Sunday, June 21, 2009

NGHĨ VỀ CHUYỆN NHÂN DANH

Lời giới thiệu
PGS Trần Hữu Tá vốn là người khuôn phép, ngay từ khi Quốc hội mới họp, được nghe vị đại biểu tỉnh Lâm Đồng tham luận ủng hộ việc khai thác bauxite và quả quyết rằng nhân dân Lâm Đồng từ nhiều năm nay mong đợi dự án này, anh đã có ngay một bài viết trao đổi lại với vị ấy, tuy nhiên anh chủ trương bài mình cần đăng trên các báo chính thống của Nhà nước cho đúng nguyên tắc. Có ngờ đâu mang đến hết “Tuổi trẻ” đến “Thanh niên”..., anh đều được từ chối một cách nhã nhặn. Và số phận bài báo của anh là... nằm nguyên trong cặp cho đến khi chúng tôi được đọc nó tại nhà anh. Xin giới thiệu với bạn đọc trang mạng Bauxite Việt Nam bài viết rất sớm của một người thầy giáo mẫu mực, nhưng lại đến muộn với chúng ta, để thiết thực kỷ niệm Ngày báo chí Việt Nam 21/06
Nguyễn Huệ Chi
--------------------------------------------------------------
Một bài viết đăng muộn
Nghĩ về chuyện “nhân danh”

PGS TS. Trần Hữu Tá
http://www.bauxitevietnam.info/ykien/090620_nhandanh.htm
Chưa phải lúc chúng ta tổng kết tình hình nước ta năm 2009 nhưng tôi tin rằng cuộc tranh luận nóng bỏng về vấn đề “Nên hay không nên khai thác bô-xít ở Tây Nguyên” trong những ngày gần đây xứng đáng được xếp hạng cao nhất trong mười sự kiện chính trị – xã hội” như các cơ quan thông tấn báo chí hay làm”.
Sự kiện này đáng mừng ở chỗ nào? Thứ nhất, dân trí nước ta đã thực sự được nâng cao, trách nhiệm công dân của nhiều đối tượng xã hội khác nhau được thể hiện rất ấn tượng. Thứ hai, dù nhận thức quan điểm khác nhau, thậm chí ngược nhau, nhưng tinh thần dân chủ trong tranh luận về cơ bản đã được mọi phía – từ trí thức, chuyên gia, quan chức đến các vị và các cơ quan lãnh đạo cao nhất tôn trọng tối đa.
Mừng lắm chứ! Với tinh thần dân chủ ấy, tôi muốn được trao đổi với ông Lê Thanh Phong, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng về tham luận của ông sáng ngày 26/05/2009. Ông hoàn toàn ủng hộ dự án khai thác bô-xít. Đó là quyền của ông. Nhưng lạ ở chỗ, ông đã nhấn mạnh: “Việc khởi công dự án nhà máy bô-xit Tân Rai đã tạo luồng sinh khí mới phấn chấn trong đội ngũ cán bộ và nhân dân tỉnh Lâm Đồng sau nhiều năm mong đợi… Qua tiếp xúc cử tri, cán bộ và nhân dân trong tỉnh, chúng tôi chưa phát hiện những ý kiến phản ánh hoặc phản bác không đồng tình việc triển khai dự án…” (“Tuổi Trẻ” 27/05/2009)
Cái lạ đầu tiên, làm sao ông có thể nói mọi người “nhiều năm mong đợi”, trong khi nhân dân Lâm Đồng và đồng bào cả nước bây giờ mới bắt đầu biết cả dự án. Xét về “văn” thì câu này rất thiết tha tình cảm, nhưng ý thì chắc chắn là thiếu chính xác.
Lạ hơn nữa, ông đã khẳng định dự án này “đã tạo luồng sinh khí mới phấn chấn trong đội ngũ cán bộ và nhân dân” của tỉnh. Ông còn nhấn mạnh, cả tỉnh không ai phản bác.
Không hiểu ông có bao nhiêu cuộc tiếp xúc và đã gặp gỡ những đối tượng cử tri nào? Và có thật ý của ông cũng là ý của 100% nhân dân Lâm Đồng? Riêng việc này đã đáng để chính quyền và HĐND tỉnh vùng cao nguyên đáng yêu này làm một cuộc điều tra xã hội học quy mô và quý hơn nữa – tổ chức hàng loạt những “hội nghị Diên Hồng” nho nhỏ, đúng với tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để kiểm định chính xác sự khẳng định chắc nịch, tuyệt đối của ông Phong. Tôi ngờ là thực tế sẽ ngược lại với lời ông nói.
Do quan hệ nghề nghiệp, tôi may mắn được gặp nhiều đồng nghiệp ở Trường đại học Đà Lạt, Trường cao đẳng sư phạm Đà Lạt, các trường THPT lớn nhất tỉnh (Bùi Thị Xuân, Thăng Long, Bảo Lộc, Đức Trọng, v.v…). Những trí thức nòng cốt ấy của Lâm Đồng té ra đã và đang theo dõi sát tình hình, đã trân trọng 3 bức thư của vị Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã tán thưởng sự kiến giải đầy thuyết phục của Tiến sỹ Nguyễn Thanh Sơn và đồng tình với bản Kiến nghị tâm huyết của đông đảo trí thức trong và ngoài nước. Đồng nhiệp của tôi, bên cạnh việc ghi nhận thái độ thận trọng, cầu thị của Bộ Chính trị, của Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội, nhưng vẫn tỏ ra ưu tư lo lắng nếu dự án này được triển khai.
Như trên tôi đã nói, phát biểu thế nào là do từng đại biểu tự quyết định. Chi có điều khi định nhân danh Nhân dân (chứ không phải nhân danh cá nhân), đại biểu đó phải có những cuộc tiếp xúc thật (chứ không ảo, không tưởng tượng) với những cử tri có hiểu biết, đáng tin cậy về vấn đề cực kỳ hệ trọng như vụ bô-xít này.
Diễn đàn Quốc hội là diễn đàn cao nhất, quan trọng nhất thể hiện ý dân, lòng dân vì hiện tại, tương lai lâu dài của Nhân dân, của Tổ quốc. Chính vì vậy việc phát biểu ở Quốc hội, đặc biệt là nhân danh 100% nhân dân, đòi hỏi mỗi đại biểu phải hết sức cẩn trọng, rất có trách nhiệm
THT

Bản chính :
http://www.bauxitevietnam.info/ykien/nhandanh.gif
http://www.bauxitevietnam.info/ykien/nhandanh2.gif

No comments:

Post a Comment