Monday, July 20, 2009

LS NGUYỄN MẠNH TƯỜNG - NGƯỜI CHIẾN SĨ NHÂN QUYỀN HÀNG ĐẦU CỦA VN


Luật sư Nguyễn Mạnh Tường - Người Chiến sĩ Nhân quyền hàng đầu của Việt Nam
Đòan Thanh Liêm
Ngày 19/07/2009
http://www.huongduong.com.au/article_2399.html
Năm 2008, giáo sư Phó Bá Long có cho phổ biến bản dịch sang tiếng Anh cuốn Hồi ký của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường viết bằng tiếng Pháp với nhan đề : “ Un Excommunie’ “ (Hanoi 1954-1991: Procès d’un intellectuel). Anh Long tâm sự với tôi : Chúng tôi phổ biến bản dịch này cho bạn hữu, nên in ấn đơn sơ khiêm tốn thôi. Sau này chúng tôi sẽ tìm cách xuất bản dưới dạng bìa cứng (hard cover) để phổ biến sâu rộng khắp thế giới. Và riêng đối với anh vừa là một luật sư, vừa là người tranh đấu Nhân quyền, thì tôi xin nhắc với anh rằng : “Luật sư Nguyễn Mạnh Tường chính là người chiến sĩ Nhân quyền hàng đầu của Việt nam đấy”. Tôi thấy anh Long nói thật có lý và có hứa với anh là tôi sẽ góp phần vào công việc phổ biến tài liệu về vị Luật sư kiệt xuất này của Việt nam trong thế kỷ XX.

Bài viết này chính là để thực hiện lời tôi đã hứa với anh Long là người vừa mới qua đời vào đầu năm nay, sau Tết Kỷ sửu 2009. Vì đã có nhiều bài viết về Luật sư Tường trong vòng 10 năm qua, điển hình như của nhà biên khảo Minh Võ trong cuốn “Phản tỉnh/Phản kháng”, của giáo sư Lê Đình Thông ở Pháp nhan đề : “Thế hệ Vong Thân, Thế Kỷ U Sầu” và mới đây nhất là của nhà báo Tưởng Năng Tiến nhan đề “Nguyễn Mạnh Tường và Lê Trần Luật”, cho nên trong bài này, tôi sẽ chú trọng đến khía cạnh “tranh đấu nhân quyền” để phù hợp hơn với tiêu đề của bài viết.

Để sự trình bày được trung thực, chính xác đúng với suy nghĩ và hành động của vị Luật sư lừng danh này, tôi xin căn cứ trên 2 văn bản chính yếu sau đây của tác giả. Đó là :
1/ Bài Diễn văn ngày 30 tháng 10 năm 1956 tại phiên họp của Mặt trận Tổ quốc Hanoi. Bài này được trích từ cuốn sách “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc” xuất bản lần đầu tiên tại Saigon năm 1959 và tái bản tại Pháp và Mỹ năm 1982 và 1990.
2/ Cuốn Hồi ký “Un Excommunie’” nguyên văn tiếng Pháp xuất bản tại Paris năm 1992. Nhân tiện, xin cảm ơn Bác sĩ Trần Nguôn Phiêu ở Texas là người đã cho tôi cuốn sách này. Chúng tôi không rõ hiện đã có bản dịch ra tiếng Việt hay chưa. Còn bản dịch ra tiếng Anh, thì đã có như đã ghi ở trên.

