Wednesday, June 3, 2009

SUY NGHĨ CỦA MỘT TRÍ THỨC HẢI NGOẠI VỀ BÔ-XÍT TÂY-NGUYÊN

Dự án bô-xít Tây Nguyên:
Suy nghĩ của một người Việt Nam ở nước ngoài
Lê Xuân Khoa
03/06/2009 6:00 sáng
http://www.talawas.org/?p=5422
Dự án khai thác mỏ bô-xít trên Tây Nguyên ở Việt Nam đã gây nên dư luận chống đối mạnh mẽ từ nhiều giới trong và ngoài nước kể từ sau khi hai lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 14/01/2009 nhưng không được hồi đáp, và một gửi cho khoá Hội thảo về bô-xít ngày 09/04, nhưng đã được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, người chủ trì hội thảo, kết luận là dự án vẫn được chính phủ đánh giá cao và tiếp tục tiến hành. Ngày 12/04, một Thư Kiến nghị do ba nhà trí thức trong nước là Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Thế Hùng và Phạm Toàn soạn thảo đã được gửi đến Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ ngày 17/04/2009, với sự ủng hộ của 135 trí thức trong và ngoài nước. Lá thư này cho đến nay đã có tổng cộng trên 1.800 người đồng ký tên.
Thư Kiến nghị khẳng định “việc khai thác tài nguyên của đất nước, trong đó có tài nguyên bauxite, là việc làm cần thiết, nhưng đó không thể là việc làm bằng mọi giá.” Thư Kiến nghị dẫn chứng những nhận định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và của các chuyên gia, khoa học gia và những nhà nghiên cứu độc lập, cho thấy những nguy cơ về chính trị, quốc phòng, kinh tế, môi trường, và những sai phạm khó chấp nhận trong chủ trương làm dự án bauxite này. Cuối cùng lá thư đưa ra ba kiến nghị cụ thể:

1) Phải đưa vấn đề dự án bauxite Tây Nguyên ra trước Quốc hội và mọi chủ trương liên quan phải được Quốc hội quyết định;
2) Dự án bauxite Tây Nguyên phải chính thức dừng ngay lại, có giám sát chặt chẽ cho tới khi Quốc hội xem xét toàn bộ báo cáo tiền khả thi và đưa ra những phê chuẩn thích hợp;
3) Những nghiên cứu tiền khả thi với vấn đề bauxite Tây Nguyên cần được dư luận rộng rãi tham gia và theo dõi.

