Thư của đứa con những người nông dân
08:49' 26/06/2009 (GMT+7)
http://www.vietnamnet.vn/thuhanoi/2009/06/854971/
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều sinh ra và lớn lên ở một làng quê Bắc Bộ. Dù ông làm việc ở thành phố, nhưng 50 năm nay, ông luôn gắn bó với làng ông và những người nông dân ở đó. Ông mang trong mình một phần những nỗi phiền muộn, cực nhọc và giấc mơ của những người nông dân. Và những người nông dân ở đó đã chấp nhận ông là một đứa con của họ.
Hiện thực cần báo động trong đời sống của những người nông dân được ông phác thảo trong hình thức những bức thư gửi đến chúng ta. Bây giờ, làng Chùa của ông và những làng khác ở tỉnh Hà Tây cũ đã trở thành một làng chính thức của Hà Nội mở rộng. Thư Thăng Long xin trân trọng giới thiệu 7 bức thư của ông như một trong nhiều góc nhìn về nông thôn hiện nay để bạn đọc cùng tham khảo và chia sẻ.
----------------------------------------------------------------
Bức thư thứ nhất:
Họ đang đi theo một… vòng tròn
Tôi chọn năm 1954 là điểm xuất phát đường đi của những người nông dân. Bởi đó là lúc Miền Bắc được giải phóng hoàn toàn khỏi ách cai trị của người Pháp. Người ta thường lấy mốc năm 1954 là thời gian hòa bình được lập lại. Nhưng thực tế chiến tranh vẫn tiếp tục. Máu vẫn đổ. Chỉ sau năm 1975, chiến tranh mới chấm dứt.
Từ năm 1954 đến nay, những người nông dân đã đi một chặng đường dài hơn nửa thế kỷ trên cánh đồng của họ. Và họ đã đi được đến đâu? Họ có biến được giấc mơ về sự giàu có và văn mình của mình thành hiện thực không?
54 năm qua, những người nông dân không một ngày ngừng cày cuốc, gieo trồng với tất cả những đức tính cần cù trên cánh đồng của họ. Họ đã lao động không hề than thở, họ đã hy sinh không hề than thở. Nhưng sau 54 năm, họ ngẩng đầu lên nhìn lại con đường của họ đã đi. Và họ kinh hãi nhận ra: họ đã đang đi theo một vòng tròn. Họ đang có nguy cơ trở lại điểm xuất phát.
Nếu ai đó phản biện điều tôi vừa nói trên thì xin đừng dùng những hình thức bên ngoài trong đời sống của họ để làm bằng chứng cho những phản biện của mình. Đời sống sinh hoạt có những thay đổi. Nhưng những thay đổi ấy không có ý nghĩa nhiều lắm so với sức lao động và sự hy sinh của họ hơn nửa thế kỷ qua. Nếu chúng ta nhìn gần hơn nữa vào hiện thực trên cánh đồng của họ và nhìn sâu hơn nữa vào ngôi nhà họ, tôi tin chúng ta không thể cầm lòng.
Trước năm 1954, những người nông dân là những người làm thuê cho các chủ đất mà chúng ta gọi là địa chủ. Sau khi Miền Bắc được giải phóng mang theo cuộc cách mạng ruộng đất lớn, đất đai không thuộc về những chủ đất trước đó nữa. Nhưng bản chất sâu xa thì người nông dân vẫn chưa thực sự trở thành người chủ sở hữu đất đai của họ. Hợp tác xã được thành lập. Trước kia, đất đai thuộc sở hữu của một cá nhân thì sau này thuộc sở hữu của một tập thể những cá nhân. Những người nông dân vẫn chỉ là những người làm công ăn điểm. Họ không được toàn quyền quyết định hình thức và nội dung sản xuất của họ. Chỉ đến khi Khoán quản ra đời thì vai trò tự chủ của người nông dân đối với mảnh đất của họ mới được xác lập một phần. Nhưng việc sở hữu đất đai vẫn chưa thuộc về họ.
