Sunday, July 26, 2009
TRUNG QUỐC XÂM THỰC LÀO BẰNG NGOẠI GIAO "VIỆN TRỢ"
Trung Quốc xâm thực Lào bằng ngoại giao “viện trợ”
Không một thủ đoạn lạt mềm buộc chặt nào mà ông “16 chữ vàng” không làm, nhưng với những nước đàn em cứng cựa hơn một chút thì còn kèm với ra oai dọa dẫm.
Đăng trên tạp chí Shukanshincho số 18.9.2008
Lê Hoàng dịch
Một nhà nghiên cứu người Lào sinh sống tại Nhật bản than thở: “Dọc bờ sông Mekong, những ngôi nhà cao tầng mọc san sát như phố Manhattan (Hoa kỳ). Nếu bàng quan trước sự thâm nhập của Trung Quốc thì sự tồn tại của Nhật Bản ở đây mỗi lúc một nhạt nhòa”.
Như vòng xoay của kim đồng hồ, sự xuất hiện của Trung Quốc đang được đẩy mạnh một cách ồ ạt ở một nước bị bao quanh bởi 5 nước Việt Nam, Cămpuchia, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc. Trong lịch sử, Việt Nam vốn là nước có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với hai nước Lào và Cămpuchia thì nay ảnh hưởng đó ngày càng yếu đi. Thay vào đó, văn hóa Trung Quốc đã tràn vào.
Nguyên nhân trực tiếp là bởi Lào sẽ là nước đăng cai Seagames vào năm 2009. Chính phủ Trung Quốc đã bỏ ra 80 triệu USD xây tặng Lào – là nước vừa không có vốn, vừa thiếu kỹ thuật – một sân vận động hoành tráng. Dù là viện trợ không hoàn lại, không kèm điều kiện ràng buộc, nhưng từ lúc nào đó chẳng hay, chính phủ Trung Quốc đã giành được quyền sử dụng 50 năm một lô đất rộng lớn ngay giữa thủ đô Viên Chăn và một khu phố người Hoa dần dà mọc lên cho 50.000 người Trung Quốc có thể đến ở.
Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, dân số của nước Lào là 5.8 triệu người. Số người Trung Quốc có mặt ở Lào ít nhất cũng là 30.000 người. Nhưng theo báo cáo năm 2008 của Đại học Yale (Hoa Kỳ) thì số người dân Trung Quốc trên thực tế vượt hơn gấp 10 lần.
Nghĩa là ngoài con số “người Hoa cũ”, một con phố cho 50.000 người “Trung Quốc mới” đang được xây dựng ngay trên trung tâm thủ đô, đã đẩy số người Hoa lên tương đương 1% dân số của Lào, hay bằng 10% nhân khẩu của thủ đô. Điều này đã làm cho nhân dân Lào lo lắng sâu sắc. Theo thông tin của phóng viên Mark Tan, báo Asia Times ở Hong Kong, ngay trong nội bộ lãnh đạo của Lào đã có lời phê phán rằng: “Quá trình quyết định không rõ ràng” hay “Có lãnh đạo trong Chính phủ chỉ mới được biết sau khi công bố”. Nhà nghiên cứu người Lào nêu trên nói rằng nếu như vậy thì có khác gì trung tâm thủ đô xem như bị người Trung Quốc chiếm đóng, là mối lo ngại lớn khi ban đầu là 5 vạn nhưng bỗng chốc lại tăng vọt gấp đôi gấp ba, chẳng mấy chốc lan tỏa ra khắp nước. Chính phủ Lào đã không dùng từ “phố người Trung Quốc” và chỉ đạo phải gọi là “Trung tâm hữu nghị Lào – Trung Quốc”, vì lo sợ sự phê phán ở trong cũng như ngoài nước chăng?
Khai thác tài nguyên như nguyện vọng của Trung Quốc
Vào cuối thế kỷ XIX, Lào được sáp nhập vào Liên Bang Đông Dương (thuộc địa của Pháp). Sau khi Nhật Bản thất trận trong thế chiến thứ hai, Pháp đàn áp các phong trào đòi độc lập của Lào, lập lại nền thống trị, ra sức bài xích người Hoa vốn chi phối 80% giao dịch thương mại của Lào vào cuối thập kỷ 1950. Năm 1953 Lào giành được độc lập. Năm 1975 cuộc cách mạng Xã hội chủ nghĩa đã phế bỏ chế độ quân chủ, chính quyền xã hội chủ nghĩa ra đời cũng có những biện pháp bài Hoa như không cho phát hành báo chí tiếng Hoa, tịch thu tài sản, đóng cửa trường học Hoa kiều, v.v.
Mặt khác, vào năm 1979, Trung Quốc đã tiến quân xâm lấn Việt Nam là nước vốn có ảnh hưởng lớn đối với Lào. Đặng Tiểu Bình tuyên bố là sẽ “dạy cho VN một bài học” nhưng đã thất bại thảm hại. Sau đó vào năm 1989, Trung Quốc bị quốc tế cô lập vì sự kiện Thiên An Môn. Năm 1991, Việt Nam kêu gọi Trung Quốc cải thiện quan hệ và người “trung gian môi giới” là Chính phủ Lào. Nhờ vậy hai nước Việt Nam – Trung Quốc đã bình thường hóa quan hệ vào năm 1991. Việc cải thiện quan hệ Việt – Trung đã góp phần thúc đẩy Trung Quốc đi vào ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Đặc biệt là Trung Quốc đã triển khai mạnh mẽ chính sách “ngoại giao viện trợ” ngay sau khi Châu Á rơi vào cuộc khủng hoảng tiền tệ vào năm 1997.