Tóm lại, đây là một lá thư của những trí thức và công dân có tinh thần trách nhiệm bày tỏ với những nhà lãnh đạo sự lo lắng khôn cùng về một dự án có tầm chiến luợc sống còn của đất nước, và thẳng thăn đề nghị trong tinh thần xây dựng, hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Nhà nước là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.”
Ngày 25 tháng 4, Bộ Chính trị đưa ra một Thông báo Kết luận về dự án bauxite, chủ yếu là hướng dẫn việc triển khai các dự án phải “trên cơ sở hiệu quả tổng thể, gồm cả hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội” vì việc khai thác bô-xít, sản xuất alumin “có tác động lớn đến môi trường”, nếu không được quản lý tốt sẽ gây ra “hậu quả nghiêm trọng mà việc khắc phục phải mất nhiều năm với chi phí tốn kém lớn.” Bộ Chính trị yêu cầu phải sử dụng “thiết bị và công nghệ hiện đại” trên thế giới, quan tâm đến đời sống và giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc Tây Nguyên, sử dụng lao động nước ngoài phải đúng quy định của pháp luật. Kết luận của Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Tây Nguyên là khu vực nhạy cảm, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, quốc phòng cho cả trước mắt và lâu dài, đến môi trường tự nhiên và môi trường văn hoá”.
1
Qua Thông báo Kết luận này, Bộ Chính trị đã gián tiếp trả lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhóm trí thức trong và ngoài nước, chia sẻ những quan tâm chính đáng về các dự án bô-xít Tây Nguyên, đồng thời có những hướng dẫn xác đáng cho việc triển khai các dự án này. Tuy nhiên, Bộ Chính trị vẫn chủ trương tiến hành khai thác bô-xít theo quy hoạch thay vì khuyến cáo ngưng các dự án này cho đến khi có kết quả nghiên cứu toàn diện vấn đề bô-xít Tây Nguyên, đáp ứng những quan tâm chung đã nêu trên.
Gần một tháng sau ngày thư kiến nghị được gửi đến ba cơ quan đầu não của chính quyền, GS Nguyễn Huệ Chi mới nhận được hồi âm từ một nơi là Quốc hội, dưới hình thức của một mẫu in sẵn thư trả lời “đơn khiếu nại” của dân chúng. Người ký tên trên mẫu thơ in sẵn này không phải là Chủ tịch Quốc hội mà là Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ngoài ra, trong thư trả lời cũng như ngoài bì thư, tên của GS Nguyễn Huệ Chi đều bị ghi là Nguyễn Thị Huệ. Trước phản ứng của dư luận chi trích cách trả lời bất xứng, phi văn hoá này, ngày 23 tháng 5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã gửi văn thư xin lỗi GS Chi về “những sai sót” trong công văn nói trên.
Sau khi ký tên trên Thư Kiến nghị, tôi vẫn theo dõi tin tức liên quan đến dự án bauxite qua trang mạng bauxitevietnam.info với ý định đóng góp ý kiến khi cần. Ngày 24 vừa qua, tôi được đọc bản Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, và ngày 26 được đọc lời bình luận bước đầu của các tác giả trang mạng bauxitevietnam.info. Trong ngày 25, tôi cũng đã được đọc những email trao đổi ngày 24 giữa Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và Kiến trúc sư Trần Thanh Vân về nhu cầu phản biện “những sai trái cố tình hoặc do cảm tính trong bản báo cáo ấy”. Cả chị Vân và anh Chi đều kêu gọi những người đã ký tên trên Thư Kiến nghị hoặc mời chuyên gia quen biết cùng lên tiếng phản biện.
Đặc biệt trong email của anh Nguyễn Huệ Chi trả lời chị Trần Thanh Vân có câu: “Còn chị hình dung đến cái nguy cơ kẻ thù truyền kiếp của chúng ta sẽ lật mặt gây hấn nay mai với thế thượng phong thì chúng tôi cũng nghĩ gần như chị, không khác gì chị. Đó là linh cảm, trực giác của anh trí thức hàng ngày gắn với thực tiễn đất nước, chứ trí thức Việt kiều đôi khi không cảm được cái nguy cận kề đó nên vẫn còn ung dung tranh luận bàn tròn. Tôi đã từ ít lâu nay không muốn làm kẻ sophiste nữa.”
Cũng trong ngày 24, có hai trí thức Việt kiều đã góp ý về lời phát biểu của anh Chi. Người thứ nhất là anh Trương Phước Trường ở Úc (hay Đức?). Anh Trường thông cảm với “sự khó nhọc phải chạm trán rất gần với các ‘thực tiễn của đất nước’ của anh Chi, nhưng dù ở xa với “thực tiễn của đất nước” anh “cũng không vì thế mà muốn mình là kẻ sophiste.” Anh Trường có một ý kiến rất hay là “để giúp cho tiếng nói chung có hiệu quả, Việt kiều ở nước ngoài có khi cần có tiếng nói không giống với trong nước, để thể hiện những cách nhìn khác nhau, tuy cùng về một hướng. Đó là sự bổ sung, chứ không phải là ‘tranh luận’. Ví dụ như, trong khi trong nước có thể quan tâm về kết quả của một kiến nghị, về nội dung hay kết luận của một bản báo cáo, một Việt kiều ở ngoài nước muốn góp ý cho vấn đề có khi cần chú trọng nhiều đến phương pháp hơn là vấn đề ‘kết quả’, như thế mới có sự bổ sung thiết thực cho trong nước, dù là ‘Vấn đề đã cấp bách lắm rồi’.”
Việt kiều thứ hai là anh Phạm Xuân Yêm ở Pháp. Anh Yêm cũng qui chiếu vào lời phát biểu của anh Nguyễn Huệ Chi về trí thức sophiste để cho thấy anh muốn góp ý kiến thiết thực về một vấn đề quan trọng khác được đề cập trong đoạn cuối của Thư Kiến nghị: “chúng tôi cũng kêu gọi người Trung Hoa nhất là giới trí thức hãy ủng hộ dân tộc Việt Nam, giúp cho môi trường sống của nước láng giềng phía Nam được trong lành, giúp cho nhiều vấn đề còn dở dang giữa hai quốc gia được giải quyết trong hoà bình và hữu nghị.” Anh Yêm nói rõ sự cần thiết phải “phân biệt một bên là hai chính quyền Trung Quốc và Việt Nam với bên kia là đa số nhân dân bình thường (trong đó có thành phần trí thức) của hai nước, họ ít nhiều là nạn nhân bị lôi kéo vào vòng kim cô.” Anh Yêm cũng hoàn toàn đồng ý với nhận xét của anh Chi về ý kiến của chị Trần Thanh Vân cho rằng người Trung Quốc trong Cách mạng Văn hoá đã bộc lộ hết những nét xấu mà dân tộc ta không có. Anh Chi viết: “Tôi thì tôi nghĩ dân mình cũng có đủ các nết xấu ấy, có khi còn xấu hơn, song xét từ cội rễ thì cái xấu này chính là do sự xảo quyệt của những người cầm lái bên trên muốn khai thác và khuếch đại nó lên, chứ nông dân Việt Nam cũng như Trung Quốc vốn dĩ bản chất rất tốt và cũng có những cố tật như nhau, chẳng ai hơn ai kém đâu.”
Anh Yêm bàn thêm: “Cũng như cảm tính âm ỷ “bài Việt (yuon), kẻ thù truyền kiếp” của một số người Miên, hay “bài Nhật, “kẻ thù truyền kiếp” của một số người Triều Tiên, do cả một quá trình lịch sử phức tạp, bi thảm của bao quốc gia trên thế giới, mà cũng chẳng riêng gì châu Á. Thiết nghĩ ta phải vượt qua cái xenophobie, không liên kết cái cảm tính “bài Hoa” tìềm tàng lúc lên lúc xuống trong tâm thức của một số người Việt với những vấn đề ô nhiễm môi sinh, kinh tế, kỹ thuật, xáo trộn xã hội của Bauxite.”
Trở lại với lòng mong đợi của anh Nguyễn Huệ Chi là trong số 135 người được anh liên lạc sẽ có người lên tiếng phản biện hoặc mời giùm những nhà chuyên môn tiếp tay phản biện bản báo cáo của Bộ Công Thương, tôi xin nói ngay rằng tôi không thể phản biện với tư cách một chuyên gia về bô-xít. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây không phải là nhu cầu phản biện mà không nên phí thì giờ để phản biện thêm nữa, vì tất cả những lời cảnh báo về dự án bô-xít của các nhà khoa học môi trường, các chuyên gia kinh tế và xã hội, các nhà ngoại giao, tướng lãnh về an ninh, quốc phòng, từ trước và sau bản Báo cáo của Bộ Công Thương đã quá đủ rồi.

