Monday, July 6, 2009
ĐỐI THOẠI VỚI CÁC LINH HỒN (Đọc MA CHIẾN HỮU)
Đối thoại với các linh hồn
Ban Mai
6.07.2009
http://damau.org/archives/7230
Đọc Ma chiến hữu của Mạc Ngôn
“Ai da! Đau quá! Đau quá, mẹ ơi! Đau quá,
Thân hình con đã bị đạn xuyên qua.
Viên đạn xuyên qua đập vào thân cây con đang tựa,
Nó cũng bị thương rồi kêu lên thê thảm: Mẹ ơi!”
(Ma chiến hữu)
Chiến tranh! Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của nhân loại như là một định mệnh! Có những cuộc chiến chính nghĩa, nhưng hầu hết đều là chiến tranh phi nghĩa.
Cho dù chính nghĩa hay phi nghĩa, chiến tranh bao giờ cũng mang đến những bi kịch thảm khốc cho nhân loại. Nó là vết thương không bao giờ lành da trên số phận mỗi con người, cũng như mỗi dân tộc. Lý do để khởi động chiến tranh đôi khi rất mơ hồ, vô lý: “Một bài học” mà giới lãnh đạo một nước này muốn dành cho một nước khác.
Ma chiến hữu của Mạc Ngôn là cuốn tiểu thuyết viết về một cuộc chiến tranh như vậy.
Mạc Ngôn tên thật là Quản Mạc Nghiệp, sinh tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Thời thơ ấu, đang học tiểu học, Mạc Ngôn phải nghỉ học giữa chừng vì Cách mạng văn hoá. Ông phải tham gia lao động nhiều năm ở nông thôn, chăn dê ngoài đồng. Thời gian này ông luôn bị đói khát và cô đơn. Năm 1976 Mạc Ngôn nhập ngũ. Đến năm 1984, ông trúng tuyển vào khoa Văn thuộc Học viện Nghệ thuật Quân Giải phóng và tốt nghiệp năm 1986. Tháng 10 năm 1987 ông chuyển ngành, hoạt động trên lĩnh vực báo chí và viết văn chuyên nghiệp. Năm 1981, Mạc Ngôn bắt đầu công bố tác phẩm, đến nay ông đã cho in 10 truyện dài, 20 truyện vừa, hơn 60 truyện ngắn và 5 tuyển tập gồm những bài ký, phóng sự, tùy bút… tổng cộng trên 200 tác phẩm. Mạc Ngôn từng được thế giới biết đến qua tác phẩm Cao lương đỏ do Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim. Bộ phim giật giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1994. Tháng 12.1995, Báu vật của đời đạt giải nhất về tiểu thuyết của Hội Nhà văn Trung Quốc. Đàn hương hình đạt giải Mao Thuẫn. (1)
Tác phẩm Chiến hữu trùng phùng, Mạc Ngôn viết năm 1992, đến năm 2008 Nxb Văn học và công ty văn hóa Phương Nam mua bản quyền phát hành. Dịch giả Trần Trung Hỷ dịch sang tiếng Việt lấy tựa đề Ma chiến hữu. Sau khi xuất bản và lưu hành ở Việt Nam cuốn tiểu thuyết đã dấy lên một làn sóng tranh luận mạnh mẽ tại các trang web và blogger Việt Nam (2) vì tác phẩm đề cập đến một vấn đề “nhạy cảm” của hai quốc gia: cuộc chiến tranh biên giới Trung – Việt năm 1979, cách đây đúng 30 năm.
***
Vài nét về chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979 (3)
Chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979 là một cuộc chiến ngắn nhưng khốc liệt giữa Trung Quốc và Việt Nam, nổ ra vào ngày 17 tháng 2 năm 1979 khi Trung Quốc đem quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước. Chiến tranh biên giới Việt – Trung xuất phát từ quan hệ căng thẳng kéo dài giữa hai quốc gia.
