Friday, July 24, 2009

CÂU CHUYỆN PHẢN BIỆN XÃ HỘI TRONG CƠ CHẾ HIỆN NAY

Lá thư tâm sự của KTS Trần Thanh Vân hay là câu chuyện “phản biện xã hội” trong cơ chế hiện nay: Kẻ cắp gặp bà già, vận may của đất nước
Đăng lúc 21:11 ngày Thứ Sáu, 24/07/2009
http://bauxitevietnam.info/c/4394.html

Bạn thân mến.
Từ đất nước Ba Lan xa xôi, bạn gọi điện thoại về hỏi tôi những kinh nghiệm phản biện khoa học của mình. Giọng rất chân thành bạn nói với tôi rằng “Bọn em chúc mừng chị, một tấm gương hoạt động không mệt mỏi, chị kể cho bọn em một chút kinh nghiệm trong phản biện khoa học của chị đi!”
Thú thật, tôi hơi ngượng.
Những năm tháng đã qua, nói về thành công trong hoạt động khoa học thì tôi cũng có đôi chút, nhưng những cuộc phản biện “nổi đình đám” trong thời gian vừa rồi, thì kiến thức khoa học được tôi mang ra vận dụng rất ít, mà tôi đã “dùng mẹo bà già bắt kẻ cắp” nhiều hơn. Cứ gọi đó là “phản biện xã hội” mà hay.
Xin kể cho bạn nghe vài chuyện xẩy ra gần đây.

Chuyện thứ 1
Tháng 7 năm ngoái, khi dự án đường hầm bộ xuyên qua Hồ Tây của Posco E&C Hàn quốc đã trình UBND thành phố Hà Nội được hai tháng, thì dư luận Hà Nội rộ lên và rất nhiều người phản đối, báo chí săn tin và tìm hiểu sự thật, nhưng ông Phó VP UBND thành phố Hà Nội phủ nhận rằng không có chuyện đó.
Có một phóng viên Vietnamnet gọi điện đề nghị, nên tôi đã đóng góp một bài.
Bài của tôi đại ý nói rằng: Xưa nay không ai làm đường hầm bộ xuyên qua hồ vì như thế rất tốn kém, mà đi dạo mát thì không ai muốn chui xuống dưới hầm, còn về đường giao thông thì chỉ rút ngắn được 2km nên cũng không ai cần, vả lại tại Hồ Tây linh thiêng này mà đào bới lung tung tận đáy sâu thì sẽ gây đại họa. Rồi tôi kết luận với một câu hỏi “Nhà đầu tư kém hiểu biết hay còn có mục đích gì khác?”
Chỉ chờ câu hỏi như thế, cô phóng viên trẻ của Vietnamnet tung ngay lên mạng nội dung bản Luận chứng Kinh tế Kỹ thuật mà Posco E&C đã nộp cho ông Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi. Bản Luận chứng đó dài 12 trang thì đã có 9 trang nói về kế hoạch hợp tác buôn bán hơn 2.000 ha đất ở Khu đô thị mới bên Đông Anh và sẽ cùng hưởng lãi hơn 500 triệu USD.
Thế là sự thật đã rõ, nhưng cuộc tranh luận đến đó thì dừng. Tất nhiên UBND Hà Nội chưa duyệt dự án này nên chưa có ai bị quy trách nhiệm cả. Có điều chúng tôi thật không hiểu tại sao khi được nhà báo hỏi đến, ông Phó VP UBND thành phố phải lúng túng giấu giếm sự thật?
Riêng cô phóng viên đáo để của báo Vietnamnet chưa chịu dừng. Hôm sau gặp ông Trưởng đoàn Posco E&C trong một cuộc họp khác về Quy hoạch chung của Hà Nội, cô nhanh nhẩu hỏi luôn:
- Các ông có định làm đường hầm bộ xuyên qua Hồ Tây nữa không?
Trả lời:
- Không! Không! Đó chỉ là một đề xuất ý tưởng thôi mà.
Chao ôi, chuyên gia quy hoạch hàng đầu thế giới được chọn làm Tư vấn quy hoạch chung Thủ đô, họ nhận của nhân dân ta một hợp đồng tư vấn trị giá 120 tỷ đồng, thế mà họ chỉ chăm chăm chọn những việc sinh lợi cho họ và bày ra những trò ma mãnh phá nát đất nước mình! Nếu không bị phát giác thì họ cứ việc thực thi để kiếm lãi, “sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi”, còn nếu bị phát giác là họ lẩn ngay như chạch. Vậy thì bạn cứ hình dung xem cái đám người đó mà các vị chính quyền vô cùng tin tưởng, liệu họ sẽ làm được gì hay ho cho dân Việt Nam để xứng đáng với số tiền lớn như thế?

