Sunday, July 26, 2009
KHÔNG THỂ BẢO VỆ ĐẤT NƯỚC BẰNG VŨ KHÍ ĐI MUA
Không thể bảo vệ tổ quốc chỉ bằng vũ khí đi mua
Nguyễn Gót Asin
26.07.2009
http://www.x-cafevn.org/node/2009
Việt Nam chưa bao giờ công khai các số liệu và tình hình về quốc phòng của mình. Nhưng gần đây, báo chí thấy bắt đầu được đưa tin về việc Việt Nam mua vũ khí của Nga. Và một số trang Web và blog cá nhân cũng xuất hiện, nói khá chi tiết về tình hình quốc phòng của Việt Nam. Có lẽ người ta đang muốn cho dư luận biết là quốc phòng của Việt Nam giờ đây không yếu lắm đâu, đừng quá lo về sức mạnh quốc phòng của Trung Quốc. Báo chí đưa tin Mỹ đã có những hợp tác quân sự với Việt Nam mà trước đây chưa hề có. Mỹ sẽ đào tạo phi công cho Việt Nam, sẽ có thể sẽ bán một số vũ khí hiện đại cho ta, và sẽ mở rộng hợp tác quân sự hơn nữa.
Báo chí cũng đưa tin Việt Nam ta hợp tác quân sự với Ấn Độ, mua một số vũ khí của Ấn Độ, và Ấn Độ cũng huấn luyện việc sử dụng một số vũ khí cho quân đội ta. Nhưng có lẽ sôi nổi nhất là một số trang mạng và bolg cá nhân đã đưa tin khá chi tiết về quan hệ quốc phòng Việt Nam và Nga. Vào năm 2003, Việt Nam mua của Nga hai tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300, mỗi tiểu đoàn có 3 khẩu đội, trị giá tổng cộng 300 triệu đô-la. Năm 2004, Việt Nam mua 12 tàu phóng tên lửa (missile boats) kiểu Project 12418 trị giá 120 triệu đôla. Và năm 2009, Việt Nam lần đầu tiên chi tới 1,8 tỷ đôla mua 6 tàu ngầm loại Kilo của Nga, trị giá 300 triệu đôla 1 tàu. Cho đến hiện nay, Việt Nam chỉ có 2 tàu ngầm “bỏ túi”, tức là rất nhỏ, mua của Bắc Triều Tiên. Năm 2009 Việt Nam cũng mua 12 máy bay Su-30 của Nga, trị giá 500 triệu đo-la, nhưng sau đó rút xuống còn 8 chiếc, vì Việt Nam thiếu tiền.
Một số thông tin trên mạng cá nhân của Việt Nam cũng đưa tin Nga sẽ đóng cho Việt Nam, hoặc cấp giấy phép cho Việt Nam đóng tàu chiến khu trục trọng tải 2100 tấn...
Một số trang web và blog cá nhân của Việt Nam sau khi đưa tin về tiềm lực khổng lồ của quân sự Trung Quốc, đã có nhận xét rằng Trung Quốc chẳng có kinh nghiệm chiến tranh gì cả, rằng cuộc chiến biên giới năm 1979 đã cho thấy Trung Quốc “chẳng là cái đinh gỉ gì cả”, rằng nếu Trung Quốc định gây hấn chiếm đảo Trường Sa lần này, thì Trung Quốc sẽ chỉ thất bại mà thôi. Việt Nam ta có đặc công nước, có chiến thuật du kích trên biển, có vũ khí hiện đại, “chẳng sợ cóc gì tàu khựa”. Rằng Việt Nam ta đã từng thắng Trung Quốc nhiều lần, đã thắng Pháp, thắng Mỹ, kinh nghiệm chiến tranh có nhiều, có lòng dũng cảm, thiện chiến...
