Thursday, June 4, 2009

KHÔNG THỂ CÓ MỘT HOÀI VĂN HẦU TRONG NỀN GIÁO DỤC HIỆN TẠI

Không thể có một Hoài Văn Hầu "bóp nát quả cam" trong nền giáo dục hiện tại?
Phạm Thạch Giản
http://daohieu.com/website/?pg=gl&id=717

Viết để phê phán những mặt tiêu cực của xã hội Việt Nam hiện nay mà luôn đinh ninh rằng mình đang chỉ ra đúng bệnh và không một ai có thể phản bác được là một điều hình như quá dễ, vì có quá nhiều cảnh trái tai gai mắt vẫn đang tiếp diễn. Nhiều lời nhiều chữ đã được tuôn trào mà chỉ như nước đổ bể, chỉ để nhận được những cái gật gật lắc lắc nhắm mắt thở dài phẩy tay ngán ngẩm, hay những giọt nước mắt mặn chát lặn ngược vào trong. Trang sách tờ báo gấp lại, mở mắt ra bầu trời vẫn xấu xí xám xịt y như cũ thế, chẳng thay đổi được gì. Có cảm tưởng như Ngô Tất Tố vừa mới viết đoạn kết cho "Tắt Đèn" ngay đêm hôm trước.

Nhưng viết để tạo dựng một hình ảnh mà sau này hậu thế chỉ cần hình dung ra nó là hai bàn tay đã nắm chặt khí huyết đã nhộn nhạo dâng trào đôi mắt trợn trừng răng nghiến ken két thì chẳng mấy ai làm được. Hào khí Đông A "ngất trời sao Đẩu Bắc" kết tụ hàng trăm năm trước của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản đã được truyền qua Nguyễn Huy Tưởng rồi đến hàng vạn giấc mơ tuổi thơ nhiều thế hệ, giờ đây hình như lẻ loi le lói giữa một đại dương đỏ lòm những học thuyết hoặc đen thui rặt những toan tính nhỏ nhen của đám người lớn...

Một thầy giáo sáng ra vừa mới ra rả vào lỗ tai lũ học sinh còn ngơ ngác mơ màng giấc mơ Trần Quốc Toản đêm hôm qua, về những thứ nào là "đạo đức lý tưởng Hồ Chí Minh... phải nói không với hối lộ tham nhũng, phải vạch trần bọn chúng, làm trong sạch Đảng, giúp Đảng đứng vững trước các thế lực thù địch đang diễn biến hòa bình chống phá ghê lắm", ngay khi đêm về đã ỡm ờ đưa đẩy rồi giật phắt lấy cái phong bì tiền triệu nhét ngay xuống dưới gầm tủ chè, mà lũ học sinh vì sợ bị đánh rớt đã tụm năm tụm ba ghi thành một danh sách nhóm và đóng góp của từng em đến thăm "hữu nghị" nhà thầy.

Những thầy giáo và học sinh như thế có ở khắp nơi, ở một xã hội mà khi nghe cảnh báo về nguy cơ mất nước này âm mưu xâm chiếm nọ hành vi bán nước kia, chẳng có một em thiếu niên nào nắm chặt bàn tay mình lại mà quên mất trong tay mình đang cầm thứ gì. Ở một xã hội mà hình ảnh Hoài Văn Hầu bóp nát quả cam đã bị mối mọt đục khoét trong những tủ sách hàng chục năm trời không được quét bụi, trong khi mốt thời thượng vẫn đang là bẻ cong ngòi bút, ở đó, những thầy giáo và học sinh như thế bị nhấn chìm trong một nền giáo dục vừa mới được truyền đạt "tư tưởng" từ "trên xuống" là phải phát động phong trào "học tập tấm gương Hồ Chủ tịch".