Chuyện thứ 2
Ngày 6/6/2008, khách sạn SAS Hà Nội Royal được khởi công xây dựng tại công viên Thống Nhất. Một Kiến trúc sư trẻ từ Australia gửi e-mail về hỏi tôi phải làm gì để cứu công viên? Tôi trả lời rằng một việc đã bị bãi bỏ hơn 10 năm trước, mà nay bỗng nhiên họ lại làm, tức là họ mạnh và ngoan cố lắm. Ta phải tìm cho ra họ là ai và ai cho họ làm rồi ta hẵng tính.
Thế là chúng tôi đi tìm nhà đầu tư và chẳng khó khăn gì chúng tôi đã tìm ra cái tên dài và rắc rối : Liên doanh SAS Hanoi Royal Hotel có tên mới là Novotel Hanoi on the park là một liên doanh mà phía Việt Nam là Tổng Công ty Du lịch Hà Nội và phía nước ngoài là SIH Investment Limited Singapore (trong đó có VinaCapital, Accore và River Nile ). Và cũng chẳng khó khăn gì chúng tôi đã biết chắc chắn rằng phía nước ngoài là Hãng hàng không SAS đã rút khỏi dự án này từ khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ thị dự án khách sạn phải di dời đi chỗ khác từ năm 1996.
Nhưng tại sao chủ đầu tư hiện nay lại có cái tên rắc rối thiếu minh bạch như kia? Tại sao một Tập đoàn du lịch hàng đầu châu Âu như Accore lại phải nấp đằng sau thương hiệu của Hãng hàng không Bắc Âu?
Vâng, SAS là chữ viết tắt của 3 chữ Scandinavian Airline System chứ có phải là cái tên Mộng Mơ hay Hồ Điệp gì đâu mà cố dán vào cho khách sạn 4 sao này thêm phần hấp dẫn? Thế là tôi quyết định viết bức thư ngỏ gửi chủ đầu tư khách sạn SAS Hanoi Royal và đưa cho bạn bè xem để họ chuẩn bị bài của họ.
Giáo sư Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam góp ý kiến rằng: “Chị Vân nên viết thư kiến nghị thẳng với Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, còn chủ đầu tư thì chẳng có trách nhiệm gì trong chuyện này đâu!”
Tôi cãi lại: “Không nên, chờ khi nào thật cần thiết thì Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thế Bá ký công văn gửi KTS Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo. Còn tôi chỉ là một cá nhân, tôi chỉ viết thư cho chủ đầu tư cũng là những cá nhân thôi, để xem xem họ là ai đã chứ?”
Tuy vậy, ngày 4/12/2008 tôi đã gửi thư e-mail đến UBND thành phố Hà Nội, báo trước cho Chủ tịch UBND thành phố biết kế hoạch chúng tôi sẽ làm, để ông ấy kiểm tra lại nội bộ và chủ động chuẩn bị kế hoạch rút lui.
Ấy vậy mà ngày 10/2/2009 bức thư của tôi lên mạng Vietnamnet, nhiều người đã biết trước đồng loạt lên tiếng, thì hai ngày sau có cuộc họp báo do ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó văn phòng UBND thành phố và ông Nguyễn Minh Chung, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội được UBND Hà Nội ủy quyền, tuyên bố rằng “Lãnh đạo UBND đã quyết định vẫn cho khách sạn SAS tiếp tục xây dựng vì công trình này hợp quy hoạch, hợp trình tự pháp luật và tôn trọng công ước quốc tế (!!??)”.
