Bài xã luận trên Nhân Dân Nhật Báo
Mr. Do
6/03/2009 08:48:00 SA
http://blogmrdo.blogspot.com/2009/06/bai-xa-luan-tren-nhan-dan-nhat-bao.html#comments
Bài xã luận này không có trong cuốn Triệu Tử Dương - Người tù của Nhà nước, nhưng nó có liên quan chặt chẽ tới nội dung của một số chương trong cuốn sách này. Vì thế, tôi xin giới thiệu ở đây để người đọc dễ theo dõi.
Đọc bài xã luận này cùng với việc theo dõi những gì xảy ra tại Thiên An Môn cách đây 20 năm, quý vị sẽ thấy rõ khái niệm "bút máu" là như thế nào.
Bản dịch của Trí Quang.
---------------------------------
Giương cao ngọn cờ chống bạo loạn
Nhân Dân Nhật Báo - ngày 26.4.1989
Để tưởng nhớ đồng chí Hồ Diệu Bang, đông đảo các đảng viên, công nhân, nông dân, trí thức, cán bộ, giải phóng quân và thanh niên, học sinh đã thể hiện sự xót thương của mình qua nhiều hình thức. Tất cả đều muốn biến đau thương thành sức mạnh để thực hiện bốn mục tiêu hiện đại hóa, xây dựng một nước Trung Hoa hưng thịnh.
Trong thời gian diễn ra những hoạt động tưởng nhớ ấy, cũng đã xuất hiện một vài tình huống bất thường. Một số ít kẻ đã thừa cơ tung tin đồn nhảm, thể hiện rõ thái độ công kích đối với Đảng và các lãnh đạo của đất nước, mê hoặc quần chúng, công kích Đảng, Quốc vụ viện; thậm chí còn có kẻ hô hào khẩu hiệu phản động, đòi đả đảo Đảng Cộng sản. Tại Tây An, Trường Sa đã xuất hiện một số phần tử bất chính ra tay đập phá, cướp bóc và sách nhiễu.
Trước nỗi xót thương của đông đảo quần chúng đối với đồng chí Hồ Diệu Bang, Đảng và chính phủ đã thể hiện thái độ khoan dung đối với một số kẻ có hành vi và lời nói gây kích động. Trước ngày tiến hành đại lễ truy điệu đồng chí Hồ Diệu Bang, số sinh viên tiến vào quảng trường Thiên An Môn trước đây đã được yêu cầu tuân thủ kỷ luật để cùng tham gia lễ truy điệu. Chính nhờ sự đồng lòng góp sức của tất cả mọi người mà đại lễ truy điệu đã diễn ra suôn sẻ và hết sức nghiêm trang. Thế nhưng, sau lễ truy điệu, một số ít kẻ có mưu đồ riêng đã lợi dụng tình cảm của các sinh viên tham gia truy điệu đồng chí Hồ Diệu Bang để tung tin đồn nhảm, để rồi xúi giục, thóa mạ, vu khống, công kích Đảng và lãnh đạo nhà nước, ngang nhiên làm trái hiến pháp, cổ vũ việc phản đối lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong một số bộ phận trường học có thành lập tổ chức phi pháp, hướng đến những học sinh có xu hướng “đoạt quyền”, có kẻ thậm chí còn chiếm luôn phòng thông tin của trường. Ở một số trường, học sinh bị kích động bãi khóa, còn giáo viên cũng bãi công, thậm chí có những thành phần cấm bạn bè cùng lớp đi học, lợi dụng danh nghĩa tổ chức công nhân để phát tán truyền đơn phản động. Thêm vào đó, bọn chúng còn móc nối khắp nơi với mưu tính gieo rắc tai ương.
