Wednesday, June 24, 2009

TRƯỜNG HỢP LÊ CÔNG ĐỊNH

Trường hợp Lê Công Định
Nghiêm Văn Thạch
Đăng ngày 24/06/2009 lúc 16:09:04 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3885
Chẳng có người dân chủ nào bị bắt mà được bênh vực mạnh mẽ như Lê Công Định. Các phản ứng đã rất nhiều, rất nhanh chóng, rất nhiệt tình, đến từ những người dân chủ trong ngoài nước, từ các tổ chức bảo vệ nhân quyền, các báo đài hải ngoại, lại cả chính quyền Mỹ. Điều đặc biệt là báo chí trong nước cũng đưa tin một cách sốt sắng, và kèm với lời buộc tội của nhà nước, đã bày tỏ một cảm tình nào đó với người bị bắt, gọi ông là luật sư Lê Công Định và nêu đầy đủ những bằng cấp và tiến trình sự nghiệp của ông.
Có một cái gì đó ở ngoài khuôn lề phải, khi báo chí chỉ đăng tin ngắn cụt, tiếp đó là hàng loạt bài bới móc, xuyên tạc, bôi xấu những người mắc nạn.

Nhân vật Lê Công Định nổi đến độ người ta quên rằng có 4 người khác cùng bị bắt với ông: Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Lê Thị Thu Thu và Trần Thị Thu. Nhưng rồi sự thất vọng cũng đã đến một cách nhanh chóng. Không đầy một tuần lễ sau khi bị bắt, ông Lê Công Định đã đọc lời nhận tội trước máy thu hình và xin khoan hồng.

Sự thất vọng nơi một số người về việc ông Lê Công Định bị đánh giá là đầu hàng, là thái độ không nên có. Ở Việt Nam hiện nay, sự thất vọng kéo dài quá lâu trước một chính quyền tham bạo đã biến thành sự thất vọng với chính đất nước. Còn có mấy ai quan tâm đến quốc gia dân tộc, tự do dân chủ? Những người còn nghĩ tới tương lai đất nước, còn muốn đất nước có dân chủ rất quí hiếm. Phải trân trọng họ, cho dù trước hiểm nguy khi đã mắc nạn họ có tỏ ra yếu đuối đi nữa. Mà có thực là nhận tội và xin khoan hồng là hèn nhát không? Một người đấu tranh, khi sa cơ thất thế phải tìm mọi cách, gồm cả trá hàng, để sớm được trả tự do, để tiếp tục tranh đấu. Phải chăng chúng ta đòi hỏi Lê Công Định phải "anh hùng" xứng đáng với sự ngưỡng mộ của chúng ta thì chúng ta mới có thể ủng hộ? Hay đó chỉ là một lý cớ xuất phát từ một thái độ tiêu cực về bản chất? Nguyễn Vũ Bình và Phạm Hồng Sơn đi trước Lê Công Định gấn mười năm, đã rất dũng cảm khi đối mặt với hiểm nguy, nay đã được trả tự do và tiếp tục đấu tranh. Phạm Hồng Sơn, qua các bài viết gần đây, còn tỏ ra sâu sắc hơn trước nhiều. Thế nhưng họ có được hoan hô ủng hộ như những biểu tượng của cuộc đấu tranh vì dân chủ tự do không? Nhiều khi tôi có cảm tưởng rằng những người đòi hỏi người tranh đấu phải anh hùng, chỉ đòi như thế để rồi vỗ tay tán thưởng trong một khoảng khắc rồi thôi không nghĩ đến nữa. Phải dứt khoát: những người vừa bị bắt: Lê Thị Thu Thu, Trần Thị Thu, Lê Thăng Long; Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, hoàn toàn vô tội và phải được trả tự do tức khắc và vô điều kiện. Đó phải là đòi hỏi tốt thiểu của mọi người, nhất là những người dân chủ. Họ vô tội ngay theo những cáo buộc của chính quyền cộng sản. Công an đã nhìn nhận họ là những người chủ trương bất bạo động, chưa hề gây một thiệt hại nào cho bất cứ ai và trên thực tế cũng chưa bằt đầu những hoạt động ôn hoà và hợp pháp mà họ dự định. . Họ chỉ bị cáo buộc là đã đả kích chính quyền, đã kết hợp với nhau để vận động dân chủ; những việc này đều là những quyền căn bản của con người được cả thế giới nhìn nhận. Vận động cho dân chủ và tự do bằng đường lối bất bạo động, hơn thế nữa, lại là một bổn phận đạo đức. Việc biệt giam và giải toà họ là một thách đố đối với người Việt Nam và với lương tâm thế giới nói chung. Đó là hành động ngu ngốc của kẻ có bạo lực. Đảng Cộng sản cư xử với nhân dân Việt Nam như một lực lượng chiếm đóng.