Lý thuyết về Khoán quản là của ông Kim Ngọc. Nhưng người thực hiện thành công đầu tiên lại thuộc về những người nông dân xã tôi – xã Sơn Công, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây. Ngày đó, các ông Phạm Văn Đồng, Tố Hữu và một số vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đã về xã tôi để tận mắt nhìn thấy sự thay đổi lạ lùng này. Báo Nhân Dân đã có hẳn một bài báo của nhà báo Đắc Hữu với dòng tít lớn: "Sơn Công, câu trả lời cho vấn đề nông nghiệp Việt Nam". Và ông chủ nhiệm hợp tác xã Sơn Công đã trở thành đại biểu Quốc hội ngay sau đó khi ông mới chỉ học hết lớp ba. Dăm năm trước, nhân một lần về quê, tôi đã đến thăm ông. Ông là người đầu tiên và có lẽ là người duy nhất của xã tôi là đại biểu Quốc hội. Ông vẫn thế, ngôi nhà ông ở vẫn thế, không có một chút gì thay đổi ngoài thời gian phủ những nếp nhăn lên gương mặt ông và phủ rêu phong lên những bức tường.
Nhưng từ đó đến nay, phương thức sản xuất nông nghiệp của những người nông dân vẫn không có gì thay đổi đáng kể. Vào những năm 1950 và đặc biệt những năm đầu của thập niên 60 của thế kỷ trước, hệ thống tưới tiêu, hệ thống cơ giới và kỹ thuật nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp khá tốt. Ngày đó, người nông dân được tuyên truyền về tương lai của những cánh đồng. Tương lai này có thể gọi là thời đại cơ giới hóa. Máy móc và kỹ thuật sẽ trợ giúp việc canh tác của họ. Bản thân những người nông dân cũng tin và mơ ước như thế. Nhưng cho đến bây giờ, sau mấy chục năm, giấc mơ cơ giới hóa nông nghiệp đã coi như tan biến. Ngay cả những người tuyên truyền về giấc mơ này cũng “ngủ” thiếp từ lâu. Tôi mang cảm giác người nông dân bị bỏ mặc và trở nên bơ vơ trên cánh đồng đầy nắng mưa, bão gió.
Thay vào giấc mơ cơ giới hóa là sự trở về của một hiện thực. Đó là một hiện thực buồn với hình ảnh con trâu đi trước cái cày theo sau. Hình ảnh này trước kia được dùng để nói về nỗi thống khổ và lạc hậu của người nông dân thì bây giờ lại là hình ảnh quá quen thuộc trên những cánh đồng. Nhưng ngay cả trâu bò cũng không đủ cho nông dân cày ruộng. Bởi thế, hình cảnh cha mẹ, con cái, cháu chắt những người nông dân còng lưng cuốc đất trên đồng mỗi ngày lại càng trở nên phổ biến. Đây không phải là một hình ảnh thơ mộng mà là một hình ảnh cay đắng.
Có một điều kỳ lạ là bây giờ, thi thoảng chúng ta vẫn thấy trên truyền hình hồ hởi đưa tin những người nông dân sáng chế ra máy gặt lúa, tuốt lúa, máy gieo hạt… như một thành tựu khoa học. Tôi xin hỏi những nhà sáng chế nhiều bằng cấp trong các viện sáng chế của Nhà Nước đang ở đâu và đang làm gì mà phải để cho mấy người nông dân có khi chỉ học hết lớp ba trường làng hì hục nghiên cứu ra một số phương tiện để bớt đi những vất vả của chính họ rồi truyền hình và một số báo chí lao vào ca ngợi như một sự phát hiện?
Một hiện thực nữa là từ năm 1954, chúng ta đã bắt đầu đào tạo những kỹ sư nông nghiệp một cách có hệ thống. Theo tôi biết, mỗi năm ít nhất có khoảng vài trăm kỹ sư nông nghiệp ra trường. Nhưng suốt một nửa thế kỷ qua, ở rất nhiều vùng quê tôi biết thì không hề có lấy một ông (bà) kỹ sư nông nghiệp nào về sống, làm việc cùng nông dân và hướng dẫn họ. Nhìn theo một khía cạnh nào đó thì những người nông dân cả nước đang sống theo kiểu du canh. Nghĩa là, họ sản xuất nông nghiệp chủ yếu theo bản năng và thói quen như tổ tiên họ trước kia.