Năm 2000, Chủ tịch Giang Trạch Dân là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Trung Quốc sang thăm Lào, kể từ đó Trung Quốc triển khai một chính sách ngoại giao được gọi là “sức mạnh mềm” cho đến ngày nay. Năm 2003 xây dựng Nhà văn hóa quốc gia, năm 2004 chỉnh trang công viên chung quanh khu vực này. Đồng thời, chính phủ Trung Quốc cũng đã miễn trừ thanh toán những khoản nợ lớn của Lào vào năm 2003. Trong khi tăng cường quan hệ “cho không” một chiều này, Trung Quốc cũng đã giành được trên 263 dự án có tổng trị giá 6.760 triệu USD. Năm 1996 Trung Quốc đầu tư vào Lào 3 triệu USD thì 12 năm sau, kim ngạch này đã tăng hơn 225 lần.
1.3 tổng số tiền này là tập trung đầu tư vào việc phát triển các nhà máy thủy điện. Phần lớn còn lại đưa vào khai thác những tài nguyên mà Trung Quốc rất cần như vàng, đồng, sắt thép, kali, bauxite… và xây dựng rừng cây cao su. Khắp lãnh thổ của Lào phản ánh nhu cầu của Trung Quốc. Nghĩa là Trung Quốc đã khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của Lào như ý muốn và đã được cung cấp đầy đủ.
Trong lúc chiếm đoạt sự giàu có của Lào, Trung Quốc không quên phô trương sự phong phú của hàng hóa Trung Quốc cho người Lào trong đời sống thường nhật. Điều này có thể thấy qua việc khai trương trung tâm thương mại rất hoành tráng vào ngày 1.8.2007. Một cơ sở thương mại sang trọng đã được dựng lên ngay giữa thủ đô gồm 300 gian hàng trong một khu mua bán sầm uất mà 200 gian là của thương gia người Hoa, phần còn lại được dự kiến chia cho người Lào, 80% hàng hóa là những sản phẩm của Trung Quốc. Cơ sở này như đã nói ở trên sẽ là một phần của Trung tâm hữu nghị Lào-Trung. Đây cũng là khu phố người Hoa thứ ba, sau khu phố người Hoa ở Nong-duang và Trung tâm thương mại mậu biên Boten.
“Dạy tiếng Hoa” ở Lào
Chính phủ Lào không cho phép nhưng hầu hết người cư trú ở những khu phố Hoa kiều đều là người Trung Quốc, hàng hóa là sản phẩm từ Trung Quốc, người mua hay bán là người Tàu, kể cả người lao công ở khách sạn, khách đến ở, tất tất là người Trung Quốc. Tóm lại, người Trung Quốc chiếm tất cả. Dù cho người Lào được giành phần nào trong đó nhưng rút cuộc là phải dời sang nơi khác!
Trung Quốc đã đoạt lấy nhiều hơn phần họ đã cho phía Lào. Trong quá trình đó đã hình thành một cơ chế người dân thì bị bóc lột, trong khi một bộ phận quan chức Lào thì sống trong nhung lụa. Lãnh đạo chủ chốt của Chính phủ Lào ngày càng suy nhược trong khi Trung Quốc tiến hành từng bước đồng hóa nước Lào ngay từ lĩnh vực giáo dục.
Trường dạy học bằng Hoa ngữ được thành lập ở Lào từ năm 1973. Đến năm 2001 thì hoàn thành hệ thống trường này từ cấp tiểu học đến cấp học phổ thông. Trong một khuôn viên rộng 57.000 mét vuông, 1.300 học sinh từ cấp tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông (được theo học) để thành tầng lớp ưu tú cho đất nước. Từ năm 1983 sách giáo khoa của Trung Quốc được đưa vào sử dụng và gây dựng giá trị quan Trung Quốc cho tầng lớp trẻ này.
Nhà nghiên cứu người Lào than thở: “Người Lào đã bị Trung Quốc cai trị hoàn toàn, không còn giữ được bản sắc mình là người Lào. Chính phủ Trung Quốc cho rằng sự ngu dốt và hủ bại của Chính phủ Lào là nhân tố thúc đẩy thuận lợi cho việc cai trị của họ. Chúng tôi không biết phải chống cự bằng cách nào mặc dù những người Lào tâm huyết đều tức giận trước sự độc đoán, chuyên quyền, theo chủ nghĩa bí mật, hủ bại của Chính phủ Lào”.
Nhật Bản cũng như nhiều nước châu Âu và Mỹ đều đặt điều kiện về tự do, nhân quyền, dân chủ trong khi viện trợ nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc thì không quan tâm đến những vấn đề này. Tương tự như việc họ vẫn tiếp tục hưởng lợi tài nguyên dầu mỏ, tiếp tục viện trợ cho Chính phủ Sudan trong khi người dân ở Dafur bị tàn sát.
Tháng 8 năm nay, hiệp định đầu tư giữa Nhật Bản và Lào đã được ký kết. Từ trước đến nay Nhật Bản cấp vốn ODA vào những lĩnh vực khiêm tốn như cơ sở hạ tầng ở Lào và nếu không cảnh giác thì xu thế Trung Quốc sẽ không dừng lại ở đây. Có phải Nhật Bản còn phải lo chuyện chính trị trong nước nên không còn hơi sức để ý đến động thái nói trên?
TN Mạng Bauxite Việt Nam biên tập (http://bauxitevn.info/)
Nguồn: Bauxite Việt Nam International (http://bauvinal.info.free.fr/)
No comments:
Post a Comment