A/ Bài Diễn văn về “ Xây Dựng Quan Điểm Lãnh Đạo”
Có thể nói bài diễn văn trước phiên họp của Mặt trận Tổ quốc Hanoi ngày 30 tháng 10 năm 1956 của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường là một trong những bài phát biểu xuất sắc nhất của giới luật gia Việt nam trong thế kỷ XX. Bài này có nhan đề hơi dài : “ Qua những Sai lầm trong Cải cách Ruộng đất Xây dựng Quan Điểm Lãnh Đạo”, nhưng chứa đựng một nội dung thật phong phú, với lập luận thật vững vàng, khúc chiết.
Trước khi phân tích chi tiết bản văn, xin trích dẫn nguyên văn một số đọan tiêu biểu như sau :
”Khi đưa ra khẩu hiệu “thà chết 10 người oan còn hơn để sót một địch”, thì khẩu hiệu này không những quá tả một cách vô lý, mà phản lại cách mạng là đàng khác nữa.
Khẩu hiệu của pháp lý thì khác hẳn : “Thà 10 địch sót còn hơn một người bị kết án oan”.
“Nguy hại hơn là chính trị tự đặt mình lên trên pháp luật...Năm 1949, phong trào tư pháp liên khu III tan vỡ, vì chính quyền quan niệm tư pháp phải thuộc sự điều khiển của mình. Năm 1951, phong trào quân y, dân y liên khu IV sụp đổ, vì các chính trị viên đưa vào các bệnh viện, đã đàn áp chuyên môn, thúc đẩy các bác sĩ có công với cách mạng, với kháng chiến phải gạt nước mắt mà rời bỏ kháng chiến...”
“ Mình tự phụ, tự hào mình có độc quyền tìm thấy và gìn giữ chân lý. Đó là tật tự cao, tự đại của nhà cách mạng.”
“ Trái với lời ta thường nói, ta đã thiếu dân chủ với nhân dân.”
...
Đại khái, tác giả đã rất thẳng thắn nêu ra những sai lầm nghiêm trọng trong đường lối lãnh đạo của đảng cộng sản lúc đó. Và tiếp ngay sau đó, tác giả đã phải trả một cái giá rất đắt cho cái sự trực ngôn “lời thật mất lòng” này. Ta sẽ đi sâu vào “vụ án của một người trí thức” trong phần phân tích về cuốn Hồi ký của tác giả nơi mục sau của bài viết này.
Bài Diễn văn dài gần 30 trang này là một tài liệu rất quan trọng, mà gần đây đã được báo điện tử Talawas đăng lại tòan văn trong cuốn sách” Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc”. Bạn đọc có thể truy cập internet để có thể đọc nguyên văn bài Diễn văn quan trọng này.
Bài gồm 3 phần :
1/ Vấn đề pháp lý trong Cải cách ruộng đất.
2/ Các nguyên nhân sai lầm.
3/ Phương hướng sửa chữa các sai lầm.

Sau khi phân tích cặn kẽ những nguyên nhân sai lầm trong Cải cách ruộng đất, tác giả đã mạnh dạn đưa ra phương hướng sửa chữa các sai lầm đó, như được ghi rõ trong phần 3 nói trên. Tác giả đề nghị : Phải thiết lập một chế độ pháp trị chân chính, một chế độ dân chủ thực sự. Ông ghi thật rõ ràng, không úp mở gì nữa như : “ Tóm lại nếu chính trị giác ngộ, vui lòng tôn trọng pháp lý, thiết lập một chế độ pháp trị trong đó chính trị vẫn lãnh đạo pháp lý, nhưng đồng thới nêu thật cao gương phục tùng pháp lý và pháp trị, thì nhất định chính trị khôi phục được uy tín, và được quần chúng ủng hộ.”

Cụ thể hơn nữa, tác giả kêu gọi : Phải thỏa mãn yêu cầu chính đáng của quần chúng là được phản ảnh lên ý nguyện của mình.. Và Mặt trận Tổ quốc phải đóng trọn vẹn cái vai trò mà quần chúng đã trao phó ủy quyền cho mình, đó là làm trung gian giữa quần chúng và chính quyền, như đạo đạt nguyện vọng chính đáng của họ lên chính quyền và giải quyết những khiếu nại của họ về những sai trái, áp chế do cán bộ nhà nước gây ra đối với quần chúng ở các địa phương.

Sau cùng tác giả đề nghị : Phải có một chế độ tự do ngôn luận xuất bản báo chí. Ông còn nhấn mạnh : “Ta có các báo của Chính phủ, của Đảng, của Mặt trận, ta lại có các báo của tư nhân, ta giúp đỡ cho các báo ấy giấy và mực in đày đủ, ta lại còn quảng cáo cho các báo ấy là đàng khác nữa. Các cơ quan tuyên truyền báo chí của ta không bao giờ tìm khó dễ cho các báo ấy, và khi nào các báo đó được hàng vạn độc giả hoan nghênh, ta rất lấy làm sung sướng vì trong thâm tâm ta, ta là những người dân chủ.”

Bài diễn văn được sọan thảo với một văn phong thật sáng sủa bình dị. Tác giả lại khôn khéo không sử dụng những thuật ngữ pháp lý chuyên môn, chủ yếu để cho đại chúng đều có thể đọc và hiểu được. Nhưng sau đó không lâu, tác giả đã phải gánh chịu những miếng đòn hành hạ rất là nặng nề, phũ phàng và thâm độc trong suốt cuộc đời còn lại của ông trên đất Bắc. Ta hãy nghe chính ông thuật lại trong cuốn Hồi ký viết vào cuối đời nơi phần sau.

B/ Hồi ký “Kẻ bị vạ tuyệt thông” (Un Excommunie’)
Cuốn sách dài gần 350 trang này, tác giả viết bằng tiếng Pháp vào lúc đã trên 80 tuổi, để ghi lại chi tiết những sự đày đọa, cách đối xử tàn tệ mà người cộng sản đã gây ra cho một người trí thức như ông, mà chỉ vì lý do duy nhất là đã dám lên tiếng công khai phê phán những sai lầm quá trớn của đảng cộng sản xuyên qua chiến dịch cải cách ruộng đất vào giữa thập niên 1950.