Trong nền giáo dục đó, từ lâu môn học "tư tưởng Hồ Chí Minh" đã là tên của một bộ môn bắt buộc phải được giảng dạy cho mỗi khóa sinh viên, mà nghịch lý là người ta chỉ dạy những gì Đảng muốn học sinh học - được tập hợp trong một quyển sách vài trăm trang, chẳng là gì so với Hồ Chí Minh toàn tập hơn chục cuốn -, và không một sinh viên nào - tôi chắc là vậy- được nhắc nhở là tìm đọc toàn bộ những gì Bác viết trong những quyển sách ấy. Nghịch lý hơn nữa là người dậy không cần làm theo những gì mình giảng, thậm chí tát thẳng vào nó khi bóng đêm ma quái lại ập về nuốt chửng cái ban ngày vốn đã ngắn chẳng tày gang.

Cuốn giáo trình "cô đọng" tư tưởng Hồ Chủ tịch vào mấy trăm trang giấy mỏng ấy là nỗ lực của Bộ nhằm tiết kiệm thời gian cho học viên, nhằm đẩy nhanh quá trình nhận thức "chân lý" của các em, giúp các em "đi tắt đón đầu" trong quá trình "quá độ" "quán triệt chủ trương của Đảng", một cách nói khác; của việc chỉ học những gì Đảng muốn dân học theo, hay đó là nỗ lực của Đảng nhằm che giấu những dòng được trích sau đây của Người viết và đọc Tuyên ngôn Độc lập?
"Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì" (HCM Toàn tập, ST, 1984, tập 4, trang 35). "Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do... Ðối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý." (Toàn tập, ST, 1987, T7, trang 482). "Nước ta là một nước dân chủ. Mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm." (Toàn tập, ST, 1985, T5, trang 393) "Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến." (Toàn tập, ST, 1984, tập 4, trang 547) ...

Một công trình vĩ đại của một vị lãnh tụ vĩ đại, kết tinh của cả đạo đức tư tưởng chính trị lẫn kim chỉ nam cho một Đảng vĩ đại "lãnh đạo dân tộc" ấy vậy mà chỉ được học qua loa đối phó, chỉ được triết giảng lý giải một cách hình thức chộp giật trong các trường đại học của toàn quốc; vậy thì chẳng khác gì trích đoạn "Lá cờ thêu Sáu chữ vàng" vỏn vẹn vài tờ sách giáo khoa được dạy đến sùi bọt mép bởi những "ông bà" giáo trong vòng chưa đầy 45 phút, để rồi, ngay sau đó, người thầy đã, nay lại đang tiếp tục im lặng nhắm mắt làm ngơ chối bỏ quyền được làm một công dân Việt Nam trước những sự kiện như bô-xít Tây Nguyên.

Những quyển sách dù dày hay mỏng dù đạo đức lịch sử hay lý tưởng ngay sau đó bị xếp xó chỏng chơ ở một xó cao tít đầy mạng nhện. Đám học sinh ù tai hoa mắt vì những gì chúng được dạy. Quá mệt mỏi quá căng thẳng, về đến nhà một cậu học trò trong số vài chục triệu đó vất cặp chạy vội đến trước máy truyền hình dán mắt vào Bao Công kỳ án hay chúi mũi mê mải trong đại tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa...

Bố mẹ cậu - hai kẻ ở trọ nhiều chủ quyền nhất trong căn nhà của chính họ - vừa về đến, không hẹn mà cùng một lúc, gật đầu trao nhau cái nhìn phảng phất niềm vui vì cậu quí tử nhà mình hôm nay đã tỏ chí lớn, không vùi đầu vào điện tử hay chat chit với các hình "girl xinh" thiếu vải nhún nhảy như mọi khi, mà lại ham học hỏi tìm hiểu "lịch sử". Như thế chẳng mấy chốc mà thành một đấng thông kim bác cổ!

Bố vừa đi nhậu về sau khi bàn chuyện của Bộ Chính trị Bộ Công thương Bộ Ngoại giao với đám bạn bè cùng lứa trong một quán bia đồ sộ ở một ngã tư lắm người, suốt nửa tiếng đồng hồ thao thao bất tuyệt chẳng thèm nhúc nhích cái mông ra khỏi ghế nửa xăng ti mét, kể từ khi ở giữa lòng đường có một cô gái bịt mặt bị ngã xõng xoài ngay giữa đường. Để 30 phút sau, cái bóng nhỏ bé đó mới được một anh bơm xe lề phố chạy lại vực lên, lúc cô gái bỏ khăn che mặt cảm ơn, bố mới vỗ đùi đánh cái đét nuốt nước miếng tiếc rẻ "con bé xinh đáo để, vẻ hương đồng gió nội lạ lùng độc đáo thế mà mình không biết, phải chi nó không đeo khẩu trang, thì có phải là mình đã chạy lại ngay từ đầu rồi không. Thời buổi này mà vẫn có những con ngu, đẹp mà không biết đường sướng!"