Việt Nam là đất nước mà lịch sử có cả ngàn năm chịu sự xâm lược của Trung Quốc. Vào thế kỷ 20, từ khi hai nước có sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, mối quan hệ càng trở nên tế nhị: vừa là “anh em” vừa tiềm ẩn những nguy cơ xuất phát từ tham vọng bá quyền nước lớn của Trung Quốc. Càng tế nhị hơn trong mối quan hệ tay ba Việt Nam – Liên Xô – Trung Quốc. Từ tuyên bố chủ quyền của nước Việt Nam thống nhất năm 1975 đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; cách ứng xử của Việt Nam đối với người Việt gốc Hoa; và cố gắng của Việt Nam trong việc xây dựng quan hệ chặt chẽ giữa ba nước Đông Dương được Bắc Kinh xem là nỗ lực nhằm thống trị Đông Dương và là ví dụ về “sự hỗn xược của Việt Nam”. Năm 1975, Trung Quốc cho Campuchia vay không lấy lãi 1 tỷ USD và kí kết một hiệp ước quân sự bí mật với chính quyền Khmer Đỏ vào tháng 2 năm 1976. Cùng lúc căng thẳng Việt Nam – Trung Quốc lên cao thì ở biên giới phía Tây Nam của Việt Nam, chính quyền Khmer Đỏ, với sự bảo trợ của Trung Quốc, cũng bắt đầu leo thang hoạt động quân sự xâm lấn Miền Nam Việt Nam. Các xung đột lẻ tẻ ở khu vực này đã nhanh chóng bùng nổ thành Chiến tranh biên giới Việt Nam – Campuchia với hệ quả là Việt Nam đưa quân vào Campuchia lật đổ chính quyền diệt chủng Khmer Đỏ. Đứng trước tình hình đó, cùng với việc Việt Nam ký kết Hiệp ước Việt Nam – Liên xô 1978 đã làm Đặng Tiểu Bình tức giận và quyết “dạy cho Việt Nam một bài học” đồng thời cũng nhằm phân chia lực lượng quân sự của Việt Nam để giúp chính quyền diệt chủng Khmer Đỏ. Bên cạnh đó, Trung Quốc muốn thử nghiệm chiến thuật quân sự phòng thủ chủ động, đưa cuộc phòng thủ biên giới vào sâu lãnh thổ đối phương. Ngoài ra, theo một số nhà nghiên cứu quân sự Tây phương, về mặt chiến lược, Trung Quốc thử nghiệm một cuộc chiến tranh biên giới có giới hạn để thăm dò khả năng tương trợ của Liên xô, sau khi Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế SEV, và ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Liên Xô (1978), trong đó có điều khoản về tương trợ quân sự. Nếu thảo ước này được tuân thủ nghiêm ngặt, theo nhận định của Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nó sẽ là hiểm họa quốc phòng lớn vì đặt Trung Quốc vào tình thế lưỡng đầu thọ địch khi xảy ra chiến tranh với Việt Nam hoặc Liên Xô.
Cuộc chiến kéo dài trong chừng một tháng với thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho cả hai phía. Cuộc chiến kết thúc khi Trung Quốc hoàn thành rút quân vào ngày 18 tháng 3 năm 1979, sau khi chiếm được các thị xã Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, và một số thị trấn vùng biên. Mặc dù Trung Quốc tuyên bố rút quân, chiến sự vẫn tiếp diễn ở một số nơi. Dân thường Việt Nam vẫn tiếp tục bị giết, chẳng hạn như vụ thảm sát ngày 9 tháng 3 tại thôn Tổng Chúc, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, khi quân Trung Quốc đã dùng búa và dao giết 43 người, gồm 21 phụ nữ và 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai, rồi ném xác xuống giếng hoặc chặt ra nhiều khúc rồi vứt hai bên bờ suối. Trong thời gian chuẩn bị rút quân, Trung Quốc còn phá hủy một cách có hệ thống toàn bộ các công trình xây dựng, từ nhà dân hay cột điện, tại các thị xã thị trấn Sapa, Đồng Đăng, Lạng Sơn…
Mục tiêu của Trung Quốc buộc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia không thành, nhưng cuộc chiến để lại hậu quả lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam và quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Xung đột vũ trang tại biên giới Việt – Trung còn tiếp diễn thêm 10 năm.
Tại Việt Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 đã được nhắc tới trong hai bộ phim Đất mẹ (1980) của đạo diễn Hải Ninh và Thị xã trong tầm tay (1982) của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Năm 1982, một bộ phim tài liệu với tựa đề Hoa đưa hương nơi đất anh nằm do Trường Thanh thực hiện để nói về một nhà báo người Nhật chết trong thời gian đưa tin chiến tranh biên giới, bộ phim này sau đó đã được đánh giá cao ở Nhật Bản. Trong thời gian chiến tranh biên giới nổ ra và những năm sau đó, hàng loạt bài hát Việt Nam về đề tài chiến tranh và bảo vệ tổ quốc cũng ra đời như Chiến đấu vì độc lập tự do của nhạc sĩ Phạm Tuyên, Lời tạm biệt lúc lên đường của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối, Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận của nhạc sĩ Hồng Đăng, Những đôi mắt mang hình viên đạn của nhạc sĩ Trần Tiến và Hát về anh của nhạc sĩ Thế Hiển. Về văn học có tiểu thuyết Đêm tháng Hai (1979) của Chu Lai và Chân dung người hàng xóm (1979) của Dương Thu Hương.
Tại Trung Quốc, rất nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh biên giới 1979 được sản xuất tại Trung Hoa lục địa như Trận chiến ở núi Trường Bài, Hành động chớp nhoáng, Xe thiết giáp 008…, tại Hồng Kông có Phim Câu chuyện của Hồ Việt (Châu Nhuận Phát vào vai nạn nhân Việt Nam), Đồng chí thương dân (do Lưu Đức Hoa vào vai phóng viên Hương Cảng)…
Việc nhà văn Mạc Ngôn viết Chiến hữu trùng phùng nói về cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung dưới con mắt của người Trung Hoa cũng là điều bình thường trong đời sống văn học nghệ thuật.
Từ khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước được cải thiện, cuộc chiến hầu như không còn được nhắc đến trong các phương tiện truyền thông đại chúng, không được nói đến trong sách giáo khoa lịch sử ở Trung Quốc cũng như Việt Nam.
