Tuesday, July 21, 2009

AI CŨNG CÓ QUYỀN PHÁT GIÁC, TẤN CÔNG TỘI PHẠM ?

Ai cũng có quyền phát giác, tấn công tội phạm?
talawas blog
21/07/2009 6:31 chiều
http://www.talawas.org/?p=7917

Theo
bản tin trên VietNamNet, Trung tâm An ninh Mạng Đại học Bách khoa Hà Nội (BKIS) vừa lập thành tích “chấn động toàn cầu”, tìm ra 2 máy chủ tại nước ngoài là thủ phạm trong vụ tin tặc tấn công vào hệ thống website của các chính phủ Mỹ và Hàn quốc. Sau khi phát hiện thủ phạm, BKIS tấn công ngược trở lại và khống chế 2 máy chủ này.
Tuy nhiên,
Trung tâm An ninh Mạng Hàn Quốc (Korea Internet Security Center, viết tắt là KrCERT/CC) đánh giá thành tích này hơi khác, bằng cách khiếu nại BKIS đã vi phạm luật pháp quốc tế, “khẳng định không đưa ra yêu cầu chính thức nào đề nghị BKIS hỗ trợ điều tra và truy tìm thủ phạm như BKIS đã công bố trên blog của trung tâm này“ và “yêu cầu BKIS đính chính thông tin đã công bố“.
Trong
bài phỏng vấn đăng trên trang bee.net, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển thuộc BKIS, cũng bác bỏ khiếu nại từ phía Hàn Quốc, còn luật sư Hồng Bách thuộc Văn phòng Luật sư Hồng Bách thì cho rằng BKIS không vi phạm luật pháp Việt Nam, vì “theo quy định của pháp luật: Bất cứ ai cũng có quyền phát giác, tấn công tội phạm, và đó là hành động rất đáng được biểu dương“, và “việc BKIS khống chế 2 server này là cần thiết và đúng quy định của pháp luật về phòng chống tội phạm trên mạng“.
Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc BKIS, khẳng định BKIS không làm gì sai, rằng việc tấn công ngược và khống chế 2 máy chủ nói trên là “hoàn toàn không phải xin phép và bất kỳ ai cũng có thể thực hiện“.
Cơ sở luật pháp mà ông Nguyễn Tử Quảng dựa vào là khoản 4 điều 43 của Nghị định 64/2007/NĐ-CP của Chính phủ: “Trong trường hợp khẩn cấp có thể gây sự cố nghiêm trọng hay khủng bố mạng, các cơ quan chức năng có quyền tổ chức ngăn chặn các nguồn tấn công trước khi có thông báo, sau đó lập biên bản báo cáo cho cơ quan điều phối“.
Xem thêm
thảo luận trên Diễn đàn Tin học về đề tài này.

Luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam hẳn có độ chênh trong nhiều lĩnh vực. Có lẽ vì theo luật pháp Việt Nam, “ai cũng được quyền phát giác, tấn công tội phạm” như luật sư Hồng Bách cho biết, nên việc “quần chúng” “phát giác” ra những “hành vi tội phạm phản quốc” của những người bất đồng chính kiến tại đất nước này và “tấn công” họ bằng các phương tiện như đổ acid, tưới dầu ma dút trộn phân tươi… vào nhà họ, đấu tố họ trước hàng trăm người trong một sân vận động, hành hung họ ngay trên đường phố…, là đều “theo quy định của luật pháp”?


Phản hồi

Hoàng Mai Thi nói:
21/07/2009 lúc 7:20 chiều
Nếu đúng theo lời của ông luật sư Hồng Bách thì luật pháp Việt Nam quả nhiên là chênh hơi bị nhiều với luật pháp ở các nhà nước pháp quyền phương Tây.

1) Ở Phương Tây, tất nhiên là ai cũng có quyền TỐ GIÁC một hành vi mà người đó cho là tội phạm. Sau nữa, ai cũng có quyền tự mình điều tra để đi đến chỗ PHÁT GIÁC ra một hành vi tội phạm. Việc điều tra do một cá nhân hay một tổ chức (chẳng hạn như một tờ báo có thể cử phóng viên điều tra) tiến hành như vậy là hoàn toàn do cá nhân hay tổ chức đó chịu trách nhiệm.
Nhưng KẾT LUẬN được đưa ra rằng hành vi bị tố giác hay bị phát giác đó có thật là một hành vi tội phạm hay không và nằm trong tội danh nào thì duy nhất thuộc thẩm quyền của toà án, tức thuộc công quyền, không bao giờ thuộc về cá nhân hay tổ chức nào khác.

2) Ở Phương Tây, không ai có quyền TẤN CÔNG bất kì ai, kể cả người đang thi hành công vụ đối với đối tượng bị tình nghi là tội phạm. Cảnh sát khi bao vây, chuẩn bị bắt giữ đối tượng bị tình nghi cũng không có quyền tấn công trước. Chỉ khi nào đối tượng đó có hành vi bạo lực chống lại người thi hành công vụ thì cảnh sát mới được phép tấn công.
Trong mọi trường hợp khác, không ai có quyền tấn công đối tượng bị tình nghi là tội phạm vì các lí do:
a) Trong các xã hội này, quyền sử dụng bạo lực duy nhất là thuộc về cảnh sát và quân đội. Dân sự không được sử dụng quyền này. Tấn công một người khác khó có thể thực hiện được nếu không dùng bạo lực (chỉ cần tát vào mặt một ai đó cũng đã bị coi là dùng bạo lực rồi), trừ phi người tấn công có ngón võ gì đó như trong truyện chưởng Kim Dung, không cần chạm đến đối phương mà đối phương bỗng nhiên đứng trơ ra bất động (!);
b) Người dân được khuyến cáo rằng trách nhiệm cao nhất là giữ gìn an ninh cho bản thân. Nếu có thiệt hại cá nhân xảy ra trong xung đột với đối tượng bị tình nghi thì người dân đó phải tự gánh chịu, không có quyền yêu cầu nhà nước bồi thường, vì nhà nước không yêu cầu người dân đó thực hiện vụ tấn công;
c) Quan trọng hơn cả là lý do thuộc tinh thần nhà nước pháp quyền: không ai có thể bị coi là tội phạm nếu chưa bị một toà án kết tội và bản án có hiệu lực. Vì vậy không thể cứ cho ai đó là tội phạm rồi đùng đùng đi tấn công người ta được!;
d) Việc tấn công bột phát một đối tượng bị tình nghi là tội phạm có thể dẫn đến những hậu quả không phù hợp với mức trừng phạt mà đối tượng này phải gánh chịu, nếu bị toà kết án. Ví dụ, một kẻ ăn trộm… một con gà của hàng xóm, giả sử có bị bắt quả tang và kết án thì mức án chắc không quá phát tiền. Trong khi đó, nếu cho phép chủ nhà và cả làng tấn công kẻ ăn trộm này thì rất có thể vì một con gà mà kẻ ăn trộm bị đánh gãy xương suờn…

Dĩ nhiên luật pháp Phương Tây cũng phân biệt rõ trường hợp bắt buộc phải “tấn công ngược” để tự vệ. Có thể Trung tâm BKIS phải “tấn công ngược” và khống chế 2 máy chủ tại nước ngoài kia để… tự vệ chăng?



No comments:

Post a Comment