Vấn đề chính là có thể ngưng tiến hành dự án bô-xít Tây Nguyên để làm một cuộc tổng duyệt mọi khía cạnh kỹ thuật, kinh tế, xã hội, và an ninh quốc phòng-trước mắt và lâu dài-để cho việc quy hoạch và triển khai dự án đạt được lợi ích mong muốn hay không?

Câu hỏi này thật ra đã được Bộ Chính trị trả lời trong bản Thông báo Kết luận, lưu ý chính phủ về những điều phải quan tâm nhưng “chỉ đạo tiếp tục thực hiện chủ trương triển khai 2 dự án ở Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắc Nông) do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư, đồng thời chưa chủ trương bán cổ phần cho tổ chức và cá nhân nước ngoài.”
2
Ngày 20 tháng 5, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết lá thư thứ ba, lần này gửi Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, kiến nghị “dừng các dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, kể cả khai thác thí điểm”, và “đề nghị Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội hãy nêu cao trách nhiệm to lớn trước toàn Đảng, toàn dân thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo một cách dân chủ, khoa học… Làm như vậy là để tránh đuợc quyết định sai lầm, gây nên tai hoạ lớn cho đất nước.”
Cho đến lúc này, tôi không thấy có lý do nào để tin rằng những kiến nghị của Đại tướng sẽ được Bộ Chính trị đáp ứng tích cực. Về phía Quốc hội thì trước khi mở diễn đàn cho các đại diện dân cử phát biểu ý kiến, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã quả quyết với báo chí là “chắc chắn Quốc hội sẽ hoàn toàn ủng hộ các dự án bô-xít Tây Nguyên.” Mặc dù đã có ba dân biểu Dương Trung Quốc, Nguyễn Minh Thuyết và Nguyễn Lân Dũng lên tiếng chia sẻ quan điểm của ĐT Võ Nguyên Giáp và những người ký Thư Kiến nghị, tôi không có ảo tưởng rẳng đa số trong Quốc hội sẽ có quyết định khác với chỉ đạo chính phủ của Bộ Chính trị. Tôi cầu mong là tôi sẽ lầm, nhưng nếu đúng như vậy thì tất cả những lá thư tâm huyết của Đại tướng anh hùng Điện Biên Phủ đều bị coi là vô giá trị, và Thư Kiến nghị của nhóm trí thức yêu nước sẽ trở thành thơ ngây vì đã đặt niềm tin vào một Quốc hội “rubber stamp” dưới chế độ hiện hành. Tôi tin chắc GS Chi và những người bạn của anh không phải là những người ngây thơ và có lý do để làm chuyện này, nhưng nếu thất bại thì vẫn không tránh khỏi bị mang tiếng chủ quan.