Những người nông dân được hỏi đều buồn bã thừa nhận rằng không ai quan tâm đến họ. Nhiều người nông dân nói: chúng tôi đang được quan tâm vì người ta muốn lấy ruộng để xây dự án. Họ được đền bù một số tiền mà họ chưa bao giờ có. Nhưng những đồng tiền đền bù đó chính là những đồng tiền sẽ mua sự thất nghiệp và những thách thức khác cho chính họ mà họ không biết. Hoặc họ có biết nhưng họ làm sao cưỡng lại được. Cái chính sách mà họ thực sự cần là chính sách tạo công ăn việc làm cho họ và con cháu họ sau khi không còn đất để cấy trồng nữa ở những nơi mà ruộng đất ngàn đời của họ đã và đang bị chung cư hóa. Nhưng một chính sách cụ thể như thế cho đến giờ không một người nông dân nào nhìn thấy và hình như cũng chưa nghe thấy.
Trong một triển lãm ảnh về nông thôn mà tôi đến xem, những bức ảnh chụp rất đẹp theo nghĩa nghệ thuật chụp ảnh. Nhưng tôi nhận ra rằng: những cảnh làm ruộng của những người nông dân của mấy chục năm trước kia và bây giờ chẳng khác nhau chút nào. Có khác thì chỉ khác một điểm. Đó là người nông dân đi sau đít con trâu mấy chục năm trước kia hiện ra trong ảnh đen trắng còn người nông dân bây giờ vẫn đi sau đít trâu nhưng là trong ảnh màu rực rỡ.
Những người nông dân đang đi theo một vòng tròn. Đấy không phải là ý của tôi. Đấy là ý của những người nông dân làng tôi. Họ nói: Ngày xưa ông bà chúng tôi làm ruộng thế nào bây giờ chúng tôi vẫn làm như thế. Chỉ khác là bây giờ có điện. Nhưng cứ vào ngày mùa thì điện lại cắt. Từ ý đó, hay đúng hơn từ hiện thực mà tất cả chúng ta đang nhìn thấy, tôi, một nhà văn có biết một chút phép tu từ nên viết thành câu: Họ đang đi theo một… vòng tròn.
Nguyễn Quang Thiều
----------------------------------
PHẢN HỒI CỦA ĐỘC GIẢ: http://www.vietnamnet.vn/thuhanoi/2009/06/854971/
Bức thứ hai:
“Tổng thu nhập một tháng của người nông dân”
09:00' 28/06/2009 (GMT+7)
http://www.vietnamnet.vn/thuhanoi/2009/06/855187/
...“Tổng thu nhập một tháng trên một khẩu của chúng tôi là 40.000 đồng”. Bạn có choáng váng khi mỗi tháng, một người trong mỗi gia đình nông dân chỉ có 40.000 đồng để chi tiêu tất cả những gì họ cần không?
Trong một tháng hay trong một năm, những người quản lý nông thôn nói riêng và những người quản lý xã hội nói chung có được bao nhiêu lần đặt câu hỏi cho chính trách nhiệm của họ: “Mỗi tháng, tổng thu nhập của một khẩu trong mỗi gia đình nông dân là bao nhiêu? Và với thu nhập như vậy họ sẽ sống như thế nào? ”Tôi không tin mỗi tháng thậm chí mỗi năm tất cả những người có trách nhiệm nói trên tự đặt câu hỏi này được một lần. Và nếu có ai đặt câu hỏi thì rất ít người trong số họ cũng không tự có câu trả lời được. Có câu trả lời rồi thì có bao nhiêu người sẽ suy nghĩ về hiện thực từ câu trả lời đó mà tìm giải pháp?
Khi tiếp xúc với những người nông dân, tôi thường xuyên hỏi về tổng thu nhập mỗi tháng của một khẩu trong một gia đình họ là bao nhiêu. Dù rằng tôi biết họ đang sống một cuộc sống vô cùng vất vả nhưng tôi vẫn kinh ngạc khi nghe một con số cụ thể: “Tổng thu nhập một tháng trên một khẩu của chúng tôi là 40.000 đồng”. Bạn có choáng váng khi mỗi tháng, một người trong mỗi gia đình nông dân chỉ có 40.000 đồng để chi tiêu tất cả những gì họ cần không?