Thế là báo chí bị bịt miệng rồi chứ còn gì nữa!
Mặc dầu ở vào tình thế phải gọi là kẹt, các nhà khoa học có uy tín như TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội XD Việt Nam, TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, KTS Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội KTS Việt Nam…vẫn tiếp tục phát biểu quan điểm trên Vietnamnet và Dân trí, cuối cùng khi Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam gửi công văn kiến nghị dừng dự án xây khách sạn đến UBND Hà Nội, thì Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã bố trí lịch tiếp GS Nguyễn Thế Bá vào chiều 23/2/2008. Cũng lúc đó PGS Hà Đình Đức đã tìm ra công văn ngày 12/6/1996 của VPCP truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Võ Văn Kiệt là phải dời khách sạn đi chỗ khác và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị Bộ Xây dựng phải kiểm tra lại việc xây khách sạn trên đất công viên này.
Vậy là thế cờ đã thay đổi. Và Sở Ngoại vụ Hà Nội đành phải gửi công văn hỏi ngài Đại sứ Thụy Điển rằng họ có còn dính líu gì đến dự án khách sạn SAS này hay không?
Chắc là ông Đại sứ Thụy Điển Rolf Bergman đã bị nhiều người quan tâm hỏi han chuyện khách sạn này, nên nhận được công văn thì ông gửi công văn trả lời ngay, rằng ông đã hỏi Công ty SAS đặt trụ sở ở Stockholm mà Thụy Điển có góp vốn, qua đấy được biết hiện nay SAS không còn dính líu gì đến dự án xây khách sạn này nữa.
Hóa ra ông Phó VP UBND Hà Nội lưu trữ công văn năm 1996 của VPCP kỹ đến mức không kịp lục ra đọc lại nên công văn nói rằng Thủ tướng chỉ thị khách sạn phải dời đi chỗ khác thì ông ta nhớ nhầm là khách sạn được ở lại. Và hay hơn nữa là ông Phó Tổng Giám đốc Công ty du lịch Hà Nội lâu nay cứ tưởng mình đang liên doanh với đối tác Thụy Điển, hóa ra nay mới lộ diện là… “đối tác khác”. Ôi chao!!!
Nhưng “đối tác khác” đó là ai mà xây cái tầng hầm hết những 14,5 triệu USD, khiến cho chính quyền Hà Nội sợ đến mức khi buộc phải ngừng xây khách sạn trong công viên thì lập tức xùy ra đền cho “đối tác” mảnh đất ngon lành là Nhà máy Rượu trên phố Nguyễn Công Trứ ở quận Hai Bà Trưng? Đưa mỡ đến trước miệng mèo, dẫu bạn có nằm mơ cũng chẳng tưởng tượng nổi những điều ly kỳ đến thế. Đương nhiên, câu hỏi: ai chịu trách nhiệm về 14,5 triệu đô la Mỹ thì chắc chẳng ai trả lời, và cũng chẳng ai cần trả lời đâu.
Bạn ơi, kể đến đây, tôi bỗng thấy chán những kẻ vô tích sự này đến tận cổ và bỗng đâm ra… thẹn thầm cho họ.

