Friday, July 24, 2009
SINH TỬ PHÙ (CÁI HÈN CỦA GIỚI LÃNH ĐẠO CỘNG SẢN VIỆT NAM)
Sinh tử phù
Phạm Phương Sài
24/7/2009
http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do;jsessionid=41FA4A32C79816E68B99F6F88C982B59?action=viewArtwork&artworkId=8982
Vài suy nghĩ sau khi đọc bài “Sao bỗng dưng họ lại hèn vậy”
Tôi nghĩ rằng nguyên nhân chính làm cho giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay hèn nhược, không dám có những động thái tích cực để phản đối lại chính sách càng ngày càng o ép của nhà cầm quyền Bắc Kinh — thậm chí khi Bắc Kinh có cả những động thái cố ý làm nhục đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam với chính nhân dân Việt Nam và với cộng đồng quốc tế — là vì nhiều phần trong họ đã bị cấy một thứ ‘sinh tử phù’. Hay nói nôm na là họ đều đã bị Bắc Kinh ‘bắt thóp’ các yếu điểm của mình.
Trước sự mưu mô xảo quyệt có tính toán lâu dài của chính quyền Trung Quốc thì giới lãnh đạo Việt Nam là những con cừu non. Lịch sử đã cho thấy sự ảnh hưởng và tầm khống chế của Bắc Kinh đối với giới lãnh đạo đảng CSVN từ thời Hồ Chí Minh. Chỉ một giai đoạn ngắn trong cuộc chiến tranh biên giới 1979 là phần nào thoát ra sự kềm toả của Trung Quốc.
Các loại ‘sinh tử phù’ này có nhiều hình thái khác nhau, và được sử dụng tuỳ vào từng đối tượng, nhưng tựu trung chúng đều nhắm tới sự an nguy và quyền lợi của từng cá nhân để khống chế.
Chúng có thể là các hành vi vi phạm đạo đức (chuyện gái gú chẳng hạn); hay có thể là việc có người thân, của cải, một cách nào đó, bị giữ làm con tin; hay ngay cả niềm tin mù quáng của một số lãnh đạo cao niên vào tinh thần của chủ nghĩa cộng sản cũng là một thứ con tin của họ.
Tình trạng hèn hạ, khiếp nhược của từng cá nhân sẽ dẫn đến sự hèn nhược của cả tập thể lãnh đạo đảng, theo kiểu tất cả cùng hèn, hay cha chung không ai khóc; không có cá nhân nào chịu trách nhiệm rõ ràng trước các chiến lược, chính sách của nhà nước trong từng giai đoạn.
Lãnh đạo hèn nhược như vậy thì không trách gì phần lớn nhân dân lãnh cảm với tình hình nguy nan của đất nước. Tâm lý ích kỷ, cầu an, vun vén, né tránh... trở nên thứ tâm lý chủ đạo trong toàn xã hội.
Hèn nhược trước Bắc Kinh, nhưng cái đau đớn và trớ trêu là họ lại sẵn sàng thẳng tay đàn áp những người Việt Nam cất tiếng nói yêu nước. Đồng thời, họ điều hướng tinh thần nhân dân qua những sự kiện xã hội không mấy quan trọng, thậm chí vô bổ và nhảm nhí. Ví dụ như việc cho tuổi trẻ xả sì-trét theo kết quả các trận bóng đá chẳng hạn. Tôi mơ rằng giá mà chỉ cần 0,1% năng lượng của tuổi trẻ xuống đường trong trận chung kết bóng đá Việt Nam thắng Thái Lan vừa qua được bỏ vào một cuộc xuống đường phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa – Trường Sa!
Người dân vừa khinh bỉ và mất lòng tin vào giới lãnh đạo vừa sợ hãi sự chuyên nghiệp và sắt máu của hệ thống công an.
Theo thời gian, nỗi sợ hãi này có phần vơi dần đi một ít, nhưng nó vẫn còn ám ảnh trong hành vi và suy nghĩ của từng con người. Người ta có thể mạnh miệng phê phán các lãnh đạo một cách chung chung trong bàn cà phê, nhưng vẫn không dám chỉ trích một cá nhân lãnh đạo cụ thể nào.
Tự do, dân chủ... vẫn còn là những khái niệm khá xa lạ với số đông quần chúng. Đa số người dân bình thường vẫn hạ thấp giọng xuống khi nói đến những từ này giữa đám đông. Hai từ này thường xuyên xuất hiện trên các mặt báo chính thống, nhưng người dân vẫn rất nghi ngại, dè dặt khi chạm đến chúng trong đời sống thường ngày. Tự do, dân chủ gần như đồng nghĩa với mầm mống phản động. Kêu đòi nới rộng tự do, dân chủ là hành vi phản động.
Từ sự hèn nhược của cả tập thể lãnh đạo Đảng dẫn đến sự nhân nhượng thái quá trước Trung Quốc, hết nhân nhượng này đến nhân nhượng khác, từ đất đai biên giới đến những quyền lợi về kinh tế; dẫn đến việc điều hành đất nước kém cỏi và phản bội lại lợi ích của dân tộc.
Nguy cơ Bắc thuộc là điều khó thể tránh khỏi trong tương lai gần.
Sài Gòn, 24/7/2009
------------------------------------------
SAO BỖNG DƯNG HỌ LẠI HÈN VẬY ?
No comments:
Post a Comment