Tuesday, June 2, 2009

THI SÁNG TÁC BIỂU TRƯNG BÔ-XÍT

Phát biểu về cuộc thi sáng tác biểu trưng bô-xít
Nguyễn Mai Sơn
03/06/2009 3:39 sáng
http://www.talawas.org/?p=5395

Kính thưa quý vị đại biểu,
Tôi thay mặt Ban Tổ chức cuộc thi “Quốc gia bô-xít phải có công dân bô-xít” có đôi lời tổng kết và trao giải cuộc thi sáng tác biểu trưng bô-xít ngày hôm nay.
Tôi vui mừng nhận thấy, đến tham dự buổi tổng kết và trao giải này có lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các ban ngành đoàn thể, hội đoàn, tôn giáo, các nhân sĩ, trí thức, mẹ Việt Nam anh hùng, các cán bộ lão thành (từng) cắt mạng và đại sứ quán của nhiều nước. Đặc biệt lễ trao giải hôm nay đã nhận được thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gần 2.000 chữ ký của các giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, nhà văn gửi đến chúng ta. Ban Tổ chức xem đây là một thành công ngoài mong đợi, vô tiền khoáng hậu về chủ đề bít-xô, bởi chưa từng có cuộc vận động “sáng tác” nào thu hút nhiều quan tâm của xã hội đến vậy.

Như chúng ta đã biết, cuộc thi sáng tác biểu trưng bô-xít, và cuộc thi viết về bô-xít với tất cả niềm tin, niềm tự hào đã được “thai nghén” từ những năm 1980. Nhưng vì điều kiện hoàn cảnh đất nước ta còn nhiều khó khăn, nên cuộc thi mãi cho tới năm 2009 mới trở thành hiện thực. Ban Tổ chức xin đặc biệt cảm ơn Quỹ vì Tương lai Lấn biển của Sứ quán Trung Quốc đã tài trợ Nhân dân tệ để chúng tôi thực hiện cuộc thi có ý nghĩa này. Chính vì cái quỹ “hấp dẫn” trên mà cuộc thi bô-xít đã thu hút nhiều người tham dự hơn mong đợi.
Với chủ đề “Quốc gia bô-xít phải có công dân bô-xít”, cuộc thi đã cụ thể hóa vấn đề bô-xít - dân gian gọi một cách dễ nhớ là bít-xô - và được đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia ủng hộ, đồng thời có nhiều “thư” (ngỏ), “ý kiến” (kiến nghị), “phát biểu” xoay quanh cuộc thi này, làm cho cuộc thi trở thành tâm điểm sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của nước nhà. Điều đáng nói, từ cuộc thi sáng tác biểu trưng bô-xít, vấn đề bô-xít không còn giới hạn trong phạm vi “nghệ thuật” mà còn là một sinh hoạt “văn hóa” “chính trị”, “kinh tế” sôi nổi và có nhiều ý nghĩa. Tôi hy vọng rằng từ cuộc thi này xã hội sẽ xuất hiện thêm nhiều cuộc thi khác như “Quốc gia dầu hỏa phải có công dân dầu hỏa”", “Quốc gia văn hóa phải có công dân văn hóa”, “Quốc gia rừng phải có công dân rừng”, “Quốc gia tiêu điều phải có công dân tiêu điều”, v.v.

Ban Tổ chức xin nói lên những mặt được và chưa được, để chuẩn bị tốt hơn cho các kỳ thi sau nếu liên quan đến chủ đề bô-xít.
Như quý vị đã thấy, khoáng sản bô-xít của nước ta đứng thứ 3 trên thế giới về trữ lượng, nhưng người dân còn chưa quan tâm nhiều đến điều này, đặc biệt trong lúc khủng hoảng kinh tế, giá cả leo thang chóng mặt như hiện nay. Bô-xít tập trung chủ yếu ở vùng Tây Nguyên, một bản trường ca rừng thú cá chim, một “viện bảo tàng bô-xít” sống động, mà theo như một số người phải 25-30 năm nữa bán vé “mở cửa” mới hợp lý.
Ban Tổ chức rất lo lắng đến rừng xanh Tây Nguyên vì thế mới vào google.com để tìm từ khóa “diện tích rừng Tây Nguyên bị tàn phá”, kết quả thật bất ngờ là rừng Tây Nguyên bị phá tan hoang không phải do khu rừng đó có nhiều bô-xít như mọi người vẫn nhầm lẫn, vì những nơi có nhiều bô-xít thì rất khó để phát triển rừng, bởi chủ yếu chỉ là cây bụi, rừng tạp, còn những khu rừng có đất đai màu mỡ thì bà con Tây Nguyên ta lại muốn biến rừng thành rừng cà-phê cả. Tư duy phá rừng làm rẫy của bà con Tây Nguyên bao giờ mới thay đổi được? Chúng tôi nêu vấn đề này ra để các thí sinh có cái nhìn nhiều chiều về vấn đề khai thác bô-xít.