40.000 đồng có giá trị như thế nào lúc này. Đó là giá của 2 bát phở, giá của 4 lít xăng, giá của hai xuất cơm trưa văn phòng, giá của một cuốc xe ôm trên đoạn đường 10km, giá của hơn một bao thuốc lá 555, giá của 3 ly cà phê…
Tôi biết sẽ có rất nhiều người không thể tin rằng tổng thu nhập hàng tháng của một khẩu trong hầu hết những gia đình nông dân lại chỉ với một con số “kinh hoàng” như thế. Nhưng buồn thay đó lại là sự thật. Nếu có sai số thì cũng chỉ rất nhỏ, khoảng 5%. Nhưng sau này, tôi đã nghe rất nhiều người nông dân phản ứng khi họ biết được số liệu mà tôi thu thập về tổng thu nhập trên một khẩu ở những gia đình nông dân. Với họ, 40.000 đồng là một con số quá lạc quan. Họ nói, quá nhiều nơi, tổng thu nhập tính ra tiền trên một khẩu chỉ khoảng 25.000 đồng đến 30.000 đồng.
Theo khảo sát tạm thời của tôi hiện nay thì mỗi một khẩu ở nông thôn trung bình có 1, 2 sào ruộng để canh tác. Mỗi năm họ cấy hai vụ lúa với sản lượng trung bình là hai tạ/một sào. Mỗi tạ thóc bây giờ có giá là 250.000 đồng. Tuy nhiên giá thóc có thể lên đến 300.000đ/tạ. Nhưng giá thóc chỉ cao trong một thời gian không đáng kể. Đến mùa tới, đương nhiên là giá thóc sẽ cân bằng trở lại. Như vậy, mỗi năm bằng trồng lúa, một khẩu sẽ thu nhập là một triệu đồng. Xen vào hai vụ lúa là một vụ màu (ví dụ là ngô). Sản lượng ngô/1, 2 sào lúc này tính ra tiền xấp xỉ lúa. Như vậy, tổng doanh thu của một người nông dân trong một năm từ lúa và hoa màu trên mảnh ruộng của họ là khoảng 1.300.000 đồng.
Trong khi đó, chi phí cho tất cả các dịch vụ từ cày cấy, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thu hoạch, chế biến… chiếm ít nhất 60% tổng doanh thu. Thực thu còn lại của một người nông dân từ việc canh tác trên mảnh ruộng của họ mỗi năm là khoảng 500.000 đồng. Nếu chia ra 12 tháng thì mỗi người nông dân chỉ có khoảng 40.000 đồng cho toàn bộ chi tiêu trong một tháng. Tất nhiên, ngoài nguồn thu nhập từ canh tác trên mảnh ruộng của mình thì người nông dân phải tìm những nguồn thu nhập phụ khác như chăn nuôi, làm nghề phụ, làm thuê trong thời gian giáp hạt v.v… Nhưng những thu nhập phụ này không phải là nguồn thu nhập ổn định và cũng không đáng bao nhiêu. Chăn nuôi của hầu hết các gia đình nông dân cũng chỉ để cải thiện thêm đời sống của họ. Còn nghề phụ của hầu hết các làng nghề truyền thống đã và đang dần dần teo lại vì tính hiệu quả quá thấp.
Số ruộng tính trên một đầu người mà tôi đưa ra ở trên là một con số hơi lạc quan. Thực tế có những gia đình nông dân tính đầu người không quá một nửa sào ruộng và có nơi còn ít hơn thế. Vì tất cả những người sinh sau năm 1993 không còn được chia ruộng nữa. Vì vậy, một gia đình có 2 vợ chồng trẻ và 3 đứa con, tổng cộng là 5 người chỉ có 2,5 sào. Số gia đình như vậy ở nông thôn càng ngày càng nhiều. Nhiều người nói ruộng canh tác của nông dân càng ngày càng ít đi. Thực tế không hẳn là như thế. Nhưng vì dân số càng ngày càng tăng nên tất yếu số ruộng tính trên một đầu người càng ngày càng ít. Hơn thế, các khu công nghiệp, các khu đô thị mới, các khu vui chơi giải trí như sân gofl… càng ngày càng mở rộng và càng nuốt chửng hàng trăm, hàng ngàn và rồi sẽ đến hàng triệu hecta ruộng của những người nông dân.
