Điều 88 là “phản ánh ý chí và nguyện vọng của nhân dân” ?
Hiền Vy, thông tín viên RFA
2009-06-24
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Lawyer-le-tran-luat-on-vietnam-88-clause-in-the-criminal-law-06242009141417.html
Cuối tuần qua, trong 1 thông cáo mới đăng trên trang mạng của bộ Ngoại giao Việt nam ngày 19 tháng 6, ông Lê Dũng, người phát ngôn của bộ ngoại giao Việt Nam, đã nói bộ luật hình sự của Việt nam, trong đó có Điều luật 88, là "phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân".
Điều 88 là một Điều luật bí mật tối kỵ, cấm nói?
Chúng tôi hỏi ý kiến của luật sư Lê Trần Luật về câu tuyên bố nầy và ông đã cho biết:
LS Lê Trần Luật: “Tôi không nghĩ Điều 88 trong bộ luật hình sự là ý chí và nguyện vọng của nhân dân, mà tôi phải nói rằng; đây là ý chí và mong muốn của nhà cầm quyền, bởi lẽ trong một xã hội phát triển thì người dân càng lúc càng mong muốn bày tỏ chính kiến của mình, và không một người dân nào muốn khi mình bày tỏ chính kiến lại bị bắt ở tội danh vi phạm Điều 88.
Mặt khác cơ chế làm luật ở Việt nam thật sự là hạn chế các nguyện vọng của người dân vì đa số đại biểu quốc hội là người của đảng cộng sản.
Tôi cũng cần nói thêm rằng Việt nam là một trong số ít những quốc gia còn tồn tại cái điều luật tuyên truyền chống nhà nước.
Thêm vào đó phải nói rằng Điều 88 là một điều luật hết sức là khó hiểu. Vì vậy tôi nghĩ rằng ông Lê Dũng nói Điều 88 là “ý chí và nguyện vọng của dân” là một cách nói nguỵ biện thôi.
Tôi cũng tin rằng bản thân ông chưa chắc đã phân biệt được như thế nào là quyền bày tỏ chính kiến và như thế nào là nhằm mục đích chống lại xã hội chủ nghĩa Việt nam”
Hiền Vy: Luât sư vừa nói điều 88 là điều luật khó hiểu, ông có thể cho biết thêm, về ý kiên này không ạ?
LS Lê Trần Luật: Tôi suy nghĩ về Điều luật này rất nhiều. Tôi đã cố gắng tìm hiểu về lý luận cũng như thực tiễn. Có một lần, bào chữa cho một thân chủ vi phạm điều luật này, tôi đã cố gắng tìm kiếm các tài liệu của những nhà nghiên cứu, những luật gia.
Tôi đã bất ngờ là tôi không tìm thấy một tài liệu nào nói về Điều 88 này hết. Tôi đem những suy nghĩ của mình để hỏi một người bạn là Thẩm phán ở tòa án tối cao thì anh thẩm phán đó bảo rằng, chẳng có tài liệu nào nói về điều này hết, đừng có tìm kiếm vô ích.
Tôi mới hỏi lại là; tòa án Việt nam đã xử rất nhiều người, nhiều trường hợp vi phạm điều luật này, như vậy thì có văn bản nào hướng dẫn hay là tổng kết về thực tiễn xét xử tội danh này không, thì anh ấy trả lời là không bao giờ có và anh ấy nói với tôi rằng “Điều 88 là một Điều luật tối kỵ, cấm nói”.
Tôi quyết định đem những gì mình suy nghĩ và thắc mắc để tranh luận với Viện Kiểm Sát.
Thì trong cuộc tranh luận với một vị ở viện Kiểm sát tối cao thì vị này cũng đồng ý với tôi là Điều 88 là một Điều luật khó hiểu nhưng ông ta từ chối tranh luận vì ông ta cho rằng chuyện khó hiểu hay không khó hiểu thì chỉ có Quốc hội hay Tòa án tối cao giải thích, chứ bản thân ông ta không thể biết điều này.
Điều 88 là miếng vải the giữa bày tỏ chính kiến và tội chống nhà nước
Hiền Vy: Trong những năm vừa qua, rất nhiều người tranh đấu cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân quyền tại VN bị bắt, với lý do là vi phạm Điều 88.
Thưa, là một luật sư, đã từng biện hộ cho những người, bị qui tội là vi phạm điều này. Xin luật sư cho biết sự “nguy hiểm” của điều luật này, đối với những người chỉ tranh đấu bất bạo động.
LS Lê Trần Luật: Sự nguy hiểm của điều luật này nằm ở cái ranh giới về quyền bày tỏ chính kiến của mình và mục đích chống lại nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam. Tôi không tìm thấy tài liệu hoặc văn bản nào xác định rõ cái ranh giới này. Tất cả phụ thuộc vào ý chí của nhà cầm quyền.