Một câu hỏi đương nhiên hiện ra: tại sao những người này bị bắt trong khi tại Việt Nam ngày nay không thiếu những người công khai đối lập với chính quyền cộng sản? Một giải thích là chính quyền cộng sản không còn khả năng đàn áp tất cả những tiếng nói phản kháng nữa; vì thế họ tập trung đàn áp những tổ chức và những dự định thành lập tổ chức. Giaỉ thích này có thể là đúng, ít nhất một phần. Nếu không thì không thể hiểu được tại sao những người như Lê Thăng Long, Lê Thị Thu Thu, Trần Thị Thu, chưa hề được biết đến lại bị bắt. Vả lại những phát biểu của hai anh Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức cũng ít so với nhiều anh em dân chủ khác. Điểm khác biệt có thể chỉ vì họ có ý định thành lập tổ chức. Anh Lê Công Định nhận lời làm tổng thư ký Đảng Dân Chủ dưới bí danh Đoàn Phước Việt, đồng thời cũng dự định thành lập Đảng Lao Động do anh làm chủ tịch; anh Trần Huỳnh Duy Thức lập Đảng Xã Hội; anh Lê Thăng Long mở Câu Lạc Bộ Chấn Hưng Việt Nam; hai chị Thu Thu và Thu có thể đã nhận lời tham gia một trong những tổ chức sẽ hình thành đó. Nếu giải thích ấy là đúng – nghĩa là những anh chị em này đã bị bắt vì manh nha đấu tranh có tổ chức – thì nhận xét phải có, là một lần nữa, chỉ có đấu tranh có tổ chức mới thực sự có khả năng thay đổi được chế độ; không thể giành thắng lợi cho dân chủ nếu không có một tổ chức dân chủ mạnh. Xây dựng tổ chức như thế nào trong hoàn cảnh mà chế độ cộng sản quyết tâm đàn áp hung bạo mọi cố gắng đấu tranh có tổ chức là một vấn đề cần được suy nghĩ, nhưng nhất định phải xây dựng tổ chức.

Phải chăng qua vụ này chính quyền cộng sản muốn biểu dương quyết tâm đàn áp và dằn mặt những người phản kháng? Nếu quả như thế thì họ đã chỉ đạt được kết quả ngược lại. Họ đã kích thích thêm sự phản kháng và tự lố bịch hoá chế độ. Khi đưa ra những lý do bắt người kết hợp với nhau cùng đấu tranh bất bạo động, đòi đa nguyên chính trị, phê phán nghiêm túc nhưng ôn hoà chế độ, nhà nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa đã tự đặt mình ra ngoài vòng pháp luật quốc tế, bởi vì tất cả những việc này là những quyền, những bổn phận công dân, mà cả thế giới công nhận và tôn vinh.

Khi buộc luật sư Định phải đọc bản nhận tội họ viết, theo đó ông "biết Đảng Việt Tân là một tổ chức khủng bố hoạt động bằng đường lối bất bạo động", hai tướng Công An điều động vụ này, trung tướng Vũ Hải Triều và thiếu tướng Hoàng Kông Tư, đã phô bày sự ngớ ngẩn của họ: kể từ lúc nào đấu tranh bất bạo động có nghĩa là khủng bố?