***
Chủ đích của Mạc Ngôn và ý nghĩa tác phẩm Ma chiến hữu
Tiểu thuyết Ma chiến hữu của nhà văn Mạc Ngôn, gồm 196 trang, chia làm 18 phân đoạn, viết xong năm 1992. Kể lại câu chuyện của Triệu Kim – một người lính – trở về quê hương thăm gia đình, tình cờ gặp lại chiến hữu cũ. Không gian xảy ra câu chuyện tại một vùng quê vào một buổi trưa hè mưa tầm tã, Triệu Kim đi qua cây cầu đá bắc ngang sông. Đang đi trên cầu, người lính bỗng nghe tiếng ai đó gọi tên mình, ngạc nhiên, anh tìm kiếm và phát hiện một bóng người đang ngồi vắt vẻo trên cành liễu bên bờ đê. Vì mưa to, sợ nước dâng ngập cầu sẽ không về nhà kịp, Triệu Kim lưỡng lự, nhưng vì giọng nói quá khẩn thiết và thê lương nên Triệu Kim đành trèo lên cây. Bất ngờ anh gặp lại Tiền Anh Hào người cùng làng, cũng là đồng đội của anh đã hy sinh vào tháng 2 năm 1979 trong một trận phản kích. Hai chiến hữu vui mừng, ngậm ngùi nhớ lại hồi ức cũ khi còn trai trẻ, lúc ở quê nhà đi câu cá, khi đi nhập ngũ ở Trung tâm dự bị huấn luyện quân đội, lúc ra chiến trường chiến đấu. Kết thúc tác phẩm là hình ảnh bố của Tiền Anh Hào ra biên giới đem hài cốt con trở về quê hương, cảnh câu cá của cha con người lính Trương Tư Quốc bên gốc cây liễu.
Cuộc gặp gỡ của hai chiến hữu – một người sống và một hồn ma chỉ là cái cớ để tác giả Mạc Ngôn lên án cuộc chiến tranh vô nghĩa. Thân phận con người sau cuộc chiến và những hệ lụy của nó.
Quân đội lạc hậu, kinh tế đói nghèo
Vào những năm 70, 80 của thế kỷ 20, về mặt quân sự khi các cường quốc trên thế giới đã trang bị các phương tiện kỹ thuật quân sự hiện đại, vũ khí tối tân thì quân đội Trung Quốc vẫn còn nằm trong một nước có nền quân sự lạc hậu. Hãy xem nhà văn Mạc Ngôn giễu cợt nền quân sự của nước mình, khi miêu tả các vị chỉ huy suốt ngày chỉ biết hô khẩu hiệu nghiêm, nghỉ. Chiến thuật chủ yếu là dạy cách ném lựu đạn, gài bộc phá, đào hầm… Săm soi từng cách gấp chăn của các tân binh. “Tiểu đội trưởng La Nhi Hổ chỉ là một gã ngốc nghếch, suốt ngày chỉ biết cầm thước đo chăn gấp, miệng lúc nào cũng chỉ biết nói: rộng quá một phân, hẹp quá một phân… khi vào chiến trường thì chân nhũn, tay ôm lấy đầu, ném lựu đạn thì quên rút chốt”(tr 35).
Vũ khí thì thô sơ lạc hậu: “Mẹ kiếp! Thế mà cũng gọi là súng à? Là chiến lợi phẩm thu được của bọn quỷ Nhật trong thời kỳ kháng chiến, giống như một bà mẹ đã đẻ mười đứa con không bằng, nòng rộng hoác, đạn rời khỏi nòng là bay xiên xiên vẹo vẹo, các bộ phận thì rệu rã hết” (tr 143). Thậm chí, Mạc Ngôn còn chua chát, khi nhận xét quân lính mình không sáng tạo trong chiến đấu bằng lính Việt Nam. “Pháo cao xạ mà bắn ngang là sáng tạo của những người phía bên kia chiến tuyến” (tr 33).
Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc còn đang đói nghèo, phần đông người lính xuất thân từ nông thôn thất học, thiếu hiểu biết nên dễ bị lợi dụng, tuân phục mệnh lệnh vô điều kiện. Không ít người, tình nguyện vào quân đội vì sẽ đỡ miệng ăn cho gia đình, đi lính còn có “gạo trắng, canh rau”, ở quê nhà họ chỉ có khoai, củ mà vẫn không đủ ăn. Cảnh vật làng quê nghèo xơ xác. Đây là hình ảnh của gia đình người lính Khương Bảo Châu trong một lần về thăm nhà: “Nhà cửa tan hoang, khắp nơi phân gà vương vãi, mấy chiếc bát sứt mẻ nằm chỏng chơ trong nồi, trên bếp lò chỉ có vài củ khoai mốc thếch. Bố mắc bệnh lao, mà vẫn ra ngoài đồng chăn trâu. Việc đồng áng một tay vợ anh quần quật cả ngày, bỏ lại đứa con chỉ mới vài tháng tuổi cho mẹ anh ở nhà chăm sóc. Nhà quá nghèo, không có tiền mua sữa bột. Con bé đói quá, người bà phải nhai mấy mẩu bánh khô mớm vào mồm. Có hôm vét mấy hạt cơm dưới đáy nồi còn sót cho vào phích nước đã hỏng, không còn giữ được độ nóng, cho con bé uống thứ nước ấy” (tr 47-49).
