Sunday, June 21, 2009

VỤ LS LÊ CÔNG ĐỊNH : CHÍNH QUYỀN BẮT TRƯỚC RỒI MỚI HỢP PHÁP HOÁ CHỨNG CỨ

Luật sư Lê Công Định nhận tội: Chính quyền có thể chuyển sai thành đúng? (Phần 1)
Trân Văn, phóng viên đài RFA
2009-06-21
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Lawyer-le-cong-dinh-acknowledges-his-guilt-can-vietnam-of-government-change-from-the-incorrectness-to-become-the-correctitude-tvan-part1-06212009140731.html
Chiều 18 tháng 6, Bộ Công an Việt Nam đã tổ chức cuộc họp báo thứ hai để công bố những thông tin liên quan đến việc bắt giữ luật sư Lê Công Định.

Hình ảnh LS Lê Công Định đọc lời khai nhận vi phạm pháp luật VN được đăng tải trên khắp các phương tiện truyền thông trong nước. RFA PHOTO
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Reactions-on-lawyer-LeCongDinh-admitting-violating-Vietnam-law-HGiang-06192009101957.html/LeCongDinh-061809-305.jpg

Trong cuộc họp báo này, Bộ Công an Việt Nam đã cung cấp một số bằng chứng, trong đó có ảnh chụp bản tường trình của luật sư Lê Công Định và đoạn phim ghi lại cảnh luật sư Lê Công Định đọc bản tường trình. Nội dung bản tường trình xoáy vào hai điểm: Luật sư Lê Công Định thừa nhận đã vi phạm điều 88 trong bộ Luật Hình sự Việt Nam và ông “rất ân hận với những hành vi sai trái của mình, mong được Nhà nước xem xét cho hưởng lượng khoan hồng”…
Giả dụ tất cả những hình ảnh và thông tin mà Bộ Công an Việt Nam công bố đều chính xác thì việc luật sư Lê Công Định nhận tội, có thể bác bỏ sự phản đối của dư luận cũng như vô hiệu hóa các yêu cầu mà Hoa Kỳ cũng như một số tổ chức quốc tế vừa đặt ra sau vụ Công an Việt Nam bắt giữ luật sư Lê Công Định?
Phóng viên Trân Văn đã trò chuyện với một số luật sư, mời quý vị nghe Trân Văn tường trình…

Trước hết, có lẽ cần phải quay lại với những gì mà Bộ Công an Việt Nam đã công bố hôm 13 tháng 6, ngay sau khi bắt khẩn cấp luật sư Lê Công Định.
Theo báo chí Việt Nam, tại cuộc họp báo tổ chức ở TP.HCM, một thiếu tướng công an tên Hoàng Công Tư đã công bố với báo giới rằng, năm ngoái, Bộ Công an đã thu thập được một số tài liệu của luật sư Định. Theo kết quả trưng cầu giám định - không được Bộ Công an giải thích là của cơ quan nào, thực sự có thẩm quyền và khách quan hay không - thì các tài liệu này có nội dung phản động, tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vi phạm Luật Xuất bản và Luật Báo chí.

Bắt khẩn cấp không cần chứng cứ

Chỉ với những tài liệu như thế, Bộ Công an Việt Nam có quyền thực hiện việc bắt luật sư Lê Công Định và khám xét tư gia, cũng như nơi làm việc của ông theo phương thức “khẩn cấp”?

Mời quý vị nghe biên tập viên Quỳnh Như đọc lại câu trả lời phỏng vấn của chúng tôi qua email với một luật sư Việt Nam, yêu cầu không nêu tên: Điều 81 của Luật Tố tụng hình sự Việt Nam chỉ cho phép bắt người theo phương thức ‘khẩn cấp’ nếu ‘có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hay tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Hoặc khi có người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm, chính mắt trông thấy, xác nhận ai đó đã thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay vì họ sẽ trốn. Hoặc khi thấy có dấu vết của tội phạm ở nghi can hay tại chỗ ở của nghi can và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc nghi can trốn hay tiêu hủy chứng cứ.’

Đối chiếu qui định này với những thông tin mà Bộ Công an cung cấp cho báo chí Việt Nam trong lần họp báo đầu tiên, hình như Bộ Công an Việt Nam chưa đủ chứng cứ cần thiết để có quyền thực hiện việc bắt và khám xét theo phương thức “khẩn cấp” như luật định.

