Sunday, July 5, 2009
THẬT HƯ CHUYỆN NHẬN TỘI
Thật hư chuyện nhận tội
Lê Phan
Thursday, July 02, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=97406&z=97
Mấy ngày gần đây từ Việt Nam và từ Iran đã có nhiều người bị chính quyền bắt lên các phương tiện truyền thông của chính quyền nhận tội. Ở Việt Nam thì trường hợp nổi bật là Luật Sư Lê Công Ðịnh trong khi ở Iran thì là một phóng viên của tuần báo Newsweek. Ấy là chưa kể chuyện Linh Mục Lê Quang Uy tố cáo là “đã bị công an lừa” ký tên vào giấy tờ nhận tội.
Trong ba trường hợp nổi bật ở trên, có lẽ trường hợp của Linh Mục Lê Quang Uy là rõ ràng nhất vì linh mục chưa bị tù nên còn có thể cho chúng ta biết chuyện thực hư ra sao. Trong một bức thư được phổ biến trên website của VietCatholic.net, linh mục kể lại nội vụ khi vừa đi Hoa Kỳ về, ông bị hải quan giữ lại cái máy laptop, và sau đó đòi ông lên “làm việc” mấy lần. Linh mục kể là khi đến Hải Quan vào ngày 29 Tháng Sáu, ông đã bị “rơi vào chủ quan” vì thấy các cán bộ “ai cũng nói chuyện niềm nở, lịch sử, tử tế” và còn muốn “nhanh chóng kết thúc để họ được tan sở sớm còn chúng tôi thì kịp về nhà thờ để dâng Thánh Lễ.”
Ðây quả là một màn cổ điển trong kỹ thuật điều tra, tạo cảm giác an toàn cho người bị hỏi cung. Linh mục kể tiếp, “Mọi người đã nhắc nhở chúng tôi nhiều lần, bản thân chúng tôi từ lâu cũng luôn luôn cảnh giác, thế mà bây giờ chính mình lại mất cảnh giác, không còn tỉnh táo sáng suốt, đến nỗi lọt bẫy người ta một cách dễ dàng. Chúng tôi không biện bạch, tuy nhiên rõ ràng lúc ấy chúng tôi hoàn toàn bị cô lập với anh em của mình bên ngoài, lại bị thúc hối cho mau xong công việc để ra về kịp giờ Thánh Lễ. Mặt khác, các cán bộ Hải Quan lúc ấy rất đông, quây chung quanh, đưa hết giấy này đến giấy kia để yêu cầu chúng tôi ký, tíu tít cả lên vì ai cũng muốn ra về sớm vì hết giờ làm việc. Họ bảo đây chỉ là biên bản thôi, còn đến ngày 2 Tháng Bảy 2009, hẹn chúng tôi ra trụ sở Hải Quan số 2 Hàm Nghi, quận 1, gặp phòng Tham Mưu Xử Lý Vi Phạm, khi ấy mới bàn đến chuyện thế nào là vi phạm hay không vi phạm và vi phạm thế nào.” Nhưng khi về đến Nhà dòng thì “các anh em trong Dòng xúm lại, đọc kỹ tờ biên bản mới phân tích là chúng tôi đã bị lừa một quả thật to rồi. Chúng tôi đã vô tình hấp tấp đặt bút ký ngay vào dưới hàng chữ ‘người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm’!”
Trường hợp của Linh Mục Lê Quang Uy là bị ru ngủ nên nhắm mắt vào cạm bẫy. Nhưng việc đó chỉ có thể xảy ra trong trường hợp của những người còn đang chưa bị giam giữ. Hình thức áp dụng ở Việt Nam và Iran gay go và đánh mạnh vào tâm lý người bị tù hơn nhiều. Có điều cái gọi là thú tội đó có ý nghĩa gì đâu.