Mặt khác, trong quân đội, nhân sự mục ruỗng, nhiều kẻ cơ hội, hèn nhát, có địa vị nhờ đút lót, nạn tham nhũng tràn lan: “Ông già mặt mày hồng hào và mập mạp có con trai làm cán bộ huyện, ăn nói rất bốp chát: Bảo bố anh bỏ ra tí máu mua một ít quà cáp ở quê mang về đơn vị biếu cho tiểu đoàn trưởng, chính trị viên, nhất định sẽ có chỗ tốt… Cứ tin lời tôi, ông hãy bỏ ra ba trăm mà lo liệu, chờ cho đến khi Bảo Châu làm quan quân đội, nó sẽ thu về, ông chẳng lỗ vốn đâu mà sợ.” Con trai ông — từ người làm một việc tẹp nhẹp trên huyện — nhờ ông mua chuộc các vị lãnh đạo ở huyện mà sau đợt cải tổ nhân sự, con trai ông được đề bạt lên chức cục trưởng. “Bây giờ nó ngồi xe con bóng lộn, thuốc lá thơm ngoại nhập, uống rượu hảo hạng, bữa ăn nào cũng bảy tám món, trong nhà nuôi con chó béc giê chỉ biết ăn thịt cá, ăn đến nỗi lông bóng mượt” (tr52-53).
Thông qua tác phẩm, nhà văn Mạc Ngôn phê phán nhà cầm quyền nước mình quá tham vọng trong khi thực tế nguồn lực quân sự, kinh tế của đất nước còn yếu kém. Chính mâu thuẫn này đã dẫn đến sự thất bại trong chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979.
Thân phận người lính sau cuộc chiến
Sau cuộc chiến, thân phận người lính bao giờ cũng chịu nhiều thiệt thòi, bên cạnh những chấn thương về mặt tâm lý, cuộc sống vật chất của họ cũng rơi vào cảnh thương tâm. Đây là lời tâm sự của hai người lính: “Tai tớ bị đạn làm cho điếc rồi… Miệng tớ cũng bị lửa đạn thiêu cho cháy sém… nhưng cái gì chờ tớ nào? Phục viên! Đ. mẹ nhân gian sao mà bất công!” (tr 131); “còn đám chiến hữu trở về cùng một lúc với cậu ra sao? – Ngụy Đại Bảo thì đi tù do lỡ tay đánh chết vợ hàng xóm. Vì từng tham gia chiến tranh nên hình phạt giảm nhẹ còn hai mươi năm tù. Cậu ta vừa vào nhà giam, vợ ở nhà ôm con đi tái giá. Trương Tư Quốc thì vẫn là ‘lính phòng không’… nó trở về quê với một thân hình đầy thương tích, mặt cũng đã bị phá nát, nằm chết gí trong làng, ngay cả cái chức chi ủy viên cũng không đến tay nó… Mấy ngày trước có đến tìm tớ mượn tiền, bảo rằng muốn tích góp chút vốn để làm ăn buôn bán. Tờ nghèo rớt mồng tơi, làm gì có tiền cho cậu ta mượn” (tr 132).
Những gia đình liệt sĩ neo đơn thì không ai quan tâm. Người bố già tàn tật của Tiền Anh Hào không ai giúp đỡ, khi cậy nhờ bạn cùng chiến đấu với con mình cũng bị từ chối, nhưng ở đây không phải cậy nhờ tiền, mà là cậy nhờ “cái tình con người.” Hãy nghe ông già còm cõi, cậy nhờ bạn con mình: “Cháu Kim Khố à, cách đây mấy ngày bác có nằm mơ thầy Tiền Anh Hào nói với bác: Bố ơi, con ở nơi này không quen vì khí hậu quá ẩm ướt, trong nhà thì đầy dẫy giun đất… bố ơi, bố đến đây đem hài cốt con về quê chôn ở bờ bắc con sông, bên cạnh phần mộ mẹ con… Cháu Kim Khố à, cháu và Anh Hào là bạn của nhau, vừa là chiến hữu, lại đã từng đánh nhau ở biên giới phía nam, quen đường quen sá. Bác định nhờ cháu đi về đó một phen, đưa nắm xương của Anh Hào về đây, chi phí cho công việc bác lo toan chu tất…” Nhưng Quách Kim Khố thẳng thừng từ chối lời đề nghị đi tìm mộ bạn vì “sợ phải tốn tiền” (tr 166-167). Để rồi cuối cùng, ông già cụt một chân phải một mình lê bước về phương Nam. “Đêm ấy mưa rất lớn. Những ánh chớp màu lam xuyên thấu qua đất đá và bê tông, chiếu sáng những rễ cây tua tủa như râu bạch tuộc chung quanh vách mộ, nước mưa thấm theo những rễ cây nhỏ xuống như những giọt nước mắt khiến chung quanh tớ, đất sình lên nhão nhoẹt. Tớ dùng một miểng bom thật sắc chặt đứt rễ cây, nhưng chỉ qua một lát là chúng lại mọc ra như cũ. Quả nhiên vùng đất phương nam này là một nơi biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở vô cùng mạnh mẽ…(…) Lại một tia chớp nữa lóe lên, tớ vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy một bóng người còm nhom, bước thấp bước cao xuất hiện trước phần mộ của mình. Cái âm thanh lộc cộc quen thuộc kể từ khi tớ ra đời vang lên…(…) – Anh Hào con, bố đã đến đây, bố sẽ đưa con trở về quê hương!” (tr 178-179)
Thái độ của nhà văn trước cuộc chiến
Phê phán cuộc chiến vô nghĩa
