Tàu Trung Quốc đuổi tàu cá VN, nhà cầm quyền Hà Nội lặng thinh
Thursday, June 04, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=95981&z=1
Việt Nam sẽ không còn đánh cá xa bờ?
HÀ NỘI 4-6 (NV) .- Tàu tuần Trung Quốc cải biến thành tầu kiểm soát đánh cá đã chận giữ, lục soát và đuổi tàu đánh cá của Việt Nam đang hành nghề trên biển Đông. Báo Trung quốc loan tin này kèm theo những lời bình luận khinh mạn, láo xược trong khi nhà cầm quyền Hà Nội nín thinh.
Bản tin ngắn của báo Trung quốc có tiêu đề “Tàu tuần tiễu Ngư Chính củathành phố Chu Hải tuần tiễu Hoàng Sa,đuổi một tàu cá đánh bắt cá phi pháp”.
Bản tin này kể rằng “Ngày 19/5, tàu Ngư Chính số 44183 thuộc đội tàu cá Ngư Chính của Chu Hải lầnđầu tiên tham gia tuần tiễubiển quầnđảo Hoàng Sa đã phát hiện một tàu cá của nước láng giềng đang đánh bắt cá phi pháp tại vùng biển nước ta. Tàu Ngư Chính Trung Quốc 44183 và tàu Ngư Chính Trung Quốc 44061 lập tức bao vây, áp mạn và tức tốc tiến hành kiểm tra.
Dưới sự chỉ đạo của nhân viên chỉ huy tuần tiễu biển, các nhân viên có chức năng của ta đã cảnh cáo chiếc thuyền này, áp tải nó rời khu vực phạm vi biển nước ta.”
Bản tin này được nhà báo, nhà văn Trang Hạ dịch và phổ biến trên web www.leminhphieu.com trong đó ghi “Tin và ảnh: Lý Truyền Trung, phóng viên đặc phái khu vực quần đảo Hoàng Sa.”
Không những báo Trung Quốc viết bản tin như vậy, dưới bài báo trên, theo Trang Hạ, “có 72 lời bình luận của độc giả, phản ảnh khá rõ quan điểm của người dân Trung Quốc” mà chị tạm dịch:
“- Sao Philippine bắt thuyền TQ còn phạt, mà mình chỉ đuổi tàu vi phạm thôi?
- Những tàu cá Việt Nam vi phạm thì nên bắn chìm!
- Bắt lấy đánh cho một trận rồi vứt xuống biển.
- Dân TQ thấy việc xử lý ôn hoà này rất khó chịu.
- Tại sao không nói rõ là tàu nước nào?
- Chắc chắn là bọn chó Việt Nam rồi.
- Đáng lẽ phải thu ngư cụ rồi phạt nặng mới phải.”
Bảng số QNG 94734 của chiếc tàu đánh cá Việt Nam được hiểu là ký hiệu của tàu đăng ký tại tỉnh Quảng Ngãi.
Bản tin trên dẫn đường nối kết vào các các bài khác liên quan như sau:
http://big5.chinanews.com.cn:89/gn/news/2009/05-26/1708831.shtml “Đuổi 5 tàu cá nước ngoài đánh bắt phi pháp tại lãnh hải TQ”: “Hôm 19 (tin đã dịch) phát hiện tàu cá có 12ngư dânxâm phạm cách cảng Tam Á 90 hải lý”. “Hôm 24 kiểm tra và đuổi 4 tàu”.
http://big5.chinanews.com.cn:89/gn/news/2009/05-25/1706346.shtml Xã luận: “Chuyến tuần tiễu của các tàu ngư chính là hợp pháp”.
Giữa Tháng Năm, Trung quốc loan báo cấm đánh cá từ ngày 16/5 cho đến ngày 1/8/2009 trên biển Đông trong gồm cả các khu vực biển gần các quần đảo Hoàng sa và Trường Sa mà Việt Nam xưa nay khẳng định chủ quyền lãnh thổ “không thể tranh cãi”.
Ngày 16/5/2009, Lê Dũng, phát ngôn viên Bộ Ngọai Giao CSVN tuyên bố: “'Việt Nam khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hành động của nước ngoài đối với hai quần đảo này cũng như trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các khu vực này.Trong quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho các tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam cho rằng các bên liên quan cần tuân thủ Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và 'Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông' (DOC), không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.'
Ngay sau lời tuyên bố của ông Dũng, Trung Quốc đưa ngay tàu Ngư Chính 44183 là tàu tuần tra ngụy trang kiểm soát đánh cá (tàu kiểm soát đánh cá lớn nhất của họ) tới biển Đông. Không ngừng ở đó Trung Quốc còn gửi tổng cộng 8 tàu Ngư Chính khác đến khu vực như một sự thách đố và đe dọa.
Bản tin của báo Trung quốc nói đã đuổi 5 táu đánh cá Việt Nam nhưng không thấy ông Lê Dũng nói gì. Cũng không thấy có tin tức gì cho thấy nhà cầm quyền Hà Nội tích cực bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ngoài vài câu nói suông, từ đó đến nay.
Một tuần trước khi ông Lê Dũng phản đối mồm cái lệnh cấm đánh cá trên biển Đông của Trung quốc, báo Tuổi Trẻ có bài viết “Hãi hùng những chuyến ra khơi”.
Bài viết này thuật chuyện ông Trần Văn Thu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho coi “vết sẹo to trên cánh tay” là hậu quả của vụ tàu ông bị “tàu nước ngoài đuổi bắt trên biển”.
Tàu của ông đánh cá tại một địa điểm gần quần đảo Hoàng Sa thì bị “Họ dùng tàu lớn rượt đuổi rồi bắn xối xả nên tàu mình bị thủng”.