Phóng viên Maziar Bahari, năm nay 42 tuổi, của tuần báo Newsweek, đã bị hãng thông tấn bán chính thức của chính quyền Iran, Fars, nói là đã thú tội. Theo Fars, ông Bahari đã thú nhận với chính quyền Ahmadinejad là “Báo chí Tây phương là một bộ phận của guồng máy tư bản và chính quyền cấp tiến dân chủ của Tây Phương. Khi một nhà báo Tây phương đến Iran, cũng như một chính trị gia hay một chuyên gia, nhà báo phải làm sao cho thích ứng được vào hệ thống Tây phương. Ðối với người đó, quyền lợi của người Tây phương, vốn lợi dụng mọi cơ hội để chống lại Iran, trở thành tối quan trọng.” Ông Bahari còn được dẫn lời nói là các nhà báo Iran có thể bị mua chuộc bởi tiền bạc của các tổ chức thông tin Tây phương để tường thuật cho họ. Ông được Fars dẫn lời nói “Ðiều không may là đôi khi chúng tôi là nạn nhân của lỗi lầm, cảm tưởng sai, hay trở thành quá tham lam, thành ra rơi vào cái bẫy của người ngoại quốc.” Theo hãng thông tấn này, cố gắng của các nhà báo để gây nên cách mạng ở Iran bắt đầu từ hai tháng trước bầu cử. Ông Bahari được dẫn lời nói đã giải thích “Bước đầu là tuyên truyền những tư tưởng đặt câu hỏi cho uy quyền tôn giáo và duy trì là nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran không có ủng hộ của quần chúng và rồi họ nói, bị lấp bóng một chế độ như vậy, tiến trình bỏ phiếu phải bị gian lận, và đã có nhiều cố gắng để làm cho dân chúng tưởng đó là sự thật.”
Ðọc xong những hàng chữ này một người ngoại cuộc có cảm tưởng là ký giả Bahari, nếu quả đã viết những hàng chữ đó, đã tìm cách cố tình làm cho lời thú tội trở thành khôi hài. Bởi nếu quả là các “thế lực thù nghịch Tây phương” làm như vậy thì hóa ra người Iran ngây thơ lắm sao? Vả lại nếu quả như vậy thì ngay chính một cựu tư lệnh của Ðạo Vệ Binh Cách Mạng, nòng cốt của chính quyền cũng bị lừa sao? Khi ông đặt câu hỏi về kết quả bầu cử mà theo ban vận động của ông, không bằng số phiếu của các ủng hộ viên trung thành của ông vốn có hàng trăm ngàn người. Câu chuyện mà ông Bahari đưa ra nghe chẳng khác gì một cuốn tiểu thuyết, và có lẽ đó là mục đích của nó, tiểu thuyết hóa để cho thấy rõ đây không thể là sự thật.
Ở một khía cạnh nào đó, cái mà chính quyền Hà Nội gọi là lời thú nhận của Luật Sư Lê Công Ðịnh cũng quái đản và đầy tính tiểu thuyết như lời khai của nhà báo Bahari. Trong trường hợp Luật Sư Ðịnh, nhà nước Việt Nam còn văn minh hơn nhà nước Iran, đưa ra một đoạn video clip ghi cảnh Luật Sư Ðịnh đọc bản tường trình ăn năn nhận tội.
Nhưng theo một luật sư ẩn danh đã nhận xét trên đài Á Châu Tự do RFA thì “Video clip ghi cảnh Luật Sư Lê Công Ðịnh đọc bản tường trình được Bộ Công An Việt Nam công bố ở lần họp báo thứ hai do họ tổ chức hôm 18 Tháng Sáu. Vào thời điểm đó, ông Ðịnh vẫn còn đang bị tạm giữ, chưa bị khởi tố. Tôi muốn nhấn mạnh yếu tố này, bởi vào thời điểm Bộ Công An công bố video clip, ông Ðịnh vẫn còn là một công dân với đầy đủ các quyền hiến định, những quyền này chưa bị hạn chế, vì ông chưa phải là bị can trong bất kỳ vụ án nào. Cả chính quyền lẫn công an phải tôn trọng các quyền mà điều 73 của Hiến Pháp dành cho mọi công dân, trong đó có ông Ðịnh. Giống như mọi công dân khác, ông Lê Công Ðịnh được pháp luật bảo hộ về danh dự, nhân phẩm. Trong quá trình bị tạm giữ, người bị tạm giữ có thể thừa nhận chuyện này, phủ nhận chuyện kia nhưng cơ quan điều tra không có quyền sử dụng những thông tin đã thu thập trong quá trình điều tra để công bố trước công chúng theo hướng hạ thấp danh dự, nhân phẩm của bất kỳ công dân nào đang bị tạm giữ, kể cả ông Ðịnh.” Như vậy, theo ông luật sư ẩn danh này thì công an đã phạm tội khi công bố những lời gọi là thú tội này của Luật Sư Ðịnh, và Luật Sư Ðịnh, hiểu luật đã “gài” cho công an phạm pháp!
Như vậy thì nói cho cùng những loại thú tội kiểu này còn chết người hơn là đừng thú tội. Ấy vậy mà các chính quyền độc tài vẫn cứ thích làm sao có được thú tội. Chả thế mà thời còn mồ ma Stalin, đã có một khoa học gia nhận tội là mình đã tiết lộ cho đế quốc Mỹ công thức về acide sulfurique H2SO4!
Lê Phan
No comments:
Post a Comment