Từng là một người lính, Mạc Ngôn thấu hiểu và thương xót cuộc đời của các chiến sĩ. Nhà văn căm phẫn khi nhìn thấy cuộc chiến vô nghĩa đã giết chết bao chàng trai trẻ của đất nước một cách vô lý. Tiền Anh Hào là một người lính cừ khôi, tiền đồ còn rực rỡ, biết sống theo suy nghĩ của riêng mình, vượt xa những đồng đội khác khi chỉ biết tuân lệnh rập khuôn, dù đó chỉ là những quy định vô lý. “Cả một năm chúng tôi không dám phơi chăn, vì phơi chăn xong khó mà gấp lại cho có góc cạnh… có khi họ phải phun nước vào chăn để xếp vuông vức như một viên gạch.” Trái lại, cả trung tâm dự bị chỉ có mình Tiền Anh Hào dám phơi chăn. Ngày nào anh cũng đem chăn ra phơi, vì theo anh “ánh nắng có tia tử ngoại có thể tiêu diệt được vi khuẩn, siêng năng phơi chăn rất có lợi cho sức khỏe, không phơi chăn sẽ làm cho sức khỏe hao mòn.” Thế nhưng, cuối cùng một người luôn đứng đầu khi thao tác các kỹ thuật quân sự, tài trí, thông minh như anh lại chết lãng nhách: “… khi nằm chờ giây phút xung phong, cái mông của tiểu đội trưởng La Nhi Hổ vỗng cao lên quá, cặp mông của cậu ta nhô lên trước mắt kẻ địch, làm mục tiêu cho nòng pháo cao xạ, vậy là La Nhi Hổ bị toi mạng, kéo theo cả Tiền Anh Hào mới vừa ra chiến trường, chưa kịp bắn viên đạn nào cũng bị chết oan uổng.” Đến nỗi, người lính Triệu Kim đã phải thốt lên: “Anh Hào, cậu đáng ra phải trở thành một đại anh hùng, tiếc thay vận cậu lại không ra gì” (tr 35).
Điều ray rứt của người lính trong chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979, là sợ bị xã hội lãng quên. Đó là một cuộc chiến “tế nhị” mà cả hai nước đều không muốn nhắc đến. Chính vì vậy khi đọc báo thấy tin “mối quan hệ giữa hai nước Trung Quốc và Việt nam đã bắt đầu bình thường hóa,” hồn ma Hoa Trung Quang khóc than trong nấm mồ. “Tiếng khóc rất dễ lây lan, nhiều chiến sĩ cũng bật lên khóc nức nở” (tr 171), thế là hơn một ngàn hồn ma cả nghĩa trang biên giới vang rền tiếng khóc. Đó là tiếng khóc uất nghẹn của những linh hồn trẻ, hầu hết là những tân binh, cảm thấy mình chết thật oan uổng. Và để khỏa lấp những cái chết vô lý đó, Nhà nước Trung Hoa thường xoa dịu bằng những ngôn từ tốt đẹp vinh danh một cách giả tạo. Với những câu khẩu hiệu vô hồn: “Chúng ta hy sinh là vinh quang, quá khứ của chúng ta là vinh quang, lúc này cũng vinh quang, tương lai cũng vẫn cứ vinh quang” (tr 171). Nó giống như một thứ ánh sáng “đom đóm lập lòe trên từng nấm mộ.” Sự thật chỉ là hư danh, theo phép “thắng lợi tinh thần” của AQ.
Không nên thu lợi từ chiến tranh
Thái độ vô tư, không cầu lợi của người lính Trương Tư Quốc ở cuối tác phẩm, chính là điều mà nhà văn Mạc Ngôn muốn mọi người hướng đến. Trương Tư Quốc là một chiến sĩ phá mìn, trong một trận đánh, anh cùng đồng đội phá xong 5 quả mìn định hướng, cả nhóm tiếp cận một điểm cao ở phía bên phải trận địa thì hai đồng đội anh vướng mìn hy sinh, riêng anh bị thương. Chẳng kêu tiếng nào, anh tiếp tục phá mìn mở đường. Mọi người đều thấy anh bò lên trên sườn dốc cao rồi lăn lông lốc xuống, sau đó mìn nổ vang rền, anh bị thương và được đưa đến trạm xá. Cuộc chiến vừa kết thúc, người ta ghi công, chuẩn bị tài liệu để báo cáo phong danh hiệu “anh hùng phá mìn,” nhưng anh không nhận. Anh nói với các chuyên viên cục chính trị rằng “tất cả tài liệu đều bảo tôi phá được năm quả mìn là không đúng, thực ra tôi phá có một quả, còn bốn quả kia là do đồng đội tôi phá, họ đều đã chết. Hãy ghi công cho họ, tôi còn sống được là đã hưởng nhiều diễm phúc lắm rồi” (tr 193). Dưới con mắt những người cơ hội thì Trương Tư Quốc là “thằng ngốc đã vứt cái danh hiệu anh hùng đã nằm gọn trong tay mình…” Trong khi đó, không ít người, sau thời hậu chiến đã dùng “nhãn hiệu” anh hùng để ăn bám suốt cả cuộc đời. Luồn lách qua mọi kẽ hở của chính quyền để tranh giành địa vị, hưởng bổng lộc, từ đời cha đến đời con, trở thành gánh nặng của đất nước. Qua chi tiết này, nhà văn Mạc Ngôn muốn nhắn nhủ cho dù một cá nhân hay một dân tộc không nên thu lợi từ chiến tranh.
