Friday, July 24, 2009
SỐNG LÂU THÌ CHẬT ĐẤT NÀO ?
SỐNG LÂU THÌ CHẬT ĐẤT NÀO ?
Phạm Trần
Đăng ngày 23/07/2009 lúc 13:31:06 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3965
Các cụ ta thường nói đùa với nhau lúc về già: “Càng già càng lú!”, hay nếu có ai ngang tuổi làm phật lòng thì các cụ rủa: “Sống lâu chật đất”. Đem cả hai trường hợp mà nói về đảng Cộng sản Việt Nam, sau 79 năm hiện diện trên đất nước Việt Nam thì đều đúng cả.
Bằng chứng nhiều vô kể, nhưng chỉ riêng chuyện vào thời buổi hầu hết người dân trong nước đã ngán hai chữ “Cộng sản” đến tận mang tai mà những người cầm đầu ngành tuyên truyền vẫn cứ ra sức hét vào tai và tròng vào cổ mọi người cái chủ nghĩa thoái trào Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản lạc hậu Hồ Chí Minh, thì có lẽ đất nước đã đến thời mạt vận.
Trước hết hãy nhắc lại trong lần họp dài 7 ngày của Hội nghị 10 kết thúc hôm 4/7, Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN (khoá X), đã không đạt được kết quả chung cuộc như các lần họp Trung ương trước. Lý do họ đưa ra là “vẫn còn có ý kiến khác nhau hoặc cần được làm rõ” trong 2 vấn đề quan trọng: Bổ sung “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” và “tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2001 - 2010 và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011 – 2020”.
Thông báo sau cùng của khoá họp không nói nhiều đến những ý kiến trái chiều, nhưng đầy là lần đầu tiên đảng nhìn nhận không có sự đồng thuận trong thành phần lãnh đạo cao cấp nhất về 2 vấn đề đã được nghiên cứu, thảo luận trong vài năm.
Tuy nhiên đến ngày 16/7 thì “quân bài đã bị lật ngửa”. Những ý kiến khác nhau đã được hoá giải và cho vào khuôn, vào phép để tiếp tục lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tường Hồ Chí Minh để làm nền tảng xây dựng đất nước “quá độ” lên Chủ nghĩa Xã hội như Cương lĩnh 1991 quy định.
Phùng Hữu Phú, Giáo sư, Tiến sĩ, Ủy viên Trung ương đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên Giáo Trung ương là người đã được lệnh nói hết cái ý thầm kín của đội ngũ lãnh đạo trong loạt bài dài 5 kỳ đăng trong Tạp chí Tuyên giáo gọi là “Tìm hiểu Hội nghị Trung ương 10”.
Ông Phú viết trong phần “Đảng Cộng sản Việt Nam và công tác xây dựng Đảng” như sau:
“ Đề cương diễn đạt bản chất của Đảng như Văn kiện Đại hội X: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc.
“ Khẳng định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Cụ thể hoá, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với bối cảnh của đất nước và thời đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; là di sản tư tưởng và lý luận vô cùng to lớn và quý giá, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta”.
Như vậy là không có thảo luận và cũng không có “ý kiến khác nhau” trong kỳ họp 10 về vấn đề then chốt này. Điều này cho thấy những người có trách nhiệm cao nhất trong đảng vẫn chưa mở được hai con mắt sau 18 năm thi hành Cương lĩnh tụt hậu 1991. Họ tiếp tục chúi đầu xuống cát để bắt người dân cũng lầm đường lạc lối lẽo đẽo đi sau các dân tộc láng giềng thêm nhiều chục năm nữa.
Ông Phú biện giải về cái “thiên đàng” xã hội chủ nghĩa kiểu Việt Nam như thế này: “Đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng: Xoay quanh đặc trưng nói về mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”, Trung ương thảo luận và nhấn mạnh: Dân chủ là mục tiêu, là động lực, phản ánh bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là nguyện vọng thiết tha của Đảng và nhân dân ta. Qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị đưa “dân chủ” lên trước “công bằng”, Trung ương nhất trí tạm diễn đạt mục tiêu chung là: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nội dung“dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”, hay đổi lại thứ tự là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ , công bằng, , văn minh” có nói lên điều gì mới mẻ không ? Những câu, chữ này đã được thực hiện từ 18 năm qua mà có thay đổi được đời sống của đại đa số dân nghèo đâu ?
Hãy làm một bài tính từ con số 85 triệu người dân trừ đi trên 3 triệu đảng viên đảng CSVN thì có bao nhiêu con người được hưởng những thứ kêu to hơn sấm ấy ? Vì vậy, dù có sắp lại thứ tự câu chữ thì khẩu hiệu tuyên truyền này vẫn vô duyên, lãng nhách. Những kẻ có chức, có quyền vẫn ăn trên, ngồi trốc, vẫn tiếp tục bóc lột, hành hạ dân như chúng vẫn đang làm.
