Wednesday, July 22, 2009


Ấn Độ và Mỹ đã chọn Dân Chủ
Ngô Nhân Dụng
Tuesday, July 21, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=98383&z=7
Hai nước Ấn Ðộ và Hoa Kỳ mới ký các hiệp ước quân sự và năng lượng, nhưng Ấn Ðộ từ chối không thỏa hiệp với Mỹ trong vấn đề môi trường. Người Việt Nam thấy điều gì trong kinh nghiệm bang giao giữa hai nước dân chủ? Ðó là hai quốc gia đối xử với nhau một cách bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, cho nên có lúc đồng ý, có lúc bất đồng mà không gây thù oán.

Hai nước đó dễ giao thiệp vì họ đều chọn thể chế dân chủ ngay từ khi lập quốc; ở Mỹ hơn 200 năm trước đây và tại Ấn Ðộ hơn 60 năm. Những chính quyền biết tôn trọng ý kiến của dân mình thì cũng dễ biết phải tôn trọng ý kiến của các quốc gia khác. Lựa chọn sống dân chủ ngay từ lúc khởi đầu của những người lãnh đạo hai nước đó đã được các thế hệ sau giữ gìn cho đến ngày nay. Nếu như dân tộc Việt Nam cũng được lựa chọn như người Ấn Ðộ làm vào năm 1947 thì chắc hẳn giờ này nước ta đã mạnh không thua kém Ðài Loan hoặc Hàn Quốc. Nhưng vì đã lỡ bỏ qua một cơ hội năm 1945, bây giờ là lúc dân tộc Việt Nam không thể tiếp tục chậm chân được nữa; phải dân chủ hóa càng sớm càng tốt.

Trước khi lên đường rời Ấn Ðộ trở về nước sau chuyến công du 5 ngày, trong cuộc họp báo chung với Ngoại Trưởng S.M. Krishna, Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng, “Tôi thiết nghĩ chúng ta không thể bỏ qua tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước chúng ta, giữa hai nước dân chủ. Chúng ta hiểu khi các chế độ dân chủ quyết định thì khó khăn chứ không dễ; và chúng ta kính trọng tính chất sinh động trong thể chế dân chủ của nhau. Ðó là một nền tảng vững mạnh hơn bất cứ mối quan hệ nào khác trên thế giới.”
Bà Clinton nhắc tới “quyết định khó khăn,” vì chính phủ Ấn Ðộ đã từ chối không chấp nhận yêu cầu hạn chế khí thải công nghiệp của Mỹ. Vì một nước đang bắt đầu công nghiệp hóa, cần chạy gấp để đuổi kịp các nước tiên tiến thì không thể theo những tiêu chuẩn gắt gao như các nước tiên tiến khi muốn hạn chế ô nhiễm trong môi trường. Một chính quyền do dân chúng bầu lên ở Ấn Ðộ phải làm theo nhu cầu của quốc dân; mà một chính quyền dân chủ như ở nước Mỹ cũng phải biết tôn trọng nỗi khó khăn của Ấn Ðộ trước những quyết định lớn như vậy.
Hai quốc gia dân chủ đối xử với nhau trong tinh thần tương kính, minh bạch và công khai, khác hẳn lối giao thiệp của hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc.

Hai năm trước, Tổng Thống George W. Bush đã ký một hiệp ước trao đổi kỹ thuật năng lượng nguyên tử mà các chính phủ Mỹ đã cấm vận Ấn Ðộ trong 34 năm. Ðó là một bước nhẩy vọt trong việc bang giao giữa hai quốc gia dân chủ đông dân nhất và nhì thế giới, sau gần một nửa thế kỷ lạnh nhạt vì trong thời Chiến Tranh Lạnh Ấn Ðộ nghiêng về phía Liên Xô. Chính quyền mới ở Mỹ đã bước thêm những bước mới với những thỏa hiệp hợp tác quân sự và công nghiệp vũ khí, kể cả trong chương trình không gian. Trong chuyến công du Tháng Hai năm nay bà Clinton đã thăm Trung Quốc mà không tới Ấn Ðộ vì muốn tránh không tới trước ngày dân Ấn Ðộ đi bỏ phiếu vào Tháng Năm vừa qua. Ðảng Quốc Ðại đã thắng lớn trong cuộc bầu cử đó, giống như ông Obama đã thắng lớn ở Mỹ năm ngoái. Ðúng như lời bà Clinton, bang giao giữa hai nước tự do dân chủ bao giờ cũng có nền tảng vững chắc và lâu bền hơn với những nước độc tài.