Cảnh báo: “Vùng đệm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin có diện tích lên tới hơn 100 nghìn ha rừng tự nhiên thuộc 13 xã của 2 huyện Krông Bông và Lắc (Đắc Lắc). Đây được coi là lá chắn phòng hộ cho hơn 58 nghìn ha rừng thuộc vùng lõi của Vườn, nơi có ngọn núi Chư Yang Sin cao 2.442m được ví là ‘nóc nhà’ của nam Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây rừng vùng đệm của VQG Chư Yang Sin đang bị người dân tàn sát với tốc độ khung khiếp để lấy đất làm rẫy. Ông Võ Chương, Bí thư đảng ủy xã cho biết: “Trong vòng hơn 10 năm gần đây, ít nhất 3.000 ha rừng ở Cư Pui đã bị xoá sổ”.

Kính thưa quý vị,
Để tránh những “dị nghị”, “điều tiếng” tràn lan vô tổ chức về bô-xít, Ban Tổ chức thúc đẩy cuộc thi này diễn ra sớm hơn để nhằm định hướng dư luận “yên tâm” về bô-xít ở ba điểm an ninh quốc phòng, môi trường và hiệu quả kinh tế. Ba điểm này, ở Việt Nam đã có bốn bộ chịu trách nhiệm chính, đó là Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương, bên cạnh đó là sự hiện diện của nhiều bộ ngành liên quan. Có bốn bộ này mà không ít người vẫn lo (bò trắng răng) về bô-xít, vậy có khi nào phải bỏ bốn bộ này đi để thay vào “bộ mới” không? Điều này vượt quá quyền hạn của Ban Tổ chức cuộc thi, bởi nhiệm vụ của Ban Tổ chức là cho ra một biểu tượng “bô-xít” ấn tượng nhất, xúc động nhất để làm sao cứ nhìn thấy đất đỏ, thấy alumin, thấy nhôm là có thể khóc như khóc nước mất nhà tan là đạt yêu cầu.

Như quý vị biết, đây là cuộc thi sáng tác biểu trưng, nên các họa sĩ - những người có kỹ thuật chuyên môn phối màu - mới là đối tượng thí sinh chính tham gia. Nhưng muốn có biểu tượng bô-xít “ám ảnh”, Ban Tổ chức đã phải phá lệ, đưa ra những liệu pháp sốc, nhằm thay đổi thói quen cảm thụ “thẩm mỹ”, “nghệ thuật” của một số người. Liệu pháp sốc được đào tạo ngắn hạn bằng cách chấp nhận những “thí sinh” (sính “thi”) không cần có “chuyên môn cầm cọ” tham gia, như vậy mới đột phá trong sáng tạo nhằm đạt đến cái “Chân” trong sự giản dị, thơ ngây và hồn nhiên cụ. Đó là tinh thần tập trung trí tuệ. Có thế mới lột tả hết vẻ đẹp và sự “đớn đau” quằn mình của bô-xít với những dòng red mud cuồn cuộn chảy, với nguy cơ cuốn trôi toàn bộ sự trong sạch của môi trường Việt Nam. Không một kỹ thuật nào có thể ngăn được red mud. Không một “cam kết” nào có thể có hiệu lực với red mud. Màu đỏ của red mud là màu máu thịt, ám ảnh tất cả những bộ óc có “lương tri” và “tự tình dân tộc”. “Một quả bom bẩn” đã treo trên đầu dân Úc, dân Bờ-ra-xin, dân Trung Quốc… không thể đem treo trên đầu dân Việt chăm chỉ, cần cù, thông minh, sáng tạo…, nhưng không có nổi một công nghệ ra hồn để làm đẹp cho bô-xít.