Mẹ vừa mới thăm ông ngoại về, lắc đầu chép miệng mỉa mai lấy được mấy con y tá ở trong bệnh viện rõ là tham kiểu nông dân, vài chục nghìn bạc mà cũng phải ra bộ cau có kì kèo, dễ tàn phai nhan nhắc; lại đã ra vẻ hài lòng vì ông ngoại vốn là cựu lãnh đạo cựu dân biểu cựu cán bộ tiền khởi nghĩa được ưu tiên phòng ít người lẫn sự chiều chuộc hỏi han từ y tá cho đến ban giám đốc. Mẹ ngắm nhìn bố và con mãn nguyện vì mình có một gia đình hạnh phúc, kinh tế khá giả, tương lai ổn định thậm chí đang ở trên một con lộ thăng tiến với cái đà cứ như thúc vào đít đến mức không thể ngừng lại được.

Làm sao một ông chồng hạnh phúc như vậy lại có thể ngờ được rằng, ngày mai, chính cô vợ của anh ta sẽ bị ngã xe bất tỉnh nhân sự giữa trời trưa nắng trên một con đường nhựa bóng nhoáng đen xì bỏng rát, giữa một dòng xe cứ vun vút phóng qua và hàng chục nghìn đấng mày râu bảnh bao văn minh bề ngoài hệt như mình, tuyệt chẳng ai tới cứu giúp.

Một người vợ mãn nguyện như trên, sẽ chẳng bao giờ ngờ được chính mình sẽ vào bệnh viện, đau đớn chịu cảnh hôi hám chật chội bẩn thỉu, xen vào là những phát tiêm êm ái đến điếng người buốt hết từ gót chân đến đỉnh đầu, thái độ vô lễ ghẻ lạnh lẫn những câu nói gần như văng tục của y tá, cho đến khi mớm cho cô ta vài tờ pô li me, mà không thể ngoạc miệng ra thị uy quát mắng vì cái quyền hành trong quá khứ của ông ngoại vốn chỉ đủ đảm bảo sự sống leo lắt của chính bản thân ông ta mà thôi.

Ở một gia cảnh khác, người thầy giáo nọ giờ đây quan tâm đến số tiền mình kiếm được trong ngày nhiều hơn là mấy thứ đồ bỏ vô tích sự như là chất lượng giáo dục lẫn đạo đức giáo viên. Với thầy thời gian làm ra tiền đó mới là thời gian có ích duy nhất, chứ không phải thứ thời gian "tôi tư duy là tôi tồn tại" của phương Tây, cũng không phải thời gian chiêm nghiệm trạng thái tĩnh lặng hư không trau dồi tình yêu đồng loại tình yêu nhân thế của phương Đông. Thầy ăn no ngũ kĩ yêu đương lành mạnh mà chẳng có khoảnh khắc nào dù chỉ vài tích tắc thầy giật mình toàn mồ hôi vì vừa nghĩ ra, ừ nhỉ, ngộ nhỡ thằng con mình cũng đang là học trò của những thầy giáo như mình thì sao nhỉ...

Chuyện gần ngay sát mũi còn là thế, còn Tây Nguyên ư, xa quá, chủ trương lớn quá vĩ đại quá, ở tầm cao quá, và nhiều rủi ro quá, không gần với cái thực tế của thầy và bố mẹ, nói gì đến học sinh. Cuộc sống hàng ngày với những mưu mô toan tính với đầy đủ tạp nham hỗn độn, lẫn lòe loet đủ thứ màu sắc mùi vị của nó đã khiến cho hương cam tinh khiết lòng yêu nước nọ trở nên tầm thường cũ rích như chuyện cổ tích, màu đỏ như máu đang ứa ra từ mảnh đất Tây Nguyên trở nên quá đỗi xa vời, nheo mắt hết cỡ họa hoằn lắm mới tìm thấy được, hệt như khi người ta nheo mắt cố công tìm ra một chấm nhỏ mầu hồng dùng để nhận diện phân biệt giữa giả và thật trên một tờ bạc xanh loét...