Trong thư trả lời KTS Trần Thanh Vân, GS Nguyễn Huệ Chi đã cho biết anh “cầm chắc phần thua keo này dù trực giác cho tôi thấy chúng ta hoàn toàn đúng khi đòi hỏi dừng dự án bauxite.” Nói “thua keo này” tức là có hàm ý sẽ “bày keo khác”. Nhưng nếu chỉ kêu gọi thêm ý kiến phản biện thì thế nào cũng lại thua để lại phải bày keo khác nữa, nếu chưa chịu bỏ cuộc. Tôi không “hàng ngày gắn với thực tiễn đất nước” nên khó có thể góp ý về phương cách nào khác thích hợp với anh em ở trong nước, ngoài đề nghị thực tế là, bằng mọi cách, phải phổ biến các thông tin cần thiết về dự án bô-xít thật mau chóng và sâu rộng mà không cần khích động tới mọi giới trong quần chúng, nhất là mọi thành phần trong quân đội nhân dân là lực lượng chủ yếu bảo vệ nền độc lập của tổ quốc.

Nhưng tôi thấy rõ được một điều là trí thức và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có thể hỗ trợ đắc lực cho những nỗ lực của trí thức và các giới nhân dân ở trong nước. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tâm lý và chính trị phức tạp trong quan hệ giữa trong và ngoài nước, không chỉ từ 1975 mà từ sau ngày đất nước bị chia đôi năm 1954, sự hỗ trợ cần thiết này chỉ có thể thực hiện nếu cả hai bên đều hiểu biết được những khác biệt và trở ngại còn tồn tại, không chỉ giữa hai bên mà ngay cả trong nội bộ mỗi bên.
Người bên ngoài cần hiểu rằng những người yêu nước ở bên trong đang phải thường xuyên chịu đựng mọi hành động theo dõi, khuyến cáo và đe dọa của lực lượng an ninh, do đó không thể tự do phát biểu và đòi hỏi như những công dân trong một xã hội dân chủ. Cũng do đó, cần tránh cho người trong nước bị qui chụp là cấu kết với các tổ chức phản động ở bên ngoài và âm mưu nổi loạn.
Mặt khác, người trong nước thuộc phe thắng trận cũng cần hình dung được những nỗi đau của hàng trăm ngàn người cũng vì lòng yêu nước mà đã bị hành hạ tàn nhẫn trong những trại tù cải tạo, của trên dưới hai triệu người đã phải rời bỏ quê cha đất tổ, bỏ hết cả tài sản và sự nghiệp đã xây dựng được, nhất là phải chịu những gian khổ và mất mát quá lớn trong những cuộc vượt thoát bằng đường biển hay đường bộ, để có thể hiểu được lòng căm hận đối với những người và chế độ đã gây tai họa cho họ. Sau mấy chục năm qua, với sự nghiệp vững chãi và thành tích vẻ vang của thế hệ con em tại quốc gia định cư, lòng thù hận của những nạn nhân này đáng lẽ đã có thể được đẩy vào dĩ vãng nếu nhà cầm quyền trong nước thật tâm hoà giải và thật tâm theo đuổi những mục tiêu đã đề ra là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.”
Điều quan trọng cần nhận rõ là đại đa số trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài-kể cả đa số trong những người cực đoan-chống chế độ ở trong nước không còn vì hận thù quá khứ mà vì những chính sách cai trị độc tài, chà đạp nhân quyền và bóp nghẹt những khao khát về một xã hội công bằng và dân chủ.
Trong khi chính quyền chỉ nói mà không làm thì tệ nạn tham nhũng và bất công xã hội đã gia tăng đến mức chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Như vậy thì rốt cuộc nhân dân trong nước và cộng đồng ngoài nước đều giống nhau về mục tiêu, chỉ khác nhau về phương pháp. Do bị hạn chế bởi những điều kiện khắc nghiệt và những đe dọa thường trực, người trong nuớc phải giữ cái thế hợp pháp của mình nên rất e ngại, và có thể kinh sợ khi được sự ủng hộ và tiếp cận của những lực lượng tranh đấu “quá khích.” Tất nhiên không thể có sự kết hợp giữa hai phương pháp trái ngược, nhưng thực tế là phương pháp bên ngoài lại có hiệu quả hỗ trợ chứ không chống đối phưong pháp bên trong, hay nói như trí thức “Việt kiều” Trương Phước Trường, đây chính là sự “bổ sung” chứ không phải là “tranh luận”. Thôi thì trong lúc này, hãy cứ để cho mỗi bên sử dụng phuơng cách thích hợp với mình, hãy để cho hiệu quả hỗ trợ hay bổ sung của bên ngoài đến một cách tự nhiên.