Trong khi nhiệm vụ của Ban Tổ chức là phải đưa bô-xít đến với cái đẹp, có nghĩa rằng, những “cục đất đỏ” ấy phải được tinh luyện để cho ra những thanh nhôm sáng lòa mắt mà ít nhiều ngôi nhà nào cũng có nó hiện diện, và phải tiến tới công nghệ “Na-nô nhôm” - đỉnh cao chói lọi của bô-xít - xì teen: made in Vietnam. Như quý vị hiểu rõ, tài nguyên nào thì cũng sẽ cạn kiệt, nhưng chỉ có tài nguyên trí tuệ là không bao giờ cạn kiệt. Có tài nguyên trí tuệ thì một cuộc gia nghèo tài nguyên vẫn có thể giàu có và xinh đẹp như ai.
Tuy nhiên, Ban Tổ chức đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nghị sĩ, một số tướng lĩnh quân đội, các giáo sư, tiến sĩ, nhà văn tham gia viết bài “phản ánh” cuộc thi. Có bài viết cho rằng, đó là chủ trương lớn của Đảng tại sao lại giao cho cấp bộ thực hiện, có bài thì cho rằng, trong phạm vi quyền hạn giải quyết của cấp nào thì cấp ấy giải quyết, và ai đã được giao cho làm chủ đầu tư thì phải chịu trách nhiệm trước mọi vấn đề đã nêu, có bài cho rằng không nên tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng này vì nó không cần thiết, vì người dân đâu có ngu quá mức để không biết bô-xít là gì mà phải vẽ vời “biểu tượng” với lại “biểu mã”, có người thì bảo ngọc nằm trong đá ai mà biết, phải có một biểu tượng bô-xít để “chiêm ngưỡng” sự vĩ đại đó bằng nhận thức “duy lý”, “logic”, “khoa học” và cả “trực giác” nữa… Lưu ý, có những người học vấn rất cao, có bằng cấp rất giỏi, nhưng làm tư vấn vẫn không chính xác. Vì thế, Ban Tổ chức luôn lo lắng khi các thí sinh lầm lẫn giữa “vấn đề” và “giả vấn đề”, hai vấn đề này mà lẫn lộn thì thật nguy hiểm, bởi không biết khi ấy người ta sẽ phán đoán và tưởng tượng ra những gì.
Ban Tổ chức chúng tôi cũng đã nhận được ý kiến đóng góp, rằng tại sao không để cho Mỹ góp sức tài trợ để có được đa-lô (đô-la) mà chỉ nhận Nhân dân tệ của Trung Quốc? Phải chăng Trung Quốc là một nghệ nhân bô-xít đi đâu cũng chứng tỏ mình có công nghệ “làm sạch” và “thân thiện” với môi trường?
Nghe đến đây tự nhiên Ban Tổ chức thấy phân vân, nhưng bác Cẩm Đào từng chỉ thị cho Đại Sứ quán và nhà thầu Chalieco rằng, đừng làm mất mặt công nghệ Trung Quốc ở Việt Nam nữa. Tuy có 16 chữ vàng chói lọi thật nhưng Việt Nam vẫn khó chơi lắm, đánh mất tình cảm với họ là bất cứ thứ gì liên quan đến China họ cũng sẽ tẩy chay cho mà xem.

“Vikrom Krommadit, một nhà đầu tư Thái Lan trên tờ Matichon cách đây ít lâu đã lưu ý các cộng sự nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam rằng, đừng có bao giờ làm hỏng các quan hệ tình cảm đã thiết lập với người Việt Nam. Bởi nếu như thế là kết thúc sự nghiệp; cơ hội khách quan ở đây sẽ chẳng còn giá trị gì khi các đối tác không tin cậy lẫn nhau”.

Mặc dù nhận tiền tài trợ của Trung Quốc, nhưng Ban Tổ chức vẫn khuyến cáo các thí sinh rằng, vì sự nhạy cảm ở Biển Đông, vì mối lo “ba Tây”: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam, các thí sinh nên lưu ý “nước xa không chữa được lửa gần”, đừng làm “mất lòng” nhà tài trợ, bởi dù sáng tác biểu trưng có ý nghĩa gì thì cũng sẽ bị loại nếu “chính trị hóa” vụ việc. Thế nhưng vẫn có một số thí sinh phạm quy khi vẽ các công nhân bô-xít Trung Quốc như những phun-rô, bên cạnh lá quốc kỳ China cắm trên đất đỏ.

