Friday, June 19, 2009

LẼ NÀO .... (Trần Văn Tích)

Lẽ nào…
Trần Văn Tích
20/06/2009 6:00 sáng
http://www.talawas.de/
Theo dõi các thông tin trên mạng tôi gặp một số chuyện bất thường kỳ lạ, lắm khi bí hiểm khó hiểu.

Chuyện một: không có quyền liên hệ
Thư ngỏ ngày 11 tháng Sáu do ba vị, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà văn Phạm Toàn và Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng minh danh chấp bút gửi các đại diện thường trực của UNDP, WHO, UNIDO, UNICEF và UNESCO tại Việt Nam mở đầu bằng cách nêu “Lý do chỉ đơn giản như sau thôi: chúng tôi không có quyền liên hệ ngang tới quý vị.“
Tôi không hiểu câu văn này. Chư vị tác giả bức thư ngỏ không có quyền liên hệ ngang tới [hay với (?)] các đại diện thường trực của năm tổ chức được liệt kê. Như vậy có nghĩa là quí vị có lẽ có quyền liên hệ dọc? Sự khác biệt giữa hai hình thức liên hệ ngang và dọc ra sao? Do đâu mà dọc thì (có lẽ) được và ngang thì dứt khoát không? “Liên hệ ngang tới” hàm nghĩa gì? Gửi thư riêng? Gọi điện thoại? Gửi e-mail? Gửi fax? Trực tiếp đến tận nơi để tiếp xúc? Nhờ người thay mặt đến gặp gỡ?
Liên hệ, theo tôi hiểu, có nghĩa là giao tiếp nhằm đặt quan hệ hoặc giữ quan hệ với nhau. Trong số năm cơ quan được liệt kê, tôi không biết UNDP và UNIDO là những cơ cấu gì. Nhưng WHO, UNICEF và UNESCO thì tôi biết khá rõ. Đó là những tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc, hoạt động công khai trên khắp thế giới. UNICEF ở Đức thỉnh thoảng tự động gửi đến cho tôi những mẩu địa chỉ cá nhân in sẵn khá mỹ thuật với lời thỉnh cầu ủng hộ tài chánh. Tất cả chúng ta đều biết cả ba WHO, UNICEF và UNESCO không phải là những tổ chức khủng bố hay phản động. Vậy tại sao ba công dân nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam “không có quyền liên hệ ngang” với những đại diện thường trực của ba cơ cấu hợp pháp thuộc Liên Hiệp Quốc mà nước Việt Nam hiện là một thành viên chính thức? Hoặc giả theo tiếng Việt đang được sử dụng trong nước thì “quyền liên hệ ngang” là một thứ quyền mà tôi không được biết đến? Nếu không thì lẽ nào…

Chuyện hai: ứng cử chức vụ bộ trưởng
Thể chế chính trị các quốc gia vốn khác nhau. Nhưng bộ trưởng, tổng trưởng thì không phải ứng cử. Khi Barack Obama đắc cử Tổng thống thì Tom Daschle được mời tham gia nội các với chức vụ Tổng trưởng Y tế. Chỉ có Obama ứng cử, còn Daschle thì không. Trong chính phủ của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, Bộ trưởng Kinh tế thuộc Đảng CSU từ chức, đảng này cử người thay thế là von Guttenberg. Như vậy dù theo tổng thống chế hay thủ tướng chế thì tổng trưởng, bộ trưởng không bao giờ phải ứng cử mà được chọn mời tham gia nội các để lập thành một ê-kíp cùng đồng tâm làm việc.
Nhưng ở Việt Nam mình thì Luật sư Cù Huy Hà Vũ từng nộp đơn xin ứng cử chức vụ Bộ trưởng Văn hoá Thông tin. Ông Cù Huy Hà Vũ là một “cây” luật chứ không phải tay mơ. Vậy phải chăng luật Việt Nam có điều khoản ứng cử vào chức bộ trưởng? Ứng cử, theo nghĩa thông dụng, là tự ghi tên trong danh sách để chọn bầu trong một cuộc bầu cử. Vậy ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ tự ghi tên là phải, nhưng ai sẽ chọn và nhất là ai sẽ bầu ông? Nếu không có bầu bán thì dùng từ ngữ “ứng cử” liệu có đúng luật không? Hay tiếng Việt đang được sử dụng trong nước lại cũng cung cấp cho động từ “ứng cử” một nghĩa khác? Ê-kíp mà ông Cù Huy Hà Vũ định tham gia do ông Nguyễn Tấn Dũng làm xếp. Vừa có ý định đồng tâm hiệp lực với ông Nguyễn không bao lâu thì ông Cù quay qua đi kiện ông Nguyễn. Thế là thế nào? Mà trong vụ kiện này, ông Hà Vũ lấy lý do gì để đưa ông Tấn Dũng ra trước toà án? Tất nhiên trả lời báo và đài, ông Hà Vũ đã nêu rất nhiều lý do vi phạm luật của ông Tấn Dũng. Nhưng qua sự vi phạm luật này, ông Hà Vũ có bị thiệt thòi gì không, để từ đó, sử dụng quyền nguyên đơn đứng ra khởi tố? Nếu thiệt hại xảy ra thì đồng bào Cao nguyên và các vùng lân cận lãnh đủ, ông Cù Huy Hà Vũ ở Hà Nội, đâu có dính líu gì? Lẽ nào…