Một ngư dân khác tên Trần Khanh cho hay bị Trung Quốc bắn tàu và bỏ tù 4 tháng. Ông Khanh kể: “Bị giam trong cảnh đói khát, lo âu, người bị phù thủng. Khi được thả về, chân bước không nổi”.
Đài BBC từng tường thuật một số vụ tàu đánh cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắn, ngư dân lớp chết lớp bị thương đều bị lôi về đảo Hải Nam và bắt chuộc. Các ngư dân sống sót trở về bị cấm không được tiếp xúc với báo chí.
Ngày 1/6/09, báo SGTT có bài viết “Ngư trường phong tỏa, tàu cá nằm bờ”.
Bài báo viết “Tháng 5, mùa đi biển của các ngư dân miền Trung nhưng nhiều tàu đánh cá tại Đà Nẵng vẫn nằm bờ. Hàng chục tàu đánh bắt cá xa bờ cắm neo nằm im ỉm dưới chân cầu Sông Hàn. Hầu hết các chủ tàu và ngư dân tránh ra khơi vì bị “cắt” đường ra biển và âu lo nhiều vấn đề khác đang rình rập họ giữa biển khơi.”
Bài báo này thuật lời ngư dân cho hay họ “sợ tàu vũ trang hơn sợ bão biển” hàm ngụ cho hiểu ngư dân Việt Nam đánh cá trên vùng biển thuộc chủ quyền nước mình, bị hiếp đáp và không được bảo vệ.
SGTT kể: “Thuyền trưởng tàu ĐNa 66073 Lê Bá Cường cho biết: Việc cấm đánh bắt cá của Trung Quốc rõ ràng làm ảnh hưởng lớn đến ngư dân miền Trung. Họ cấm ở toạ độ 12 độ vĩ bắc tới 113 độ kinh đông kéo dài gần đảo Hải Nam đến tận Nha Trang làm “bịt” đường ra biển của ngư dân. Trước đây, đánh bắt cá gần các đảo Hoàng Sa chừng 20 hải lý là tương đối an toàn, nay đánh bắt cách xa gần 200 hải lý nhưng vẫn bị cấm. “Sợ nhất là những chiếc thuyền có súng…”, Cường kể lại. Cường cho biết, sau chuyến đi biển này chưa biết khi nào anh sẽ ra khơi lại. Phải chờ cấp trên giải quyết vấn đề để mọi việc êm thấm, khi đó tàu anh mới ra khơi.”
Theo báo Tuổi Trẻ ngày 7/5/09 “Theo thống kê của bộ đội biên phòng Quảng Ngãi, trong năm 2006, ở Quảng Ngãi có 22 tàu với 240 lao động bị nước ngoài bắt giữ. Năm 2007 có 25 tàu với 319 lao động bị bắt, trong đó có bảy ngư dân bị bắn bị thương, hai ngư dân bị bắn chết.
Hai tháng đầu năm 2008, ở Quảng Ngãi lại có 15 thuyền và 85 lao động bị nước ngoài bắt giữ. Những trường hợp bị nước ngoài bắt hầu hết bị thu giữ tàu, chủ tàu và ngư dân bị phạt tù hoặc phạt tiền, có trường hợp như tàu của ngư dân Nguyễn Văn Quang ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn bị phạt đến 8.000 USD.”
Bắc kinh tự động vẽ lại bản đồ khu vực biển Đông mà họ gọi là Nam Hải, trong đó họ khoanh khu vực ở giữa chiếm đến 80% như hình lưỡi bò là thuộc Trung quốc.
Trước các sự việc Trung quốc bắt giữ và đuổi tàu đánh cá Việt Nam ở vùng biển của Việt Nam cũng như Trung quốc đem cả một đòan tàu tới thi hành việc cấm đánh cá trên biển Việt Nam, ngày 25/5/2009,
Phạm Gia Khiêm, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngọai Giao CSVN “đã có cụôc gặp làm việc” với Dương Khiết Trì, Bộ trưởng Ngọai Giao Trung quốc. Web Bộ Ngọai Giao CSVN loan báo như vậy và kể rằng: “Về vấn đề biên giới lãnh thổ, hai bên nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ để nhanh chóng hoàn tất những công việc còn lại trong công tác phân giới cắm mốc, đồng thời tích cực đàm phán về các vấn đề trên biển… Hai bên bày tỏ hài lòng về kết quả hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao thời gian qua và nhất trí sẽ phát huy hơn nữa vai trò đầu mối của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc trong việc thúc đẩy các bộ ngành và địa phương hai nước triển khai thật tốt các nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước.”
Ngày 4/6/09 web Đảng Cộng Sản CSVN đưa tin ca ngợi “Liên hoan hữu nghị nhân dân biên giới Việt –Trung 2009 sẽ diễn ra tại Phòng Thành và Móng cái” các ngày từ 5/6 đến 8/6/09 là “Tình hữu nghị Việt- Trung là truyền thống tốt đẹp của hai nước Việt-Trung và là tài sản quý giá của nhân dân hai nước. Việc tăng cường sự giao lưu, hiểu biết, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân vùng biên là nhân tố quan trọng không thể thiếu được trong quá trình phát triển của mỗi nước.”
Bị Trung Quốc cấm đánh cá xa bờ ngay trên vùng biển của mình vào khoảng thời gian đánh cá thuận lợi nhất, nhiều ngư dân đã bán tàu. Liệu ngành đánh cá xa bờ của Việt nam còn tồn tại hay từ từ biến mất vì ngư dân không được bảo vệ ngay trên lãnh thổ nước mình?
No comments:
Post a Comment