Kính thưa quý vị,
Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội nói với Ban Tổ chức: “Vì sao người ta mang trí tuệ đến nước mình để khai thác? Không phải môi trường đầu tư của chúng ta hoàn toàn hấp dẫn, thủ tục của chúng ta không rườm rà, nhưng vì thị trường này mang cho họ lợi nhuận cao, mà có lợi nhuận là họ làm, nếu không có lợi nhuận thì có trải thảm đỏ thì họ cũng không vào”.
Ông Nguyễn Minh Thuyết, người luôn làm nóng nghị trường bằng từ “lách luật”… cũng ủng hộ chủ trương khai thác bô-xít nhưng lo về hiệu quả kinh tế, môi trường, an ninh. Nói chung các “nghị” của chúng ta lo nhiều, lo ít thì lo, nhưng gần như cũng ủng hộ chủ trương lớn cả. Đặc biệt nghị Trung Quốc, sợ mình trở thành công dân Trung Quốc đã thay đổi cách phát ngôn trước đó - vốn bị những người phản đối khai thác bô-xít công kích - bằng cách lên gân trước nghị trường để xoa dịu những người phản đối: “phải làm rõ bài toán lỗ lãi thì mới thỏa đáng”. Trí thức mà lúc no thì phải vác cho nặng, còn lúc đói thì không ăn được thì thật là mỉa mai vậy.
Nói rằng quan hệ giữa Chính phủ và Quốc hội là quan hệ người nhà có phần chưa hiểu rõ tình hình. Bởi có những “nghị” cho đến gần kỳ họp mà còn chẳng biết chủ trương khai thác bô-xít nó ra thế nào cả. Nhưng từ khi có kiến nghị bô-xít mà niềm tin về vai trò Quốc hội được gia tăng đáng kể. Khiến cho Quốc hội nhận ra mình đã “trưởng thành” (dậy thì). Tại sao có những chuyện Quốc hội ra luật nhưng Chính phủ không làm? Đó là trên bảo dưới không nghe. Lần đầu tiên xác lập cụm từ “trên”, “dưới”. Những người có quyền cao nhất đi đòi quyền cao nhất. Quá nghịch lý. Nhưng cũng có cái quyền cao nhất và cũng có cái quyền thực tế nhất. Nhiều khi cái quyền thực tế nhất cũng được hiểu ngầm là cái quyền cao nhất. Và nhiều khi người không có quyền mới gọi là có quyền. Xin đừng bỏ qua các “Thái Thượng hoàng” và những “cố vấn” sừng sỏ mà có ngày các thí sinh của chúng ta lầm to về quyền lực. Nhưng không sao, nếu nam nghị, nữ nghị nào cảm thấy thiếu tự tin thì đã có hội đoàn Công giáo dòng Chúa Cứu thế luôn giữ vững tinh thần hiệp thông thắp nến cầu nguyện để quý vị nhận được nhiều hồng ân và sức mạnh. Quý vị nào có tướng hổ gan chuột thì miễn bàn vì có bao nhiêu lời cầu nguyện thì cũng “thứ nhất ngồi lì, thứ nhì đồng ý” mà thôi.
Ban Tổ chức nói ra những điểm liên quan đến bô-xít này để các thí sinh rút kinh nghiệm cho những cuộc thi sau, không nên “chính trị hóa” vụ việc mà rước phiền vào thân, chỉ nên lo sáng tác và cống hiến hết mình cho “nghệ thuật bô-xít”.

