Monday, July 6, 2009
CAM BỐT TRƯỚC NGUY CƠ TỊ NẠN MÔI TRƯỜNG TỪ VIỆT NAM
Cam Bốt trước nguy cơ tỵ nạn môi trường Việt Nam
Đức Tâm
Bài đăng ngày 05/07/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 05/07/2009 16:09 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/115/article_4098.asp
Tình trạng di dân Việt không nơi sinh sống ào ạt tràn đến xứ Chùa Tháp sẽ không diễn ra tức thì. Nhưng, các phúc trình gần đây cho thấy, kịch bản có thể xẩy ra trong vài thập niên nữa. Viễn ảnh này không chỉ là một thách thức đối với Việt Nam và Cam Bốt mà còn đối với toàn khu vực Ðông Nam Á.
Trong tháng năm vừa qua, tổ chức CARE quốc tế và đại học Columbia đã công bố một công trình nghiên cứu mang tên “Tìm kiếm nơi cư trú : Bản đồ của thay đổi khí hậu ảnh hưởng đến sự di dân và không nơi cư trú". Các tác giả đã đưa ra kịch bản, theo đó, dưới tác động của biến đổi khí hậu trên trái đất, đồng bằng sông Cửu Long bị ngập lụt, cư dân Việt Nam buộc phải chạy sang Cam Bốt tìm nơi sinh sống. Và điều này sẽ trở thành một thảm họa cho đất nước Cam Bốt nhỏ bé.
Từ Phnom Pênh, thông tín viên Phạm Phan tường trình.
1/ Nguyên nhân dẫn đến sự di dân của người Việt tại vùng châu thổ sông Cửu Long
Hiện nay có những câu hỏi đang được đặt ra : Liệu Cam Bốt sẽ bị sụp đổ dưới sức nặng của hàng trăm ngàn di dân Việt đói khổ bỏ khỏi làng xóm nguyên quán họ vì cơn sóng nước trào lên, chạy sang Cam Bốt tỵ nạn ?
Những nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy hiện tượng trái đất đang nóng dần lên có thể đưa đến việc đất canh tác của nông dân bị mực nước biển tràn lấp. Tình trạng di dân Việt không nơi sinh sống ào ạt tràn đến xứ Chùa Tháp sẽ không diễn ra tức thì. Nhưng, các phúc trình gần đây cho thấy, kịch bản có thể xẩy ra trong vài thập niên nữa. Viễn ảnh này không chỉ là một thách thức đối với Việt Nam và Cam Bốt mà còn đối với toàn khu vực Ðông Nam Á.
Trên đây là những dự phóng về tương lai, với bản đồ minh họa kèm theo, của mà các nhà nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc, tổ chức CARE quốc tế và đại học Columbia đã đưa ra, trong bản phúc trình được công bố hồi tháng 05/2009. Tài liệu này mang tên “Tìm kiếm nơi cư trú: Bản đồ của thay đổi khí hậu ảnh hưởng đến sự di cư và không nơi cư trú”.
Trên cơ sở các tài liệu và những số liệu thống kê cụ thể, các tác giả đưa ra lời giải thích như sau: Do thay đổi môi trường, những cư dân bị ảnh hưởng buộc phải rời bỏ nơi sinh sống từ bao đời nay để tìm những nơi sinh sống mới, để tồn tại.
Trên 8 tấm bản đồ minh họa cho những khu vực trên thế giới bị tổn hại do thay đổi khí hậu, có hai bản đồ tập chú ý đến hậu quả thay đổi khí hậu tại các nước nằm trên dòng chảy sông Mekong.
2/ Sự tan chảy khối băng hà là nguyên nhân tạo ra lũ lụt
Dãy Hy Mã Lạp Sơn là đầu nguồn phát sinh những con sông lớn ở châu Á như sông Hằng, sông Mekong hay Cửu Long. Băng hà nơi đây tạo ra nguồn nước thiên nhiên, đang bị tan chảy ở mức đáng lo ngại. Theo Ủy Ban Liên Chính Phủ Về Thay Ðổi Khí Hậu, sự tăng tốc tan chảy của băng hà có thể làm đảo lộn sự tồn tại của hàng trăm ngàn cư dân Cam Bốt và Việt Nam vì đất canh tác hay cư trú của họ sẽ bị ngập lụt.
Thứ hai, việc xây đập thủy lợi ở thượng nguồn, trước mắt, có một số lợi ích, nhưng về lâu dài sẽ làm cho cư dân sống ở hạ lưu bị mất đi các nguồn tài nguyên, thủy sản mà sự sinh tồn của họ lệ thuộc từ lâu. Bản phúc trình nhấn mạnh đến thảm kịch của sự kiện này.