Cũng có giả thuyết cho rằng luật sư Lê Công Định đã là nạn nhân tranh giành quyền lực và địa vị đang diễn ra trong cuộc chuẩn bị nhân sự lãnh đạo dịp đại hội đảng thứ 11 sắp tới. Ông Định được nhìn là sáng giá, không biết là đúng hay sai; phải chăng ông có khuynh hướng ủng hộ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà ông cho là cởi mở, thân phương Tây, hơn ông Trương Tấn Sang, một đối thủ của ông Dũng trong cuộc chạy đua giành chức tổng bí thư? Và vì thế phe ông Trương Tấn Sang đã triệt hạ ông để loại một đối thủ, hậu thuẫn cho ông Dũng. Không nên loại bỏ ngay giả thuyết này. Cuộc đấu đá trong nội bộ đảng Cộng sản đang gay go. Ông Lê Công Định là một con cưng của chế độ, quen biết nhiều đảng viên cao cấp. Ảnh hưởng của ông Lê Công Định coi như không quan trọng lắm, nhưng nếu được đôn lên như một "khuôn mặt dân chủ lớn" thì cũng có thể trở thành một trở ngại cho ông Sang. Đáng lưu ý tới một cáo buộc do Công An đưa ra là ông Lê Công Định "đả kích thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng". Tôi chưa hề đọc ở đâu những đả kích này; vậy đây có thể là một cài đặt của phe Trương Tấn Sang để viện cớ bắt ông Định. Điều này phù hợp với dữ kiện là nhiều người khác trong nước đã bày tỏ thái độ đối lập với chế độ mạnh hơn ông Định gấp bội nhưng còn được tự do tự tại. Tôi nhấn mạnh: đây chỉ là một giả thuyết cần ghi nhận với tất cả thận trọng. Tôi đã nêu ra để nhân tiện, phát biểu một quan điểm: những người dân chủ không có lý do gì chính đáng để liên can – nói chi tham gia – vào những cuộc đấu đá trong nội bộ đảng Cộng sản. Theo tôi những người lãnh đạo đảng đều giống nhau; họ đều tham nhũng, đều đã góp phần duy trì chế độ độc đảng để tiếp tục tham nhũng; đều là những người đã và đang góp phần đắc lực tạo ra tình trạng tồi tệ hiện nay; đều ma giáo như nhau; đều sẵn sàng viện những lý do bịa đặt để đàn áp những người dân chủ. Thái độ của họ đối với Mỹ và Trung Quốc cũng như nhau: họ đều muốn sáp lại với Mỹ với điều kiện là Mỹ không buộc họ phải dân chủ hoá chế độ. Họ đều không ưa Trung Quốc, nhưng chấp nhận làm tay sai Đại Hán cũng chỉ vì mục tiêu giữ vững chế độ độc tài của đảng. Sự sai khác giữa họ với nhau là ở mức độ cá nhân, nể sợ nhiều hay ít mà thôi.

Trở lại trường hợp Lê Công Định. Sự tham gia đấu tranh dân chủ của anh bất kể thế nào, cũng nên hoan nghênh. Anh nhận tội và xin khoan hồng không phải là lý do để chúng ta không bênh vực anh. Điều cốt yếu là không nên bỏ quên bốn người cùng bị bắt trong vụ này: Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Lê Thị Thu Thu và Trần Thị Thu.

Tuy vậy bênh vực Lê Công Định không cấm cản chúng ta nhận định những thiếu sót của anh để rút kinh nghiệm. Là một luật sư, Lê Công Định đã rất sơ sài về thủ tục khi nhận lời Nguyễn Sỹ Bình làm tổng thư ký đảng Dân Chủ. Anh cũng tỏ ra nông cạn khi theo lời Nguyễn Sỹ Bình lập hai "đảng ảo": Lao Động và Xã Hội.

Về đảng Dân Chủ, chúng ta có thể tóm tắt: tháng 9-2005, ông Hoàng Minh Chính trong tình trạng bệnh hiểm nghèo được đảng Nhân Dân Hành Động đưa sang Mỹ nói để chữa bệnh (chuyến đi chủ yếu do ông Vũ Thư Hiên dàn xếp). Đến California, ông Chính hoàn toàn bị động và bị đảng Nhân Dân Hành Động khống chế. Đảng NDHĐ thay mặt phổ biến tuyên bố của ông, thành lập Phong Trào Dân Chủ Việt Nam Thống Nhất với ý đồ thu tóm tất cả những người dân chủ trong ngoài nước dưới sự lãnh đạo của ông. Bị phản đối, ông cắt bỏ cái đuôi "thống nhất" để chỉ còn Phong Trào Dân Chủ Việt Nam. Danh hiệu "phong trào" đã lôi cuốn được một vài tổ chức nhỏ bé và ít nhân sĩ nhẹ dạ, gây dư luận chú ý một thời gian ngắn rồi chìm vào quên lãng. Vẫn dưới sự điều động của đảng NDHĐ, trở về nước tháng 11-2005, đi nước bài khác, ông uỷ nhiệm Nguyễn Sỹ Bình họp báo ở California, công bố quyềt định "phục hoạt" đảng Dân Chủ, một đảng cuội do đảng Cộng sản thành lập, là một thành phần trong Mặt Trận Việt Minh, để tạo một bề ngoài cởi mở cho đảng Cộng sản vào lúc họ đàn áp đẫm máu các đảng phái quốc gia [1]. Ông Hoàng Minh Chính lúc đó là một đảng viên cộng sản, được cử làm tổng thư ký đảng Dân Chủ, có công dụng làm bình phong che giấu sự tàn sàt những người yêu nước không cộng sản thuộc liên minh Việt Nam và Đại Việt Quốc Dân Đảng, gọi tắt là Quốc Dân Đảng.