Với phong cách viết tiếng Pháp quen thuộc vào hồi đầu thế kỷ XX, tác giả đã mô tả cặn kẽ những buổi “đấu tố” rất là nặng nề căng thẳng, nghiệt ngã, mà ông là nạn nhân, trước cơ quan Mặt trận, tại Đại học và trong phiên họp của Đảng Xã hội. Và ngay sau đó, họ đã rút lại hết mọi chức vụ của ông tại các cơ quan, tổ chức, cũng như không cho ông tiếp tục dậy học và hành nghề luật sư nữa. Hậu quả là ông và gia đình bị lâm vào cảnh túng thiếu đến độ đói ăn, bệnh họan thật là não nề. Ông và bà phải tìm các bán hết mọi tư trang, vật dụng kể cả các sách quý hiếm mà ông bà đã mua sắm được trong bao nhiêu năm. Ông lại còn bị các bạn đồng nghiệp thuở trước xa lánh, vì sợ bị liên lụy. Thật là bao nỗi tủi nhục cay đắng mà đảng cộng sản bày ra để hành hạ, đày đọa bằng cách cô lập một người trí thức đã có dũng cảm lên tiếng can ngăn giới lãnh đạo chính quyền. Lời mô tả của ông trong cuốn Hồi ký này hòan tòan trùng hợp với chứng từ của những nạn nhân trí thức văn nghệ sĩ khác trong vụ đàn áp “Nhóm Nhân văn Giai phẩm” tại Miền Bắc, cũng vào thời kỳ đen tối đó cách nay đã trên nửa thế kỷ.Thật là độc địa dã man hết chỗ nói. Đó là một trang sử bi thảm tồi tệ nhất của đất nước ta dưới chế độ cộng sản độc tài hà khắc, bất nhân và vô luân.

Nhưng mặc dầu bị đối xử tàn tệ như vậy trong suốt mấy chục năm ròng rã, vị Luật sư khả kính của chúng ta rút cục vẫn giữ vững được tiết tháo của người sĩ phu trí thức, vẫn bảo tòan được danh dự, liêm sỉ và sự sáng suốt của một vị luật gia và giáo sư văn chương. Và cái tấm gương kiên cường bất khuất này hiện đang được thế hệ các luật sư trẻ noi theo, để tiếp nối công cuộc tranh đấu cho nhân phẩm, nhân quyền và tự do dân chủ của nhân dân Việt nam. Điển hình như các luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Chí Quang, Nguyễn Thùy Trang, Nguyễn Bắc Truyễn, Lê Thị Công Nhân, Lê Trí Tuệ, Lê Trần Luật, Lê Công Định, Lê Quốc Quân v.v...

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường có thể nói là một chiến sĩ kiệt xuất hàng đầu của phong trào tranh đấu bất bạo động cho Dân chủ và Nhân quyền, mà đã được khơi mào từ trên 50 năm qua, và hiện còn đang được tiếp nối bởi hàng ngàn, hàng vạn những người trẻ tuổi khác, ở ngay trong lòng chế độ cộng sản chuyên chế ở Việt nam. Ông thật xứng đáng được vinh danh là một tiêu biểu cao quý nhất, là niềm tự hào cho giới sĩ phu trí thức Việt nam nói chung, và cho giới luật gia chúng ta nói riêng vậy.

Để kết thúc bài viết này, tôi xin đề nghị ba việc cụ thể như sau :
1/ Giới luật gia tổ chức Lễ Tưởng Niệm và Vinh Danh Luật sư Nguyễn Mạnh Tường vào ngày 30 tháng Mười năm 2009, để kỷ niệm năm thứ 53 ngày Luật sư đọc bài Diễn văn lịch sử đã ghi chi tiết ở trên (1956-2009). Đây là cơ hội rất thuận tiện để công chúng ý thức và tiếp tay hơn nữa với công cuộc tranh đấu cho Nhân quyền trên quê hương đất nước chúng ta.
2/ Góp phần vào việc xuất bản bản dịch tiếng Anh lọai hard cover như Giáo sư Phó Bá Long đã dự trù, mà nay người kế nghiệp là Giáo sư Ngô Đình Long sẽ tiếp tục. Đây là việc làm rất cần thiết để giới trí thức trên thế giới hiểu biết hơn về công cuộc tranh đấu cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền ở Việt nam.
3/ Hòan thành bản dịch Việt ngữ cuốn Hồi ký “Un Excommunie’” này để phổ biến rộng rãi trong và ngòai nước.

California, Tháng Bảy 2009
Đòan Thanh Liêm
------------------------------------

Nguyễn Mạnh Tường - Qua những sai lầm trong Cải cách ru ộng đ ất ... talawas

No comments:

Post a Comment