Trong số các quốc gia theo thể chế dân chủ, Ấn Ðộ là nước đông dân nhất, còn Mỹ là nước mạnh nhất. Cả hai đều xây dựng được nền tảng bền chặt cho thể chế tự do dân chủ kể từ khi lập quốc. Khi chia sẻ những giá trị giống nhau về quyền con người và quyền công dân thì chính quyền hai nước này dễ nói chuyện với nhau hơn. Quan trọng hơn nữa, thể chế chính trị mà mỗi nước dựng lên ngay từ khi lập quốc chứng tỏ có nền tảng chắc chắn, bắt rễ vào đời sống của người dân, các nhà chính trị đều tôn trọng luật chơi dân chủ không ai dám xé rào. Ðó chính là sức mạnh chính trị giúp cho mối bang giao giữa hai nước có thể bền chặt hơn.

Người Việt Nam nhìn vào lịch sử Mỹ và lịch sử Ấn Ðộ sẽ thấy một bài học, là những lựa chọn lúc khởi đầu của hai dân tộc này. Năm 1783, sau khi đánh bại quân đội Anh Hoàng, giới lãnh đạo các thuộc địa ở Mỹ lựa chọn theo lề lối tự do dân chủ. Năm 1947 sau khi Anh Quốc trao trả độc lập cho hai nước Ấn Ðộ và Pakistan, các nhà lãnh đạo Ấn Ðộ đã chọn quốc gia tân lập này phải được cai trị theo lề lối dân chủ tự do. Trong cả hai trường hợp đó, ở nước nào cũng có những khó khăn, trở ngại và nghi ngờ, lo lắng. Nhưng quyết tâm của những người lãnh đạo lúc ban đầu rất quan trọng. Nó ảnh hưởng tới vận mệnh một dân tộc trong hàng trăm năm sau đó.

Tổng Thống George Washington được người Mỹ tôn sùng vì chính những lựa chọn của ông đã tạo thành tập quán chính trị cho cả nước Mỹ suốt hai trăm năm. Năm 1783 sau khi hòa ước ký với chính phủ Anh, Washington đã ra trước hội nghị đại biểu các tiểu bang xin từ nhiệm, trả lại cho hội nghị quyền chỉ huy quân cách mạng, trả lại “ấn kiếm” để trở về đời sống thường dân. Ông về Mount Vernon vừa kịp dự lễ Giáng Sinh với bà vợ và các đứa con riêng của bà, rồi từ đó lo trông nom trang trại của bà, một người thông minh đảm lược dù chưa bao giờ được đi học ở trường. Năm 1787 phải nhiều người thuyết phục ông Washington mới nhận làm đại biểu tiểu bang Virginia trong Hội Nghị Lập Hiến. Sau khi bản hiến pháp thành hình, ông lại trở về trông coi trang trại. Năm 1789 được bầu ông làm tổng thống quốc gia mới, sau hai nhiệm kỳ ông nhất định rút lui.

