì những tờ truyền đơn, những lá đơn tố cáo, các cuộc biểu tình đã gây tác hại nghiêm trọng đến uy tín của một vài cán bộ đứng đầu thành phố Đà Nẵng, nên khi đưa ông Trần Văn Thanh và đồng bọn ra xét xử, thay vì tổ chức xét xử bốn bị cáo trong vụ án đã kể tại trụ sở Toà án như tất cả các vụ án khác, Toà án Đà Nẵng đã quyết định biến Nhà hát Trưng Vương – nơi thường được dùng để tổ chức các sự kiện quan trọng nhất của thành phố này – làm phòng xử án.
Hàng ngàn người hiếu kỳ, đổ đến Nhà hát Trưng Vương vào sáng 20 tháng 7 để nghe tội trạng của các bị cáo, xem các cơ quan bảo vệ pháp luật thực thi công lý đã được chứng kiến những gì? Báo chí Việt Nam tường thuật rằng, tất cả cùng thấy bị cáo Trần Văn Thanh được đưa đến phòng xử bằng xe cứu thương. Ông ta nằm bất động trên băng ca, phải thở bằng bình dưỡng khí và tay đang được truyền dịch...
Báo điện tử VnExpress cho biết, bị cáo Trần Văn Thanh đã từng làm đơn xin hoãn xử vì bị tai biến mạch máu não. Ngày 15 tháng 7, Bệnh viện 19 tháng 8 ở Hà Nội xác nhận ông Thanh không đủ sức khoẻ để tham dự phiên xử nhưng Toà án Đà Nẵng không chấp nhận. Do vậy, ông Thanh bị chuyển từ Hà Nội vào Đà Nẵng. Tại Đà Nẵng, ngày 19 tháng 7, Bệnh viện 19 tháng 9 tiếp tục có xác nhận y hệt Bệnh viện 19 tháng 8 song Toà án Đà Nẵng không cứu xét. Do vậy, ông Thanh vẫn phải trình diện Hội đồng xét xử vào sáng 20 tháng 7 trong tình trạng như đã kể.
Sau khi ông Thanh được đưa đến phòng xử, Toà án Đà Nẵng thành lập một Hội đồng giám định y khoa ngay tại Nhà hát Trưng Vương để kiểm tra các kết luận trước đó của hai bệnh viện vừa kể. Chỉ tới khi Hội đồng giám định y khoa đột xuất này chứng nhận, bị cáo Trần Văn Thanh “bị yếu nửa người trái, xuất huyết não, có ổ máu ở thái dương phải, nhịp tim 120 lần/phút, huyết áp 20/10,... Hội đồng xét xử mới chấp nhận đề nghị hoãn xử để cho bị cáo quay về bệnh viện điều trị tiếp!

Chúng ta đang ở thế kỷ thứ 21?
Trước sự kiện này, nhà văn và cũng là blogger Phạm Việt Đào nêu thắc mắc: Vì sao Tòa án nhân dân Đà Nẵng lại có thể đang tâm ứng xử với một bị can đang ở trong tình trạng sức khỏe tồi tệ và nghiêm trọng như vậy trước hàng nghìn cặp mắt của nhân dân đến dự phiên tòa và công luận?..
Ông nêu tiếp một nhận xét khác về những người quyết định hành xử như thế với một cá nhân, mà sức khoẻ đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng: Sự cảnh giác và hoài nghi thái quá của Tòa án nhân dân Đà Nẵng, không thừa nhận, không tin tưởng những kết luận chuyên môn của Bệnh viện 19 tháng 8 tại Hà Nội và Bệnh viện 19 tháng 9 tại Đà Nẵng – cả hai đều do ngành công an quản lý chứ không phải là bệnh viện thuộc ngành y tế - là những việc làm mà theo chúng tôi là đáng ngờ về sự công tâm… Tòa án nhân dân Đà Nẵng đã không thừa nhận kết luận y tế của các cơ quan y tế thuộc ngành công an sẽ gây một phản ứng phụ không đáng có đối với công luận: Các cơ quan chuyên môn, công quyền của Việt Nam thiếu tin cậy, mất lòng tin lẫn nhau nghiêm trọng đến thế ư?
Sau khi so sánh trường hợp của Pinochet, người đã từng bị chính quyền Chile truy tố về tội diệt chủng nhưng Toà án Chile phải hoãn xử nhiều lần vì tình trạng sức khoẻ của Pinochet không tốt, blogger Phạm Viết Đào cho rằng, khi thể xác ông Trần Văn Thanh đã gần như bất động, phải truyền dịch và thở ôxy mà Toà án nhân dân Đà Nẵng vẫn buộc phải đem đến để giám định cho chắc ăn thì đó là việc làm hy hữu trong hoạt động tố tụng của cả Việt Nam lẫn thế giới...
Cùng tham gia bàn luận về sự kiện này trên Internet, ông Nguyễn Quang Lập, một nhà văn khác, đồng thời cũng là một blogger, gọi sự kiện này là điều “không thể hiểu nổi”. Ông Lập viết: Bất luận ông Thanh can tội gì đi nữa thì cũng không thể đối xử với ông ấy như thế. Không nói ông ấy từng là một đảng viên, một thiếu tướng công an, chỉ cần nghĩ ông ấy là một con người cũng không thể đang tâm làm như thế. Vô cảm và quan liêu đến thế ư?