Trước tiên, có lẽ không nên gọi Trung Quốc là “tàu khựa”. Dù đánh nhau, thì cũng nên gọi nhau một cách có văn hóa. Ta gọi Trung Quốc là “tàu khựa”, thì họ cũng gọi ta là “man di”. Ứng xử với nhau một cách có văn hóa, thì vẫn cao thượng hơn. Trong cuộc chiến chống quân Minh cách đây 600 năm, sau khi ta thắng, các cụ Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã cho đóng thuyền, cấp ngựa, lương thực cho hàng binh nhà Minh về nước, khiến cho đến ngày nay, nhiều người Trung Quốc vẫn cảm kích.
Về cuộc chiến ngày nay, nếu xảy ra, thì Trung Quốc ngày nay cũng đã khác Trung Quốc trước đây nhiều.
Lịch sử đã chứng minh trên thế giới đã từng có những nước anh hùng, làm bá chủ thế giới một thời, nhưng nay chỉ còn là những nước nhỏ yếu, không có trọng lượng trên trường quốc tế. Nước Macedonia của Alexander Đại đế là một ví dụ. Hoàng đế Alexander the Great lên ngôi vua Macedonia năm 332 BC, khi mới 20 tuổi. Trong 13 năm cầm quân, đến khi ông mất năm 33 tuổi, ông đã đánh “trăm trận trăm thắng”, đế quốc Macedonia của ông đã mở rộng từ tây sang đông, bao gồm cả Hilạp, Ai cập,,,,. Nhưng rồi sau khi ông mất, nước Macedonia dần dần bị suy yếu, bị chia nhỏ, và ngày nay, chỉ còn là một nước Macedonia nhỏ bé, yếu đuối, trước đây nằm trong Liên bang Nam Tư. Hoặc đế quốc Mông cổ là một ví dụ. Khi Hoàng đế Genghis Khan cầm quân, đế quốc Mông Cổ đã xâm chiếm cả Trung Quốc, cả châu Âu, cả thế giới kinh hoàng trước quân Tac-ta Mông cổ. Nhưng rồi quân Nguyên thua tại Việt Nam 3 lần, và ngày nay, nước Mông Cổ chỉ còn là một nước nhỏ yếu, chỉ nổi tiếng ở nghề chăn cừu.
Sở dĩ 2 quốc gia Macedonia và Mông Cổ không giữ được lâu cái sự vô địch của họ, là bởi vì họ không xây dựng được một xã hội có cơ chế phù hợp, không có nền tảng kinh tế-chính trị và xã hội vững chắc và tiến bộ, để bảo đảm cho khoa học và kỹ thuật phát triển, nên sự anh hùng của họ chỉ là nhất thời.
Nước Việt Nam ta rất anh hùng, đã từng thắng Trung Quốc, thắng Pháp, thắng Mỹ. Nhưng nếu ta không xây dựng được một xã hội có nền tảng vững chắc, thì cái anh hùng của ta cũng sẽ chỉ là “vang bóng một thời” mà thôi. Hãy nhớ lại bài học lịch sử xưa. Nước ta đã từng thắng quân Nguyên 3 lần, vào các năm 1257, 1284, và 1288. Chiến thắng thật là lừng lẫy. Thế nhưng gần 100 năm sau, vào những năm 1380, Chế Bồng Nga người Chiêm Thành đã 3 lần xâm chiếm được Thăng Long, ra vào nước ta như đi vào chỗ không người, quân nhà Trần thua chạy liểng xiểng. Rất may năm 1390, tướng Trần Khát Chân giết được Chế Bồng Nga, nên mới cứu được nước ta khỏi trở thành thuộc quốc của Chiêm Thành. Nếu thế giới đứng yên, chiến tranh chỉ mãi mãi là cung, nỏ, giáo mác, kiếm, ngựa, thì Macedonia và Mông cổ sẽ vẫn hùng mạnh. Nhưng thế giới không đứng yên, kinh tế, khoa học kỹ thuật không ngừng phát triển, vũ khí mới không ngừng được phát minh. Và nước nào không bảo đảm cho nền kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật phát triển tiên tiến, thì sẽ thất bại, cả trong thời chiến, lần thời bình. Chưa có một quốc gia nào có thể bảo vệ vững chắc tổ quốc của mình chỉ bằng vũ khí đi mua.
