Friday, June 19, 2009

KHI TRUNG QUỐC NGỰ TRỊ THẾ GIỚI

Khi Trung Quốc ngự trị thế giới?
Ngô Nhân Dụng
Thursday, June 18, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=96704&z=7
Nhiều người Việt đọc cuốn sách mới của Martin Jacques sẽ thấy lo sợ. Nhưng không cần phải sợ. Cuốn sách mang tựa đề là “Khi Trung Quốc Ngự trị Thế giới.” Ông không đặt câu hỏi: Khi nào họ ngự trị? Ông quả quyết, “Khi...” làm như chuyện đó tất sẽ xẩy ra, không nghi ngờ gì nữa.
Tên tiếng Anh là: “When China Rules the World”, với tựa nhỏ: “The Rise of the Middle Kingdom and the End of the Western World.” Martin Jacques chỉ nhắc lại những sự thật mà nhiều người đã đồng ý: Thế giới đang thay đổi. Trung Quốc đang vươn lên. Mọi người cũng nghĩ như ông, là vai trò thống trị hoàn cầu của Tây phương đang từ từ chấm dứt.
Có sử gia như Niall Ferguson thấy hiện tượng xuống dốc của Tây phương đã bắt đầu từ trước Thế Chiến Thứ Nhất, đầu thế kỷ 20. Trong những bài báo trên tờ The Guardian, Martin Jacques thường nhắc đến năm 1945 là điểm bắt đầu của khúc quanh đó, khi các thuộc địa vùng lên giành độc lập.
Nhưng sau khi thế giới dần dần thoát khỏi vòng ảnh hưởng của các nước Âu Châu và Mỹ rồi, thì trong thế kỷ 21 này sẽ có nước nào thay thế vai trò đó hay không? Martin Jacques quả quyết: Trung Quốc sẽ ngự trị.

Người Việt Nam đã có kinh nghiệm sống 1,000 năm trong cảnh bị Trung Quốc ngự trị, cho nên ai cũng phải suy nghĩ. Có thật Trung Quốc sắp làm bá chủ hoàn cầu hay không?

Trước hết, chúng ta phải công nhận tiềm năng của 1 tỷ 300 triệu người Trung Hoa có thật, và rất lớn. Các nhà kinh tế đều dự đoán rằng tới giữa thế kỷ 21 thì mỗi năm tổng số sản xuất do khối dân khổng lồ này tạo ra sẽ cao hơn cả nền kinh tế của 300 triệu dân Mỹ. Khi đó Tổng Sản lượng Nội Ðịa Trung Quốc đứng hàng đầu, Mỹ và Ấn Ðộ sẽ đứng hạng nhì và hạng ba. Cùng với sức mạnh kinh tế và dân số đông đảo, lực lượng quân sự của Trung Quốc có khả năng mạnh nhất.

Tuy nhiên, người Việt Nam cũng không cần phải run sợ trước những sức mạnh đó. Vai trò bá chủ là một hiện tượng lịch sử diễn ra thời Xuân Thu (722 - 479 trước Công Nguyên) và Chiến Quốc (479 - 221 trước CN). Khi đó những nước hùng mạnh nhất trong lục địa Trung Hoa đứng đầu các nước khác, còn thiên tử nhà Chu chỉ làm vì. Nhưng thời nay khác, và trong thế kỷ 21 này còn khác nữa. Coi như ngay bây giờ cường quốc mạnh nhất thế giới là nước Mỹ, cả về kinh tế lẫn quân sự đều vượt xa các nước đứng hạng nhì, hạng ba. Nhưng điều đó không có nghĩa là các nước khác, dù là những nước nhỏ và gần nước Mỹ đều phải cúi đầu “thần phục.”

Thế giới “đơn cực” với một siêu cường duy nhất đang dần dần thay đổi, mà đó là một điều tốt cho loài người. Tới giữa thế kỷ này chưa chắc Trung Quốc đã đạt được sức mạnh quân sự cao hơn Mỹ. Vì hiện nay khả năng kỹ thuật quân sự của Mỹ đã tiến xa muốn đuổi kịp phải tốn nhiều thời giờ và tiền bạc; mà số chi tiêu về quốc phòng của Mỹ trong một năm vẫn lớn hơn tổng số chi tiêu của tất cả các nước còn lại. Nhưng dù có lúc sức mạnh vũ lực của Trung Quốc và Mỹ ngang ngửa với nhau thì điều đó cũng không có nghĩa là các nước khác phải chịu khuất phục hai quốc gia đó. Chúng ta chỉ cần chứng kiến một nước nhỏ như Bắc Hàn vẫn có thể cứng đầu trước áp lực của cả Mỹ, Nga và Trung Quốc, thì thấy trong thời buổi này không còn nước nào có thể đóng vai bá chủ được. Vào giữa thế kỷ thứ 10 dân Việt Nam chắc chắn nghèo hơn và yếu hơn khối người Hán phương Bắc, so sánh còn còn yếu hơn lực lượng tương đối bây giờ. Nhưng chính lúc đó người Việt Nam đã vùng lên giành lại quyền tự chủ.