Thành công của cuộc thi chính là sự hiện diện của quý vị trong ngày trao giải quan trọng này, đặc biệt ở khối lượng bài viết đồ sộ với đủ các thành phần chuyên và không chuyên, với mọi độ tuổi từ học sinh đến cụ già gần 100 tuổi. Đặc biệt cuộc thi này sẽ có 2 giải tập thể: giải cho số lượng tác phẩm dự thi nhiều nhất và giải có ý tưởng sáng tác hay nhất, không có giải nhất, nhì, ba và khuyến khích như thông thường vì chất lượng tác phẩm còn nhiều hạn chế. Để quý vị khỏi hồi hộp, tôi xin thay mặt Ban Tổ chức công bố ngay.
Giải tập thể thứ nhất dành giáo sư Nguyễn Huệ Chi, giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng và nhà văn Phạm Toàn, bởi đằng sau họ là một lực lượng thí sinh đông đảo gần 2.000 người và có website riêng. Mặc dù đại diện Bộ Công Thương không đồng ý trao giải này cho các vị kể trên với lý do họ đã đưa ra những thông tin không chính xác, lệch lạc và bị phản động lợi dụng trong tác phẩm, nhưng Ban Tổ chức với tiêu chí đa số thắng thiểu số vẫn quyết định trao giải này vì những đóng góp tích cực của họ trong sự nghiệp kháng chiến chống khai thác bô-xít.
Giải tập thể thứ hai dành cho Hồng y Phạm Minh Mẫn và đông đảo linh mục giáo dân dòng Chúa Cứu thế, bởi họ cũng tích cực phản đối bô-xít và có website riêng để thể hiện quan điểm sáng tác. Hai giải này mỗi giải trị giá 12.000 Nhân dân tệ và bằng khen của Quốc hội.
Hai giải tập thể này là đỉnh cao của sự sáng tác, đã công khai chạm vào bất cứ vấn đề ngóc nghách, “kỵ húy” nào liên quan đến Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận với lòng yêu Tổ quốc thiết tha vô bờ, đọc là muốn khóc, muốn yêu nước đến gan óc lầy đất.
Một giải ý tưởng thuộc về
họa sĩ, kiêm tu sĩ Thích Quán Triệt, thế danh Gia Cát Cự, nổi bật cho ý tưởng sáng tác “siêu thực”, “hậu hiện đại”, “hậu thực dân”, “hậu đảng”, “hậu China”… khiến cho người thưởng lãm không biết đâu mà lần, có lẽ do nghệ thuật muốn hấp dẫn thì phải lơ lửng, chơi vơi, không kết luận, không đặt tên cho tranh vẽ, nghệ thuật mà chú nghĩa là nghệ thuật “hiếp dâm” công chúng. Đặc biệt quan điểm sáng tác của Thích Quán Triệt rất nổi bật, nhìn người mà thấy con súc vật nằm trong đó. Nói chung xem tranh của Thích Quán Triệt thì không muốn khóc mà muốn tán dóc. Giải ý tưởng trị giá 12.000 Nhân dân tệ và bằng khen của Cục Phản gián.

Trong dự định, Ban Tổ chức định trao bốn giải khuyến khích cho bốn tác giả Trương Thái Du, Phạm Toàn, Nguyễn Mai Sơn và Phạm Quang Tuấn, nhưng vì trong đó có nhiều “mũ bô-xít”, nhiều những chuyện linh tinh, vớ vẩn, cộng thêm việc Nhân dân tệ không còn đủ để trả nên Ban Tổ chức đành ngậm ngùi loại ra.
Có một tác phẩm nhẽ ra Ban Tổ chức sẽ trao giải đặc biệt, nhưng vì có vẻ như tác phẩm mang màu sắc quá Trung Quốc,
Chúng tôi có thể kể ra rất nhiều những sáng tác phong phú và đa dạng trong cuộc thi này, nhưng để tiết kiệm thời gian phát biểu, tôi xin mời quý vị dành thời gian vào các website sau đây để tham khảo: VietNamNet, bauxitevietnam, talawas blog, dcct…

Ban Tổ chức chúng tôi đặc biệt ấn tượng với Thư tòa soạn sau đây của website bauxitevietnam vì nó đã, đang và sẽ cổ vũ cho phong trào sáng tác về những vấn đề liên quan đến bô-xít của chúng ta:
“Gần đây, một số độc giả có gửi đến trang mạng chúng tôi các bài viết bàn sâu vào những đề tài có phần ‘nhạy cảm’. Xin ghi nhận tấm lòng của quý bạn và xin được phản hồi chung như sau:
Vẫn biết vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên là một tổng hợp nhiều vấn đề liên quan mật thiết và đan xen với nhau: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… nếu tách ra sẽ rất phiến diện, thậm chí sai lệch trong việc nhận thức về tầm quan trọng và sự bức thiết của vấn đề.
Tuy nhiên, như bản Kiến nghị chúng tôi đề ra từ đầu và trước sau vẫn theo đuổi, là chúng ta cần phân tích cho Nhà nước thấy rõ mọi lợi hại của việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên cũng như nhiều nơi khác trên đất nước ta từ góc nhìn của nhà khoa học, nhà văn hóa, và từ tấm lòng yêu nước nhiệt thành của con dân nước Việt để Nhà nước sớm quyết định dừng quy hoạch khai thác bauxite.
Chúng tôi nghĩ, không nên chuyển sang luận giải về những phương diện khác đi xa mục tiêu ban đầu, nhất là không nên quá “chính trị hóa” trong các đề tài bàn luận. Vì vậy, với những bài như thế đã gửi đến, cho phép chúng tôi chưa sử dụng. Mong bạn đọc hết sức thông cảm. Bauxite Việt Nam“.