Trong những năm đầu tiên của quốc gia non trẻ này, Tổng Thống Washington có thể chọn cách khác. Có người muốn nước Mỹ sẽ thành một vương quốc để có một ông vua đứng ngang hàng với vua nước Anh. Nếu ý kiến đó thành hình thì chắc chắn Washington sẽ được suy tôn làm vua. Năm 1783 là lúc hội nghị các tiểu bang đang kiệt quệ về tài chánh, nhiều tiểu bang không thiết tha gì đến việc kết hợp lại, như trong thời chiến. Lúc đó ông Washington cũng có thể đóng vai “cứu tinh dân tộc” đứng ra yêu cầu các đại biểu trao toàn quyền cho ông để chấn chỉnh tình hình tài chánh, thuế khóa. Vì nhờ uy tín của ông thì việc chấn chỉnh sẽ làm được dễ dàng. Nhưng Washington đã nhất định “rũ áo từ quan” chứ không tham quyền cố vị. Sau hai nhiệm kỳ làm tổng thống, một lần nữa ông lại rũ áo đứng dậy, để cho thế hệ trẻ hơn gánh vác việc nước. Ít có một cá nhân nào lại ảnh hưởng đến tập quán chính trị của một quốc gia sâu xa như ông Washington ảnh hưởng trên nước Mỹ.

Ở Ấn Ðộ, ông Jawaharlal Nehru cũng có địa vị giống như vậy. Khi người Anh rút đi, để lại những nước nhỏ tha hồ lựa chọn, hoặc trở thành nhiều quốc gia độc lập, hoặc họp lại thành liên bang; hoặc giữ nguyên các vị vua xưng hùng cát cứ, hoặc tổ chức những định chế dân chủ cho người dân chọn bằng lá phiếu. Hai trăm triệu dân cái xứ chưa thành hình, sau được gọi tên là Ấn Ðộ, có thể chọn một chế độ thần quyền, chọn chia làm nhiều vương quốc và nước Cộng Hòa độc lập. Và đất nước chia rẽ về chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, đẳng cấp này rất dễ rơi vào một chế độ quân phiệt, để trị an những vụ chia rẽ và bạo động. Nhưng Nehru là người đã lãnh đạo đảng Quốc Ðại đi tới quyết định chọn lối sống dân chủ tự do trong một liên bang.
Lựa chọn này đi ngược với lời khuyên của rất nhiều nhà chính trị Ấn Ðộ và ngoại quốc lúc đó. Họ hỏi làm sao 176 triệu cử tri phần lớn thất học và nghèo đói có thể sử dụng lá phiếu chọn người cai trị họ được? Ðám người đó có biết lá phiếu là cái gì, chính phủ là cái gì không?

Cuộc bỏ phiếu đầu tiên ở Ấn Ðộ diễn ra năm 1951 và 1952, sau khi đã thông qua một bản hiến pháp dân chủ. Các sử gia còn ghi lại sự ngạc nhiên của các nhà quan sát chính trị khi họ thấy những người dân Ấn nghèo nàn, mù chữ tham dự tích cực vào diễn trình dân chủ này. Bài học rút được là: Khi chúng ta tin tưởng vào người dân, họ sẽ trưởng thành, thiết tha với quyền bầy tỏ ý kiến bằng lá phiếu.
Báo chí ở Ấn Ðộ ghi nhận cảnh một ông già 110 tuổi ở Madurai được hai cháu nội dìu tới phòng đầu phiếu. Một bà lão 95 tuổi, lưng đã gù và lại điếc, vẫn đi bầu. Ai cũng thương tiếc một cụ già hơn 90 tuổi sau khi bỏ phiếu bầu Quốc Hội địa phương xong, chưa kịp bước sang phòng phiếu bầu Quốc Hội liên bang thì ngã xuống và qua đời.
Một nữ ký giả Mỹ tới Ấn Ðộ quan sát và chụp hình cuộc bỏ phiếu đầu tiên ở Himachal Pradesh đã kinh ngạc trước sự tận tâm của các công chức, những người vẫn được huấn luyện ý thức rằng bộ máy hành chánh phải đứng ngoài các hoạt động chính trị đảng phái. Một công chức địa phương đã đi bộ 6 ngày mới lên tới huyện dự khóa huấn luyện tổ chức phòng phiếu như thế nào. Một công chức khác khá giả hơn, cưỡi trên lưng con lừa tới dự họp sau 4 ngày di chuyển. Sau khi dự khóa huấn luyện đó, họ trở về làng mình đem theo những bao bố đựng hộp đựng phiếu, các lá phiếu in sẵn, bảng hiệu của các đảng tranh cử, và danh sách các ứng cử viên. Ðến ngày bỏ phiếu, cô nhà báo Mỹ đã tới làng Bhuti trên sườn núi. Tại đó, phòng đầu phiếu là một ngôi trường với một lớp học, chỉ có một cửa ra vào. Theo luật bầu cử thì các cử tri phải vào bằng một cửa và sau khi làm bổn phận công dân phải đi ra bằng cửa khác. Các nhân viên phòng đầu phiếu phải bắc ghế cho các cử tri già bước lên trèo qua cửa sổ khi đi ra. Ðó là những bước chân đầu tiên dẫn tới nền dân chủ Ấn Ðộ. Nhờ lòng thành tín của giới lãnh đạo chính trị từ lúc ban đầu, người dân đã tin tưởng vào thể chế tự do dân chủ trong hơn nửa thế kỷ qua.