Cái nhìn nhân bản về con người
Là một tác phẩm viết về chiến tranh, nhưng nhà văn không miêu tả cảnh hô hào bắn giết, uống máu quân thù của người lính. Trái lại, bạn đọc sẽ bắt gặp những cảnh bi hài của người lính trên thao trường, trong cuộc sống. Họ là những người xuất thân từ nông dân hiền lành, ngốc nghếch, cả tin. Trường đoạn miêu tả cảnh các chàng tân binh mê đắm cô giới thiệu chương trình Ngưu Lệ Phương được “tô son trét phấn,” ôm bó hoa nhựa lộng lẫy trên sân khấu với đôi môi đỏ rực, cặp nhũ hoa “độn cao” săn cứng, cười nói nhỏ nhẹ; nhưng thực chất sau hậu trường là một người ăn nói chanh chua, với đôi mắt độc ác, cái mũi to, miệng rộng quá khổ. Sự đối nghịch giữa thực và ảo trong các chi tiết là dụng ý của tác giả, để nói lên sự giả dối của cái hào nhoáng. Chính những người nông dân kém hiểu biết ấy, là những người dễ bị lợi dụng trước cái giả dối, dễ phục tùng vô điều kiện trước mệnh lệnh. Bản chất họ là những người hiền lương, sống có nghĩa có tình. Tiền Anh Hào, cương quyết thả con chim nhạn mà cả bọn vừa bắt được, tính làm thịt chỉ vì những giọt nước mắt của con linh vật biết khóc như người. Trương Tư Quốc thì mơ ước sau này phục viên sẽ lấy số tiền giải ngũ để mua con ngựa ở đơn vị đã từng cứu sống mình, đem về nuôi. Bên trong họ vẫn còn là những thanh niên thích đùa nghịch, trong độ tuổi tán tỉnh, thèm yêu đương. “Buổi tối, tớ dẫn tiểu đội đi tuần tra, không hiểu làm sao tớ lại vượt qua biên giới, bị bốn người bên phía đối phương chụp lấy, tớ trấn tĩnh tinh thần bật dậy, ba chân bốn tay tả xung hữu đột giữa bọn họ. Tớ chạy đằng trước, họ đuổi theo sau, vừa đuổi vừa gọi: Này, người anh em, không đánh nhau nữa, đùa với nhau một tí thôi mà!” Trong lúc cuống cuồng chạy nấp vào khu chợ biên giới thì thấy: “Những cô gái bên đối phương và những chàng trai bên ta đang đứng hai bên một con phố trêu đùa nhau.” Và nêu lên quan điểm rỏ ràng “Đã có quy ước rồi, chúng ta không cho phép họ sang, tất nhiên chúng ta cũng không được sang bên ấy một cách tùy tiện” (tr 176).
Thủ pháp nghệ thuật
Về mặt nghệ thuật, đây chưa phải là tác phẩm hấp dẫn làm say mê người đọc của Mạc Ngôn, nhưng là một tác phẩm có nội dung “nhạy cảm” cần được hiểu rỏ. Về mặt thủ pháp, xuyên suốt tác phẩm là những hình ảnh ẩn dụ, mỗi chi tiết Mạc Ngôn đưa ra đều có dụng ý. Ngôn ngữ sử dụng thường mang tính giễu nhại đối nghịch, không gian mang màu sắc huyền ảo để diễn đạt không khí hư hư, thực thực làm lạ hóa cách đọc để phù hợp với nội dung truyện.
Chỉ với cách đặt tên nhân vật thôi, tác giả đã cố tình dùng thủ pháp giễu nhại đối nghịch. Những nông dân nghèo rớt mồng tơi không một xu dính túi đặt tên là Triệu Kim, Quách Kim Khố. Một người lính cừ khôi Tiền Anh Hào chưa kịp thể hiện khí phách anh hùng đã chết ngay khi vừa mới ra trận (ảo tưởng làm anh hùng). Một người lính nhát gan như thỏ đế, ra chiến trường gối nhũn, tay run nhưng đặt tên La Nhị Hổ. Một hồn ma mơ mộng, yếu mềm hay khóc lại tên là Hoa Trung Quang (ảo tưởng về một đại Trung Hoa bừng sáng)… làm cho người đọc cảm thấy bi hài khi liên tưởng.
