Sunday, June 21, 2009

PHÚC TRÌNH VỀ BUÔN NGƯỜI TRÊN THẾ GIỚI

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Phúc Trình Về Trình Trạng Buôn Người
Bản Tin BPSOS
Posted on Saturday, June 20 @ 16:15:00 EDT
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1629
Hoa Thịnh Đốn, 19/06/09 - Trước cử toạ gồm đại diện những tổ chức và cơ quan chuyên về nạn buôn người, ngày 16 tháng 6 Ngoại Trưởng Hillary Clinton công bố bản phúc trình hàng năm của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về tình trạng buôn người trên thế giới.

Mở đầu buổi ra mắt bản phúc trình, Ngoại Trưởng Clinton ghi nhận sự phát triển của nỗ lực chống buôn người trên thế giới, mà Hoa Kỳ là một trong số ít quốc gia khởi xướng, qua Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người được Quốc Hội thông qua cuối năm 2000. Đến nay trên nửa tổng số các quốc gia trên thế giới đã thông qua luật chống buôn người; riêng năm 2008 có 26 quốc gia mới ban hành luật chống buôn người.

“Tuy nhiên vẫn còn phải làm rất nhiều, nhất là trong việc nhận diện và giải quyết gốc rễ của nạn buôn người, kể cả các chính sách và hành vi đã đóng góp vào tình trạng buôn bán những người cô thế”, Bà nói.
Bà Ngoại Trưởng cũng ghi nhận vai trò quan trọng của các tổ chức ngoài chính phủ trong việc giải cứu nạn nhân cũng như truy tố thủ phạm.

Ngoại Trưởng Hillary Clinton ra mắt bản phúc trình năm 2009 ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ngày 16/06/09. Bên cạnh là nữ Dân Biểu Ileana Ros-Lehtinen và Đại Sứ Luis CdeBaca (ảnh BPSOS)
http://www.machsong.org/spaw/images/Secretary%20Clinton.jpg

Trong phần phát biểu tiếp theo, Đại Sứ Lưu Động Luis CdeBaca, tân Giám Đốc Văn Phòng Theo Dõi và Bài Trừ Nạn Buôn Người của Bộ Ngoại Giao, nhận xét rằng nạn buôn bán lao động vẫn chưa được quan tâm đúng mức:
“Chỉ 10% của các vụ truy tố trong năm 2008 là liên quan đến buôn bán lao động.”
Số 90% còn lại là các vụ buôn bán tình dục mặc dù số nạn nhân buôn bán lao động lớn hơn nhiều.

Hàng năm BPSOS đều đóng góp thông tin cho bản phúc trình của Bộ Ngoại Giao. Bản phúc trình năm nay trưng dẫn hai vụ giải cứu do Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu (CAMSA) thực hiện: vụ 176 nữ công nhân Việt ở Jordan và 4 “ô sin” Việt ở Mã Lai.
Theo Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành của BPSOS, Ông cảm thấy hài lòng là năm nay Mã Lai bị xếp vào Hạng 3, nghĩa là hạng tệ nhất vì tình trạng buôn người ở quốc gia này xảy ra một cách trầm trọng và chính quyền đã không tỏ thiện chí bài trừ.
Năm ngoái Mã Lai đã được nâng từ Hạng 3 lên “danh sách theo dõi” sau khi chính phủ Mã Lai thông qua luật chống buôn người. Tuy nhiên tình trạng buôn người đã trở nên trầm trọng hơn do sự lộng hành của tổ chức RELA, đội quân gồm trên nửa triệu nhân viên cảnh sát “tình nguyện” với quyền hạn rộng lớn trong việc bắt bớ những di dân bất hợp pháp. Lạm dụng quyền này và với sự che chở của chính quyền, các nhóm RELA thường xuyên bắt cóc các người tị nạn Miến Điện để bán qua biên giới Thái Lan hoặc được trả tiền để trấn áp các công nhân ngoại quốc.

Nhưng ngược lại, Ts. Thắng bày tỏ sự thất vọng khi Việt Nam tiếp tục nằm ở Hạng 2. Theo Ts. Thắng, Đại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, Ông Michael Michalak, đã cố công bênh vực để tránh cho quốc gia này rơi xuống thấp hơn trong sự phân hạng của Bộ Ngoại Giao. Ba tuần trước khi bản phúc trình được ban hành, chính phủ Việt Nam đã gởi phái đoàn đến tiếp xúc với Bộ Ngoại Giao để phân trần.

“Với Đại Sứ Lưu Động CdeBaca chịu trách nhiệm Văn Phòng Theo Dõi và Bài Trừ Nạn Buôn Người, tôi tin tưởng rằng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ chú tâm theo dõi rất sát tình trạng buôn bán lao động của Việt Nam và việc phân hạng sẽ trung thực hơn trong bản phúc trình sang năm,” Ts. Thắng nhận định.

Đại Sứ CdeBaca có nhiều kinh nghiệm trong lãnh vực chống buôn người. Cách đây 9 năm Ông là công tố viên của Bộ Tư Pháp trong vụ Daewoosa American Samoa, lãnh thổ của Hoa Kỳ. Trong vụ này hai công ty quốc doanh Việt Nam đã “xuất khẩu” 250 công nhân sang American Samoa, lãnh địa của Hoa Kỳ. Nơi đây họ bị bóc lột, đánh đập, và bạc đãi.

Tại buổi ra mắt còn có sự hiện diện của Dân Biểu Christopher Smith, tác giả của đạo luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người được ban hành cuối năm 2000. Đạo luật này thiết lập căn bản pháp lý để các cơ quan công lực liên bang Hoa Kỳ can thiệp và giải cứu cho các nạn nhân trong vụ Daewoosa American Samoa vài tháng sau đó.

Ngày thứ Sáu 19 tháng 6, một phái đoàn của BPSOS tham dự buổi họp tiếp theo với Đại Sứ CdeBaca để bàn sâu hơn vào tình trạng buôn bán lao động ở Việt Nam.

No comments:

Post a Comment