Còn việc “quá độ” thì sao, ông Phú ba hoa tiếp: “Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là một quá trình lâu dài, tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong nước và thế giới, phân kỳ như thế nào là vấn đề rất khó và phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, vì vậy chưa nên và chưa thể xác định các mốc cụ thể của toàn bộ con đường này. Tuy nhiên, căn cứ vào yêu cầu và tình hình thực tiễn ở nước ta, hầu hết các ý kiến đồng tình là cần xác định mục tiêu: Đến giữa thế kỷ XXI nước ta phải hoàn thành công nghiệp hoá, hiện đại hoá để trở thành một nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cần nghiên cứu và làm rõ hơn các tiêu chí phản ánh mục tiêu này”. Lạ chưa ? Đảng đã lôi dân đi thi đua “quá độ” mất 18 năm ròng, từ khi “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” ra đời năm 1991 thế mà giờ đây, đến kỳ Hội nghị 10, vẫn chưa biết đến bao giờ tới đích thì quả là mơ hồ và phiêu lưu.
Từ trước tới nay, đảng CSVN vẫn tuyên truyền đến năm 2020 thì Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hoá, bây giờ họ lại lấy thời điểm giữa thế kỷ XXI thì đảng Viêt Nam sẽ “hoàn thành công nghiệp hoá, hiện đại hoá để trở thành một nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Nhưng kinh tế theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” là thứ kinh tế gì, theo Tư bản còn sống hay theo Cộng sản đang nằm dưới đáy mồ?
Đường lối kinh tế của Việt Nam từ ngày có “đổi mới”, bắt đầu từ thời Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư đảng năm 1986, là thứ kinh tế dựa theo Tư bản để tồn tại nhưng do Nhà nước kiểm soát và chi phối. Đảng CSVN không dám nhận làm kinh tế theo Tư bản vì sợ xấu hổ chứ thật ra họ chẳng có “định hướng xã hội chủ nghĩa” nào cả.
Vậy mà, Phùng Hữu Phú vẫn có thể phồng mang, trợn mắt hùa theo bài bản cũ chép lại để loè mọi người: “Trung ương nhất trí, cần căn cứ tinh thần Đại hội IX và Đại hội X, khẳng định phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, trình bày rõ hơn trong Cương lĩnh bổ sung và phát triển những yếu tố bảo đảm giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa nền kinh tế thị trường của nước ta, như: thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân; khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xoá đói, giảm nghèo; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm vai trò quản lý, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với hội nhập kinh tế quốc tế”.
Nhưng khi kiểm điểm lại tình hình từ 2006 đến 2010, ông tiến sĩ (!) Phú lại nhìn nhận: “Nguyên nhân của mặt hạn chế, yếu kém là: mô hình chủ nghĩa xã hội mà chúng ta xây dựng còn mới mẻ, chưa có tiền lệ; công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển; việc tổ chức chỉ đạo thực hiện còn có những khuyết điểm”.
Tại sao ? Vì đảng CSVN, từ sau năm 1975, không có gì gọi là “mới mẻ” cả. Họ làm việc gì cũng chộp, giật để dò đường, thử nghiệm và giở giăng, giở đèn, Cộng sản không ra Cộng sản mà tư bản cũng không ra tư bản. Đảng vừa đánh vừa run, thập thò cửa lỗ nên nhân dân mới chết đứng giữa đường. Chỉ có những kẻ có chức, có quyền mới biết nhanh chân, chộp lẹ nên làm giầu nhanh chóng trở thành những tư bản đỏ một sớm một chiều khiến bất công và chênh lệch giầu, nghèo trong xã hội ngày một dãn ra, sâu thêm.
Cũng nên biết Cương lĩnh 1991, theo Phùng Hữu Phú, đã: “Nhấn mạnh trong điều kiện Đảng cầm quyền, để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải trong sạch và vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có đủ trình độ trí tuệ và năng lực lãnh đạo; không phạm sai lầm về đường lối, gắn bó máu thịt với nhân dân, giữ vững truyền thống đoàn kết; có phương thức lãnh đạo khoa học, phù hợp”.
Nhưng thực tế ngược lại. Đảng càng “chỉnh” thì cán bộ càng “đốn” nên, theo ông Phú: “Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa tạo được chuyển biến căn bản, những yếu kém về mặt xã hội, cộng thêm những khó khăn về việc làm, đời sống do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế làm cho tình hình tư tưởng vẫn còn diễn biến phức tạp…”.
Hội nghị 10 cũng đồng tình: “Tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi”. Nhưng đây cũng chẳng phải là điều gì mới lạ. Hội nghị Trung ương lần nào cũng nói như thế nên nghe mãi cũng chán.
Riêng trong lĩnh vực tư tưởng, lối nói “còn diễn biến phức tạp” chỉ phản ảnh tình trạng không chỉ có người dân mà cả đa số cán bộ, đảng viên cũng đã chán ngấy quyết định tiếp tục duy trì chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng cộng sản lỗi thời Hồ Chí Minh.
Vậy khi người dân đã chán nghe đảng thì đảng có còn “máu-thịt” gì với nhân dân đâu mà tồn tại?
Phạm Trần
23/07/2009
© Thông Luận 2009
No comments:
Post a Comment