Tôi đã có hai bài viết trên Thông Luận về sự việc trên. Đầu tiên là bài
"Ông Hoàng Minh Chính phục hoạt Đảng Dân Chủ"; tiếp sau là bài "Xác nhận và ký tên" trả lời những nghi ngờ thắc mắc của một số độc giả trước lời tôi tố giác đảng NDHĐ là một dụng cụ của Công An. Ai muốn biết thêm quan điểm và lập trường của tôi có thể đọc lại hai bài này [2].

Sau đó, nhiều người, kể cả một số từng ở trong đảng NDHĐ đã lên tiếng phê phán ông Chính. Thấy không ổn, ông Chính đổi tên tổ chức là "đảng Dân Chủ 21". Trước khi từ trần, ông Chính lại "thống nhất" và đổi tên sự qui tụ đảng NDHĐ, Phong Trào Dân Chủ Việt Nam, đảng Dân Chủ 21, và Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ dưới danh hiệu Đảng Dân Chủ Việt Nam. Trong 4 "tổ chức" này, Phong Trào Dân Chủ Việt Nam và Đảng Dân Chủ 21 không có thực chất nào. Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ chỉ là một nhóm sinh viên lỏng lẻo do Nguyễn Tiến Trung, một sinh viên quan hệ mật thiết với đảng NDHĐ làm chủ tịch.

Trên thực tế, đảng Dân Chủ Việt Nam tức là đảng NDHĐ. Trước khi qua đời ít lâu, chắc chắn dưới áp lực của Nguyễn Sỹ Bình, ông Chính bổ nhiệm người này (dưới bí danh Nguyễn Tâm) làm phụ tá tổng thư ký với thẩm quyền thay thế tổng thư ký Hoàng Minh Chính trong trường hợp ông Chính vắng mặt. Khi ông Chính qua đời được một thời gian, ông Trần Khuê, phó tổng thư ký, mâu thuẫn với Nguyễn Sỹ Bình, đã tuyên bố: "đảng Dân Chủ 21" ra khỏi đảng Dân Chủ. Tháng 8-2008, bất ngờ đảng NDHĐ ra thông cáo cho biết đã họp đại hội, chấp nhận để hai ông Nguyễn Sỹ Bình (chủ tịch), Nguyễn Xuân Ngãi (phó chủ tịch), từ chức và ra khỏi đảng; ông Nguyễn Tường Bá được bầu làm chủ tịch đảng NDHĐ. Ông Nguyễn Tường Bá - cựu luật sư ở miền Nam Việt Nam, cháu nhà văn Nhất Linh - chắc chắn không biết gì về đảng NDHĐ, và đã nhẹ dạ tiếp nhận một danh hiệu trống không, vô dụng.

Đầu tháng 6-2009 mới đây, đảng Dân Chủ Việt Nam ra thông cáo đã bầu ông Đoàn Phước Việt, sinh năm 1964, một trí thức trẻ, làm tổng thư ký kế vị ông Hoàng Minh Chính. Đoàn Phước Việt nay lộ diện là Lê Công Định, đã không được định chế nào bầu ra mà chỉ do Nguyễn Sỹ Bình chỉ định! Xem như thế thì đảng Dân Chủ Việt Nam dù mới có ba tuổi và chẳng có thực thể, không phải là một "đảng" vì NDHĐ chỉ là một nhóm công tác chính trị, phục vụ chế độ cộng sản. Nhưng đảng có nhiều sóng gió. Đúng là loại sóng gió… trong một ly nước.

Đáng lẽ Lê Công Định phải thận trọng hơn. Anh là một luật sư có tiếng, mà quá hời hợt. Khi bản thân chưa có thành tích và kinh nghiệm hoạt động nào đáng kể, mà được một đảng mời làm tổng thư ký – nhân vật số 1 - chẳng qua biểu quyết tối thiểu là trong nhân sự lãnh đạo mà do một người duy nhất quyết định, thì còn "dân chủ" ở chỗ nào đối với danh xưng «đảng Dân Chủ Việt Nam"?