Tuy nhiên tác giả Martin Jacques cũng không nhấn mạnh tới sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc khi ông tiên đoán rằng nước này sẽ đóng vai trò thống ngự thế giới. Trong các bài viết trên báo cũng như trong cuốn sách mới của ông, ông đặt ra một hình ảnh mới, đó là vai trò thống ngự bằng văn hóa mà ông tin sẽ do Trung Quốc thủ vai chính. Ông viết, “Khi đóng vai trò thống ngự hoàn cầu, Trung Quốc chắc sẽ nhìn thế giới với một quan điểm có cấp bậc trên dưới (hierarchical view), căn cứ trên chủng tộc và văn hóa.”
Mặc dù đã từng làm chủ bút tạp chí Marxism Today (Chủ nghĩa Mác Ngày nay) cho đến khi tập san này đóng cửa năm 1991 (thật đúng lúc), Martin Jacques cũng từng dạy học ở Singapore nên ông có thể chịu ảnh hưởng của chính phủ nước này, như họ vẫn đề cao vai trò văn hóa trong truyền thống Hán tộc. Ông thấy truyền thống trọng “tinh thần gia trưởng” (paternalism) trong Khổng Giáo vẫn còn rất mạnh trong xã hội Trung Hoa. Họ sẽ khôi phục và đề cao các giá trị trong truyền thống đó, để đối chọi với nền văn minh Tây phương. Ðặc biệt là đối với những nước chung quanh, Martin Jacques cho là chính quyền Trung Quốc sẽ làm sống lại quy chế “thần phục” giống như các nước Triều Tiên, Nhật Bản, và Việt Nam đã chấp nhận trong thời gian trước thế kỷ 20.
Nhưng tiên đoán tương lai Trung Quốc theo lối đó có thể là một việc làm sỉ nhục chính người Trung Hoa. Liệu từ nay cho đến cuối thế kỷ 21, các thế hệ người Trung Hoa có chấp nhận sống theo lối “gia trưởng,” trên bảo dưới nghe như thời nhà Ðường, nhà Minh, nhà Thanh hay không?

Trong dịp kỷ niệm 20 năm biến cố Thiên An Môn vừa rồi, nhà tranh đấu dân quyền Vương Ðán đã phát biểu về tương lai nước ông. Ông khẳng định rằng không sớm thì muộn, Trung Quốc sẽ được dân chủ hóa. Ông tin tưởng là “thế hệ 89” của những thanh niên đã sống qua biến cố Thiên An Môn sẽ thay đổi đất nước họ, trong đó có “những thay đổi về ý thức hệ và về định chế.” Ông nêu lên bốn mục tiêu: Thịnh vượng, Ổn định, Tự do, và Công lý (Prosperity, Stability, Freedom, and Social Justice). Với bốn giá trị căn bản đó, ông tin là người Trung Hoa sẽ lập nền tảng cho một Ðệ Tam Cộng Hòa, tiếp theo hai định chế quốc gia chính trị mà Tôn Dật Tiên (1911) và Mao Trạch Ðông (1949) đã dựng lên.

Trong đầu óc thế hệ trẻ và trung niên ở Trung Quốc, lý tưởng vẫn là xây dựng một xã hội dân chủ tự do chứ không phải là một quốc gia theo tinh thần gia trưởng. Martin Jacques đã nhắc lại những lập luận của chính phủ Singapore khi họ biện minh cho chính sách kiểm soát xã hội một cách chặt chẽ. Họ cho là truyền thống văn hóa Á Ðông coi trọng tập thể hơn cá nhân, sử dụng quan hệ xã hội nhiều hơn dùng luật pháp, và coi tình trạng ổn định tốt hơn là tự do.
Có hai điều mà những người lập luận như vậy đã quên hoặc cố ý bỏ qua. Một là không phải chỉ có nền văn minh Trung Quốc mới có đặc tính như thế. Ngay tại các nước Âu châu suốt cả ngàn năm trước khi có những cuộc cách mạng đòi quyền cho con người và quyền của người công dân thì hệ thống giá trị cũng tương tự như vậy. Mặt khác, ngay trong truyền thống Trung Hoa từ thời Xuân Thu đã có những trào lưu tư tưởng đề cao việc sử dụng luật pháp (Hàn Phi Tử) và đề cao tự do cá nhân (Lão, Trang, Dương Chu).
Trong hơn hai ngàn năm sau đó, chính quyền quân chủ ở Trung Quốc đã lợi dụng Khổng Giáo làm tư tưởng chỉ đạo cho xã hội, nhưng họ áp dụng phương pháp cai trị của Pháp gia, và ngay trong giới Nho sĩ mọi người vẫn sống theo tư tưởng phóng khoáng của Lão, Trang. Ngay trong tư tưởng Khổng Giáo, Mạnh Tử là người đề cao dân quyền rõ rệt khi ông xác định rằng người dân quý hơn quốc gia còn ông vua thì không đáng kể (dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh). Ông vua không đáng kể vì Mạnh Tử công nhận quyền của người dân khi họ nổi lên giết các ông vua Kiệt, Trụ. Chế độ quân chủ chuyên chế chỉ bắt đầu được các lý thuyết gia theo Nho Giáo biện hộ mạnh mẽ kể từ đời nhà Tống, từ thế kỷ 11, với hậu quả là ba bốn thế kỷ sau nền văn minh Trung Hoa bắt đầu suy sụp. Liệu người Trung Hoa có muốn trở lại với quá khứ đó hay không?