Không nên né tránh vấn đề cốt lõi

Trở lại vấn đề bô-xít Tây Nguyên, tôi thấy cốt lõi của vấn đề không hẳn là những quan tâm chính đáng nhưng ôm đồm nói trên mà chính là mối lo ngại về tham vọng bành trướng của Trung Quốc, cụ thể là mưu đồ của giới lãnh đạo nước này muốn đưa Việt Nam vào quỹ đạo kiểm soát của Trung Quốc. Cho đến nay, vì những lý do tế nhị đối với láng giềng phương Bắc, tất cả những kiến nghị dừng dự án bô-xít ở trong nước, kể cả những lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đều chỉ lồng vấn đề an ninh, quốc phòng vào trong những vấn đề quan tâm chung, và vẫn phải nấp sau tấm bình phong khoa học, kỹ thuật. Tôi thấy rằng nếu cả hai phía chính quyền và nhân dân cứ tiếp tục tranh biện về những vấn đề phụ mà né tránh vấn đề chính, một bên vì muốn bảo vệ quyền lực và quyền lợi, một bên muốn giải quyết vấn đề trong hoà bình, và nếu bên ngoài thiếu thận trọng trong việc hỗ trợ cho bên trong, thì đất nước sẽ không tránh khỏi nguy cơ lọt vào vòng bảo hộ của Trung Quốc trong một tương lai không xa.
Những cuộc vận động độc lập ở trong và ngoài nước đòi hỏi ngưng dự án bô-xít Tây Nguyên vì những quan tâm về môi trường, kinh tế, lao động, văn hoá sắc tộc… vẫn cần được tiếp tục, có thể phải vận động sự can thiệp của UNESCO căn cứ vào Công ước Bảo vệ Di sản Văn hoá Phi Vật thể (Convention of the Intangible Cultural Heritage), ngày 3 tháng 11 năm 2003 mà Việt Nam có ký kết. Việc bảo vệ văn hoá phi vật thể ở Việt Nam bao gồm “Không gian Văn hoá Cồng Chiêng “(Space of Gong Culture) ở Cao nguyên Trung phần Việt Nam (nay gọi là Tây Nguyên). Một số trí thức trẻ ở nước ngoài đang chuẩn bị làm công việc vận động này nhưng còn phải được nghiên cứu kỹ hơn về tính thích hợp và khả năng can thiệp của UNESCO.
Sự hỗ trợ thích hợp nhất của người Việt Nam ở nước ngoài cho cuộc vận đông ngưng dự án bô-xít của người trong nước là chú trọng vào đối tượng Trung Quốc. Cần tập trung các nỗ lực vào chiến dịch vận động các chính phủ sở tại, các quốc gia và tổ chức quốc tế đang chia sẻ nỗi lo âu về sự kiện Trung Quốc gia tăng tham vọng bá quyền trong khu vực và tranh thủ địa vị siêu cường trong cộng đồng thế giới. Đây là một tầm nhìn chiến lược đòi hỏi một kế hoạch vận động ngoại giao không chính thức nhưng có bài bản thích hợp và có tính thuyết phục với từng đối tượng, do đó cần có sự trao đổi kinh nghiệm và hợp tác giữa những nhà nghiên cứu, những giáo sư chính trị học và bang giao quốc tế, những chuyên gia đã và đang làm việc với các chính phủ và cơ quan quốc tế, những người am hiểu tình hình chính trị khu vực và toàn cầu. Số người này trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài không phải là nhỏ.