Khi mà đại đa số những bậc cha chú trong xã hội nhắm mắt làm ngơ, ngậm miệng đồng lõa, chối bỏ quyền làm chủ của một người công dân bình thường, thì ai dám chắc con em họ - từ 7X 8X đến 9X và "teen" - sẽ là những thế hệ biết lo trước nỗi lo của người khác, biết đặt vận mệnh dân tộc lên trên hết, biết ý thức rằng nếu mình im lặng trước nỗi bất công của người khác thì thế hệ sau - tương lai của chính bản thân gia đình dòng họ mình sẽ cô đơn vùng vẫy kêu cứu trong một thảm họa nào đó, dưới sự thờ ơ hàng chục triệu con mắt mở to tròn liếc qua rồi nhắm lại mà tuyệt chẳng có một bàn tay nào giơ ra cứu vớt.

Những người đang đắm chìm trong hạnh phúc chắc sẽ cưởi khẩy vào luận điểm rằng ta đang sống trong một xã hội bất an - chết lúc nào không biết. Chẳng ai trong số chúng ta chắc được rằng ngày mai kể từ khi ra đường cho đến lúc về nhà mình sẽ lành lặn hoặc không chết. Ngày mai mình sẽ không ngất ở trên xe vì đã ngâm mình trong khói và chất thải của xăng dầu suốt từ năm chiều đến chín giờ đêm. Ngày mai mình sẽ không đau bụng vì vẫn dậy sớm đi chợ mua những miếng thịt đỏ nhất có vẻ tươi nhất. Ngày mai mình sẽ không bị giết bởi một thằng mất nhân tính nào đó chỉ vì một cái bóp mà nó tin là có ít nhất vài triệu đồng trong đó, đâu có đáng, xin mình còn cho nữa là...

Khi người ta đang chìm đắm trong hạnh phúc, chỉ say sưa ngắm nhìn những thứ mà bấy lâu nay mình khao khát được thấy, thì nỗi bất hạnh của kẻ khác chẳng có một chút tác dụng cảnh tỉnh nào cả. Có chăng, chỉ làm cho bối cảnh sung sướng của hiện tại thêm phần thi vị, hệt như của một vị đại tư bản, sau hàng bao nhiêu ngày đêm lao tâm khổ tứ kết thúc thắng lợi một phi vụ hàng ngàn tỉ, tự thưởng cho mình một chiều đầy nắng Ha-oai, khoan khoái đọc "Những người cùng khổ" và reo lên trong óc đầy thích thú, ồ thì ra mình không những chỉ là một nhà kinh doanh kiệt xuất, mà còn là một kẻ có văn hóa, cũng biết đến những thời khắc run rẩy rung động trước văn chương.

Ly rượu đỏ một thứ vang Pháp kì công cất từ Bordeaux thấm vào trong từng tế bào từ miệng xuống đến cái cổ đầy mỡ hôm nay tuyệt hảo một cách khác thường, chát chát cứ phải gọi là... Chẳng có loại rượu nào trên thế giới mà ông chưa từng uống qua, nhưng hình như chưa bao giờ ông được nếm thứ rượu nào khác ngon hơn thế. Một cảm giác ngọt ngào không thể tả nổi ru ông vào giấc ngủ cùng những đợt gió biển hiu hiu mát rượi... Cuốn "Những người cùng khổ" của Victor Huygo đổ xuống che chở cho đôi mắt ông trước nguy cơ quấy rầy của mọi tia sáng từ phía mặt trời hay hắt lên do phản quang nước biển. Nó vẫn luôn làm ông có cảm giác quí phái lẫn an toàn thanh thản hơn hẳn khi có nó ở bên - một thứ đồ trang sức quý giá nhất sau cùng.

Phạm Thạch Giản

No comments:

Post a Comment