Nhưng bài nào chưa sử dụng sẽ có cơ hội được sử dụng, các thí sinh đừng thất vọng. Ban Tổ chức chúng tôi cũng đang nghiên cứu, tham khảo những bài viết trên bauxitevietnam để mời nhạc sĩ trứ danh phổ nhạc, chú trọng đến những âm hưởng dân gian, đồng dao, nhằm đưa bô-xít đi sâu vào trong quần chúng.

Kính thưa quý vị,
Rút kinh nghiệm từ cuộc thi này, Ban Tổ chức xin cụ thể hóa thành 9 điểm đáng chú ý sau để các thí sinh tham khảo cho những cuộc thi vẽ và viết sau này.
1. Quỹ Vì Tương lai Lấn biển của Đại Sứ quán Trung Quốc vẫn là nhà tài trợ chính trong những cuộc thi tới, vì vậy các thí sinh nên tránh các chủ đề có thể gây chia rẽ “16 chữ vàng”. Nếu thí sinh nào không chú trọng đến giải thưởng thì cứ việc đụng chạm đến chủ nghĩa bá quyền tham lam vô bờ Trung Quốc. Lưu ý, đừng rơi vào chủ nghĩa bài Hoa là có thể sống an vui với nghệ thuật đến hết đời. Ban Tổ chức đang lo lắng, sông Mê Kông đã bị Trung Quốc và Lào xây dựng nhiều đập cao để ngăn lại. Hơn thế nữa, dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa bắt nguồn từ Trung Quốc không biết một ngày nào đó có trở thành dòng sông “bô-xít” do red mud của Trung Quốc thải ra không?
2. Bô-xít đã có những lời hứa đảm bảo và sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, nếu phát hiện thấy red mud tràn ra sông suối, hành vi tham nhũng, việc làm gây thất thoát, lãng phí, bỏ rơi dân nghèo thì lấy đó làm tâm điểm để sáng tác, Ban Tổ chức sẽ cộng điểm cho những bài viết này. Đặc biệt, nếu thí sinh là các phóng viên báo chí thì sẽ nhận được giải phụ “Vì Tương lai Con em Chúng ta”.
3. Những tập thể cá nhân tham dự nếu có nhiều bài viết và có website riêng để thể hiện quan điểm sáng tác thì sẽ được tài trợ thêm tiền để bảo vệ an ninh mạng, nên giảm bớt chửi rủa, mạ lỵ, chụp mũ… để nâng cao trình độ văn hóa tranh luận cho người đọc, đưa nhận thức của mình vào chuyên môn, khoa học và logic hơn.
4. Những tập thể, cá nhân nào có tín ngưỡng tôn giáo nên khoan dung, vị tha, dẹp bỏ bớt tham sân si, siêng năng cầu nguyện cho bô-xít, cho Quốc hội, mở rộng phạm vi cầu nguyện đến với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận để hóa giải hận thù, giống như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết: “Lấy từ bi diệt hận thù”, làm sao đó để có thể nhờ cầu nguyện mà tăng phúc, tăng thọ nhưng không bị tăng xông.
5. Dân tộc này không phải là sở hữu của một tổ chức, một nhóm người nào dù tinh hoa đến đâu, vì thế các thí sinh không cần phải lệ thuộc vào tư tưởng của bất cứ thành phần nào mà trở thành a dua trong sáng tác, dẫn đến thui chột ý tưởng sáng tạo, đánh mất phong cách riêng của mình. Nghệ thuật không chỉ có phản ánh hiện thực.