Thư Kiến nghị của nhóm Nguyễn Huệ Chi được chấm dứt bằng một lời kêu gọi hướng về phương Bắc: “Nhân dịp này, chúng tôi kêu gọi người Trung Hoa nhất là giới trí thức hãy ủng hộ dân tộc Việt Nam, giúp cho môi trường sống của nước láng giềng phía Nam được trong lành, giúp cho nhiều vấn đề còn dở dang giữa hai quốc gia được giải quyết trong hoà bình và hữu nghị.”
Lòi kêu gọi này xuất phát từ nỗi lo ngại chính đáng về một cuộc đối đầu với Trung Quốc bằng vũ lực mà Việt Nam cần phải tránh. Trực diện với tham vọng của Trung Quốc không phải để gây chiến mà để tìm mọi cách bảo vệ sự sống còn của dân tộc trong hoà bình. Một trong những cách này là kêu gọi giới trí thức Trung Hoa ủng hộ và vận động cho việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại giữa hai nước trong hoà bình và hữu nghị. Tôi tán thành lời kêu gọi này nhưng tôi không kỳ vọng vào hiệu quả tích cực của nó, vì đồng thời với công cuộc tranh thủ địa vị siêu cường, lãnh đạo Trung Quốc cũng đang làm thức dậy niềm tự hào dân tộc. Trong những nỗ lực này, trí thức Trung Quốc chắc chắn phải có phần đóng góp quan trọng.