Chuyện thứ 3
Chuyện này mới xảy ra cách đây mươi ngày.
Trong một cuộc họp nghe các nhà tư vấn báo cáo về Quy hoạch chung của thành phố Hà Nội mở rộng ở Hội trường Viện Kiến trúc và Quy hoạch Đô thị & Nông thôn Bộ Xây dựng, ngôi nhà mới xây, hội trường thật lớn, người họp rất đông, bản đồ và máy móc thiết bị bày la liệt, tôi bước vào phòng họp tự thấy mình lạc hậu và già nua đến tội nghiệp, nên tôi ngồi yên một chỗ, không đi chào hỏi mọi người như mọi khi.
Diễn giả đầu tiên là một chuyên gia người Mỹ, thay mặt nhóm Tư vấn liên danh Hàn quốc – Mỹ, diễn giả thứ hai là ông Viện trưởng Viện KTQH Đô thị & Nông thôn, thay mặt cho Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội. Hai diễn giả nói rất hay và… rất dài, đề cập đến những khái niệm rất mới, giới thiệu nhiều kinh nghiệm của các thành phố hiện đại trên thế giới. Nhưng đến lúc diễn giả giới thiệu hai sơ đồ định hướng phát triển không gian quy hoạch (Phương án A và Phương án B) thì tôi không muốn nghe họ nói nữa mà giở tập kỷ yếu ra xem kỹ sơ đồ hai phương án đó.
Sau giờ giải lao là phần phản biện của các chuyên gia liền rộ lên rất nhiều ý kiến gay gắt. Tiến sĩ Trần Trọng Hanh nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc thì ví đồ án này ngây ngô như một đồ án sinh viên. Có người lại hỏi rằng các vị định nhét kinh nghiệm ở khắp nơi vào đây thì bản sắc riêng của thủ đô ta thử hỏi còn là cái gì?…
Riêng tôi, đến hơn 5 giờ chiều tôi mới giơ tay xin phát biểu ý kiến.
Giọng nghẹn ngào, tôi nén giận nói rằng : “Năm ngoái, khi Quốc hội tranh luận chưa nhất trí thông qua nghị quyết mở rộng Thủ đô, các vị cuống lên đến hỏi tôi về luận thuyết phong thủy Thăng Long. Tôi đưa cho các vị bản Thiên đô chiếu của vua Lý Thái Tổ. Các vị chớp ngay đoạn Tựa núi nhìn sông & Rồng cuộn Hổ chầu đưa vào báo cáo để được Quốc hội ủng hộ và thông qua với số phiếu cao. Nhưng bản Thiên đô chiếu chỉ có 214 chữ mà các vị không thuộc, nguyên văn đoạn này là : “Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế Rồng cuộn Hổ chầu, chính ngôi Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước…”. Vậy thành Đại La cũ ở đâu?, nếu các vị đưa trung tâm hành chính quốc gia sang Đông Anh (P. án A) hay đưa vào Thạch Thất (P. án B) là các vị di đô rồi còn gì? Phải đưa Trung tâm hành chính quốc gia về Tây Hồ Tây cùng có vĩ độ với Đền Thượng Ba Vì và Đền Kim Ngưu ở Tây Hồ. Trung tâm này phải tựa vào núi Ba Vì, nhìn ra Hồ Tây mênh mông và sông Hồng thoáng rộng, không được xây công trình cao tầng ở sông Hồng như đồ án của Hàn quốc. Còn ở Tây Hồ Tây ngoài Trung tâm hành chính quốc gia rộng 100 ha, phải có kênh mương nối sông Hồng-sông Nhuệ-sông Tô Lịch với Hồ Tây tạo thành một công viên mở chừng 100 ha để phục hồi long mạch, tức là thế Rồng cuộn. Đây là một trong những huyệt đạo quan trọng sản sinh ra HIỀN TÀI, nên ở đây sẽ phải xây Trung tâm đào tạo Nhân Tài Đất Việt.