Luật sư đã kể nhận định – ý kiến của luật sư này vẫn do Quỳnh Như trình bày: Về nguyên tắc, nếu có căn cứ để cho rằng luật sư Định thực sự đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hay tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, Bộ Công an phải khởi tố vụ án. Tuy nhiên, năm ngày sau khi đã bắt luật sư Lê Công Định, ở lần họp báo thứ hai, Bộ Công an xác nhận vẫn còn đang cùng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xem xét việc khởi tố luật sư Định.
Tương tự, ngay sau khi bắt luật sư Định, Bộ Công an không công bố bất kỳ chứng cứ nào cho thấy luật sư Định ‘bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ’. Chưa kể tướng Hoàng Kông Tư công nhận, luật sư Định ‘chấp hành mọi thủ tục mà cơ quan điều tra yêu cầu’.
Nội dung hai cuộc họp báo lần đầu cho thấy, những gì mà Bộ Công an đã sử dụng làm chứng cứ để tuyên bố, luật sư Định có dấu hiệu phạm các tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, đều thu được tại nhà và từ trong máy tính của ông sau vụ bắt và khám xét “khẩn cấp”.
Nói cách khác, các tài liệu được Bộ Công an thu thập và xem là chứng cứ đã vi phạm một số qui định của Luật Tố tụng Hình sự. Điều 64 của luật này yêu cầu: ‘Chứng cứ phải được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định’. Điều 66 cũng của luật này qui định: ‘Mỗi chứng cứ phải được đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án’. Chứng cứ thu thập không hợp pháp, không đúng trình tự sẽ không thể sử dụng.

Đọc lén thư điện tử
Đáng lưu ý là các chứng cứ ban đầu mà Bộ Công an bảo rằng đã thu thập từ năm ngoái cũng có dấu hiệu không hợp pháp. Bộ Công an Việt Nam tuyên bố đã thu thập các chứng cứ ban đầu qua việc Công ty Điện toán và Truyền số liệu Khu vực 2 - một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ Internet thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam – đọc lén các hộp thư điện tử.

Mời chị Quỳnh Như trình bày tiếp nhận xét của luật sư yêu cầu ẩn danh: Việc đọc lén, theo dõi các hộp thư điện tử, các cuộc trao đổi qua điện thoại, Internet vi phạm hàng loạt quy định của pháp luật Việt Nam.
Trước hết là vi hiến bởi điều 73 của Hiến pháp xác định, công dân có quyền bất khả xâm phạm về thư tín. Kế đó là vi phạm điều 8 của Luật Tố tụng Hình sự. Điều này nghiêm cấm việc xâm phạm bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân. Cũng theo điều 8, khi tiến hành tố tụng, việc tạm giữ, thu giữ thư tín, điện tín, phải theo đúng quy định của Luật Tố tụng Hình sự.
Điều 140 của Luật Tố tụng Hình sự chỉ cho phép khám thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc của người nào đó có phương tiện phạm tội hay đồ vật do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án.
Sáu ngày sau khi bị ‘bắt khẩn cấp’, luật sư Định mới bị khởi tố nên khi bị bắt, luật sư Định chưa liên quan đến bất kỳ vụ án nào. Do vậy việc đọc lén, theo dõi các hộp thư điện tử từ năm 2008 như Bộ Công an tiết lộ là bất hợp pháp.

Bắt trước rồi mới hợp pháp hóa chứng cứ
Luật sư này còn cho biết - mời chị Quỳnh Như trình bày: Nếu luật sư Lê Cộng Định thật sự đã phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như tuyên bố của Bộ Công an thì đó lại chính là dấu hiệu cho thấy Bộ Công an đã vi phạm điều 104 của Luật Tố Tụng Hình sự. Theo điều này, khi xác định có dấu hiệu tội phạm, Cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Song bộ này đã không làm như thế. Chuyện khởi tố luật sư Định chỉ diễn ra sau khi đã “bắt khẩn cấp” cả tuần!

Tất cả các lý do kể trên khiến một vài luật sư am tường lĩnh vực hình sự khẳng định với chúng tôi: Bộ Công an Việt Nam đã bắt trước rồi mới tìm cách hợp pháp hóa chứng cứ!

Những luật sư này cho rằng, cần lưu ý đến việc, chỉ vài giờ sau khi bắt luật sư Định, Bộ Công an đã tổ chức họp báo tại cả Hà Nội và TP.HCM nhằm gán cho luật sư Định hàng loạt “chuyện động trời”. Việc làm này giống như “chích ngừa” về mặt dư luận để ngăn chặn sự chỉ trích.

Một số blogger là nhà báo ở Việt Nam kể rằng, khi dự những cuộc họp báo hôm 13 tháng 9, họ đã được đối đãi tử tế hơn hẳn bình thường. Chưa kể mỗi người còn được tặng một phong bì, bên trong có 300.000 đồng.

Quý vị vừa nghe Trân Văn trình bày những vấn đề pháp lý cho thấy việc bắt giữ luật sư Lê Công Định có rất nhiều dấu hiệu trái với các qui định pháp luật hiện hành về xử lý hình sự tại Việt Nam. Lần tới, Trân Văn sẽ tiếp tục trình bày những vấn đề pháp lý liên quan đến sự kiện luật sư Lê Công Định nhận tội và xin khoan hồng. Mời quý vị đón nghe...


Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.


No comments:

Post a Comment