Vấn đề nước lụt sẽ mở đầu cho những quyết định di cư của cư dân châu thổ Cửu Long khi sinh kế hàng ngày của họ bị ảnh hưởng nặng nề. Các tác giả bản phúc trình trích dẫn những câu trả lời trong các cuộc phỏng vấn những di dân Việt đang sống tại Phnom Penh, được thực hiện vào tháng 10 và tháng 12/ 2007, trong chương trình mang tên “Kịch bản môi trường thay đổi và sự di dân bắt buộc”.
Một trong 32 người Việt nói « tai họa xảy ra thường xuyên tại quê tôi khiến gia đình tôi bị mất mùa, phải mượn tiền để tiêu xài, bây giờ gia đình tôi không có tiền trả nợ, nên phải đi qua Phnom Penh kiếm sống. Ba phần tư trong số 32 người được phỏng vấn nói rằng, tai họa nước lụt do môi trường thay đổi là nguyên nhân chính dẫn đến việc họ quyết định rời khỏi quê hương đến Cam Bốt tạo lập cuộc sống mới.
Một bác sĩ người Việt làm việc ở Phnom Penh cho biết thêm về thảm kịch. Một số gia đình người Việt vì mùa màng bị nước cuốn trôi hết sạch, đã phải bán con để có tiền sông qua ngày. Dữ kiện này cho thấy, hậu quả thay đổi khí hậu làm gia tăng nạn buôn người. Theo các tác giả bản phúc trình, liên hệ giữa hai hiện tượng bên trên là một thực tế.
Ngoài mối đe dọa về sự tan chảy của băng hà, thế giới hiện nay còn bị một đe dọa khác đáng sợ và rất nguy hiểm, đó là mực nước biển đang dâng cao dần.
Dựa trên sự tiên đoán của các chuyên gia thuộc Ngân Hàng Thế Giới thực hiện hồi tháng 02/2007, bản phúc trình tháng 05/ 2009 nhấn mạng, trong tương lai 10% người Việt ở vùng châu thổ sông Cửu Long phải đối diện với tai họa mất nơi cư trú do mực nước biển lên cao.
Hiện nay, không dưới 18 triệu người đang sống tại châu thổ sông Cửu Long, tương đương 22% trong tổng dân số Việt Nam. Ðáng quan tâm hơn, vùng này được Việt Nam đánh giá là vành đai xanh của cả đất nước, chiếm 40% đất canh tác toàn quốc ; nơi đây cung cấp 50% sản phẩm lúa gạo và 80% trái cây.
Khi nước biển dâng cao lên thêm 2 mét, gần 14,2 triệu người Việt, hơn cả dân số Cam Bốt hiện nay sẽ mất đất canh tác. Đó là một viễn cảnh đáng sợ. Và khi dự báo này thành hiện thực, một khối lượng đông đảo nông dân Việt sẽ tràn sang Cam Bốt tìm đất sống. Đây không phải là một cuộc xâm lược như trước đây, trái lại đó là sự di dời ồ ạt để tìm nơi ăn chốn ở.
Không phải chỉ Việt Nam hay Cam Bốt, mà cả khu vực Đông Nam Á sẽ phải đối diện với cuộc khủng hoảng nhân đạo và di dân và điều này có thể dẫn đến những hậu quả chính trị và kinh tế. Hoàn cảnh Căm Bốt đã khó khăn sẽ càng khó thêm.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều đồng ý với giả thuyết về mực nước biển tăng cao 2 mét. Cuộc nghiên cứu năm 2009 của Ủy Ban Liên Chính Phủ Về Thay Ðổi Khí Hậu nói rằng, nhiệt độ trên trái đất đang tăng thêm, khoảng từ 0,6° C và 4° C. Sự hâm nóng này khiến mực nước biển tăng cao lên từ 18 cm đến 59 cm vào cuối thế kỷ này.
3/ Biện pháp đối phó của chính quyền
Chính quyền Việt Nam quyết định thành lập một chương trình kiểm soát sự di chuyển của dân chúng liên hệ đến hiện tượng môi trường mới, trong đó có những biện pháp cho di chuyển cư dân trong vùng bị tổn hại. Ðiều này dẫn đến một thách đố nghiêm trọng: Sự di dời đòi hỏi một chiến dịch lớn để bảo đảm cho cư dân đến vùng đất mới có phương tiện sống căn bản như dịch vụ y tế, xã hội, cơ sở làm ăn sinh sống hàng ngày...
Tại Cam Bốt, từ năm 2006, chính quyền Phnom Penh dự thảo chương trình thích nghi với sự biến đổi khí hậu, theo đó, điều phối nhiều hoạt động và thông tin trong vùng.
Tuy nhiên, Cam Bốt có thể là một trong các nước ASEAN kém chuẩn bị nhất, vì thiếu tài nguyên, thiếu nhân lực và vì sự yếu kém của bộ máy chính quyền.
No comments:
Post a Comment