Áp dụng thủ pháp huyền ảo, phóng đại những chi tiết nhỏ, nhà văn Mạc Ngôn đã cường điệu hình ảnh dòng “nước tiểu” của Triệu Kim từ cành liễu phóng xuống dòng sông bắn lên như cầu vồng đầy màu sắc, nghe có vẻ cực kỳ hoang đường, nhưng lại là một sự ẩn dụ cao tay nghề của nhà văn: “Những gì đang nung nấu trong thân thể tôi lập tức bung ra ngoài, giữa tôi và dòng sông cũng đã tạo nên một chiếc cầu vồng nhiều màu sắc… những gì cặn bã đang tích tụ trong huyết quản, trong thịt da tôi bao năm qua đã bị bài tiết hết ra ngoài. Cảm giác khoan khoái được bài tiết hết những chất dơ bẩn của cơ thể ra ngoài không thể dùng ngôn ngữ để diễn đạt được… suốt quá trình bài tiết ấy tư tưởng tôi lại vô cùng tự do, cảm giác lại vô cùng linh mẫn. Trước mắt tôi, chiếc cầu vồng không ngừng biến đổi màu sắc, đỏ cam vàng xanh lam chàm tím giao thoa, những màu sắc của trái đất đều có trong chiếc cầu vồng này…(…) Khi chiếc cầu vồng biến thành màu cam, một điệu nhạc du dương hồn hậu từ dưới dòng sông vang lên, như mây như khói bay là đà trong không gian… âm nhạc càng mạnh, càng nhanh, chiếc cầu vồng biến dần từ cam sang màu vàng… từ màu vàng biến thành màu xanh, không khí trở nên mát mẻ lạ thường… Cuối cùng, một màu chàm cao quý hiện ra trước mắt tôi khiến tôi nhận ra từ trong tâm hồn mình tràn ngập một niềm cảm kích và lưu luyến đối với thế giới này, cuộc đời này.” Để rồi khi ảo giác biến mất, con người trở về với thực tại. “Tôi nghe tiếng Tiền Anh Hào đang phát mệnh lênh: – Cài cúc quần lại! – Trở về hàng! Tôi đứng đối diện với Tiền Anh Hào, nhìn vào mặt nhau hồi lâu rồi không hẹn mà cùng cười phá lên, cười đến khi nước mắt chảy ra ràn rụa mới thôi” (tr 63-65). Hình ảnh đối nghịch cầu vồng – nước tiểu, đã nói lên ước mơ vươn tới tự do, vươn tới điều tốt đẹp của con người nhưng đã bị thực tế của xã hội, của đời sống quân đội tước đoạt. Đây là một trong những trường đoạn kỳ ảo, đẹp nhất của tác phẩm, mà Mạc Ngôn đã ẩn dụ thành công.
Xuyên suốt tiểu thuyết là hình ảnh dòng sông bên bờ đê khi lặng lờ chảy, khi cuồn cuộn xoáy. Dòng sông biểu tượng cho dòng chảy của thời gian, của lịch sử, luôn luôn thay đổi, nó là sự nối tiếp nhau của các triều đại. Cây liễu bên bờ sông là chứng nhân của lịch sử nơi chứng kiến ước mơ của những chàng trai được khắc trên thân cây, giờ đây đã là những linh hồn chết. “Không hẹn mà chúng tôi cùng lúc tuột xuống khỏi ngọn cây. Trong cành lá rậm rịt, trong nước lụt nhờ nhờ, chúng tôi tìm tên của Tư lệnh Tiền Anh hào, Lữ đoàn trưởng Quách Kim Khố, Sư đoàn trưởng Triệu Kim, Trung đoàn trưởng Ngụy Đại Bảo và Chi ủy thôn Trương Tư Quốc…Những giấc mộng huy hoàng ngày xưa cũ có lẽ đã được ươm mầm từ trong vòng tuổi của cây, từ trong những thớ cây. Chúng tôi vuốt ve những vết hằn đã mọc đầy rêu xanh trên thân cây, than thở không nguôi” (tr 162).
Thông thường, những tác phẩm viết về hồn ma các nhà văn thường dùng những chi tiết “ma” để gây kích thích người đọc bằng những cảnh tượng âm hồn, rợn tóc gáy. Ở đây, chúng ta thấy nhà văn Mạc Ngôn cố tình không phân biệt thế giới người sống và thế giới người chết trong khi miêu tả, có dụng ý để bạn đọc thấy thế giới ma – người như nhau. Nhằm thể hiện tâm lý tiếp cận một cách tự nhiên chan hòa. Tựa đề “Chiến hữu trùng phùng” của Mạc Ngôn phản ánh tâm lý đó. Nhưng, khi Trần Trung Hỷ dịch sang tiếng Việt thành “Ma chiến hữu” nó đánh mất ý nghĩa này. Câu chuyện Mạc Ngôn phản ánh không chút gì rùng rợn của những hồn ma bóng quế. Và khi NXB Văn Học cho in lời giới thiệu ở trang bìa bốn: “Một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng,” theo tôi là một lời đề tựa lạc điệu, trái ngược hoàn toàn với nội dung Mạc Ngôn thể hiện. Chính điều này gây ngộ nhận nơi bạn đọc, làm dấy lên nhiều phản ứng mạnh mẽ. Ở đây, Mạc Ngôn không ca tụng, xưng tụng ai, cũng không có chủ nghĩa anh hùng nào cả, mà thực chất là một tác phẩm phản chiến.