Chúng ta không chống lại sự phục hồi niềm tự hào và danh dự của dân tộc Trung Hoa do những hành động xâm lăng và hạ nhục trong quá khứ của những nước Tây phương và Nhật Bản. Chúng ta cũng không chống lại những cố gắng tranh thủ vị thế siêu cường của Trung Quốc, nhưng chúng ta cũng như các dân tộc yêu chuộng dân chủ chống lại những nỗ lực này chỉ vì Trung Quốc là một nước độc tài toàn trị có tham vọng bá quyền trong khu vực và toàn cầu. Giả thử Trung Quốc là một nước dân chủ, tôn trọng chủ quyền và đối xử bình đẳng với Việt Nam và các nước trong khu vực thì nhất định chúng ta sẽ ủng hộ hết lòng.
Tới đây, tôi xin chia sẻ một câu chuyện trong lần tôi gặp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở Việt Nam hồi tháng Mười 2007. Trong cuộc đàm luận có sự hiện diện của nhà báo Huy Đức ghi chép cho ông Kiệt, khi đề cập đến vấn đề quan hệ Việt-Trung, tôi kể rằng hồi tôi còn dạy ở Đại học Johns Hopkins, tôi có gặp một học giả Trung Quốc trong một bữa ăn ở Washington DC để nghe bài nói chuyện về Việt Nam của Đại sứ Mỹ Burkhardt. Học giả này còn trẻ, khoảng chưa tới 50, tên là Wu Bao Cai (Ngô Bảo Thái?) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Đương đại ở Bắc Kinh được học bổng nghiên cứu của Phân khoa Chính trị học, Đại học Virginia. Khi trao đổi danh thiếp, ông có vẻ chú ý tới chức vụ cũ của tôi ở Trung tâm Tác vụ Đông Nam Á (SEARAC). Ít lâu sau, tôi được ông điện thoại cho hay vợ chồng ông sắp về nước và ông muốn gặp tôi để phỏng vấn trước ngày lên đường. Tôi mời hai ông bà đến ăn trưa ở nhà tôi. Bà vợ, cũng nói giỏi tiếng Anh, làm thư ký ghi chép. Ông hỏi thăm tôi về các hoạt động của Trung tâm SEARAC, về công cuộc định cư và hội nhập xã hội Mỹ của người tị nạn Việt Nam, về các tổ chức cộng đồng và quan hệ giữa cộng đồng người Mỹ gốc Việt với Việt Nam. Sau cùng, ông xin phép hỏi tôi một câu tế nhị và mong tôi thẳng thắn trả lời. Câu hỏi là: Trung Quốc đã hết lòng viện trợ quân sự và kinh tế cho Việt Nam, nhờ đó Việt Nam đã thắng được cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, như vậy tại sao Việt Nam lại thù ghét Trung Quốc? Tôi đáp: “Ông hiểu biết nhiều về lịch sử của cả hai nước, vậy trước khi trả lời câu hỏi của ông chúng ta hãy kiểm điểm xem từ thời thượng cổ đến nay, trừ một cuộc hành quân của Lý Thường Kiệt đòi lại đất đai bị mất, có khi nào Việt Nam xâm lăng hay gây chiến với Trung Quốc hay không, hay chỉ đúng trong trường hợp ngược lại?”
Trở về với câu hỏi của ông Wu, tôi trả lời ông là, nói cho đúng, Việt Nam không ghét nhưng sợ Trung Quốc. Là một nước nhỏ ở phía Nam biên giới, Việt Nam chỉ mong muốn có hoà bình và giao hảo với Trung Quốc, nhưng khi lãnh thổ bị xâm lăng thì toàn dân đều một lòng chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Tôi nhắc lại thời Đông Chu, Trung Quốc gồm có mấy chục nước luôn luôn tìm cách chinh phục lẫn nhau, số thương vong quân cũng như dân nhiều không kể xiết. Việt Nam vì là một nước biệt lập ở bên kia biên giới nên không bị lôi cuốn vào cảnh cốt nhục tương tàn của Trung Quốc, nhưng vẫn phải đối phó với những triều đại lớn như Hán, Tống, Nguyên , Minh, Thanh. Vì vậy, nếu Trung Quốc không có ý đồ thôn tính hay áp đặt chính sách ở Việt Nam thì chắc chắn sẽ được Việt Nam tôn trọng như một nước đàn anh. Trong thời đại toàn cầu hoá ngày nay, thế giới chia thành khối vừa hợp tác vừa đua tranh phát triển, nếu Trung Quốc có thể gây được niềm tin, không chỉ đối với Việt Nam mà cả với các nước trong khu vực thì khối Đông Á sẽ phát triển bền vững và chung sống hòa bình thịnh vượng lâu dài. Trước khi chia tay, ông Wu hỏi tôi nếu được Viện Nghiên cứu Quốc tế ở Bắc Kinh mời sang nói chuyện thì tôi có nhận lời không. Tôi cho biết là tôi sẽ rất hân hạnh nhận lời, nhưng từ đó không thấy có tin tức gì. Tôi nghĩ rằng ông Wu, một trí thức được đào tạo ở ngoại quốc và có nhiều cơ hội trao đổi với bên ngoài, thuộc thành phần thiểu số trí thức tiến bộ ở Bắc Kinh.

Chúng ta khó trông cậy vào sự ủng hộ của trí thức Trung Hoa ở trong nước nhưng chúng ta có thể hi vọng được sự ủng hộ của trí thức Trung Hoa ở nước ngoài. Vì cùng được đào tạo và sinh hoạt trong những môi trường tự do dân chủ, trí thức Việt Nam và Trung Hoa hải ngoại có tư duy thông thoáng về quan hệ quốc tế, quen với lề lối đối xử bình đẳng, hợp tác trong hoà bình và công lý, do đó dễ tạo được sự thông cảm và hỗ trợ lẫn nhau. Ngoài ra trí thức người Việt ở nước ngoài, với sự hậu thuẫn của cộng đồng, cũng có điều kiện tự do phát biểu ý kiến, trực tiếp hay gián tiếp, với các nhà làm chính sách ở Việt Nam và Trung Quốc, viết bài và tham gia các diễn đàn về bang giao quốc tế, đóng góp những lý luận thuyết phục với chính phủ và nhân dân các nước trong khu vực về việc xây dựng lập trường chung đối với Trung Quốc trong việc giải quyết hoà bình vấn đề tranh chấp lãnh hải. Đó là những công tác hết sức khó khăn nhưng không thể không làm và không thể không trông cậy vào sự đóng góp của người Việt ở hải ngoại.