Sơ hở hơn nữa, Lê Công Định lại còn nghe theo Nguyễn Sỹ Bình lập ra Đảng Lao Động do chính anh làm chủ tịch, và dự định lập một Blog để quảng cáo cho đảng này. Đảng Lao Động hoàn toàn là ảo, nhưng (theo lời anh Định) nếu không gặp trở ngại kỹ thuật thì nó đã xuất hiện trên mạng Internet với đầy đủ ban chấp hành trung ương, cương lĩnh với lời kêu gọi hưởng ứng, v.v. Cho dù đây là do ý tốt chăng nữa vẫn là một hành động đánh lừa dư luận. Ngoài ra, Lê Công Định đã dự trù với Nguyễn Sỹ Bình soạn thảo kế hoạch, hiến pháp. Lê Công Định sa bẫy công an và bị bắt. Công an biết tất cả những gì Định đã làm, sẽ làm, và làm với ai. Tôi đã nói không nên trách Lê Công Định vì đã nhận tội; duy đáng tiếc là anh đã nêu những điều hoặc không đúng sự thực, hoặc công an và đảng NDHĐ chưa biết, như anh đã được đồng nghiệp Lê Quốc Quân móc nối với đảng Việt Tân, đã tham gia một khoá huấn luyện của Việt Tân mà anh kê khai tỉ mỉ. Ngay cả nếu có thể (đây chỉ là giả thuyết) công an biết rồi thì cũng không nên xác nhận để họ có thêm lý cớ bách hại người khác.

Tuổi trẻ có nhiều ưu thế, đặc biệt là vốn thời gian, sức khoẻ và sự hăng say, nhưng với điều kiện là đừng quá nóng vội đến nỗi mất cả sự sáng suốt rồi trở thành hợm hĩnh. Mới tham gia đấu tranh cho dân chủ chưa bao lâu, thành tích mới là bằng cấp và một vài bài báo, mà hình như tự coi có thể cùng một lúc cầm đầu hai tổ chức, có lẽ Lê Công Định đánh giá mình quá cao; vả lại thực sự không đủ bản lĩnh để đương đấu với những áp lực, đã cam chịu đầu hàng. Thái độ ấy dù dễ dãi, rộng lượng đến đâu, chúng ta không nên khuyến khích. Trái lại nên khuyên bảo tuổi trẻ tham gia đóng góp cho những tổ chức đã có đủ thời gian chứng tỏ quyết tâm, sự lương thiện và kinh nghiệm dày dặn trong đấu tranh dân chủ. Những tổ chức vội vã, hành động không phù hợp hoàn cảnh, phương tiện, chưa xây đắp lực lượng đấu tranh và không có kế hoạch đã trù tính kỹ lưỡng, với nhân sự lãnh đạo thiếu khả năng, viễn kiến, tất sẽ suy tàn, chìm đắm, mất tích sau thất bại tuyệt đối sẽ xảy ra, không thể tránh khỏi.

Những chuỗi hành động hấp tấp, đơn độc khởi đầu từ số không sẽ chỉ có tác dụng phân tán lực lượng dân chủ, đánh lạc sự chú ý khỏi những cố gắng nghiêm túc. Đảng cộng sản không mong gì khác; họ sẽ còn tiếp tục tung ra những tổ chức chiêu dụ người nhẹ dạ cả tin ở bề ngoài hào nhoáng, có thể gây tiếng vang thanh thế nhất thời cho đương sự nhưng vô hiệu quả, vô tổn hại cho cộng sản; đồng thời không ngừng chăng bẫy gạn lọc những người đối lập thực sự để xé lẻ và diệt trừ.

Sau cùng, việc Lê Công Định nhận tội và xin khoan hồng, cần được tương đối hoá, nhưng phải tương đối hoá hai chiều. Một đàng không nên trách cứ Lê Công Định; nhưng đàng khác không nên coi đây là một điều dĩ nhiên và bình thường. Lê Công Định chắc chắn đã chịu những áp lực thô bạo; nhưng trước anh Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Lê Thị Công Nhân, cũng đã bị những áp lực không kém. Tuy vậy họ đã có một thái độ khác, xứng đáng với một cách nhìn khác.

Paris, tháng 6-2009
Nghiêm Văn Thạch


[1] Từ khoảng cuối 1945, còn Chính phủ Liên Hiệp hai thành phần Quốc-Cộng ; chính phủ này đã thực tế chỉ còn cái vỏ rỗng nhiều tháng trước ngày 19-12-1946 khi lực lượng Việt Minh mở cuộc tấn công đoàn quân Pháp viễn chinh đóng ở Hà Nội và Hải Phòng, phát động chiến tranh VN-1.

[2] Xem: Nghiêm Văn Thạch,
-
”Ông Hoàng Minh Chính phục hoạt đảng Dân Chủ”, Thông Luận số 204 (tháng 6-2006)
-
“Trả lời những chất vấn về đảng Nhân Dân Hành Động và ông Hoàng Minh Chính”, Thông Luận, số 206 (tháng 9-2006)

© Thông Luận 2009

No comments:

Post a Comment