***
Qua tác phẩm, Mạc Ngôn đã vượt lên trên chủ nghĩa dân tộc cực đoan của một quốc gia, để hướng đến tinh thần chung của nhân loại. Chính những nhà trí thức phản tỉnh này sẽ là cầu nối tương liên giúp các dân tộc hiểu nhau hơn trên tinh thần nhân văn cao đẹp của con người.
Chiến tranh năm 1979 đã lùi xa, con người có thể chết, nhưng lịch sử vẫn trường tồn, luôn đối thoại với hiện tại để cùng hướng đến tương lai. Lịch sử, như một tấm gương, giúp con người cảnh tỉnh để không lập lại sai lầm của quá khứ.
Có những con người trong hiện tại có thể được tôn vinh như lãnh tụ anh minh, nhưng với thời gian lịch sử sẽ nhìn lại, họ có thể là những tội đồ của dân tộc. Lịch sử trong thế kỷ 20 đã có biết bao lãnh tụ – tội đồ như vậy?
Đọc Ma chiến hữu để hiểu hơn về cuộc chiến đã qua và không loại trừ khả năng lịch sử lập lại về một cuộc chiến mới của một đất nước luôn nuôi mộng bá quyền. Chúng ta cần hiểu rõ, Trung Quốc năm 1979 và Trung Quốc ngày nay sau 30 năm đã tiến rất xa. Trong tình hình biển Đông nước ta hiện nay (5), việc phân tích tác phẩm là điều cần thiết.
Ma chiến hữu là cuộc đối thoại giữa các linh hồn, cũng là cuộc đối thoại của một dân tộc với một dân tộc! (6)
04.7.2009
Tài liệu tham khảo :
(1) Tiểu sử Mạc Ngôn http://vi.wikipedia.org/wiki/M%E1%BA%A1c_Ng%C3%B4n
(2) Tranh cãi về “Ma chiến hữu”, có thể đọc trên blog Người buôn gió và blog Hoang Linh.
Thư ngỏ của nhạc sĩ Tuấn Khanh về tác phẩm Ma Chiến Hữu của Mạc Ngôn (http://radiochantroimoi.com/spip.php?article5268);
Bài viết của Bảo Ninh (http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=7344);
Bài viết của Vũ Ngọc Tiến (http://www.vietstudies.info/VNTien/VNTien_DauLaHonCotMaChienHuu.htm),
Bài viết của Hoàng Kim (http://www.ddcnd.org/main/index.php?option=com_content&view=article&catid=13:phat-bieu-binh-luan&id=603:ngh-gi-v-vic-tac-phm-ma-chin-hu-ca-trung-quc-c-dch-va-lu-hanh–vit-nam)
(3) Lịch sử chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979, tham khảo trên tự điển http://vi.wikipedia.org.
(4) Mạc Ngôn, Ma chiến hữu, nxb Văn học, 2008.
(5) Tình hình biển Đông Việt Nam hiện nay:
- Lê Minh Phiếu, Dương Danh Huy (Quỹ Nghiên cứu biển Đông), Việt Nam trước chủ trương của Trung Quốc về biển Đông, TuầnViệtnam.net, ngày 11.1.2009; (http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/5831/index.aspx)
- Dương Trung Quốc, Cần “cập nhật” tình hình biển Đông cho quốc hội, BBC ngày 28.5.2009;
(http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/05/090528_dtq_southchinasea.shtml)
- Ngăn cản ngư dân Việt Nam đánh bắt trên biển Việt Nam là xâm phạm chủ quyền, báo Sài gòn tiếp thị, ngày 5.6.2009 (http://www.sgtt.com.vn/detail23.aspx?newsid=52467&fld=HTMG/2009/0604/52467)
- 2 tàu cùng 12 ngư dân đảo Lý Sơn bị giữ tại Hoàng Sa: Bị chặn phạt hơn nữa tỷ đồng giữa biển. Báo Tiền Phong ngày 26.6.2009 (http://tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=164570&ChannelID=2)
(6) Lá thư của hai người trẻ, BBC 1.7.2009
(http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/07/090701_letters_china_vietnam.shtml)
Trong cuộc đối thoại của hai người trẻ tuổi, một Việt Nam – một Trung Quốc gửi đài BBC, có đoạn viết: “Biên giới ngăn cách – cũng như kẻ thù – là do nhà nước tạo ra”, “…Trước thềm xung đột, chúng ta tự hỏi ai sẽ chịu đau khổ?” và họ mơ ước: “Hòa bình trong thực tế luôn là một lựa chọn, và một ngày kia nó sẽ là lựa chọn duy nhất”.
bài đã đăng của Ban Mai :
Đối thoại với các linh hồn - 06.07.2009
Trịnh Công Sơn, Vết Chân Dã Tràng - 20.04.2009
Một góc nhìn nhân vật trí thức trong tập truyện ngắn “Thuyền viễn xứ” của Nguyễn Mộng Giác - 26.03.2009
No comments:
Post a Comment