Saturday, June 20, 2009

"KHOAN HỒNG" TRONG VỤ LS LÊ CÔNG ĐỊNH

'Khoan hồng' trong vụ LS Lê Công Định
Vũ Quí Hạo Nhiên
Nhà báo tự do, California, Hoa Kỳ
Cập nhật: 13:26 GMT - thứ sáu, 19 tháng 6, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/06/090619_lcd_vuquihaonhien.shtml
Một sự việc vừa xảy ra cho một nhà tranh đấu nhân quyền trong nước đáng đặt lên câu hỏi: Chúng ta có quá dị ứng một một vài câu chữ, để mà dễ dàng khiến cho một nhà tranh đấu bị những người cùng chí hướng quay lưng ngoảnh mặt?
Trong vụ Luật sư Lê Công Định, vừa tối hôm trước có tin Luật sư Định đã "nhận tội" và xin "khoan hồng," là sáng hôm sau đã có những người trích dẫn việc đó để mỉa mai rằng ông đầu hàng này nọ.
Dĩ nhiên là khi việc xảy ra, nhiều người ngạc nhiên, và chắc chắn là nhiều người buồn. Buồn có lẽ vì trong thâm tâm, chúng ta muốn tất cả những nhà tranh đấu dân chủ đều phải hành xử theo ý của chúng ta.
Chúng ta muốn có những người anh hùng toàn hảo như ý chúng ta muốn.
Chúng ta muốn ai cũng là Trần Bình Trọng, thà làm quỷ nước Nam. Gần đây hơn, chúng ta muốn ai cũng là Linh mục Nguyễn Văn Lý, Luật sư Nguyễn Văn Đài, Luật sư Lê Thị Công Nhân, blogger Điếu Cày. Chúng ta muốn ai ai cũng hiên ngang cơ.
Khi Luật sư Lê Công Định nhận rằng mình đã vi phạm Điều 88, "chống nhà nước xã hội chủ nghĩa" (ai tranh đấu cho dân chủ mà không vi phạm điều 88 theo cách hiểu của ngành an ninh Việt Nam?) và xin khoan hồng, chúng ta thất vọng.
Vì chúng ta đang mong một người anh hùng dũng cảm bất khuất như trong truyện tranh, đến lúc không có được, tất nhiên chúng ta thất vọng.
Hiểu cho đúng
Nhưng có nên vì hai chữ "khoan hồng" mà chúng ta quay lưng với một nhà tranh đấu đang đứng trước nguy cơ ở tù 20 năm? Nên hiểu thế nào là khoan hồng, thế nào là một bản tự khai viết trong nhà tù cộng sản.
Trên trang web Vietnam Review hiện đang có hồ sơ lưu trữ của Ngũ Giác Đài bản khai của Thượng nghị sĩ John McCain khi ông này, lúc đó là thiếu tá phi công, bị bắt làm tù binh ở Hà Nội.
McCain khai rằng "Tôi là một phi công Hoa Kỳ phạm tội với đất nước và dân tộc Việt Nam. Tôi đã đánh bom các tỉnh, thành phố, làng xã và gây thương tích và cả chết chóc cho người Việt Nam."
Giữa những lời "thú tội" của John McCain và của Lê Công Định, có khác gì nhau?
Đã có người cho rằng McCain đã "đầu hàng" Hà Nội qua những lời tự khai này, được đọc trên đài phát thanh Hà Nội, nhưng hầu hết đều thông cảm cho việc làm của ông.
Tại sao lại thông cảm? Câu trả lời có thể dài dòng, nhưng tóm gọn nhất là: Khi người ta đã bị bắt vào tù cộng sản, có những điều mà người ở ngoài, không ở tù, không được phép đòi hỏi người ta phải làm.
Đối với một người trong tù cộng sản, "khoan hồng" đơn giản là hai chữ thủ tục để được ra tù. Như những vị sĩ quan từng ở tù cải tạo, ai cũng phải làm một tờ đơn xin ra trại, trong đó cũng có hai chữ "khoan hồng," ai cũng ký, mà không ai là người đầu hàng.
Ở tù, thì đừng hòng mà lên tiếng nói năng gì. Có phát biểu, phải ở ngoài tù mới được phát biểu.
Chúng ta ngưỡng mộ sự kiên cường của Cha Lý, của hai luật sư Đài và Công Nhân, của blogger Điếu Cày, nhưng chúng ta có thấy rằng từ khi ở tù những người này không còn có thể lên tiếng gì nữa không?
'Sống vì tổ quốc'
Tôi nhớ có câu chuyện đọc được trên web, xin lỗi tác giả vì không nhớ tên, nhưng chuyện đại khái thế này: tác giả bị đi tù cải tạo, tôi nhớ là bị đưa ra Bắc, giam ở Hà Nam Ninh. Đến lúc được tha, cầm tờ giấy ra trại, cũng phải nghe một bài "Cách Mạng khoan hồng" xong mới được đi.
Đến cổng trại, nhìn thấy bức hình Hồ Chí Minh, ông buột miệng nói lầm bầm, "Thôi ở lại, ta đi." Ngờ đâu gác trại trông thấy, tưởng ông nói xấu gì Hồ Chí Minh, liền gọi ông lại. Bạn tù khác có giấy ra trại thì được về hết, ông còn phải ở lại để bị hỏi cung - "Anh nói gì với Bác đấy?"
Ông khôn ngoan giữ rịt lấy đúng một câu trả lời, đại ý tôi nhớ là, "Tôi sung sướng hồ hởi được cách mạng khoan hồng nên mới chào cám ơn Bác." Cuối cùng dù không tin ông nhưng quản trại cũng phải cho ông về.
Câu chuyện này nên là một bài học. Hai chữ "khoan hồng" là của nhà cầm quyền đặt ra để dùng cho mục đích tuyên truyền, thì chúng ta cũng nên chiếm lấy hai chữ "khoan hồng" đó để dán ngược lại, phục vụ cho mục đích của chúng ta.
Chúng ta có ngưỡng mộ những người nhất quyết không xin khoan hồng, như blogger Điếu Cày, như hai luật sư Đài và Công Nhân, hay như Cha Lý? Có.
Nhưng ngược lại chúng ta có kém phần ngưỡng mộ đối với một người như Luật sư Lê Công Định, dám lên tiếng đòi hỏi cải cách, đòi hỏi đa nguyên, bênh vực người bị truy tố tội phản động, chỉ vì người đó xin khoan hồng? Tôi cho là không.
Trong hồ sơ lên án Luật sư Lê Công Định có nhắc đến việc ông đã gởi bài cho tạp chí Phía Trước, một tạp chí điện tử độc lập của giới trẻ Việt Nam.
Trên trang Facebook, bạn Khương Duy, trong ban biên tập tạp chí Phía Trước, có viết câu này, xin mượn để kết bài viết: "Chết vì Tố Quốc? Quá muỗi! Sống vì Tổ Quốc, ấy mới là chuyện đáng làm!"
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo Việt Kiều Vũ Quý Hạo Nhiên, hiện sống ṭai California, Hoa Kỳ. Ông cũng là chủ trang blog Bolsavik và từng làm việc cho nhật báo Người Việt ở quận Cam.