6. Những thí sinh nào phản đối khai thác bô-xít thì đến gặp giáo sư Nguyễn Huệ Chi và những cộng sự để được tư vấn về ý tưởng sáng tác. Những thí sinh nào ủng hộ khai thác bô-xít thì đến gặp hầu hết các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là ông Nông Đức Mạnh và ông Nguyễn Tấn Dũng. Thí sinh nào thích đội “mũ bô-xít” thì tìm đến nhà văn Phạm Toàn. Thí sinh nào không ủng hộ và cũng không phản đối, vừa công kích người phản đối vừa mắng mỏ người ủng hộ thì phải đặc biệt tìm đến người đoạt giải ý tưởng hôm nay: tu sĩ bất đắc dĩ Thích Quán Triệt. Theo người đoạt giải ý tưởng Thích Quán Triệt, thí sinh nào muốn biết các bài giảng pháp được liên hệ với bô-xít như thế nào thì tìm đến Thích Chân Quang (”cháu ruột” Bác Hồ). Thí sinh nào muốn tìm hiểu cách để có nhiều chữ ký phản đối nhất thì tìm đến linh mục Lê Quang Uy. Thí sinh nào muốn tìm đến môi trường “đa nguyên bôxít” thì vượt tường lửa vào website talawas blog.
7. Trong tình hình khủng hoảng kinh tế hiện nay, thí sinh nào muốn phản đối khai thác bô-xít, ghét công nghệ Tàu, không ưa công nhân Tàu thì viết thư ngỏ gửi Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung, kêu gọi họ bằng cách nào đó giúp đỡ để GDP năm 2009 về với con số 8%, và những năm sau đó tiến đến tăng trưởng ở hai con số, lạm phát nằm trong phạm vi 1 con số, đặc biệt đào tạo cho một lực lượng hải quân hùng mạnh và các phương tiện quân sự hiện đại để giữ gìn biển đảo. Thí sinh nào có cảm tình với Trung Quốc, tin tưởng ở 16 chữ vàng mà muốn được nhiều người Việt Nam ủng hộ thì nên viết thư ngỏ đề nghị Trung Quốc đừng âm mưu xâm chiếm Trường Sa và trả lại Hoàng Sa cho Việt Nam. Hai vấn đề này đều vượt quá khả năng, nhưng Ban Tổ chức vẫn đưa ra biết đâu các thí sinh có thể làm được, cái khó ló cái khôn mà.
8. Muốn nhân dân hiểu sâu về nghệ thuật bô-xít thì phải nâng cao hiểu biết của họ về bô-xít. Làm cách nào đó khuyến khích toàn bộ các ban ngành, tổ chức, đoàn thể, tôn giáo mặc áo bô-xít, đội mũ bô-xít, đi xe bô-xít, lập trường học bô-xít, xây hàng quán bô-xít… Nói chung là xã hội hóa bô-xít, để người dân ăn bô-xít, ngủ bô-xít, tạo dựng phong trào sống vui, sống khỏe cùng bô-xít, không lỡ ra đến một ngày nào đó người dân Việt Nam lăn ra chết hết bởi red mud thì thật là tức tưởi vì cứ tưởng đó là do quỷ thần trừng phạt. Đây cũng là chủ đề chính xuyên suốt các cuộc thi: “Quốc gia bô-xít phải có công dân bô-xít”.
9. Với tư cách là Ban Tổ chức, chúng tôi tôn trọng mọi ý tưởng, quan điểm sáng tác, vì thế cả người ủng hộ bô-xít và người phản đối bô-xít hãy dành mọi năng lực sáng tác để cho ra những tác phẩm để đời, hậu thế sẽ xem, đọc và hiểu quý vị, vì dù thương hay ghét thì bô-xít cũng là một phần máu thịt của quê hương quý vị. Chỉ sợ 50 năm sau, bô-xít hết rồi, đọc lại lịch sử, con cháu chúng ta lại cười rằng vì sao trước kia họ hận thù nhau chỉ vì những tài nguyên hữu hạn ấy, tại sao họ không dành trí tuệ để đầu tư vào những tài nguyên vô hạn của giống nòi?

Một lần nữa Ban Tổ chức cảm ơn tất cả những đóng góp hữu hình và hữu ý của quý vị, cảm ơn các thí sinh đã mang đến cho cuộc thi những tác phẩm đầy ấn tượng. Chủ đề bô-xít, lợi hại, lỗ lãi thế nào thì cũng kéo dài đến 50 năm. Hy vọng qua những cuộc thi như thế này, 50 năm sau, chúng ta sẽ có một từ điển bách khoa toàn thư về mọi lĩnh vực liên quan đến bô-xít. Những quốc gia nào chưa khai thác bô-xít sẽ lấy Việt Nam làm kinh nghiệm để đời cho mình.

Kính chúc quý vị sức khỏe và hạnh phúc!


Thay mặt Ban Tổ chức
Nguyễn Tiến Tùng
© 2009 Nguyễn Mai Sơn
© 2009 talawas blog

No comments:

Post a Comment