Tại 10 nước Ấu Châu, UBBV và LĐV tố cáo CSVN "đàn áp còn hơn thực dân Pháp"
Bản Tin của Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam
Thứ Tư, ngày 24 tháng 6 năm 2009
http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2009/20090624_07.htm
Hình: Bài trên báo Råd&Rön của Thụy Điển, tựa đề "Đình công đòi tăng lương - bị đuổi việc". Đây là 1 trong nhiều bài ở 10 nước Ấu Châu http://www.vietvungvinh.com/VietNam/2009/Images/20090624_07.jpg
[UBBV baovelaodong.com 25/6/2009] " Nhà cầm quyền hiện nay đàn áp còn tệ hơn thực dân Pháp vào thế kỷ trước". Từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 7, một vài triệu độc giả và thính giả tại 10 quốc gia Ấu Châu đã và sẽ nghe lời tố cáo này do UBBV (Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam) đưa ra, cùng với một tổ chức bạn trong nước, Phong Trào Lao Động Việt. Những lời tố cáo này được thuật lại trong nhiều bài phóng sự điều tra của phóng viên Đan Mạch Carsten Terp Beck-Nilsson, về đề tài nhà cầm quyền CSVN phối hợp với chủ nhân để bắt giam và đuổi việc những công nhân tổ chức đình công tại xưởng máy Ching Luh tại Long An, một xưởng chuyên sản xuất giày xuất cảng cho công ty Nike.
Trong bài phóng sự, sau khi thuật lại cuộc phỏng vấn với một số công nhân Ching Luh, phóng viên Carsten thuật lại rằng UBBV nói: "Đối với những người ngoại quốc không chú ý, thì họ tưởng ngày nay Việt Nam khá tự do. Nhưng đối với những người lao động đang cố gắng tranh đấu cho quyền lợi của mình, thì ngày nay là thời đại đen tối. Nhà cầm quyền đàn áp còn tệ hơn nhiều so với khi thực dân Pháp cai trị Việt Nam thế kỷ trước".
Tố cáo trên truyền thông 10 quốc gia, trước 1-5 triệu người
Ngày 19/6, đề tài trên đây đã được đưa lên chương trình Tạp chí buổi sáng lúc 7g25 của đài phát thanh toàn quốc của Đan Mạch, Danmarks Radio (www.dr.dk). Chương trình này có khoảng nửa triệu thính giả. Sau đó, suốt ngày, chương trình tin tức của đài này đã lập lại những điểm chính. Danmarks Radio thường được trích lại trên nhiều báo và đài khác tại Đan Mạch. Trước đó, các bài phóng sự của phóng viên Carsten đã được chiếm 5 trang trên tạp chí Rad&Ron ở Thụy Điển, số tháng 5/2009 (Hình).
Trong số báo phát hành tháng 6, các tạp chí FRC Magazine, Altroconsumo, Test-Achats, Konsumen, Freizeit und Verkehr, Proteste, OCU-Compra Maestra của Thụy Sĩ, Ý, Áo, Đức, Bỉ, và Bồ Đào Nha, những bài này cũng đã được đăng nguyên văn, trích lại, hoặc dùng một số chi tiết. Trong tháng 7, sẽ dến tạp chí của Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, và Phần Lan. Các tạp chí này nhắm đến đối tượng chính là giới tiêu thụ giày dép.
Tổng số người đọc và nghe bài trên các tạp chí và chương trình phát thanh trên đây, và số người sau đó đọc trên trang mạng của họ, khó biết được chính xác, nhưng được ước lượng không dưới 1 triệu và có thể lên đến 5 triệu người (chỉ riêng 1 chương trình nói trên của Danmarks Radio đã có nửa triệu thính giả). Họ là đối tượng quan trọng, vì áp lực của chính người tiêu thụ có thể làm cho các công ty như Nike có xưởng máy tại Việt Nam phải cải thiện điều kiện làm việc của công nhân Việt tại đây.
Bắt giữ công nhân tổ chức đình công
Cuộc đình công nói trên xảy ra vào tháng 4 năm 2008 bởi 20 ngàn công nhân xưởng máy Ching Luh ở Bến Lức, Long An. Như mọi cuộc đình công khác, tổ chức mà Đảng CSVN lập ra nhằm kềm chế người lao động, đặt tên là Tổng Liên Đoàn Lao Động, đã phối hợp với công an và chủ nhân Ching Luh để truy lùng các công nhân tổ chức đình công, sau đó bắt giữ một số người (đặc biệt là những người phát truyền đơn kêu gọi đình công), tra khảo họ, rồi cho họ bị mất việc.
Trong nhiều tuần sau đó, UBBV đã gọi điện và viết thư đến một số giám đốc cao cấp của Nike ở Mỹ để yêu cầu Nike buộc Ching Luh xin lỗi và bồi thường cho những công nhân này. Nike cho viên chức đến gặp ban giám đốc Ching Luh rồi trả lời UBBV, chối rằng không có công nhân nào bị đuổi vì tổ chức đình công. Từ đó, UBBV, có thành viên ở một số quốc gia hải ngoại kể cả Âu Châu, đã âm thầm phối hợp với một tổ chức bạn trong nước (xin đọc dưới đây) để tìm cách phanh phui vụ này trước công luận, qua đó làm áp lực lên Nike và Ching Luh. Nay thì nỗ lực này đã có kết quả sơ khởi. Bước kế tiếp trong những tháng tới sẽ là tìm cách tạo ra một vài kết quả cụ thể cho công nhân.
PT Lao Động Việt
Trong số những công nhân được phỏng vấn, có một số người là do Phong Trào Lao Động Việt (gọi tắt là Lao Động Việt, viết tắt là LĐV) tìm giúp phóng viên Carsten. Ngoài ra, khi UBBV viết thư đến Nike năm ngoái, có đính kèm danh sách những công nhân bị công an bắt, tra khảo và bị Ching Luh đuổi việc, danh sách này cũng được cung cấp bởi Lao Động Việt. Lao Động Việt là sự kết nối giữa người lao động trong một số tỉnh, nhằm tranh đấu chống áp bức và bóc lột lao động. Để đối phó với nỗ lực đàn áp của nhà cầm quyền, hiện nay LĐV hoạt động theo hình thức mạng, có chi nhánh nhưng không có trung ương. Họ hoạt động âm thầm vì nhà cầm quyền CSVN có thành tích đạo tặc, dùng bạo lực và chụp mũ để đối phó với những ai tranh đấu cho quyền lợi người lao động.
Tuy chưa chính thức ra mắt và chưa hề lên tiếng, nhưng LĐV đã bắt đầu hoạt động từ lâu nay. Cuộc phóng sự điều tra nói trên của phóng viên Carsten diễn ra vào tháng 4/2009, nhưng từ vài tháng trước đó LĐV và UBBV đã chuẩn bị để cung cấp tin tức cho phóng viên.
(Bản Tin này và các tài liệu khác của UBBV cũng có đăng trên trang mạng baovelaodong.com)
No comments:
Post a Comment