Tôi nghĩ, bất cứ nhà đấu tranh dân chủ nào cũng có thể bị bắt vì điều luật này, nếu nhà cầm quyền muốn. Và thực tế đã có rất nhiều nhà đấu tranh dân chủ bị cầm tù, chứng minh cho nhận định này của tôi.
Hiền Vy: Trong thông cáo của bộ ngoại giao, có đoạn "Mọi công dân đều có quyền bày tỏ chính kiến của mình song quyền này phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, không xâm phạm đến lợi ích của người khác và lợi ích quốc gia.
" Thưa luật sư, Chính Kiến này, được hiểu ra sao? Có phải là Quan điểm Chính tri của mỗi Công dân không ? Và làm sao tòa án đo lường một ‘chính kiến’ có lợi hay hai cho người khác và cho quốc gia để định tội một bi cáo?
LS Lê Trần Luật: Tại Việt nam, người dân gần như không thể bày tỏ được chính kiến của mình vì khi bày tỏ chính kiến của mình thì bất kỳ lúc nào họ cũng có thể là nạn nhân của Điều 88 này.
Chừng nào còn Điều 88 của bộ luật hình sự Việt nam thì chừng đó chưa thể nói là người dân Việt nam có quyền bày tỏ chính kiến.
Còn việc đo lường một chính kiến có lợi hay có hại hoặc là đo lường chính kiến có chống hay không, thì thông thường Tòa án Việt nam dựa vào kết quả giám định của sở Văn hóa thông tin để khẳng định rằng các tài liệu, các câu nói, các bài viết là phản động, là chống lại nhà nước và Tòa án dựa vào kết qủa giám định đó để kết luận một người có hành vi tuyên truyền.
Tôi cho rằng điều này hết sức vô lý, rất tùy tiện và thiếu khách quan, bởi lẽ, sở văn hóa thông tin chính là một cơ quan trong bộ máy nhà nước Việt nam.
Hiền Vy: Thưa luật sư, Trong các cuộc bắt bớ những người không cùng quan điểm với nhà nước, Tại sao chưa có phiên tòa xử, mà báo đài trong nước đã đưa tin là những người bị bắt đã vi phạm điều 88 của bộ luật hình sự VN ?
LS Lê Trần Luật: Báo đài và truyền thông Việt nam nói chung, chủ yếu họ thực hiện nhiệm vụ chính trị chứ không phải là thực hiện nhiệm vụ đưa tin. Do vậy mà mặc dù chưa có phán quyết của Toà, họ cứ vô tư đưa tin rằng người này, người kia là vi phạm pháp luật.
Và cái việc đưa tin đó chủ yếu là họ phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị của họ. Tôi không ngạc nhiên khi họ cứ vô tư đưa tin về những người, mặc dù chưa có phán quyết của tòa, là phạm tội.
Hiền Vy: Các nhà bình luận cho rằng rất khó có thể trình bày ý kiến đối lập, mà không vi phạm Điều 88 này, nếu ý kiến đối lập, nghiêng về quan điểm xây dựng một nhà nước khác hẳn hiện nay, ngay cả thông qua hình thức ôn hòa. Luật sư có ý kiến như thế nào về lời binh luận này ạ?
LS Lê Trần Luật: Các nhà bình luận viết như thế là rất chính xác. Bản thân tôi và một số đồng nghiệp, khi trình bày quan điểm của mình cho thân chủ tại Tòa, chắc chắn là chúng tôi đã được tòa án cho phép để trình bày quan điểm của mình nhưng chúng tôi vẫn bị qui kết là lợi dụng phiên tòa để tuyên truyền chống nhà nước. Như vậy thì thử hỏi một người dân bình thường làm sao mà có thể gọi là trình bày chính kiến đối lập của mình được.
Hiền Vy: Thưa, việc luật sư Lê Công Định bị bắt và gần đây đã “nhận tội”, luật sư nghĩ thế nào về việc đó ạ ?
LS Lê Trần Luật: Cho đến lúc này tôi vẫn tin rằng luật sư Lê Công Định không phạm tội Điều 88. Còn việc luật sư Lê Công Định có nhận tôi hay không thì tôi không biết và cho phép tôi từ chối bình luận về chuyện này. Tôi chỉ mong rằng mọi người và dư luận hãy quan tâm che chở và bảo vệ cho anh ấy trong một giai đoạn khó khăn như lúc này.
Hiền Vy: Vâng, xin cảm ơn luật sư Lê Trần Luật
Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.
No comments:
Post a Comment