Wednesday, July 22, 2009

HOA KỲ KÝ HIỆP ƯỚC BẤT TƯƠNG XÂM VỚI ASEAN


Hiệp ước bất tương xâm : Lá bài mới của Hoa Kỳ trên bàn cờ khu vực Đông Nam Á
Bảo Thạch
Bài đăng ngày 22/07/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 22/07/2009 13:49 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/115/article_4286.asp
Nhận định về sự kiện Washington ký Hiệp ước bất tương xâm với ASEAN, các chuyên gia quan hệ quốc tế cho rằng : ‘’trong lúc mà Trung Quốc đang trỗi dậy tại khu vực này, Hoa Kỳ có lợi khi tạo được tư thế một cường quốc mà các nước châu Á có thể lựa chọn để dựa vào’’

Hôm qua, nhân cuộc họp báo tại Bangkok, ngoại trưởng Mỹ đã tuyên bố : ‘’Tôi muốn gửi một thông điệp rất rõ ràng là Hoa Kỳ đã trở lại’’.

Tăng cường quan hệ với Đông Nam Á để làm đối trọng với Trung Quốc
Ngày hôm nay, tại Phuket, ngoại trưởng Mỹ đặt bút ký Hiệp ước bất tương xâm với ASEAN. Sự kiện này xảy ra 6 năm sau khi Trung Quốc ký kết văn bản kể trên. Theo các viên chức Mỹ, Washington ngày hôm nay muốn đánh động dư luận về quyết tâm tăng cường quan hệ với khu vực Đông Nam Á, nơi mà Trung Quốc đang lặng lẽ thách thức Hoa Kỳ, cả về kinh tế lẫn quân sự.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton muốn lật sang một trang sử mới với ASEAN, bởi vì trong quá khứ bà Condoleeza Rice đã hai lần vắng bóng tại Diễn Đàn An Ninh Khu Vực của Đông Nam Á. Thái độ của chính quyền Mỹ, trong nhiệm kỳ hai của tổng thống Bush đã bị xem là lơ là đối với ASEAN, không quan tâm đến Đông Nam Á.
Bây giờ thì đã khác. Chính quyền Obama muốn chứng tỏ rằng Hoa Kỳ sẽ không để cho hồ sơ Afghanistan và Irak gây xao nhãng, mà trái lại, muốn mở rộng cũng như thắt chặt thêm quan hệ đối tác với khu vực Đông Nam Á. Do đó, việc ký kết với ASEAN Hiệp ước hữu nghị và Hợp tác, tên gọi chính thức của Hiệp ước bất tương xâm, sẽ mở đường cho Washington hiện diện trong Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á. Mặt khác, điều này minh họa cho chính sách mới của Hoa Kỳ, theo đó, từ nay, Trung Quốc sẽ không còn cơ hội múa gậy vườn hoang.

Xin nhắc lại việc ký Hiệp ước bất tương xâm là điều kiện để có thể tham gia Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á, diễn đàn tập hợp 10 nước ASEAN, cùng với 3 nước là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, cộng thêm 3 thành viên "mới" là Ấn Độ, Úc và New Zealand. Đây là khuôn khổ được xem là thích hợp nhất cho công cuộc hợp tác tại Châu Á. Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á nhóm họp lần đầu tiên tại Kuala Lumpur năm 2005, trong khi Hoa Kỳ hoàn toàn vắng bóng, đã tạo ra nhiều cuộc tranh cãi. Người ta đã đặt câu hỏi về sự việc chính quyền Bush không ký Hiệp ước bất tương xâm, để mặc cho Bắc Kinh chiếm lĩnh ngôi vị bá chủ tại diễn đàn mới này.
Ngày nay, việc Washington ký Hiệp ước bất tương xâm đánh dấu chặng đường mới. Từ nay, sự hiện diện của Hoa Kỳ sẽ được xem là đối trọng với sức mạnh không ngừng được khẳng định của Trung Quốc.