Với hiện trạng như vậy, số phận người nông dân và con cháu của họ sẽ ra sao. Đất nước đã và đang phát triển. Đó là sự thật không ai có thể phủ nhận được. Nhưng sự phát triển này đang ngày càng mất cân bằng. Nếu chúng ta dựng đồ thị sự phát triển của những đô thị và các vùng nông thôn chúng ta sẽ thấy sự chệnh lệch giữa nông thôn và thành thị mỗi ngày một cao. Sự phân cấp giàu nghèo giữa những người nông dân và các thị dân càng ngày càng làm cho những người nông dân tủi nhục và cay đắng. Một thị dân chi tiêu một ngày đã gấp ba, gấp bốn tổng chi phí một tháng của một người nông dân. Đấy là sự so sánh giữa một thị dân ngèo với một người nông dân chứ chưa phải so sánh với một thị dân thu nhập cao.
Cách đây khoảng 7 năm, tôi có làm việc với huyện Mai Châu, Hòa Bình và được biết: số tiền mà Nguyễn Văn Mười Hai vay ngân hàng Nhà nước và đã làm thất thoát bằng tổng thu nhập trong 80 năm của huyện Mai Châu. Ngày nay, việc làm thất thoát tài sản của nhân dân còn lớn hơn nhiều lần Nguyễn Văn Mười Hai trước kia. Trong khi đó, thu nhập của người nông dân vẫn chẳng cải thiện được bao nhiêu.
Việc phân cấp giàu ngèo là vấn đề đương nhiên của mọi xã hội phát triển. Nhưng việc quên lãng những vùng nông thôn là việc không được phép. Không được phép về mặt lương tâm và không được phép trong chiến lược phát triển một đất nước. Những cuộc vận động “lá lành đùm lá rách” chỉ là một lối hành xử văn hóa chứ không phải là một chính sách, một chiến lược đối với nông dân.
Chính vì với một thu nhập “kinh hoàng ” như thế mà tương lai của các thế hệ trẻ ở nông thôn Việt Nam là một tương lai bất ổn. Nếu chúng ta quan sát một cách nghiêm túc, chúng ta sẽ thấy những thiếu nữ từ các vùng nông thôn đi như trảy hội về thành phố làm những nghề “mập mờ” và bán dâm. Việc dấn thân đi làm dâu ở Hàn Quốc, Đài Loan v.v… là một bi kịch. Tất cả chỉ vì họ cố tìm cách thoát ra khỏi cuộc sống quá ngèo đói và không nhìn thấy hy vọng của họ và gia đình họ.
Sự thật là họ không làm thế nào để cải thiện được cuộc sống của họ. Họ chỉ có từng ấy đất đai, chỉ có từng đó mùa vụ, chỉ có từng đó sản lượng, chỉ có từng đó phương tiện lao động, chỉ có từng đó tư duy canh tác… thì chỉ có từng đó thu nhập. Chúng ta phải thừa nhận là chúng ta không quan tâm đến họ một cách thiết thực và nói thẳng ra là chúng ta đã từng bỏ rơi họ. Mấy gói mỳ tôm ném xuống làng họ khi họ bị bão lũ đâu phải là một chính sách hay là một chiến lược. Có thể có một doanh nhân nào đó sẽ khó chịu, nói: Nông dân, hãy làm đi, đừng kêu than.
Tôi xin hỏi: giữa một doanh nhân được mua hàng trăm, hàng ngàn hecta đất ruộng của những người nông dân với giá vài trăm ngàn hay vài triệu đồng/mét vuông để ngay sau đó bán lại một mét vuông đất đó trên sơ đồ quy hoạch với giá là hàng chục triệu đồng thậm chí hơn thế thì ai là người được “quan tâm” và ai là kẻ bị bỏ rơi? Hãy trả lời đi các quý vị!
Vì bài báo không thể dài hơn, bởi thế tôi không thể kê khai những gì mà những người nông dân phải chi tiêu một cách cụ thể hàng ngày, hàng tháng với mức tổng thu nhập trung bình chỉ là 40.000 đồng. Tất cả những ai không là nông dân hãy thử hình dung xem với 40.000 đồng để chi tiêu trong một tháng thì chúng ta sẽ phải làm như thế nào? Và sau khi tính toán kỹ lưỡng bằng mọi cách thì chúng ta sẽ tự hiểu những người nông dân hiện nay đang sống như thế nào?
Nguyễn Quang Thiều
---------------------------
PHẢN HỒI CỦA ĐỘC GIẢ: http://www.vietnamnet.vn/thuhanoi/2009/06/855187/
No comments:
Post a Comment