Tại hai quốc gia Mỹ và Ấn Ðộ, không phải chỉ có Washington và Nehru chọn con đường dân chủ. Trong giai đoạn thành lập thể chế quốc gia sau khi độc lập, cả Mỹ lẫn Ấn Ðộ đều có những nhà trí thức hiểu biết và tin tưởng vào dân chủ.

Dân tộc ta không may mắn, cho nên năm 1945 khi có cơ hội giành độc lập, trong những bước đầu tiên nước Việt Nam đã không đi trên con đường dân chủ. Từ căn bản, chủ nghĩa Cộng Sản chọn thể chế độc tài. Họ gọi bằng danh hiệu “chuyên chính vô sản.” Nhưng năm 1945 trong giới trí thức và những nhà hoạt động cách mạng ở nước ta không thiếu gì những người tin tưởng dân Việt Nam đủ trưởng thành để sống trong một thể chế dân chủ. Không may cho dân ta là nhóm người chủ trương độc tài đảng trị lại là nhóm cướp được quyền lãnh đạo. Vì họ dám dứt khoát đoạn tuyệt với các quy tắc đạo lý và tình nghĩa con người. Hơn nữa, họ lại được Cộng Sản quốc tế huấn luyện, biết dùng những thủ đoạn ác độc nhất để cướp chính quyền và củng cố quyền hành. Cho nên trong khi dân Ấn Ðộ sử dụng lá phiếu củng cố chế độ dân chủ tự do của nước họ suốt 60 năm qua thì người Việt Nam đến nay vẫn phải tiếp tục sống trong một chế độ độc tài.

Tuy nhiên, không nên vì thế mà bi quan về tương lai đất nước. Biết rằng việc xây dựng lối sống tự do dân chủ cần thời gian chứ không giống như nấu mì ăn liền, cho nên chúng ta cần phải khởi đầu quá trình dân chủ hóa càng sớm càng tốt. Ðảng Cộng Sản không có lý do nào để trì hoãn không trả lại quyền quyết định cho dân. Nếu những người Ấn Ðộ có khả năng bắt đầu chế độ dân chủ tự do từ năm 1951 (trong khi 90% dân chúng họ mù chữ không đọc được tên các đảng chính trị mà chỉ có thể phân biệt bằng dấu hiệu), thì không có lý do gì mà 84 triệu người Việt Nam không được sử dụng quyền tự do dân chủ của mình.

Khi nào dân Việt Nam được tự do thì lúc đó nước Việt Nam mới thật sự độc lập, có thể hợp tác với các quốc gia dân chủ khác chống lại sức ép của Cộng Sản Trung Quốc.


No comments:

Post a Comment