Sunday, July 19, 2009

TÂY TANG - TÂN CƯƠNG và NHỮNG SAI LẦM của HỒ CẨM ĐÀO


Tây Tạng, Tân Cương và những sai lầm của Hồ Cẩm Đào
Tú Anh
Bài đăng ngày 19/07/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 19/07/2009 17:46 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/115/article_4253.asp
Bạo loạn tại Tân Cương làm chủ tịch Trung Quốc khẩn cấp về nước, bỏ ngang hội nghị G8 và chuyến công du Bồ Đào Nha. Qua sự kiện hy hữu này, ông Hồ Cẩm Đào chứng tỏ mình là người duy nhất có quyền ra lệnh cho quân đội can thiệp và cũng là người duy nhất sai khiến được « chủ nhân » Tân Cương, Vương Lạc Tuyền. Đàn em của Vương Lạc Tuyền không ai khác hơn là Trương Khánh Lê, bí thư Tây Tạng thởi nổ ra bạo loạn năm ngoái.

Trong loạt bài « những ngày thù hận tại Địch Hóa » và « những thất bại của Hồ Cẩm Đào », tuần báo cảnh tả Pháp Le Nouvel Observateur tường thuật những phương pháp ổn định trật tự của Trung Quốc. Thoạt đầu chỉ có 200 sinh viên biểu tình một cách bất bạo động đòi công lý. Một tuần trước đó, cách Địch Hóa 3000 cây số về phía Nam, ở tỉnh Quảng Đông, hai công nhân người Duy Ngô Nhĩ bị hàng trăm công nhân người Hán « đánh hội đồng » đến vong mạng chỉ vì một tin đồn họ hãm hiếp một cô gái người Hán.

Phải chăng vì cảnh sát đàn áp mà hai trăm thanh niên này biến bất mãn thành hành động. Trong nhiều tiếng đồng hồ, hàng trăm thanh niên Duy Ngô Nhĩ tràn ra các ngã đường, gặp ai giết đó, làm 184 người chết đa phần là người Hán. Còn phía cộng đồng Duy Ngô Nhĩ thì nói rằng hàng trăm thanh niên Duy Ngô Nhĩ bị công an võ trang bắn chết và chở xác đi phi tang.

Hai hôm sau, hàng trăm thanh niên người Hán cầm dao cầm gậy tìm giết người Duy Ngô Nhĩ để trả thù. Nhưng các hình ảnh này không được các cơ quan truyền thông nhà nước tường thuật. Đài truyền hình chỉ chiếu đi chiếu lại cảnh xe cảnh sát bị đốt cháy, rồi cảnh sát được tiếp đón nồng nhiệt và trong tình « đoàn kết dân tộc » họ cấp phát lương thực cho những người Duy Ngô Nhĩ trong bộ y phục lể hội dân tộc.

Bên cạnh hình thức tuyên truyền loại văn bia lưỡi gỗ này, chính quyền quy cho « các thành phần thù địch do các thế lực bên ngoài giựt dây » là thủ phạm mà người cầm đầu là bà Rebiya Kadeer, nguyên là tù nhân lao cải, lãnh đạo Đại hội Người Duy Ngô Nhĩ trên thế giới, tập hợp gần 50 tổ chức lớn nhỏ, Cải tạo, tù đày không làm lay chuyển được tinh thần và quyết tâm của người được mệnh danh là « bà mẹ Duy Ngô Nhĩ ». Kẻ bắt nhốt bà và rồi sau đó phải thả bà không ai khác hơn là Vương Lạc Tuyền, bí thư đảng ủy Tân Cương mà người dân địa phương gọi là « bạo chúa của thời đại ».

Theo báo Nouvel Observateur, giữa Hồ Cẩm Đào và Vương Lạc Tuyền, mối quan hệ rất đặc biệt. Hồ Cẩm Đào là ô dù của Vương Lạc Tuyền đưa ông ta vào bộ chính trị vào năm 2002. Ngược lại, Vương Lạc Tuyền là mưu sĩ của Hồ Cẩm Đào trong chính sách sắc tộc không phải chỉ riêng đối với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Hồ Cẩm Đào thăng tiến đến chức Tổng bí thư là nhờ uy tín trấn áp được phong trào nổi dậy tại Tây Tạng vào năm 1989 khi ông ta đứng đầu vùng tự trị này.

Theo nội quy của đảng cộng sản Trung Quốc, nhiệm kỳ bí thư cấp ủy chỉ có 10 năm nhưng Vương Lạc Tuyền ngồi tại Tân Cương đã 15 năm. Tay bạo ngược này kiểm soát toàn bộ kinh tế Tân Cương. Người dân địa phương thì thầm là ông ta sắp xếp cho con cái và người trong gia tộc vào chức vụ chỉ huy các công ty quản lý tài nguyên khổng lồ tại khu tự trị này.

Hơn thể nữa, Vương Lạc Tuyền còn biến Tân Cương thành thí điểm của chính sách « bình định » các sắc dân thiểu số, kiểm soát tôn giáo, giới hạn sinh hoạt văn hóa các sắc dân bản địa và nhất là đưa người Hán ồ ạt lên định cư.Trong vòng 10 năm hơn 2 triệu người Hán chọn Tân Cương làm xứ sở.

Tại Tây Tạng, bí thư Trương Khánh Lê là đệ tử của Vương Lạc Tuyền và cũng là đàn em của Hồ Cẩm Đào, nổ lực bắt chước sư phụ. Nhưng kết quả tệ hại hơn. Cuộc nổi dậy của người Tây Tạng hồi tháng ba năm ngoái làm ông Trương Khánh Lê mất chức.Số phận của Vương Lạc Tuyền chắc chắn sẽ không khá hơn.

Trong ngắn hạn, hai thất bại trên đây của biện pháp mạnh tạm thời chưa làm lung lay đường lối của ban lãnh đạo đảng Cộng sản. Nhưng nếu bạo loạn tái diễn thì chắc chắn nó sẽ tác động lên cuộc đua giành quyền thay thế Hồ Cẩm Đào dự trù vào năm 2012.

No comments:

Post a Comment