Nếu Việt Nam ta không thể tự sản xuất được vũ khí hiện đại, tân tiến, thì ta không thể có nền quốc phòng vững chắc được. Nếu đi mua vũ khí, thì không một nền kinh tế nào có thể chịu đựng nổi. Vì vũ khí là loại hàng xa xỉ đắt nhất thế giới. Và hơn nữa, người ta không bán các loại vũ khí hiện đại nhất, mạnh nhất cho ta. Ta chỉ có thể mua được các loại vũ khí vừa vừa, không đủ để bảo vệ tổ quốc, biển, đảo.
Trong chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, cho dù ta có mưu giỏi, dũng cảm, lòng yêu nước, nhưng nếu không có pháo do Trung Quốc giúp, thì ta không thể thắng được trận Điện Biên Phủ. Trong chiến tranh với người Mỹ 1954-1975, cho dù ta có lòng dũng cảm, mưu trí, đoàn kết, nhưng nếu không có vũ khí do Liên Xô và các nước anh em giúp đỡ, thì ta cũng không thể thắng được.
Ngày nay, không ai giúp đỡ ta cả. Ta phải tự lo lấy về tiềm lực quốc phòng.
Và như vậy Đảng ta đang đứng trước một sự lựa chọn rất khó khăn.
Muốn kinh tế phát triển, thì phải thực hiện tốt hơn cơ chế thị trường, mở rộng tự do dân chủ hơn nữa. Nhưng nếu mở rộng dân chủ, tự do hơn nữa, giảm bớt “định hướng xã hội chủ nghĩa”, thì Đảng ta lại sợ bị mất chính quyền. Hiện nay, mới chỉ có một dúm người đấu tranh cho tự do dân chủ ở Việt Nam, mà Đảng ta đã phải đối phó thật vất vả, bị động.
Với cơ chế “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” như hiện nay, có thể bảo đảm nền kinh tế, khoa học kỹ thuật phát triển nhanh, vững chắc, người tài được sử dụng không?
Chắc chắn nhiều người nói là “được”, vì ta đang ổn định nhất thế giới, và nền kinh tế sau đổi mới đang phát triển tốc độ nhanh, 6, 7, 8% một năm...
Đúng là ta đang phát triển nhanh 7, 8% một năm. Nhưng hãy thử tỉnh táo nhìn xem, đó chủ yếu là nhờ các yếu tố bên ngoài, và nhờ bán tài nguyên thô. Thực lực kinh tế của ta vẫn còn hết sức yếu kém. GDP năm 2008 của ta khoảng 100 tỷ đô-la, thì đầu tư nước ngoài là khoảng 20 tỷ, Việt kiều gửi về khoảng 5 tỷ, lao động xuất khẩu gửi về khoảng 3 tỷ, bán dầu thô khoảng vài tỷ, bán gạo khoảng vài tỷ. Như vậy các yếu tố bên ngoài, và bán tài nguyên thô chiếm khoảng gần 40% trong cơ cấu GDP của Việt Nam. Tiềm lực kinh tế thật thì còn quá ọp ẹp. Như ông Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khi mới nhậm chức, đã từng nhận xét về nền kinh tế Hà Nội, là sản phẩm mạnh nhất của Hà Nội chỉ là màn tuyn!
Một vị đại sứ nước ngoài ở nước ta cũng đã từng nhận xét gần đây là mặc dù kinh tế Việt Nam đổi mới sau hơn 20 năm, nhưng không sản xuất nổi các loại bao bì cho đúng chất lượng.
Nền kinh tế đó có thể bảo đảm cho một nền quốc phòng mạnh được không?
Không. Nếu có chiến tranh, thì nền kinh tế đó của Việt Nam ta thực sự là một thảm họa.
Tự ru ngủ bằng những cái anh hùng xưa là một nguy cơ nhãn tiền có thể không bao giờ sửa chữa được.
No comments:
Post a Comment