Trung Quốc phủ bóng xuống Đông Nam Á
Thế và lực của Trung Quốc đã biến Bắc Kinh thành đối tác của Đông Nam Á, trong lãnh vực kinh tế. Nhưng song song với việc này, tiềm lực quân sự của Trung Quốc, và đặc biệt là tranh chấp chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở biển Đông, gây nhiều lo ngại cho Đông Nam Á.
Trong khi đó, Hoa Kỳ thời gian qua đã mất dần ảnh hưởng. Thậm chí, Washington đã bị nghi ngờ rằng không còn chú ý đến Đông Nam Á. Theo Reuters, năm ngoái mậu dịch giữa Mỹ và Đông Nam Á trị giá 178 tỷ đôla, trong khi đầu tư của Mỹ trong khu vực được ước lượng lên đến 100 tỷ. Mậu dịch song phương giữa Trung Quốc và ASEAN quan trọng hơn, đạt 231,1 tỷ đôla với đầu tư hai chiều là 60 tỷ.

Nhận định về sự kiện Washington ký Hiệp ước bất tương xâm với ASEAN hôm nay, giáo sư Donald Weatherbee, thuộc Đại Học South Carolina , tuyên bố với hãng tin Bloomberg rằng : ‘’trong lúc mà Trung Quốc đang trỗi dậy tại khu vực này, Hoa Kỳ có lợi khi tạo được tư thế một cường quốc mà các nước châu Á có thể lựa chọn để dựa vào’’.

Không phải ngẫu nhiên, mà tuần trước, vào ngày 15/7, nhiều chuyên gia và Thượng nghị sĩ Mỹ đã báo động về nguy cơ căng thẳng leo thang tại biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo họ, Washington nếu không kịp trở tay, sẽ để mất lợi thế tại khu vực này.
Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb còn lên tiếng chỉ trích thái độ thụ động của Hoa Kỳ tại châu Á, mà theo ông có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc rảnh tay lấn lướt các nước lân cận. Ông Jim Webb lo ngại sức mạnh quân sự của Bắc Kinh đặc biệt là của hải quân Trung Quốc có khả năng làm thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực, nếu Washington không duy trì một lực lượng trên biển mang tính răn đe, đủ để thuyết phục Bắc Kinh từ bỏ thái độ kẻ cả, ăn hiếp các nước khác.
Việc này diễn ra sau khi Thượng Viện Mỹ nghe ông Scott Marciel, phó trợ lý ngọai trưởng, khẳng định, trong hai năm qua, Trung Quốc đã gây nhiều áp lực trên các tập đoàn Mỹ, buộc họ ngừng hợp tác với Việt Nam trong việc thăm dò dầu khí tại biển Đông. Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb đã kết luận và thúc giục Washington hành động. Ông nói : ‘‘chúng ta có bổn phận duy trì sự cân bằng địa lý chiến lược trong khu vực này’’.

Cân bằng hóa ảnh hưởng của Trung Quốc, điều này không chỉ Việt Nam mà có lẽ toàn Đông Nam Á đều mong muốn. Đầu tháng 7, một báo cáo của Viện Nghiên Cứu các vấn đề Chiến Lược và Quốc Tế (Center for Strategic and International Studies), đặt trụ sở tại Washington, đã cho thấy Đông Nam Á hoan nghênh những cơ hội hợp tác và trao đổi với Trung Quốc, nhưng rất e dè trước các hệ quả có thể xảy ra, đặc biệt trong lãnh vực quân sự.
Bản báo cáo này viết : ‘‘các quốc gia trong khu vực đánh giá cao những mối lợi mang đến do sự lớn mạnh của Trung Quốc, nhưng họ lo ngại trước những thách thức mà Trung Quốc gây ra đối với quyền lợi quốc gia của họ, đặc biệt là trên biển Đông, và về toàn diện cán cân lực lượng khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc hiện đại hóa quân đội’’.
Bởi lẽ đó, câu nói của ngọai trưởng Mỹ Hillary Clinton ‘’Hoa Kỳ đã trở lại’’ – United States is back đã được ASEAN hoan nghênh.


No comments:

Post a Comment