Có lẽ Martin Jacques đã coi thường phong trào đòi tự do dân chủ ở Trung Quốc vì hiện nay chế độ độc tài của đảng Cộng Sản còn rất mạnh. Nhưng ông quên rằng chính nhóm người thống trị nước Trung Hoa hiện nay đang theo một chủ nghĩa ngoại lai đầy sai lầm chứ không phải theo Khổng Mạnh. Họ dùng chiêu bài ý thức hệ Cộng Sản để làm bình phong bảo vệ địa vị và quyền lợi kinh tế của giai cấp thống trị. Ai cũng biết đó là một tấn tuồng giả mạo, dối trá. Có thể nào một tỷ người Trung Hoa chấp nhận hy sinh các quyền tự do căn bản của mình để đánh đổi lại được thấy quốc gia họ được đóng vai thống ngự thế giới hay không? Ðó có thể là một thủ đoạn mà chính quyền Cộng Sản đang sử dụng nhằm ru ngủ dân chúng. Nhưng chắc người Trung Hoa không dễ đánh lừa như vậy. Và chắc chắn không ai có thể đánh lừa họ lâu như như Martin Jacques tiên đoán.

Ðối với người Việt Nam thì trước mối đe dọa của “đế quốc văn hóa Trung Quốc” mà Martin Jacques tưởng tượng, chúng ta cần “giành độc lập” bằng cách xác định lại tất cả những gì trong văn hóa Việt Nam khác hẳn người Trung Hoa. Từ đạo luật Hồng Ðức vào thế kỷ 15, dân tộc Việt Nam đã làm công việc khẳng định đó. Phong tục và luật lệ Việt Nam tôn trọng quyền cá nhân hơn cách sống của người Trung Hoa dưới sự cai trị của nhà Minh, nhà Thanh. Tiêu biểu là phong tục Việt Nam tôn trọng quyền của phụ nữ hơn phong tục Trung Hoa. Trong các thế kỷ 19, 20 người Việt Nam đón nhận các trào lưu văn hóa thế giới một cách rộng rãi hơn đầu óc bảo thủ nặng nề ngự trị xã hội Trung Quốc. Trong khi tìm cách xác định hồn tính dân tộc Việt, chứng tỏ nền văn hiến Việt Nam không phải chỉ là một bản sao chép của văn minh Trung Quốc, người Việt ngay tự bây giờ phải xây dựng tự do dân chủ để cho thấy dân tộc ta có khả năng bước đi những bước trước người Trung Quốc. Khi những chính quyền Việt Nam được dân chúng bầu lên theo các thể thức tự do dân chủ, thì những người cầm đầu chính quyền đó có khả năng mạnh hơn để chống lại những áp lực từ nước láng giềng phía Bắc.

Nhưng niềm hy vọng lớn nhất của dân Việt Nam, và của thế giới, vẫn là tương lai một nước Trung Hoa dân chủ hóa. Chính cái “Ðế quốc Văn hóa” mà Martin Jacques tưởng tượng sẽ là một ảo ảnh. Loài người đang tiếp tục trao đổi các giá trị văn hóa cũng như các sản phẩm kinh tế. Cuối cùng, nền văn minh nhân loại ở bất cứ nơi nào cũng sẽ tôn trọng quyền làm người và quyền công dân trong mỗi quốc gia. Khi hơn một tỷ người Trung Hoa được sống trong tự do dân chủ và người Việt Nam cũng sống trong tự do dân chủ thì mọi người có thể sống chung trong hòa bình, mọi tranh chấp về lãnh thổ, về hải phận sẽ được giải quyết ôn hòa trong luật pháp quốc tế. Sẽ không còn cảnh chính quyền một nước phải quỵ lụy thần phục “thiên triều” nữa.

No comments:

Post a Comment