Chuyện ba: hèn trễ, lầm trễ, lạc trễ, tiếc trễ…
Người trong nước sao ưa làm nhiều chuyện trễ quá sức. Nhạc sĩ Tô Hải quá tám mươi tuổi mới xuất bản hồi ký nhận rằng mình đã hèn. Bác sĩ Nguyễn Hữu Viện gần đất xa trời mới than mình đã lầm. Nhà văn Chế Lan Viên trước khi vĩnh viễn ra đi mới làm thơ và viết văn nhận mình không nên không phải. “Anh” Sáu Dân Võ Văn Kiệt lãnh lương hưu dài dài rồi mới kêu gọi nên làm như vầy như vầy. Còn nhiều người khác nữa, danh tính và tác phẩm của họ xuất hiện đều đều trên internet, ai muốn biết xin mời mở máy ra xem.
Giá như họ sớm không chịu sống hèn, sớm không chịu làm điều sai trái, sớm không chịu bẻ bút khom lưng, sớm không ký nghị định thông tư gì gì đó bắt giam người không cần án lệnh toà v.v… thì Việt Nam mình sẽ ra sao nhỉ? Có như bây giờ không?
Sao nước người ta có sinh viên được dựng tượng ngay trung tâm thủ đô, sao nước người ta có sinh viên được tung hình đứng chắn xe tăng đi khắp hoàn cầu? Sao những sinh viên này không biết lùi lại ngày chống độc tài đến chết gục, lùi lại ngày chặn xe tăng đến nát thân, để sống cho đủ tám chín chục tuổi rồi hẵng thú nhận rằng mình từng thế này thế kia?

Chuyện bên lề một: chuyện của tôi, chuyện của chúng tôi
Tôi lãnh giấy ra tù cộng sản ngày 14 tháng Hai năm 1978. Giấy ghi rõ tạm trú thành phố ba tháng, quản chế sáu tháng. Ngày 11 tháng Chín năm 1978 tôi nhận quyết định được khôi phục quyền công dân với ghi chú phải tiếp tục tu dưỡng để trọn nghĩa vụ của người công dân mới. Tên sĩ quan ngụy mất quyền công dân tiếp tục tu dưỡng bằng cách liều lĩnh “liên hệ ngang” với viên quản gia Toà Đại sứ Tây Đức ở rạp Quốc Thanh, đường Võ Tánh, Sài Gòn để cầu cứu nước Đức; vẫn gặp các bác sĩ Pháp thuộc WHO - liên lạc trực tiếp, mặt giáp mặt, tay bắt tay - để nhờ mang hồ sơ sang chương trình ODP theo địa chỉ ODP, 127 Panjabhum Building, Sathorn Tai Road, Bangkok, Thailand 10120. Tôi không có quyền công dân nhưng tôi tự cấp cho mình quyền liên hệ ngang liên hệ dọc, đủ thứ. Xin nhớ là những năm 1978, 1979, 1980 bầu không khí khủng bố đỏ bao trùm toàn đất nước. Bức màn tre bức màn sắt còn buông kín mít. Không làm gì có cởi trói, hội nhập. Không làm gì có Vêtêô Vêtêeo. Tóm lại, y như Bắc Hàn hôm nay.
Vậy mà chúng tôi đã tìm mọi cách chứng tỏ cho chế độ rõ là chúng tôi không chấp nhận chế độ. Cái giá phải trả cho thái độ này rất đắt. Có nữ đồng nghiệp đồng khoá của tôi mất tích cùng toàn gia đình nơi Biển Đông. Còn thì hầu hết khoá tôi - cũng như hầu hết các khoá khác - đều lìa bỏ thiên đường. Chúng tôi cảm thấy mình đã làm đúng. Dẫu chẳng muốn khoe khoang, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy “uy vũ bất năng khuất”.

Chuyện bên lề hai: chuyện của quí vị
Chúng tôi đã đóng góp phần của chúng tôi. Không có chúng tôi cương quyết chối bỏ chế độ bằng mọi giá - kể cả sinh mệnh - qua vượt biên vượt biển di cư di tản ODP HO thì Việt Nam chắc không giống hôm nay. Chúng tôi đã hành động thích nghi vào giai đoạn thích đáng. Cho nên giờ đây chúng tôi nghĩ chúng tôi có quyền chờ mong đến lượt người khác góp phần. Chứ nói cho cùng thì chúng tôi đã có tự do đã có dân chủ rồi. Và nếu như người Tàu có lũ lượt kéo nhau sang đào nát từ mấy trăm mét ở phiá Nam ải Nam Quan đến mũi Cà Mau thì chúng tôi cũng chẳng suy suyển gì.
Cho nên và chẳng hạn, xin mạo muội thỉnh cầu quí vị trực tiếp đến gặp các đại diện thường trực của WHO, UNICEF, UNESCO ở Hà Nội thay vì chỉ gửi thư ngỏ. Quí vị đang là công dân, quí vị đã từng đóng góp cho chế độ, quí vị đang ở ngay Hà Nội; xin quí vị hãy công khai, đường hoàng đến gặp những người nước ngoài đang làm việc trong khuôn khổ luật pháp quốc tế trên đất nước chúng ta nhằm nói lên những điều quí vị nghĩ là nên nói, là cần nói. Hành động hôm nay của quí vị khác với hành động lén lút vào trụ sở cũ của Toà Đại sứ Tây Đức tại Sài Gòn của tên sĩ quan ngụy chưa có quyền công dân ngày nào biết bao!
Nào, xin kính mời quí vị; với niềm hy vọng quí vị sẽ tiếp tục sáng tạo trong đấu tranh, với nỗi ước mong quí vị sẽ dứt khoát lựa chọn con đường của lẽ phải.

No comments:

Post a Comment