Cuối cùng, một khó khăn có thể nẩy sinh là: Ngày 4/4/2008 UBND Hà Nội đã phê duyệt Dự án Trung tâm đô thị Tây Hồ Tây rộng 210 ha đầu tư 100% vốn Hàn quốc, mang phong cách Hàn Quốc. Nghe nói họ đã đền bù giải phóng mặt bằng hết 1376 tỷ đồng tức hơn 80 triệu USD và đang thi công trục đường Đông Tây?
Để tránh bị áp lực tiền bạc làm chệch hướng mục tiêu, tôi xin giới thiệu nhà tư vấn phản biện của chúng tôi, Tiến sĩ Trần Văn Khoát là Tổng Giám đốc Keystone Việt Nam xin thanh toán số tiền đó cho nhà đầu tư Hàn quốc để chuộc lại 210 ha đất và thay quy hoạch cũ của họ bằng một quy hoạch mới hợp lý hơn nhiều sẽ trình lên các vị trong nay mai. Nếu được chấp nhận, Keystone xin đầu tư kênh dẫn nước nối các dòng sông và hồ, công viên mở, Trung tâm đào tạo Nhân Tài Đất Việt và Vườn hoa Vạn Hạnh ở bên Phủ Tây Hồ…”.
Tôi nói một mạch gần như nín thở. Tiến sĩ Trần Văn Khoát ngồi cạnh tôi ngượng nghịu. Anh là một Việt kiều đã ở Mỹ lâu năm, anh có tiền và ngay cả giữa lúc suy thoái này anh vẫn có thể huy động rất nhiều tiền để đầu tư vào nhiều yếu huyệt vì sự hưng vong của đất nước. Anh đang đầu tư bệnh viện Việt Mỹ ở Làng quốc tế Thăng Long, cũng vừa có tờ trình xin đầu tư tòa tháp Trần Hưng Đạo bên sông Hồng trị giá 200 triệu USD và vẫn chưa thôi ý nguyện xây thành phố dầu khí có tên là Hoàng – Trường trên Biển Đông trị giá hơn 1500 tỷ USD mà anh đã đề nghị từ năm 2004 [1].
Hai ba hôm nay có người đến nhà tôi thông báo rằng chúng nó vống lên con số 1376 tỷ cho oai để hù dọa mọi người đấy. Sự thực là nó mới chi ra vài ba chục tỷ rồi cho xe ủi đất đến làm đường để tạo ra không khí của “một sự đã rồi” khiến mọi người sợ không dám lật lại ván cờ đó thôi. Tiến sĩ Trần Văn Khoát nghe tin đó thì cười:
“Như thế thì quá tốt, nhưng nếu họ có đủ chứng từ đã chi quá số 1376 tỷ đó thì Keystone Việt Nam sẽ thanh toán sòng phẳng để tránh trò nhập nhèm ở đây”.
Bạn ơi, bạn ở xa mà nghe tôi kể chuyện này cứ như nghe kể chuyện cổ tích, có đúng không? Đã là con dân đất Việt thì xin hãy vì lợi ích lâu dài của đất nước, hãy động não lên một chút, ắt có nhiều ý kiến và việc làm hay. Xin hãy nén cơn giận dữ vì giận quá sẽ mất khôn, xin hãy coi những kẻ xấu mà ta gặp trên đường là cái rơm cái rác để bước qua chúng một cách đàng hoàng.
“Mình” mà mạnh lên là “Hắn” ắt yếu đi liền. Ngay chuyện đấu tranh bauxite, vấn đề đại sự của đất nước mà các bạn cũng như đông đảo mọi người đang hết sức quan tâm, tôi nghĩ cũng không khác.
Hãy tin như thế.
Thân ái
TTV