TIN LIÊN QUAN :

An ninh VN phản đối Bộ Ngoại giao Mỹ (BBC)

Bộ Công an Việt Nam cung cấp cho Mỹ tài liệu về Lê Công Định (lao dong)

Nguyên tắc suy đoán vô tội (Le Minh Phieu blog)

Hiệp Hội Luật sư Quốc tế IBA phê phán vụ bắt giữ Luật sư Lê Công Định tại Việt Nam (RFI)


Đưa tin Lê Công Định nhận tội có vi phạm luật?

Hoang Long
Thứ Sáu, 19/06/2009
http://danluan.org/node/1664
Việc cơ quan an ninh điều tra cung cấp tin và nhà báo đưa tin luật sư Lê Công Định đọc tờ trình nhận tội có hợp pháp hay không?
Báo mạng Dân trí ngày 18/6/2009 có bài nhan đề “Lê Công Định thừa nhận chống phá nhà nước” bài viết nêu rằng thông tin từ cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công An cho biết), luật sư Lê Công Định thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật, ân hận về việc làm của mình và xin được hưởng khoan hồng. Kèm theo thông tin này là video clip và bản chụp đoạn cuối bản tường trình có chữ ký của luật sư Định về nội dung như trên.
Khi đọc tin này, tôi liên tưởng đến vụ việc cung cấp thông tin của tướng Phạm Xuân Quắc cho hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải khi đưa tin về vụ PMU 18. Như quý vị độc giả đã biết, mặc dù thông tin đưa ra về vụ PMU 18 là hoàn toàn chính xác, nhưng các bị cáo trọng vụ việc này bị kết án về các tội “Cố ý làm lộ bí mật công tác” đối với ông Phạm Xuân Quắc và ông Đinh Văn Huynh; và tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xân phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" đối với hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải. Đây vẫn còn là một câu hỏi lớn đối với nền tư pháp Việt Nam.
Về tính chất, việc đưa tin trong hai vụ việc nêu trên đều là “Cố ý” như nhau. Sự cố ý trong trường hợp đưa tin về luật sư Định (chưa biết tin có chính xác hay không) làm người ta nghĩ ngay đến mục đích của việc đưa tin là nhằm làm giảm uy tín của luật sư Định trước dư luận ủng hộ dân chủ trong nước và quốc tế, đồng thời làm nao núng, nhụt chí những người và những ai có tư tưởng dân chủ tương tự với luật sư Định.
Sự “Cố ý” này mang nặng nghiệp vụ điều tra, có tác dụng kép và có hiệu quả đến không ngờ. Chính vì hiệu quả không ngờ đó mà ông Thiếu tướng công An Phạm Xuân Quắc, ông Đinh Xuân Huynh và các nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải đã phải sa vào vòng lao lý.
Vậy điểm khác biệt giữa hai sự “Cố ý” nêu trên là chỗ nào ? Đó là đối tượng được đưa tin, luật sư Lê Công Định hoàn toàn khác với Nguyễn Việt Tiến được.
Sự phán xét về tính hợp pháp trong việc đưa tin của hai trường hợp nêu trên tôi xin nhường lời cho quý vị độc giả có quan tâm đến vấn đề này. Và hiệu quả thực sự của lần “Cố ý” này chúng ta hãy cùng chờ xem…


No comments:

Post a Comment