Nhân tài Việt Nam ở nước ngoài, không chỉ gồm những trí thức, chuyên gia gốc tị nạn mà gồm cả những cựu sinh viên du học từ trước năm 1975 và những sinh viên du học cấp tiến sĩ trong những năm gần đây đã quyết định ở lại bên ngoài để làm việc trong khi chờ đợi những điều kiện ở trong nước được cải thiện. Đội ngũ nhân tài người Việt hải ngoại, hầu hết là người trẻ, được ước tính có khoảng trên ba trăm ngàn chuyên gia đủ mọi ngành. Đội ngũ đó nếu có cơ hội và điều kiện thuận tiện để hợp tác với đội ngũ trí thức tiến bộ ở trong nước sẽ chắc chắn giúp cho Việt Nam sớm trở thành một quốc gia giàu mạnh và dân chủ, xứng đáng ngang hàng với những con rồng, con cọp ở Á châu. Tạp chí The Economist gần đây cho thấy Ấn Độ đã nhờ cậy rất nhiều vào khối trí thức của họ ở hải ngoại để phát triển kinh tế, và đã bắt đầu đảo ngược trào lưu thoát não (brain drain) của xứ này. Giữa 2003 và 2005, khoảng 5.000 chuyên gia ưu tú Ấn Độ có trên 5 năm kinh nghiệm làm việc ở Hoa Kỳ đã trở về nước và tăng cường liên doanh hợp tác với các tập đoàn công nghệ cao của Mỹ. Về Trung Quốc, bản báo cáo này cũng cho thấy Trung Quốc, dù có những trở ngại về Anh ngữ và sự lũng đoạn của các công ty quốc doanh, đã sử dụng được tối đa khối chuyên gia người Mỹ gốc Hoa, đặc biệt từ thung lũng điện tử (Silicon Valley). Trong những năm gần đây, số người Hoa ở nước ngoài trở về nước gia tăng đến độ đã trở thành một trào lưu được mệnh danh là B2C (back to China).
3
Nhu cầu hợp tác của trí thức trong và ngoài nuớc trong tiến trình đổi mới và phát triển đã được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đưa lên hàng quốc sách để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Một dự án thành lập một viện nghiên cứu chiến lược phát triển như một loại “think tank” ở các quốc gia tiến bộ, với sự phối hợp của trí thức, chuyên gia trong và ngoài nước, đã được thành hình và đề nghị từ hai năm trước với các lãnh đạo cấp cao nhất. Dự án đã được chấp thuận trên nguyên tắc nhưng đã bị lặng lẽ bỏ rơi.
Một tháng sau ngày ông Võ Văn Kiệt qua đời, tôi có viết bài “
Thông điệp chính trị Võ Văn Kiệt“. Tôi đã kết luận bằng nhận định: “Trước lịch sử, nhà cách mạng Sáu Dân Võ Văn Kiệt phải chịu phần trách nhiệm không nhỏ về những chính sách sai lầm của Đảng và Nhà nước, nhất là ở miền Nam sau khi thống nhất. Nhưng lịch sử cũng ghi nhận ông là một người yêu nước, một lãnh tụ cộng sản sớm giác ngộ nhất, có tầm nhìn chiến lược và những bước chiến thuật rất thực tế trong những giới hạn của cơ chế độc tài toàn trị vào một thời điểm nhất định trong lịch sử.”

Tôi cũng nhấn mạnh rằng ông Kiệt đã để lại một công trình dang dở của một chính trị gia giàu kinh nghiệm và nhiều trăn trở với đất nước, đòi hỏi những người đang nắm giữ vận mệnh quốc gia phải lãnh nhận và tiếp tục thực hiện để cho quốc gia Việt Nam sớm đuổi kịp các con rồng con cọp trong khu vực, đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân.
Ông Võ Văn Kiệt đã ra đi được một năm. Công trình dang dở của ông chẳng những không đuợc thực hiện mà triển vọng đất nước còn tối tăm hơn. Tôi cầu nguyện vong linh ông phù hộ cho những người lãnh đạo còn có lương tri và cho những nỗ lực của toàn dân trong công cuộc bảo vệ chủ quyền quốc gia và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ được thành công.

2 tháng Sáu 2009
© 2009 Lê Xuân Khoa
© 2009 talawas blog
----------------------------------------

1 Đoạn này viết theo bản tin VietNamNet, 23:26′ 25/04/2009 (GMT + 7)
2 Như trên
3 The Economist, March 12th, 2009, Special Report “The more the merrier: India and China are creating millions of entrepreneurs”.

No comments:

Post a Comment