Những sự thật này cho thấy, một số rất ít kẻ không phải đang tiến hành các hoạt động thương tiếc đồng chí Hồ Diệu Bang, không phải vì thúc đẩy tiến trình chính trị dân chủ chủ nghĩa xã hội, cũng chẳng phải là có sự bất mãn oán thán nào đó. Bọn chúng lợi dụng ngọn cờ dân chủ để phá hoại pháp chế dân chủ với mục đích gạt bỏ nhân tâm, làm náo loạn trên phạm vi toàn quốc, phá hoại cục diện chính trị an toàn ổn định đoàn kết.
Đây là một âm mưu có kế hoạch, là kiểu nổi loạn, kỳ thực là muốn gạt bỏ những lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, phủ định chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó là kiểu đấu tranh chính trị nghiêm trọng đặt ra trước toàn Đảng, toàn dân. Nếu tỏ thái độ trung dung nhân nhượng vô nguyên tắc đối với sự nổi loạn này, sẽ dễ xảy ra cục diện hỗn loạn nghiêm trọng, và nhân dân cả nước, trong đó bao gồm cả công cuộc mở cửa cải cách mà đông đảo thanh niên học sinh đã hy vọng, cả quá trình xử lý chỉnh đốn, xây dựng phát triển, khống chế vật giá, cải thiện đời sống, chống lại hiện tượng hủ bại, kiến thiết pháp chế và dân chủ đều sẽ hóa thành đống tro tàn. Thậm chí thành quả to lớn đạt được từ 10 năm cải cách sẽ trở nên nguy tận, nguyện vọng chấn hưng đất nước Trung Hoa vĩ đại của toàn dân sẽ khó thành hiện thực. Một Trung Quốc đầy triển vọng, rất có tiền đồ sẽ biến thành một đất nước bất ổn, náo loạn và không tiền đồ. Toàn đảng, toàn dân phải nhận thức đầy đủ tính nghiêm trọng của kiểu đấu tranh này, để đẩy mạnh đoàn kết, lấy việc chống lại sự nổi loạn làm ngọn cờ tươi sáng, kiên quyết giành lại cục diện chính trị đoàn kết ổn định bất diệt, bảo vệ hiến pháp, bảo vệ pháp chế và nền dân chủ chủ nghĩa xã hội. Quyết không cho phép thành lập bất kỳ tổ chức phi pháp nào; phải chặn đứng hành vi mượn cớ để xâm phạm quyền lợi của các tổ chức học sinh hợp pháp; đối với những kẻ rắp tâm vu cáo hãm hại, cần truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật; nghiêm cấm biểu tình thị uy, nghiêm cấm đến công xưởng, vùng nông thôn, trường học tiến hành móc nối; đối với những kẻ đốt phá, quấy loạn, cướp bóc thì xử lý theo pháp luật; cần bảo vệ quyền học tập chính đáng của học sinh. Thúc đẩy dân chủ cũng là yêu cầu của đảng và chính phủ, những yêu cầu này chỉ có thể do lãnh đạo của đảng tăng cường chỉnh đốn xử lý, tích cực đẩy mạnh cải cách, kiện toàn pháp chế và nền dân chủ chủ nghĩa xã hội.
Toàn bộ đảng viên, nhân dân cả nước phải nhận thức một cách tỉnh táo rằng không kiên quyết chống lại kiểu nổi loạn trên thì đất nước sẽ không được yên bình. Kiểu nổi loạn đó ảnh hưởng đến sự thành bại của quá trình cải cách mở cửa và thực hiện bốn mục tiêu hiện đại hóa, nó liên quan đến tiền đồ của cả dân tộc. Tổ chức các cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, quảng đại đảng viên, đoàn viên thanh niên, các đảng phái dân chủ, nhân sĩ ái quốc và nhân dân cả nước cần rạch ròi việc đúng sai, tích cực hành động và đấu tranh vì sự kiên quyết, nhanh chóng, chống lại kiểu nổi loạn nói trên.
Hết bài xã luận.
Nhưng cuốn sách vẫn còn, tôi sẽ dịch tiếp.
No comments:
Post a Comment