--------------------------------

[1] Ông Trần Văn Khoát từng có ý tưởng xây một thành phố nổi giữa Hoàng Sa và Trường Sa, và nhờ quy mô bề thế của công trình này, quốc tế sẽ can thiệp để Trung Quốc không còn nhúng mũi vào hải phận của Việt Nam. Xin đăng lại bài phỏng vấn ông trên Vietnamnet ngày 29/02/2004 do Đỗ Diễm Huyền thực hiện:
(VietNamNet) - Hoàn toàn có thể xây dựng một thành phố trên biển giữa Hoàng Sa và Trường Sa. Thành phố sẽ mang tên Hoàng – Trường. Một thành phố nổi hoàn toàn trên mặt biển, nơi máy bay có thể hạ cánh, có cảng container cỡ lớn và tàu ngầm có thể lên xuống được. Tất cả những ý tưởng này không hoàn toàn viển vông, mà là một kế hoạch làm kinh tế vĩ đại: khai thác dầu khí. Nhưng trước hết, việc xây dựng và khai thác vùng lãnh hải giữa Biển Đông là sự khẳng định một cách hùng hồn chủ quyền của VN tại cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tiến sĩ Trần Văn Khoát
http://bauxitevietnam.info/uploads/2009/07/khoatvantran.jpg

Tiến sĩ Trần Văn Khoát, Tổng giám đốc Keystone (Công ty Quản lý phát triển đá Đỉnh vòm) là một Việt Kiều lâu năm tại Mỹ, nhưng lại gắn bó sâu sắc với Trường Sa và Hoàng Sa do đặc điểm nghề nghiệp của ông: thăm dò và khai thác dầu khí. Cách đây 12 năm, năm 1992, ông đã đệ trình chính phủ nước ta Kế sách phát triển dầu khí cho VN, nhằm biến VN thành quốc gia khai thác dầu khí lớn trên thế giới; và sau đó, năm 1998 là Dự án Biển nước sâu. Tuy chưa được chấp nhận nhưng vừa qua, ông lại đệ trình một dự án tầm cỡ hơn nữa: dự án xây dựng một thành phố giữa Biển Đông.

- Nhưng tại sao lại nhất thiết xây dựng một thành phố trên biển. Điều đó liệu có khả thi không, thưa ông?
- Tôi đã nghiên cứu kỹ kỹ thuật xây dựng các công trình lớn nổi trên mặt nước của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ. Ý tưởng của tôi là áp dụng kỹ thuật của các nước tiên tiến, đặc biệt là của Mỹ để xây dựng thành phố nổi, việc này không khó lắm và thực ra vấn đề chính không phải chỉ nằm ở đó.

- Vậy vấn đề chính nằm ở đâu?
- Vấn đề chính là làm thế nào để VN nhìn ra cái lợi của việc mời các công ty nước ngoài vào đầu tư trên vùng Biển Đông. Tập đoàn Keystone (Hoa Kỳ) sẽ đứng ra đảm nhận trách nhiệm phát triển kinh tế ở hai quần đảo Hoàng, Trường dưới dạng một hợp đồng được ký với Petrovietnam chẳng hạn. Tập đoàn Keystone sẽ đảm bảo an ninh trên lãnh hải và đảm bảo an toàn cho các công ty dầu khí vào khai thác ở vùng này trong suốt thời gian hoạt động.

-Với dự án mà ông đặt vấn đề, VN được gì ?
- Về kinh phí, VN sẽ không mất (tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 150 tỷ USD, Keystone và các tập đoàn khác sẽ đầu tư). Về lợi ích sẽ được rất nhiều. Đó là lợi ích quốc gia được tôn trọng, tài nguyên quốc gia được bảo vệ và khai thác. Về kinh tế, VN được thu các loại thuế như thuế tài nguyên, thuế doanh thu,… phát triển công nghệ dầu khí, hải sản và vận chuyển tàu. Ngành du lịch có một mô hình mới, du lịch biển. VN có một thành phố trị giá hơn 1500 tỷ USD. Về xã hội, một số đông lao động tay nghề cao được huấn luyện và sử dụng, một lực lượng đông chuyên viên an ninh tầm cỡ quốc tế với phương tiện hiện đại đủ sức bảo vệ chủ quyền VN.

Thành phố Hoàng - Trường sẽ có giá trị 1500 tỷ USD sau khi hoàn thiện.
http://bauxitevietnam.info/uploads/2009/07/hoangsa_huyen1.jpg


No comments:

Post a Comment