Tuy không đề cập trực tiếp nhưng khi lên tiếng về việc toà án buộc đem một con người đang trong tình trạng thập tử nhất sinh đến phòng xử, cả hai blogger vừa dẫn đều cùng ám chỉ đến một vấn đề đang khiến xã hội nhức nhối, đó là sự băng hoại về đạo đức ở Việt Nam.

Học hỏi đạo đức từ đâu
Sự băng hoại này lan rộng từ hệ thống cầm quyền ra ngoài xã hội. Bất kể hệ thống cầm quyền đã và đang vận động “Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tìm hiểu tư tưởng, noi theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh” và ai dám bảo, các viên chức ra lệnh đem một con người đang trong tình trạng thập tử nhất sinh đến phòng xử không là những phần tử vừa tích cực hưởng ứng, vừa đạt thành tích cao trong cuộc vận động rầm rộ này?
Trước đây, bàn về “Đạo đức và suy thoái đạo đức” tại Việt Nam, một blogger có nick name là Trục Nhật Phi, nhận định: Khi quan hệ đạo đức đã bị các tín điều chính trị và pháp lý lạc hậu hay duy ý chí làm cho méo mó thì kết quả duy nhất chỉ có thể là sự nảy sinh của một nền đạo đức chính thống dung dưỡng thói đạo đức giả trong đó nổi bật là sự dối trá và vô liêm sỉ lên ngôi...
Tình trạng nền cũ đã đổ mà nhà mới chưa thành này, trình hiện trên cả ba phương diện ý thức đạo đức, hành vi đạo đức và quan hệ đạo đức, nên kết quả là chúng ta đang có một nền đạo đức xã hội chủ nghĩa hữu danh vô thực với các quy phạm đạo đức không cần nhân cách hiện đã trở nên phổ biến trong cả các nhóm xã hội như trí thức và thanh niên.
Điều này không chỉ là một đề tài suy ngẫm, vì như người ta đã thấy, các quy phạm đạo đức không cần nhân cách ấy đã dẫn tới sự suy thoái của hệ thống chính quyền trên cả ba phương diện tư tưởng, chính trị và tổ chức cũng như đang đầu độc tất cả các môi trường kinh tế và xã hội, tư tưởng và văn hóa, khoa học và nghệ thuật, thông tin và giáo dục hiện tại ở Việt Nam.

Dấu hiệu của một xã hội bị nguyên thủy hóa
Hồi tháng năm vừa qua, trả lời tờ Pháp Luật về những biểu hiện băng hoại đạo đức trong các quan hệ xã hội, ông Cao Tự Thanh, một nhà nghiên cứu về văn hoá, lịch sử lý giải: Từ hệ giá trị chung bị tan rã. Những chuyện như nhìn mặt thấy ghét: Đánh. Mời nhậu không uống: Chém!… Đều là dấu hiệu của một xã hội bị nguyên thủy hóa. Ở đó nhiều quan hệ lẽ ra phải chặt chẽ trở nên lỏng lẻo, con người dễ hành động theo bản năng hơn. Vì không bị chế định đủ mức cần thiết nên con người dễ buông thả theo khả năng và sở thích của mình. Các chế định xã hội càng thiếu hiệu lực thì cái TÔI cá nhân càng có xu hướng mở rộng tới mức phi lý.
Cũng theo ông Cao Tự Thanh: Hơn 30 năm qua chúng ta vẫn chưa san bằng được sự chênh lệch giữa các nhóm xã hội về dân trí bằng hoạt động giáo dục - thông tin, mà chỉ dạy họ đồng ca một bản hợp xướng chính trị...

San bằng sự chênh lệch về dân trí bằng chính trị là một con đường không có tương lai... Với tư cách là hệ thống chính trị chính thống của quốc gia thì nhà nước Việt Nam còn thiếu một nền tảng hành chính minh bạch và pháp lý nhất quán nên rất hay hô hào đạo đức lý tưởng này nọ.
Còn với tư cách là một bộ máy hành chính thì nó còn rất lạc hậu về quan niệm và kỹ thuật quản lý, dễ đánh đồng quản lý với kiểm soát và kiểm soát với ngăn cấm nên lệnh cấm càng nhiều thì vi phạm càng tăng, thậm chí nhiều nhân viên và cơ quan nhà nước cũng vi phạm. Vì trình độ quản lý chưa được nâng lên tương xứng với các nhu cầu phát triển của xã hội và đất nước nên chính quyền hay hướng tới giới hạn các nhu cầu ấy trong phạm vi năng lực quản lý có hạn của mình, có khi còn hành xử một cách tùy tiện ngẫu hứng, kiểu như toan ra lệnh ngực lép thân lùn không được điều khiển xe máy, suýt nữa đã khoác cho bao nhiêu người một cái tội trời ơi.
Còn có chuyện nhân cách và trình độ của nhiều người trong bộ máy công quyền nữa, đại diện cho quyền lực nhà nước mà phạm tội tư thì dốt nát hung hãn như côn đồ, phạm lỗi công thì lươn lẹo dối trá như lưu manh, ăn hối lộ thì như hạm mà nói đạo đức thì như két, tóm lại có nhiều điều phải chấn chỉnh lắm.

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.


No comments:

Post a Comment